Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 22 Tháng 7 Năm 2011

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 22 Tháng 7 Năm 2011 PDF Print E-mail
Tác Giả: Anh Vũ   
Thứ Sáu, 22 Tháng 7 Năm 2011 08:51

Mỹ lo ngại khủng hoảng nợ của Hy Lạp lan qua Đại Tây Dương

 

Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu trước báo chí tại Nhà Trắng ngày 19/7/11. Reuters

Cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp không chỉ là vấn đề của châu Âu. Ở bên kia bờ Đại Tây Dương của cựu lục địa, nước Mỹ cũng đang lo ngại quan tâm theo dõi.

Tờ Libération nhận thấy « Mối lo lắng đang vượt đại Tây Dương ». Lâu nay Hoa Kỳ vẫn nghĩ rằng cuộc khủng hoảng nợ công của Hy Lạp là chuyện riêng của châu Âu, nhưng giờ đây nước Mỹ đã phải nhìn nhận vấn đề một cách khác.

Cũng đang bị lùng nhùng mắc trong vũng lầy nợ nần, Hoa Kỳ lo ngại cuộc khủng hoảng trong khu vực đồng euro sẽ làm mất ổn định thêm nền kinh tế của mình.

Libération cho biết là hôm thứ Ba vừa qua, đích thân Tổng thống Barack Obama đã điện thoại cho Thủ tướng Đức Angela Merkel để thúc giục tìm ra giải pháp nhanh chóng đưa khu vực đồng euro ra khỏi khủng hoảng. Ông Obama gọi cho bà Merkel là bởi vì nước Đức, như mọi người đều biết, là đầu tầu kinh tế của cả châu Âu.

Theo Chris Van Hollen, một nghị sĩ của đảng Dân chủ chuyên về vấn đề ngân sách của Quốc hội Mỹ thì Washington rất lo ngại về tình hình nợ nần ở châu Âu hiện nay bởi vì hiện nay các nền kinh tế lớn trên giới đều lệ thuộc vào nhau, không thể còn tự mình hành động như trước nữa.

Tờ báo nhắc lại, hồi tháng 5/2010, thời điểm châu Âu lo kế hoạch cứu vớt Hy Lạp lần đầu, thì ông Barack Obama đã cố gắng thúc ép bà Angela Merkel phải tìm một giải pháp một cách có hệ thống cho cuộc khủng hoảng Hy Lạp, khi đó đang bắt đầu bùng phát.

Giờ đây, trong bối cảnh chính quyền Mỹ đang phải vất vả thương lượng để nâng mức trần nợ của riêng mình còn châu Âu thì đôn đáo đấu tranh cho kế hoạch lần hai giải cứu Hy Lạp, thì Tổng thống Obama lại tiếp tục thúc giục châu Âu. Theo phát ngôn viên Nhà Trắng thì lãnh đạo hai nước ( Đức và Mỹ) đã thống nhất quan điểm là, việc giải quyết một cách có hiệu quả khủng hoảng nợ của khu vực đồng euro là việc làm hết sức quan trọng để vực dậy kinh tế châu Âu cũng như thế giới hiện nay.

Theo ông Tyson Barker, một chuyên gia kinh tế Mỹ thì người Mỹ trước đây vẫn nghĩ vấn đề khủng hoảng ở châu Âu chỉ gói gọn trong phạm vi của lục địa. Nhưng giờ đây, người ta đã cảm nhận thấy hiệu ứng phụ của của cuộc khủng hoảng này đang gây ảnh hưởng mạnh lên nền kinh tế Mỹ, tương tự như vụ ngân hàng Lehman Brother tác động tới nền kinh tế thế giới, kéo theo một cơn suy thoái trầm trọng hồi năm 2008.

Châu Âu thở phào nhẹ nhõm với kế hoạch giải cứu Hy Lạp

Giải cứu Hy Lạp là đề tài bao trùm các báo Pháp ra ngày hôm nay.

