Home Tin Tức Thời Sự Báo Việt Nam: Playboy hóa có định hướng

Báo Việt Nam: Playboy hóa có định hướng PDF Print E-mail
Tác Giả: Tạ Phong Tần   
Thứ Bảy, 23 Tháng 7 Năm 2011 11:16

Báo chí đã bị “soi” kỹ, mà vẫn cứ tha hồ “playboy hóa” thì chỉ có thể hiểu rằng “báo ta” đã được “bật đèn xanh”

 

Báo chí nhan nhản chuyện "mông, đùi, ngực"...

Tuần rồi, ba tờ báo “lề phải” là Thể Thao & Văn Hóa, Tuổi Trẻ, Người Lao Động đồng thanh “la làng” về việc mà họ gọi là “thảm họa playboy hóa báo chí”. Kèm theo là những dẫn chứng, hình ảnh minh họa cho độc giả thấy cái sự “la làng” của họ là có chứng cứ và chính đáng.

Tờ NLĐ “tổng kết”: “Không phải báo in không chơi kiểu “playboy” đâu nhé! Vẫn có. Chỉ những tờ báo in khổ lớn mới còn đủ thận trọng với loại bài vở, hình ảnh câu khách kiểu này. Chứ một số báo in dạng tạp chí, hình thức sang trọng, dày cộp thì chẳng từ nan… Trong khi chưa có thể cho phép xuất hiện những tờ báo chuyên về ngực, mông, đùi thì rất cần có những biện pháp dưới luật để giúp cho báo chí “thanh lọc cơ thể” phần nào, đừng vì ham lượng truy cập khủng để câu quảng cáo mà trở thành những đầu bếp tệ hại khiến khách hàng của mình ngộ độc thực phẩm!”, “So với một số thảm họa trong ca khúc, việc “playboy hóa” báo chí là thảm họa kinh hoàng hơn một khi báo chí đã tự chối bỏ đẳng cấp truyền thông của mình là dẫn dắt thông tin để rồi hân hoan biến mình thành vườn cải đầy sâu bệnh!”.

Thoạt nghe họ kêu gào, người đọc cứ tưởng rằng báo chí Việt Nam bây giờ quá đỗi tự do, muốn viết gì thì viết, muốn in hình gì thì in, ở Mỹ chỉ có 1 tờ Play Boy, còn Việt Nam với hơn 700 đầu báo thì tờ nào cũng có thể là Play Boy tất, tờ báo muốn đăng gì thì đăng, tự đăng tự chịu trách nhiệm, tự do báo chí ở Việt Nam thời gian gần đây còn hơn xứ Mỹ, sướng thiệt! Nếu thật sự như vậy thì thiệt là phúc đức ba đời cho người dân Việt Nam, đâu cần phải đấu tranh đòi tự do, dân chủ chi cho mệt.

Nhưng nếu điểm lại những “cơn địa chấn” xảy ra trong làng báo “lề phải” Việt Nam từ năm 2007 đến nay thì thấy không phải báo “lề phải” cứ muốn đăng gì thì đăng theo ý mình.

Trước hết là chuyện ông Lý Tiến Dũng- Phó Tổng Biên Tập báo Đại Đoàn Kết (trực thuộc Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam) bị mất việc vì đăng thư đại tướng Võ Nguyên Giáp phản đối  vụ phá hội trường Ba Đình (tất cả các tờ báo “lề phải” khác đều từ chối đăng).

Tiếp theo, các cuộc biểu tình cuối năm 2007, đầu năm 2008 của sinh viên, trí thức ở Sài Gòn và Hà Nội phản đối Trung Quốc chiếm giữ Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam đều không tờ báo nào nhắc đến một chữ. Tòa soạn báo Du Lịch (trực thuộc Tổng cục Du Lịch Việt Nam) bị đóng cửa, mấy chục cán bộ tờ báo từ trên xuống dưới bị “chuyển nghề” vì đã đăng bài “Tản mạn cho đảo xa” nói về những cuộc biểu tình này.

Kế tiếp là các ông Lê Hoàng, Nguyễn Công Khế và một số cán bộ cấp giữa của tờ Tuổi Trẻ, Thanh Niên đều bị kỷ luật, mất chức vì đã đăng bài bênh vực “gà nhà” của mình là 2 phóng viên Nguyễn Văn Hải, Nguyễn Việt Chiến.

Tờ Người Lao Động vừa đăng tin ngày 18/02/2009 người dân xã Long Hưng, huyện Long Thành, Đồng Nai phong tỏa, bao vây, đập phá trụ sở UBND xã để phản đối việc dân bị thu hồi đất để làm khu du lịch sinh thái, bồi thường với giá rẻ mạt. Bài báo lên mạng internet chưa đầy 30 phút đã bị giật xuống ngay lập tức, tuy nhiên, vẫn còn bản lưu chình ình trên máy chủ Google.

