Đời đời tưởng nhớ những liệt sĩ Việt Nam
Biểu Tình ở Hà Nội, Vinh Danh 74 Tử Sĩ VNCH ở Hoàng Sa 1974; Biểu ngữ do 2 phụ nữ mặc áo dài cầm, đi dẫn đầu cuộc biểu tình
|
Bản tin đài RFI kể rằng, vào ngày Chủ Nhật 24/7/2011, ít nhất 300 người đã biểu tình tại Hà Nội chống lại các hành động gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông. Đây là cuộc xuống đường lần thứ 8 phản đối Trung Quốc, đặc biệt là sau vụ nhân viên công an có hành động thô bạo với người biểu tình vào tuần trước.
Đặc biệt, trên tấm ảnh đăng trên RFI, cho thấy người biểu tình giăng biểu ngữ vinh danh các chiến sĩ VNCH đã tử trận trong khi kháng cự hải quân Trung Quốc để bảo vệ Hoàng Sa năm 1974. Và kế tiếp là vinh danh 64 chiến binh CHXHCNVN tử trận ở Trường Sa năm 1988.
Đó là lần đầu tiên lời vinh danh chiến binh VNCH tử trận được viết thành biểu ngữ để đi đầu trong cuộc biểu tình tại Hà Nội. Biểu ngữ viết: “Đời đời tưởng nhớ những liệt sĩ Việt Nam: 74 binh sĩ hy sinh tại Hoàng Sa năm 1974 64 binh sĩ hy sinh tại Trường Sa năm 1988.” Hình ảnh trên RFI cho thấy 2 phụ nữ mặc áo dài, trang trọng cầm biểu ngữ dẫn đầu cuộc biểu tình...
Điều bi thảm của ngày Chủ Nhật 24/7/2011 là: không có cuộc biểu tình nào thực hiện được ở Sài Gòn, nơi dân chúng bị đàn áp gay gắt, bất kể rằng các chiến binh VNCH tử trận năm 1974 là con em của chính thể Saì Gòn.
Bản tin RFI trích thuật như sau. “Hãng thông tấn Pháp AFP nhắc lại, hai cuộc biểu tình trước đó đã bị chính quyền Hà Nội đã giải tán bằng vũ lực, do đã có thỏa thuận với Bắc Kinh là sẽ “định hướng dư luận”.
Lần này đoàn biểu tình không tập trung trước Đại sứ quán Trung Quốc như những lần trước, mà tuần hành dọc theo hồ Hoàn Kiếm ở ngay trung tâm thành phố, nơi có đông đảo người qua lại cũng như nhiều du khách ngoại quốc. Nhiều người mặc áo thun có in biểu tượng đường lưỡi bò bị gạch chéo, để phản đối đường yêu sách 9 đoạn hình chữ U do nhà cầm quyền Trung Quốc tự ý vạch ra, đòi hỏi chủ quyền trên hầu hết diện tích Biển Đông.
Điểm đặc biệt nữa là, những người biểu tình mang các biểu ngữ đề tên những người lính đã hy sinh trong các trận đánh chống lại quân Trung Quốc tấn công vào các đảo do Việt Nam đang chiếm giữ trên Biển Đông. Có biểu ngữ ghi rõ: “ Đời đời tưởng nhớ những liệt sĩ Việt Nam: 74 binh sĩ hy sinh tại Hoàng Sa năm 1974, 64 binh sĩ hy sinh tại Trường Sa năm 1988”.
Theo hãng tin Pháp, tình hình Biển Đông bắt đầu căng thẳng kể từ tháng 5, khi tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam, đã khiến người dân Việt Nam cay đắng nhớ lại lịch sử một ngàn năm Bắc thuộc và gần đây nhất là trận chiến tranh biên giới năm 1979.
Hãng AFP ghi nhận, trong số các biểu ngữ có cả tấm ảnh chụp lại cảnh một nhân viên công an đạp vào mặt một người biểu tình đang bị khiêng lên xe buýt vào tuần trước. Đoạn video ngắn này đã nhanh chóng được phổ biến trên internet, gây nên một làn sóng phẫn nộ của cư dân mạng.
