Phản bác Trung Quốc, thừa nhận Việt Nam Cộng Hòa |
Tác Giả: Người Việt |
Thứ Năm, 21 Tháng 7 Năm 2011 10:03 |
Bắc Kinh ‘xuyên tạc công hàm Phạm Văn Ðồng’ HÀ NỘI (NV) - Lần đầu tiên, một tờ báo trong hệ thống báo đài do nhà cầm quyền CSVN kiểm soát có một bài viết, công nhận sự hiện hữu, như một quốc gia độc lập với đầy đủ tính cách pháp lý, của Việt Nam Cộng Hòa.
Bài viết này, và sự công nhận này, được sử dụng làm lý lẽ giải thích bức công hàm gây nhiều tranh luận, do cố Thủ Tướng CSVN Phạm Văn Ðồng gởi cố thủ tướng Trung Cộng, Chu Ân Lai, năm 1958. Công điện 1958 được dư luận cho là mang nội dung hàm ý Hà Nội thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc trên vùng biển đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam; và hơn nữa, thuộc chủ quyền của Việt Nam Cộng Hòa vào thời điểm bức công hàm được gởi cho Trung Quốc. “Có thể nói, giải thích xuyên tạc Công hàm 1958 là một trong chuỗi những hành động có tính toán nhằm tạo cớ, từng bước hợp thức hóa yêu sách chủ quyền phi lý của họ đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.” Báo điện tử Ðại Ðoàn Kết ngày 20 tháng 7, 2011, viết như vậy trong một bài phân tích cách khai thác bản công điện của Thủ Tướng CSVN Phạm Văn Ðồng gửi tổng lý (Thủ Tướng) Trung Cộng, Chu Ân Lai, năm 1958. Công điện ấy công nhận hải phận 12 hải lý mà Bắc Kinh tuyên bố. Bài viết nói trên của tờ Ðại Ðoàn Kết là bài thứ 26 trong loại bài có tựa chung “Ðường Lưỡi Bò phi lý” do “nhóm PV Biển Ðông” sưu tầm tài liệu và viết lại nhằm chứng minh những đòi hỏi đường 9 đoạn “Lưỡi Bò” (do Trung Quốc đưa ra) là “phi lý.” Bài viết đăng tải lại nguyên văn bức thư của ông Phạm Văn Ðồng gửi ông Chu Ân Lai năm 1958: “Thưa Ðồng chí Tổng lý, Chúng tôi xin trân trọng báo tin để Ðồng chí Tổng lý rõ: Chính phủ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của chính phủ nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc. Chính phủ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa trên mặt biển. Chúng tôi xin kính gửi Ðồng chí Tổng lý lời chào rất trân trọng.” Bài viết dựa vào chính bức thư này để nói rằng nội dung công hàm “không hề có việc tuyên bố từ bỏ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.” Bài viết nói không có cơ sở pháp lý để suy diễn “Công hàm 1958 đã tuyên bố từ bỏ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và coi đó là bằng chứng khẳng định Việt Nam đã thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo này là xuyên tạc lịch sử và hoàn toàn không có cơ sở pháp lý.” Bài viết cho rằng ông Phạm Văn Ðồng gửi bức công hàm nói trên khi Trung Quốc đang đối diện với “các diễn biến phức tạp trên eo biển Ðài Loan” mà quan điểm ủng hộ lãnh hải 12 hải lý của Trung Quốc “chỉ là một cữ chỉ ngoại giao.” “Công hàm của Thủ Tướng Phạm Văn Ðồng không có từ nào, câu nào đề cập đến vấn đề lãnh thổ và chủ quyền, càng không nêu tên bất kỳ quần đảo nào như Trung Quốc đã nêu” Bài viết của Ðại Ðoàn Kết nói. Bài này nêu ra hội nghị năm 1951 ở San Francisco “các quốc gia tham dự đã bác bỏ yêu sách về chủ quyền của Trung Quốc trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cũng tại hội nghị này, Việt Nam đã long trọng tuyên bố chủ quyền lâu đời và liên tục của mình trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong phiên họp toàn thể mà không có bất kỳ sự phản đối hay ý kiến gì khác của tất cả các quốc gia tham dự. Ðiều đó có nghĩa là kể từ năm 1951, cộng động quốc tế đã thừa nhận chủ quyền lịch sử và pháp lý của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Những tuyên bố đơn phương về chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo này theo luật pháp quốc tế là vô hiệu.” Người ta ngạc nhiên bài viết công phu này không được đăng tải trên một tờ báo chính thống như tờ nhật báo Nhân Dân hay tờ Quân Ðội Nhân Dân mà lại chỉ được phân tích mổ xẻ trên một tờ báo của cơ quan ngoại vi của đảng (Mặt Trận Tổ Quốc). Không những vậy, trong loạt bài của tờ Ðại Ðoàn Kết, bài viết kỳ thứ 11 viết về giai đoạn lịch sử 1954-1975 khi Việt Nam bị chia làm hai thì hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của VNCH “về pháp lý và trên thực tế chính quyền VNCH tiếp tục có nhiều hành động khẳng định chủ quyền của người Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.” Bài số 11 viết về trận hải chiến ngày 19 tháng 1, 1974, giữa Hải Quân VNCH bảo vệ quần đảo Hoàng Sa chống lại đoàn tàu hỏa lực mạnh hơn, đông hơn của Trung Quốc tới xâm lăng. “Ðỉnh cao của sự khẳng định chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong giai đoạn này là trận hải chiến quyết liệt của Hải Quân VNCH chống lại sự xâm lược của tàu chiến và máy bay Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa năm 1974” bài viết ngày 20 tháng 7, 2011, của tờ Ðại Ðoàn Kết viết. “Một cơ sở nữa trên phương diện pháp lý, nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa lúc đó không trực tiếp quản lý đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trước năm 1975, các quốc gia và lãnh thổ tranh chấp gồm: Trung Quốc, Ðài Loan, Việt Nam Cộng Hòa và Philippines. Như vậy, những lời tuyên bố của VNDCCH xem như lời tuyên bố của một quốc gia thứ ba không có ảnh hưởng đến vụ tranh chấp.” Ðể kết luận bài viết, tờ Ðại Ðoàn Kết kết luận rằng: “Trong suốt quá trình thực hiện mưu đồ bá chủ trên Biển Ðông, Trung Quốc đã không ít lần đưa ra các tài liệu xuyên tạc lịch sử, biến có thành không, biến không thành có, tung hỏa mù để cố tình làm sai lệch nhận thức của chính nhân dân Trung Quốc cũng như của cộng đồng quốc tế về vấn đề này theo hướng có lợi cho mưu đồ của Trung Quốc. Tuy nhiên, trước những bằng chứng hiển nhiên của sự thật lịch sử và dưới ánh sáng của luật pháp quốc tế những hành vi xuyên tạc, tung hỏa mù, cố tình làm cho cộng đồng quốc tế ngộ nhận càng khiến cho Trung Quốc lộ rõ âm mưu cũng như thủ đoạn của họ trong suốt quá trình áp đặt ý đồ ‘nuốt trọn’ Biển Ðông, theo kiểu ‘miệng nói hòa bình không xưng bá, tay làm phức tạp hóa tình hình.’”
|