Bài viết “Chính danh, bút danh, nặc danh và mạo danh” của Tiến sĩ Nguyễn Quang A đăng trên trang bee.net.vn (Khoa học & Đời sống) hồi 18 giờ 10’ ngày 11/5/2011, dù đã bị bee.net.vn cắt bớt (cho an toàn?) nhưng đến 20 giờ cùng ngày cũng bị giật xuống nốt, vì những kẻ “tai to mặt bự” có “nhà nước ta” chống lưng mà chơi kiểu nặc danh cảm thấy “chạm nọc” chăng? Tuy nhiên, may mắn làm sao, vẫn còn bản lưu lại trên những trang mạng khác để cho cả thế giới người Việt “chiêm ngưỡng” nền báo chí “lề phải” Việt Nam.

Gần đây nhất, ông Tây André Menras Hồ Cương Quyết viết một bài tựa “Hãy lên tiếng, dõng dạc và minh bạch” gởi đến báo điện tử “lề phải” Tuần Việt Nam (trực thuộc Bộ 4T), khi đăng tự ý sửa tựa bài thành “Biển Đông: Sợ hải không đẩy lùi thảm họa”. Trang tienve.org đã lật tẩy Tuần Việt Nam, chứng minh cho độc giả thấy: “Bài viết dõng dạc và minh bạch của André Menras Hồ Cương Quyết bị báo Tuần Việt Nam biến thành một bài viết ấp úng và lấp liếm, thậm chí có những chỗ trái ngược hẳn với ý tưởng của André Menras Hồ Cương Quyết”, có “những đoạn/câu bị báo Tuần Việt Nam cắt bỏ hoàn toàn, những đoạn/câu bị báo Tuần Việt Nam sửa đổi cho lệch ý, và những đoạn/câu do báo Tuần Việt Nam sáng tác thêm”.

Sau cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc ngày 05/6/2011 của người dân Sài Gòn, Hà Nội, các báo đều đăng lại bản tin của TTXVN y chang nhau, đều gọi “biểu tình” bằng từ “tụ tập”. Phía Bộ Ngoại Giao Trung Quốc lập tức lên tiếng “răn đe” (xem BBC) thì “lề phải” lập tức im ru bà rù như hồi năm 2007, 2008, hết dám mở mồm hó hé gì nữa.
Tin mới nhất, Thanh Niên ngày 30/6/2011 cho hay “đảng ta” chủ trương “Hình thành mạng lưới những ‘hiệp sĩ mạng’ ” và giao cho Hội Liên Hiệp Thanh Niên Việt Nam (ăn lương từ ngân sách) làm “chủ xị”. Mục đích là “xây dựng mạng lưới điều phối viên qua mạng internet để nắm bắt, định hướng hoạt động cho các nhóm, đội thanh niên tự phát…”; tức là các diễn đàn, hội này nọ trên các trang mạng xã hội “đảng ta” cũng “quản ní”, định hướng” tất tần tật, không sót chổ nào; không “quản ní”, “định hướng” được bằng biện pháp hành chính, hình sự một cách chính danh thì “quản ní”, “định hướng” bằng cách sử dụng đội ngũ này. Trước đây, “đảng ta” giấu kín, nhưng giờ đã tự công khai ra. Điều này làm cho không ít người liên tưởng ngay đến “đảng 5 xu” ở Trung Quốc đang được “Việt hóa” tại Việt Nam? Ở Trung Quốc, từ “đảng 5 xu” để chỉ những kẻ chuyên viết bài đăng lên mạng (không phải báo) ca ngợi, tung hô, ủng hộ các chính sách của nhà nước TQ, chửi rủa, nhục mạ, nói xấu cá nhân… những ai phản đối nhà nước TQ, mỗi bài như vậy được nhà cầm quyền TQ trả 5 nhân dân tệ.

Theo Luật Báo chí, tất cả các loại báo, tạp chí đều phải nộp lưu chiểu cho cơ quan kiểm duyệt, và thời gian qua, cơ quan này đã làm việc rất tích cực, đã “săm soi” từng câu, từng chữ, đã rất “được việc” cho “nhà nước ta” và “đảng ta”. Điển hình là các ví dụ đã dẫn ở trên, chẳng lẽ đối với các hình ảnh, thông tin “playboy” thì các vị “bỗng dưng bị đui” hay sao?

Vì vậy, nếu nói báo chí Việt Nam bị buông lỏng, mặc tình “playboy hóa” là kiểu lập luận dối trá, lừa bịp người đọc. Báo chí đã bị “soi” kỹ, mà vẫn cứ tha hồ “playboy hóa” thì chỉ có thể hiểu rằng “báo ta” đã được “bật đèn xanh” cho phép tự do tung hê mông, đùi, ngực, quần chíp… lên mặt báo. Chỉ đến khi “lên ngôi” quá lố, đến nỗi gắn yếu tố khiêu gợi nhục cảm cho một đứa trẻ gái 3 tuổi chưa biết gì khi cháu bé này vô tư ngồi co hai chân trên ghế đá, bị những người đứng đắn phẫn nộ quá, thì các tờ Tuổi Trẻ, NLĐ, TT & VH mới vội vàng “chống đỡ” một cách vụng về.

Số lượng thanh niên đi cổ vũ, chào đón ngôi sao Hàn Quốc, Mỹ đông gấp mấy lần số thanh niên đi biểu tình bày tỏ lòng yêu nước cũng là một “thành công tốt đẹp” của “văn hóa” mông, đùi, ngực… trên báo vừa qua. Hóa ra, báo chí Việt Nam thời gian qua “playboy” có định hướng, có chủ trương?