Nhà văn Nguyên Ngọc trên blog Nguyễn Xuân Diện đã viết: “Đánh dân yêu nước, chỉ có mỗi một tội là biểu lộ lòng yêu nước, chống ngoại xâm, nhất thiết phải bị nghiêm trị.” Blog này vốn là nơi tường thuật trực tiếp các cuộc biểu tình, và quy tụ được nhiều nhân sĩ, trí thức.
Những người xuống đường cũng dự định sẽ kêu gọi Quốc hội thông qua các luật lệ cho phép người dân biểu tình vốn được ghi trong Hiến pháp, nếu lần này lại bị đàn áp. Nhưng theo blog Ba Sàm, thì tuy công an tiếp tục chặn lối vào Đại sứ quán Trung Quốc và gọi loa yêu cầu giải tán, nhưng không có những hành động thô bạo như tuần trước. Cũng theo blog này, thì có đến 5 – 600 người tham dự tuần hành một cách hòa bình, thu hút nhiều người đi đường tham gia.
Trả lời RFI Việt ngữ qua điện thoại viễn liên, Tiến sĩ Nguyễn Quang A đã kể lại những trở lực đã gặp phải trong cuộc biểu tình sáng nay tại Hà Nội. Ông đã không dằn được cảm xúc khi nói về việc những người biểu tình đã vinh danh các liệt sĩ đã hy sinh tại Hoàng Sa và Trường Sa với các biểu ngữ ghi tên các chiến sĩ Việt Nam đã ngã xuống trước họng súng của quân Trung Quốc.
Chuyện của tôi thì tóm gọn lại như thế này. Chắc là người ta muốn ngăn tôi không đến nơi biểu tình được. Chúng tôi đi xe máy ra thì có hai người an ninh bám theo sau. Và chắc là họ liên hệ với nhau, nên đi đến khoảng giữa đường thì có hai cảnh sát giao thông xuất hiện và ra hiệu cho chúng tôi dừng xe. Họ kiểm tra giấy tờ và họ bảo là giấy đăng ký xe hơi mờ, có nghi vấn nên mời con trai tôi và tôi về công an phường để giải quyết.
Thế thì tôi hỏi họ, trao đổi với họ một cách rất là thân mật, xem là họ có những quyền gì, họ được kiểm tra những gì. Sau đó thì tôi xuất trình tất cả những giấy tờ tùy thân của tôi. Tôi bảo thế thì bây giờ là xong rồi, tôi phải đi. Thì họ nói rằng, không, tôi là người có liên quan đến cái xe này, ngồi trên xe, thì phải về công an phường để giải quyết, như là một người làm chứng.
Tôi mới bật máy điện thoại của tôi lên ở chế độ ghi hình, và tôi hỏi tên anh đó. Tôi nói rằng nếu anh làm không đúng chức trách thì tôi sẽ kiện. Bởi vì theo tôi biết là tôi đã hỏi anh, anh nói là anh có những quyền như thế để kiểm tra, tôi đã xuất trình đầy đủ. Tôi không bàn cãi với anh về chuyện anh có thực có quyền hay không. Nếu mà anh làm quá cái quyền của anh được luật cho phép thì tôi sẽ kiện! Kiện anh và kiện cấp trên của anh ra trước tòa!
Thế thì anh ta không nói gì cả, và tôi bắt đầu đi bộ trên vỉa hè. Tôi bắt xe ô tô buýt để ra gia nhập vào đoàn biểu tình. Như thế là tôi có chậm năm, mười phút gì đó, khi đó thì đoàn biểu tình đã rời khỏi khu tượng đài Lý Thái Tổ và bắt đầu xuống Hồ Gươm. Tôi tham gia đi suốt với an hem hơn hai giờ rưỡi đồng hồ.
Cuộc biểu tình chấm dứt vào lúc 11 giờ 15 phút. Mọi người ra về vui vẻ. Hôm nay không có một sự cố gì đáng tiếc xảy ra, nói chung là diễn ra rất là ôn hòa. Rất là đông so với những lần trước, ít ra là phải gấp năm sáu, bảy lần.
Có một chuyện rất là cảm động, nhiều người theo dõi cuộc biểu tình không thể kìm được nước mắt. Đó là nêu tên của tất cả các liệt sĩ ở Hoàng Sa và Trường Sa.
(Nói đến đây vì Tiến sĩ Nguyễn Quang A quá xúc động, chúng tôi đã dừng lại đôi chút trước khi hỏi tiếp...).” |