 Cuộc họp thượng đỉnh bất thường của 17 quốc gia trong khu vực sử dụng đồng euro để bàn về kế hoạch giải cứu Hy Lạp ra khỏi cuộc khủng hoảng nợ công, kết thúc vào khuya đêm qua, cuối cùng cũng đã đạt được kết quả bước đầu.

 Đó là thỏa thuận về hình thức và đưa ra số tiền cụ thể 158 tỷ để trợ giúp cho Hy Lạp. Châu Âu thở phào nhẹ nhõm nhưng cũng vẫn còn phải rất thận trọng. Có thể thấy được điều này qua trang nhất các tờ báo chính ở Pháp hôm nay.

Le Figaro tự tin với hàng tựa «Châu Âu cứu Hy Lạp và củng cố đồng euro » trên bức ảnh gương mặt tươi cười của bốn nhân vật chủ chốt góp phần vào thỏa thuận đạt được tại Bruxelles hôm qua là Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Baroso và bà Christine Lagarde, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Theo tờ báo, thì với kết quả của cuộc gặp thượng đỉnh hôm qua, « khu vực đồng euro đã dập tắt được đám cháy Hy Lạp ». Với thỏa thuận đạt được, các lãnh đạo khu vực đồng euro vừa mở đường cho cuộc giải cứu Hy Lạp và khoanh vùng không cho căn bệnh nợ công của nước này lan rộng thành « dịch » ra khắp khu vực.

Tờ báo kinh tế La Tribune thì nhận định « Rốt cuộc thì châu Âu cũng đã cùng nhau trên một mặt trận ».

« Một thỏa thuận lịch sử », đó là đánh giá của tờ báo kinh tế Les Echos. Tờ báo dành hẳn 4 trang cho cuộc gặp thượng đỉnh bất thường hôm qua tại Bruxelles.

Les Echos lý giải ý nghĩa lịch sử là bởi vì « 17 nước đã chấp nhận những điều kiện cực kỳ thuận lợi cho Athènes và như vậy châu Âu đã có được « kho vũ khí mới để chống khủng hoảng ». Xã luận của tờ báo nhận định, quyết định của các nước châu Âu đúng thực là một kỳ công về kinh tế, nhưng thỏa thuận đạt được liệu có đủ không ?

Câu hỏi trên được đặt ra khi mà người ta biết rằng kế hoạch trợ giúp Hy Lạp lần thứ nhất đã được thông qua hồi tháng 5/2010, và sẽ không là thừa khi phải nhắc lại rằng châu Âu vẫn phải thận trọng.

Tờ Libération thì nhìn nhận hai mặt trong thỏa thuận đạt được ở phút chót tại hội nghị thượng đỉnh hôm qua. Một mặt thì tờ báo đánh giá cao sự đồng thuận của các lãnh đạo châu Âu.

Theo tờ báo thì 17 nước trong khu vực đồng euro đã đạt được tiến bộ trong việc lập ra một « Quỹ tiền tệ châu Âu » thực sự, như Tổng thống Pháp Nicilas Sarkozy đã nhấn mạnh, quỹ này không chỉ để dùng trong trường hợp xảy ra khủng hoảng mà còn để đề phòng khủng hoảng.

Mặt khác Libération cũng lấy làm tiếc về thời gian đã mất, tại sao châu Âu không thể giải quyết được vấn đề từ cách đây 18 tháng khi cuộc khủng hoảng Hy Lạp mới bùng phát.

Nhã nhặn và lịch sự, tính cách truyền thống của người Thái Lan

Nhìn về châu Á, báo Le Monde có bài viết khá thú vị về tính cách của người Thái Lan.

Bài viết có tựa đề « Khoảng cách tôn trọng ở đất nước của nụ cười ». Người nước ngoài đến Thái Lan đều có một cảm nhận chung đây là đấy nước hiếu khách, người dân luôn thường trực nụ cười trên môi. Tươi cười, lịch sự với mọi người giờ đây dường như là một tính cách đáng quý của người dân cửa xứ sở châu Á này.

