Việt Nam : Biểu tình bảo vệ chủ quyền bị hạn chế vì không có tự do ngôn luận |
Tác Giả: Tú Anh |
Thứ Sáu, 22 Tháng 7 Năm 2011 08:58 |
Tại Việt Nam, phong trào xuống đường lên án Trung Quốc xâm phạm lãnh thổ đã diễn ra trong suốt 7 tuần lễ. Hành động yêu nước của người dân Việt là sức mạnh trợ giúp cho chế độ Hà Nội đối phó với ý đồ của Trung Quốc xâm chiếm lãnh thổ, vùng biển. Thế nhưng, các hành động trấn áp thô bạo của công an đã cho thấy rõ tại Việt Nam thiếu quyền tự do phát biểu ý kiến. Bắt người trong cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc tại Hà Nội, 17/07/2011 (nguồn: internet) Phẫn uất trước những hành động lấn chiếm biển đảo, sát hại ngư dân Việt Nam tại Biển Đông, người dân Việt Nam đã tự động kêu gọi xuống đường phản đối trước các cơ quan ngoại giao Trung Quốc tại Hà Nội và Sài Gòn vào mỗi chủ nhật. Sự kiện này đã được truyền thông nước ngoài đặc biệt theo dõi và xem đây là điều chưa từng xảy ra tại Việt Nam. Tuy nhiên, vào lúc người dân kêu gọi nhau biểu tình lần thứ 8 vào chủ nhật tới 24/07/2011 thì giới quan sát không còn nghi ngờ gì nữa : Quyền phát biểu, thể hiện lòng yêu nước của dân tộc có truyền thống chống xâm lăng và đã từng bị 1000 năm Bắc thuộc, đã bị chính quyền của mình ngăn chận. AFP ghi nhận : Sau khi tạm « dung thứ » các cuộc tập họp trong năm ngày chủ nhật đầu tiên ở Hà Nội, hai cuộc xuống đường mới nhất đã bị giải tán bằng bạo lực. Thái độ từ « để yên » biến thành « trấn áp » diễn ra sau chuyến đi Trung Quốc của thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Hồ Xuân Sơn mà kết quả không được công bố. Điều duy nhất được thông báo là hai thủ đô đạt đồng thuận không để cho hồ sơ Biển Đông « tác hại đến quan hệ láng giềng tốt ». Trong khi đó, người dân Việt Nam, với các bài học lịch sử từ thời dựng nước và kinh nghiệm trận tấn công quân sự năm 1979 cũng như hai trận hải chiến 1974 và 1988 ở Hoàng Sa và Trường Sa, đã thẳng thừng lên án chính sách bá quyền của Bắc Kinh. Một nhà báo độc lập, xin dấu tên, nói với AFP : Hiện tại, nguyên nhân duy nhất có thể làm cho người dân đi biểu tình, là mối quan hệ Việt Nam-Trung Quốc. Căng thẳng đã gia tăng từ khi Trung Quốc liên tục tấn công phá hoại tàu thăm dò địa chấn của Việt Nam và khủng bố ngư dân đánh cá trong ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa. Trong 7 tuần qua, báo chí Nhà nước rụt rè không một bài tường thuật về hành động biểu lộ tinh thần chống xâm lăng của người dân và thậm chí rất ít khi dám gọi đích danh Trung Quốc. Ngược lại, trên mạng thông tin xã hội, mà người Việt trong và ngoài nước gọi một cách khôi hài là « báo lề trái » để đối lập với "báo lề phải" viết bài đưa tin theo chỉ đạo của chính quyền, thì tràn ngập thông tin và bình luận một cách rộng rãi về những hành động ngang ngược của Trung Quốc tại Biển Đông. Theo nhận xét của chuyên gia Benoît de Tréglodé, giám đốc Viện nghiên cứu Đông Nam Á hiện đại ở Bangkok, thì đảng Cộng sản Việt Nam có lợi khi « đạo diễn những màn phản đối Trung Quốc để chứng tỏ họ là những người bảo vệ quyền lợi đất nước ». Nhưng trong một chế độ mà biểu tình bị cấm và bị trừng trị nặng nề bằng án tù, đa số người dân chọn thái độ thận trọng. Giáo sư vật lý hạt nhân Phạm Duy Hiển, 74 tuổi, hy vọng người dân xuống đường hàng loạt. Nhưng chủ nhật vừa qua, chỉ có 300 người tham gia. Ông giải thích rằng « đất nước đang lâm nguy, chúng tôi biểu tình để biểu lộ sự lo ngại và lòng phẫn nộ » và không ai có dụng ý chính trị gì khác. Theo AFP, thì ít có người Việt nào dám mơ ước một không gian tự do rộng mở hơn. Tiến sĩ Nguyễn Quang A lấy làm tiếc là chính quyền đã sử dụng biện pháp đàn áp dân và điều này chỉ làm « thiệt hại cho hình ảnh của chính phủ ». Hiến pháp Việt Nam không cấm biểu tình, nhưng không có luật quy định. Giới trí thức và luật gia Việt Nam yêu cầu Nhà nước phải để cho dân chúng biểu tình một cách ôn hòa. Đến bây giờ thì áp lực của xã hội chưa đủ mạnh, vì theo AFP, giới tranh đấu còn thiếu tổ chức và người dân, sau nhiều thập niên sống dưới chế độ độc tài, phải lo kiếm ăn từng ngày và đối phó với nạn lạm phát hơn là quan tâm đến vận mệnh đất nước. Một blogger nhận định là « ý thức chính trị của giới tranh đấu chống Trung Quốc bá quyền lên cao ». Tuy nhiên, bên ngoài nhóm « thì không có gì thay đổi » và xã hội Việt Nam chưa sẵn sàng tạo ra những phong trào quần chúng. Trong khi chờ đợi, do xung khắc với láng giềng Trung Quốc không suy giảm, những người biểu tình không loại trừ khả năng trở lại đường phố vào chủ nhật tới.
|