Ở Mỹ, muốn giàu ư? Về nhà quê mua đất làm ruộng |
Tác Giả: Lan Phương - VOA |
Thứ Tư, 20 Tháng 7 Năm 2011 09:05 |
Ông Jim Rogers khuyên rằng nếu muốn giàu, hãy về quê mua đất làm ruộng. Giữa lúc kinh tế Mỹ chưa hoàn toàn hồi phục, tỉ lệ thất nghiệp vẫn ở mức trên 9%, mới đây một bài báo trên tờ Time cho biết một nhà đầu tư có tiếng tại Wall Street và tác giả nhiều cuốn sách về đầu tư, ông Jim Rogers, khuyên rằng nếu muốn giàu, hãy về quê mua đất làm ruộng. Điều này cho thấy có dấu hiệu tích cực trong lãnh vực nông nghiệp tại Hoa Kỳ, một lãnh vực kinh tế trong nhiều thập niên bị bỏ xa so với các lãnh vực dịch vụ, tài chính, công nghệ cao và sản xuất công nghiệp. Câu chuyện nước Mỹ tuần này sẽ đề cập đến tình trạng ăn nên làm ra của giới nông gia Mỹ qua bài nói chuyện với tiến sỹ John M.Riley, khoa kinh tế nông nghiệp thuộc đại học Mississippi. Hình: VOA Nông sản Mỹ xuất khẩu đem về cho quốc gia 11 tỉ 800 triệu đô la, chưa kể lợi nhuận bán nông sản tại quốc nội. Dân số toàn thế giới gia tăng, khí hậu biến đổi, số người tiến vào giai cấp trung lưu ở những nước Á châu như Trung Quốc, Ấn Độ ngày càng tăng (nên càng tiêu thụ lương thực nhiều hơn), xăng dầu lên giá, và việc sản xuất nhiên liệu sinh học, nguyên liệu lấy từ bắp, là một số những yếu tố đẩy giá lương thực lên cao. Tại Hoa Kỳ, giá thực phẩm tại các siêu thị và các nhà hàng ăn hồi gần đây đã tăng thấy rõ. Theo bài báo trên tờ tuần báo Time số ra ngày 11 tháng Bảy năm nay, lợi tức sau khi trừ thuế và chi phí của nông gia theo dự kiến sẽ tăng 20% trong năm nay, chưa kể năm ngoái là 27%. Đây là chiều hướng đảo ngược trong nền kinh tế Mỹ. Trong một thời gian rất dài, lãnh vực nông nghiệp đã bị bỏ xa so với những lãnh vực khác trong nền kinh tế. Nhưng nay tình thế nay đã đổi khác. Các tiểu bang nặng về nông nghiệp như Nebraska, tỉ lệ thất nghiệp chỉ là 4% và Iowa, trên 6%, so với tỉ lệ trung bình cả nước trên 9%. Tiến sỹ John Michael Riley thuộc khoa kinh tế nông nghiệp, đại học bang Mississippi, cho biết giá lương thực tăng là nguyên nhân giúp cho lợi tức của nông gia tăng. Ông nói: "Chúng ta đã thấy giá nông phẩm tăng, từ ngũ cốc, gia súc và tất cả các mặt hàng nông phẩm khác, vì vậy chúng ta thấy lợi tức của nông gia cũng tăng lên, nhưng đồng thời chi phí của nghề nông cũng tăng, nhưng thu nhập sau khi trừ thuế của nông gia vẫn tăng 20% trong khoảng thời gian từ 1 năm cho đến 18 tháng qua." Chỉ nội trong tháng Tư năm nay, nông sản Mỹ xuất khẩu đem về cho quốc gia 11 tỉ 800 triệu đô la, chưa kể lợi nhuận bán nông sản tại quốc nội. Những nước mua nhiều nông phẩm của Hoa Kỳ là Canada, Mexico, và chắc chắn là Trung Quốc. Theo báo Time, giới nông gia có nhiều tiền hơn, họ mua sắm nhiều hơn, và kinh tế ở những thị trấn vùng quê nơi họ sống cũng khá hơn. Người ta thấy ở những thị trấn vùng quê như Grand Island, bang Nebraska, với dân số chưa đầy 49 ngàn người, nhà cửa bán chạy hơn cho dù tình hình kinh tế trên toàn quốc, nhất là ngành địa ốc, lại xuống dốc, và đại lý cho hãng xe Ford tại đây cho biết họ đã bắt đầu bán được loại xe hạng sang. Giá đất canh tác cũng tăng nhiều. Trong vòng 6 năm qua giá nông trại trung bình đã tăng gấp đôi, và trong năm ngoái, giá chứng khoán đầu tư vào đất canh tác đã tăng vọt trên thị trường Wall Street. Nhưng theo giáo sư Riley, nông gia khi thu được lợi nhuận, chủ yếu là họ tái đầu tư vào công việc làm ăn của họ. Ông cho biết: "Tôi cho rằng khi lợi tức ròng của họ tăng, họ sẽ tái đầu tư vào các thực thể nông nghiệp khác. Tất cả những nông gia mà tôi đã gặp không lái những xe hơi hạng sang mà cũng không xây những căn nhà quá đồ sộ. Nhưng tôi cũng không thể nói là họ không hưởng đôi chút cho bản thân họ. Tuy nhiên tôi dứt khóat tin rằng lợi nhuận họ thu về sẽ được tái đầu tư vào nông trại của họ, và làm như thế nó cũng sẽ giúp ích cho kinh tế nữa." Quả vậy, 