Theo tác giả bài báo thì cư xử thế nào với nhau trong gia đình, với người người ngoài, với người trên, kẻ dưới hay với người xa lạ…. Ở xứ sở của nụ cười Thái Lan, thì tất cả những điều đó đều nằm trong cầm nang « ứng xử đẹp » mà tất cả trẻ em Thái Lan được học ở trường, được giáo dục trong gia đình hàng ngày.

 Một nhà công nghiệp Thái, 39 tuổi thuộc tầng lớp cao trong xã hội nói với phóng viên của Le Monde rằng « Nếu bạn không tuân thủ những quy tắc đó thì bạn không thể sống trong xã hội Thái Lan. Ngay từ khi còn nhỏ chúng tôi đã được dạy các quy tắc phải biết kính trọng lễ độ với người trên ».

Theo tác giả bài viết thì các mối quan hệ xã hội ở Thái Lan tuân thủ theo một số các quy ước bề ngoài có vẻ rất khắt khe. Nhưng nếu như phép lịch sự là một hình thức tôn trọng thì đó cũng còn là cách để giữ khoảng cách với người khác.

Người Thái Lan cho rằng nụ cười chính là cách để tránh va chạm xích mích và đôi khi cũng là để xoay chuyển những khó khăn gặp phải trong cuộc sống. Cách chào của người Thái, chắp tay đưa ngang mặt là một cử chỉ tỏ thái độ trân trọng nhưng đồng thời cũng là để tránh tiếp xúc cơ thể trong một xã hội vừa kín đáo nhưng cũng không kém bao dung.

Người Thái Lan cũng thường có câu nói cửa miệng « Krengchai » tạm dịch là «không dám» để tỏ thái độ khiêm nhường dè dặt, nhìn xa hơn thì nói câu « không dám » đó cũng là cách lường trước và tránh những va chạm tiềm tàng trong một xã hội mà bạo lực rất dễ lây truyền.

Tuy nhiên một vài thói quen ứng xử của người Thái cũng đang bị mai một dần, chẳng hạn như khi đi ngang qua mặt người lớn tuổi thì phải cúi mình một chút. Cử chỉ này đang mất dần ở một số người trong giới trẻ.

Cuối cùng tác giả bài báo đặt câu hỏi : Liệu phép lịch sự truyền thống ở trong một số giới nhất định, có nhường chỗ cho các cách ứng xử thẳng thắn hơn theo kiểu phương Tây hay không ? Hiện tại thì những thái độ theo kiểu như vậy vẫn thường bị người Thái Lan đánh giá là quá thô thiển và không ý tứ.

Phi thuyền con thoi Atlantis kết thúc sứ mạng chinh phục vũ trụ

Mặc dù bị lấn át bởi các chủ đề kinh tế nhưng các báo hôm nay cũng không quên dành để nói đến chuyến bay cuối cùng của tàu con thoi Atlantis đã kết thúc.

Ngày hôm qua tàu vũ trụ con thoi Atlantis của Mỹ đã hạ cánh an toàn xuống sân bay vũ trụ Kenedy tại tiểu bang Florida, kết thúc một hành trình ba thập kỷ phục vụ đắc lực cho công cuộc chinh phục và nghiên cứu khoảng không của con người.

Tàu Atlantis đã trải qua 1333 ngày trong vũ trụ. Thành quả đáng ghi nhớ của con tàu này phải kể đến việc đưa lên quỹ đạo trái đất kính thiên văn Hubble, kính thiên văn vũ trụ duy nhất của thế giới; và Atlantis còn góp phần tích cực vào quá trình xây dựng trạm không gian quốc tế ISS từ năm 1988 đến 2000.

Cuộc phiêu lưu trong vũ trụ bao la của con tàu lịch sử này giờ đây sẽ dừng lại ở Viện Bảo tàng.