Trung Quốc ký bản thực thi DOC để ngăn cản Mỹ can thiệp vào Biển Đông ? |
Tác Giả: Đức Tâm |
Thứ Tư, 20 Tháng 7 Năm 2011 21:51 |
Bắc Kinh lên tiếng nhắc lại lập trường của mình là không chấp nhận để cho Mỹ can thiệp vào hồ sơ này. Vào đúng ngày Trung Quốc và ASEAN đạt được đồng thuận về dự thảo hướng dẫn thực thi bản Tuyên bố chung về ứng xử của các bên ở Biển Đông, DOC, sau gần 10 năm trời đàm phán, Bắc Kinh lên tiếng nhắc lại lập trường của mình là không chấp nhận để cho Mỹ can thiệp vào hồ sơ này. Ngoại trưởng Indonesia Natalegawa và tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan tiếp đoàn Trung Quốc (Reuters) Hôm nay 20/7/2011, Nhân dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc cho rằng Mỹ nên đứng ngoài những căng thẳng do tranh chấp ở Biển Đông. Theo tờ báo, « bóng dáng mối đe dọa tiềm ẩn đối với biển Hoa Nam – tức Biển Đông – là hình ảnh một cuờng quốc lớn khác, đó là Hoa Kỳ ». Bắc Kinh khẳng định lại quan điểm là không ủng hộ việc giải quyết đa phương những tranh chấp song phương và phản đối sự can thiệp của cường quốc ngoài khu vực vào vấn đề này, « vì Trung Quốc và các nước láng giềng có đủ khả năng, kinh nghiệm và hiểu biết để tự giải quyết ». Thực ra, những tuyên bố này của Trung Quốc không có gì mới so với trước đây, nhưng căng thẳng tại Biển Đông trong thời gian qua, xuất phát từ những quyết đoán đơn phương về chủ quyền của Bắc Kinh tại các vùng đang có tranh chấp chủ quyền, những vụ tàu hải giám và ngư chính Trung Quốc bắt giữ hoặc đe dọa tàu cá của Việt Nam, Philippines, ngăn cản tàu thăm dò của hai nước này, thậm chí còn nhiều lần cắt cáp thăm dò dầu khí của tàu Việt Nam, ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam… Tất cả những động thái này đã buộc một số nước Đông Nam Á kêu gọi sự can thiệp của Hoa Kỳ. Đáp lại, Mỹ tuyên bố sẵn sàng nâng cao khả năng phòng thủ của Philippines, đồng minh của Hoa Kỳ. Trong khi đó, Việt Nam hoan nghênh « mọi nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc duy trì hòa bình ổn định ở khu vực Biển Đông ». Chính quyền Bắc Kinh nhắc lại việc phản đối Hoa Kỳ can thiệp trong bối cảnh hai thượng nghị sĩ Mỹ có thế lực là John McCain, đảng Cộng Hòa và John Kerry, đảng Dân Chủ, ngày 14/07 vừa qua, đã viết thư cho ông Đới Bỉnh Quốc, ủy viên Quốc vụ viện phụ trách đối ngoại Trung Quốc để bày tỏ mối lo ngại về các sự cố hải quân trong những tháng gần đây tại Biển Đông và lưu ý Bắc Kinh rằng nếu không có những bước đi thích hợp để làm dịu tình hình, thì những sự cố trong tương lai có thể leo thang và gây tổn hại đến lợi ích quốc gia quan trọng của Mỹ. Tháng Bẩy năm ngoái, tại diễn đàn khu vực ASEAN – ARF, ở Hà Nội, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã làm cho đồng nhiệm Trung Quốc Dương Khiết Trì nổi giận khi tuyên bố rằng Hoa Kỳ có những quyền lợi quốc gia liên quan đến tự do lưu thông hàng hải ở Biển Đông. Giới quan sát cho rằng, ngoại trưởng Mỹ sẽ nêu lại vấn đề này trong diễn đàn khu vực ASEAN, được tổ chức vào thứ Bẩy, 30/07 tới ở Indonesia. Ông Jin Canrong, chuyên gia về quan hệ Mỹ-Trung tại đại học Nhân dân Bắc Kinh, được Financial Times trích dẫn, nhận định, « Vấn đề biển Hoa Nam – Biển Đông – chắc chắn sẽ là một chủ đề nóng bỏng tại ARF lần này bởi vì Việt Nam và Philippines sẽ nêu ra ». Câu hỏi được đặt ra là phải chăng muốn ngăn chặn sự can thiệp của Hoa Kỳ, thuyết phục các nước Đông Nam Á coi đây là công việc nội bộ trong khu vực mà Trung Quốc đã chấp nhận ký bản hướng dẫn thực thi DOC và Nhân dân nhật báo lại một lần nữa nhắc nhở Mỹ nên đứng ngoài các tranh chấp ở Biển Đông. Theo giới quan sát, một khi đã cho rằng Biển Đông liên quan đến lợi ích quốc gia thì Hoa Kỳ khó có thể đứng ngoài cuộc và sẽ tìm cách can dự bằng cách này hay cách khác, ở các cấp độ khác nhau, tùy theo từng đối tác trong khu vực. Trước mắt, việc đạt được thỏa thuận về bản hướng dẫn thực thi DOC, cho dù chỉ ở mức tối thiểu, cũng là một buớc tiến và như nhận định của một nhà ngoại giao ASEAN, được Kyodo trích dẫn, thì sự năng động của Mỹ buộc Trung Quốc phải đối thoại với ASEAN về hồ sơ Biển Đông.
|