5 ngân hàng trong thị trấn ăn nên làm ra với nhiều tiền cho vay thay vì đi xuống hay vỡ nợ như nhiều nơi khác trong nước. Chi nhánh của công ty Case IH, chuyên sản xuất nông cụ, như loại combine harvester (máy đa dụng vừa gặt, đập, sàng thóc lúa),v..v.. tại Grand Island đã hoạt động đến khả năng tối đa. Trong 9 tháng qua, nhà máy đã thuê mướn thêm 130 công nhân. Công ty Global Industries, sản xuất các trang thiết bị cho nông trại, kho lẫm chứa thóc lúa v..v.. cho biết số bán đã tăng 130% kể từ năm 2003 đến nay. Và như giá trên thị trường hiện nay, một máy cày mới, thứ lớn, giá khoảng 220 ngàn đô la. Một hệ thống chứa lúa khoảng 60 ngàn đô la. Một máy phun thuốc trừ sâu rầy khoảng 30 ngàn đô la. Với lợi tức trong lãnh vực nông nghiệp lên cao như vậy hồi gần đây, những ai muốn tiến vào ngành canh tác để làm giàu cũng cần xét đến những trở ngại trước khi muốn thử thời vận. Giáo sư Riley giải thích về những khó khăn của nghề nông: "Quí vị có thể sản xuất một chiếc xe hơi trong nhà máy, thời tiết hầu như chẳng có mấy ảnh hưởng đến công việc. Trong khi nhà nông phải thường xuyên đối mặt với mưa bão, hạn hán, tuyết rơi, lụt lội. Những yếu tố bất định này khiến cho nghề nông lúc nào cũng gặp thử thách. Thử thách còn lớn hơn nữa khi ngày nay (tại Hoa Kỳ), rất khó mà tiến vào ngành canh tác nếu như quí vị không có sẵn cơ sở. Bởi vì giá đất cao, giá nông cụ và trang bị đều cao. Nếu tay trắng chẳng có gì mà muốn vào nghề nông thì trở ngại rất lớn, vì phải cần diện tích đất thật rộng, và rất nhiều nông cụ, trang thiết bị mới sản xuất được các nông phẩm dùng làm thương phẩm trên thị trường. Một chuyện khác mà các nông gia phải đương đầu là các luật lệ." Nhờ những tiến bộ khoa học, giới nông gia Mỹ nắm được những kiến thức và phương tiện để gia tăng sản xuất đáng kể so với khoảng 20 năm về trước. Lấy ví dụ, những hạt giống được biến đổi gien khiến cây không cần nhiều thuốc trừ sâu và không phải tưới nhiều như trước; với sự hỗ trợ của hệ thống định vị GPS, phương cách trồng trọt được máy điện toán theo dõi, một số nhà nông có thể chen 2 luống khoai, ngô vào một diện tích mà trước đây chỉ có thể trồng 1 luống mà thôi. Tính trung bình, năm 1980, một acre đất (khoảng 4000 mét vuông) thu hoạch được chừng 91 thùng (bushel) bắp, hiện nay sản lượng lên tới 152 thùng. Sản lượng tăng, giá các mặt hàng nông sản tăng, đó là lý do tại sao thu nhập của nông gia khá hơn nhiều và giá đất canh tác cũng tăng cao. Và như ta thấy, trong 2 năm trở lại đây, giới nông gia Mỹ làm ăn khấm khá, nhà đầu tư nổi tiếng trên thị trường chứng khoán Wall Street đã đưa lời khuyên là nếu muốn làm giàu hãy về làm ruộng. Nhưng nếu muốn trở thành nông gia thành công ở Hoa Kỳ, ngoài điều kiện phải có vốn liếng như đất đai nông cụ, và trang thiết bị, muốn thành công, người ta phải có những kiến thức như thế nào? Giáo sư John Michael Riley, đại học Mississippi khuyến nghị: "Phần lớn những kiến thức trong nông nghiệp là nghề dậy nghề, nhưng càng ngày tôi càng thấy có nhiều nông gia theo học đại học đến nơi đến chốn, rồi mới trở về nông trại của họ, áp dụng những kiến thức đã học hỏi được ở nhà trường. Giới nông gia trẻ bây giờ quen thuộc với việc sử dụng máy điện toán, những khai phá mới khác trong công nghệ, những điều tuy không phải là bắt buộc phải có mới trở thành nông gia được, nhưng những kiến thức và công nghệ mới đã giúp cho giới nông gia trẻ hiện nay một lợi thế hơn hẳn những người không được chính thức học hỏi ở nhà trường." Để kết thúc Câu Chuyện Nước Mỹ hôm nay, chúng tôi xin trích thuật lại lời của nhà đầu tư kiêm tác giả nhiều cuốn sách về đầu tư, ông Jim Rogers, cho rằng luật cung cầu là bàn tay vô hình quyết định mọi chuyện, và hiện nay thì "Thế giới đang thiếu hụt lương thực trầm trọng, phương sách duy nhất để giải quyết là lôi kéo thêm nhiều người trở lại với nghề nông." |