Trương Tấn Sang làm chủ tịch nước |
Tác Giả: Người Việt |
Thứ Bảy, 23 Tháng 7 Năm 2011 17:34 |
HÀ NỘI 23-7 (NV) - Sau khi Nguyễn Sinh Hùng được bỏ phiếu “nhất trí” trở thành chủ tịch Quốc Hội ngày 23 tháng 7, ông này nhanh chóng “đề cử” ông Trương Tấn Sang, thường trực Ban Bí Thư của Bộ Chính Trị đảng CSVN làm chủ tịch nước.
Trương Tấn Sang từ nay đóng vai chủ tịch nước. (Hình: HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images) Trên hình thức, chủ tịch nước “do Quốc Hội bầu trong số đại biểu Quốc Hội”. Nhưng trong thực tế, các chức vụ chóp bu trong đảng, chính phủ và Quốc Hội đều chỉ là sự chia chác theo phe đảng của những kẻ nắm nhiều thực quyền nhất trong hệ thống đảng. Quốc Hội của chế độ tuy được tiếng là “cơ quan quyền lực cao nhất nước” thực sự chỉ đóng vai trò giơ tay “nhất trí” cho thêm màu mè dân chủ. Ông Nguyễn Sinh Hùng nhiều tai tiếng không thua ông Nguyễn Tấn Dũng nhưng vẫn được đưa lên ghế chủ tịch Quốc Hội. Ông Trương Tấn Sang, tuy ít tai tiếng hơn, ở Bộ Chính Trị từ 15 năm qua, từ khi được làm bí thư thành ủy Sài Gòn và vào Bộ Chính Trị năm 1996. Ông Sang, cùng 62 tuổi như Nguyễn Tấn Dũng, bị mất ghế bí thư thành ủy Sài Gòn năm 2000 vì tai tiếng che dù cho băng đảng xã hội đen Năm Cam hoạt động. Bị tổng bí thư đảng hồi đó, Lê Khả Phiêu, đưa về trung ương ngồi làm “Ban Kinh Tế Trung Ương” một thời gian dài. Ðến năm 2006 mới lên được ghế “Thường trực Ban Bí Thư” trung ương đảng. Xưa nay, người ta không thấy ông Sang viết lách gì nhưng ngày 29 tháng 11, 2010 thấy có một bài viết trên tờ tạp chí Cộng Sản, cơ quan lý luận trung ương của đảng CSVN, ký tên Trương Tấn Sang. Bài viết này kêu gọi đảng viên “nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh chống diễn biến hòa bình”. Tin của một số hãng thông tấn quốc tế hồi Tháng Giêng 2011 khi có cuộc đại hội đảng nói rằng, có thể chức vụ chủ tịch nước được tăng thêm một số quyền hạn. Ðây là kết quả của những vụ đấu đá, mặc cả giữa các phe nhóm trong đám chóp bu của đảng CSVN. Tin tức chung quanh đại hội đảng nói cả hai ông Trương Tấn Sang và Nguyễn Tấn Dũng đều nhắm cái ghế tổng bí thư nhưng vì một số lý do, ông Sang phải nhận ghế chủ tịch nước trong khi ông Dũng vẫn ôm tiếp cái ghế thủ tướng. Một số bản tin quốc tế cũng từng cho rằng thực quyền trong hệ thống quyền lực ở Việt Nam nằm trong tay ông Nguyễn Tấn Dũng, không phải trong tay ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dù cái ghế của ông Trọng cao trên hết tất cả các ghế khác.
|