Trà độc đội lốt cỏ ngọt Sa Pa |
Tác Giả: Nguồn : Dân Việt |
Thứ Hai, 25 Tháng 7 Năm 2011 09:46 |
Nhiều du khách tới thị trấn Sa Pa, Lào Cai đã không tiếc tiền mua bọc lớn, bọc nhỏ “Cỏ ngọt Sa Pa”. Họ không thể ngờ rằng, thứ “thảo dược” ấy lại chính là thành phần làm... thuốc chống nấm mốc tường. Mới đây, đại diện UBND huyện Sa Pa đã phát biểu trên báo đài chính thức khuyến cáo người dân ngừng sử dụng loại thực vật được gọi là “Cỏ ngọt Sa Pa” (nhiều người gọi là “Chè ngọt Sa Pa”), đồng thời cấm tất cả các cơ sở đông nam dược bán mặt hàng nguy hiểm này.
Độc tính rất cao Để tìm hiểu ngọn ngành sự việc, sáng 24.7, phóng viên đã có buổi làm việc với bác sĩ Nguyễn Ngọc Hinh – Phó Chủ tịch UBND huyện Sa Pa. Theo thông tin do ông Hinh cung cấp, cái gọi là “Cỏ ngọt Sa Pa” đang bán trên thị trường thường được gọi là “trà Nhật”, có tên khoa học là Hydrangea macrophylla Seginge var thunbergii Makino, thuộc họ Tú cầu. Trong khi đó, cỏ ngọt “xịn” chưa hề được trồng ở Sa Pa. Tên gọi “trà Nhật” là do người dân địa phương tự đặt, vì đây là loại cây được Công ty Honso (Nhật Bản) mang tới Việt Nam giới thiệu. Căn cứ vào bản hợp đồng ký kết giữa Công ty Honso và Viện Dược liệu T.Ư năm 1992, Sa Pa cùng với Bắc Hà (Lào Cai) và Tam Đảo (Vĩnh Phúc) là ba địa điểm được chọn để trồng cây “trà Nhật” xuất khẩu. Tuy nhiên, đến năm 2011, do bên đặt hàng hạ giá thu mua lá trà khô tới mức không thể thỏa thuận, Viện Dược liệu T.Ư đã quyết định ngừng sản xuất loại cây này. Sốt ruột về tình trạng sản phẩm thừa mứa, cũng như không hiểu rõ công dụng thực sự của “trà Nhật”, hiện vẫn còn 28 hộ gia đình tại thị trấn Sa Pa tiếp tục sản xuất trà Nhật sấy khô, bán ra thị trường với giá 100.000 đồng/kg. Tin vào lời quảng cáo, khách du lịch vẫn… hồn nhiên mua, vì nghĩ đây là thảo dược có tác dụng chữa béo phì, tiểu đường, có lợi cho sức khỏe. Cần nói thêm là phúc đáp văn bản đề nghị của UBND huyện Sa Pa, từ năm 2007, Viện Dược liệu T.Ư chính thức khẳng định, trà Nhật có độc tính khá cao, với trị số LD50 = 37,5g/kg chuột. Ngay lập tức, chính quyền địa phương đã có văn bản yêu cầu các hộ gia đình ngừng sản xuất và ngừng tung sản phẩm “trà Nhật” ra thị trường. Tuy vậy, do tâm lý chạy theo lợi nhuận, “trà Nhật” vẫn được bán ra, nhưng với một “danh nghĩa” khác: Cỏ ngọt Sa Pa. Với hình dáng lá tương tự nhau, và vị ngọt cũng na ná, “Chè ngọt Sa Pa” vẫn qua mặt được vô số khách hàng. Uống thuốc… chống mốc tường Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hinh cho biết, để làm rõ công dụng chính của cây “trà Nhật”, với cương vị là Phó Chủ tịch UBND huyện Sa Pa, ông đã liên lạc với ông Tanaka – đại diện của Công ty Honso tại Việt Nam. Ông Tanaka khẳng định, cây mà người dân quen gọi là “trà Nhật” thực chất có nguồn gốc từ Trung Quốc, dùng để chiết xuất sản xuất thuốc chống... nấm mốc trên tường nhà. Khi được hỏi về lý do công dụng chính của cây “trà Nhật” được công bố quá muộn màng, ông Hinh giải thích: “Khi Công ty Honso thu mua nguyên liệu thô, họ không công khai mục đích sản xuất là gì. Đó cũng là điều dễ hiểu, vì họ không muốn để lộ lọt bí quyết kinh doanh. Hơn nữa, công ty này ký hợp đồng với Viện Dược liệu T.Ư, chứ không ký trực tiếp với huyện Sa Pa”. Trong những năm qua, UBND huyện Sa Pa đã có nhiều văn bản yêu cầu các hộ gia đình ngừng trồng “trà Nhật”, tăng cường kiểm tra, xử lý tiêu hủy sản phẩm trên thị trường. Tuy nhiên, một thực tế không thể phủ nhận là: 28 hộ dân vẫn đang trồng “trà Nhật”, và các cơ sở kinh doanh vẫn lén lút bán sản phẩm này dưới tên “Cỏ ngọt Sa Pa”, đánh lừa người tiêu dùng. “Xử phạt hành chính bao giờ cũng là biện pháp hiệu quả. Nhưng muốn làm được vậy thì phải có cơ sở pháp lý vững chắc. Trong khi đó, chưa có một văn bản cấp nhà nước nào đưa “trà Nhật” vào danh sách các loại cây cấm trồng” - ông Nguyễn Ngọc Hinh chia sẻ. |