Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 19 Tháng 7 Năm 2011 |
Tác Giả: Lê Phước |
Thứ Ba, 19 Tháng 7 Năm 2011 07:45 |
Tuần rồi, nhiều công ty đánh giá tài chính đã lên tiếng chỉ trích các doanh nghiệp Trung Quốc thiếu minh bạch. Le Figaro phản ánh sự việc qua bài viết « Các doanh nghiệp Trung Quốc mất tín nhiệm đối với giới đầu tư ». Công ty Trung Quốc bị tố cáo là tài chính thiếu minh bạch Getty Images Hôm qua, 18/07/2011, công ty thẩm định tài chính Fitch Rating (FR) của Hoa Kỳ đã tuyên bố rằng, tại Trung Quốc các hoạt động gian lận đang bắt đầu bùng phát. Công ty này đã xem xét 35 doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết tại sàn chứng khoán Thượng Hải. FR đánh giá, các công ty trên thiếu minh bạch trong báo cáo tài chính. Dù rằng tiêu chuẩn kế toán của Trung Quốc không khác nhiều so với Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS), thế nhưng, các tổ chức kiểm toán nước này vẫn chưa lấy được lòng tin của các nhà đầu tư và cả của các tổ chức thẩm định tài chính. Theo FR, khi việc thẩm định được tiến hành bởi các tổ chức trong nước, thì khả năng cho ra những báo cáo gian lận là rất lớn. Cũng theo FR, tại Trung Quốc, môi trường luật pháp tệ hại, việc quản lý yếu kém, công tác lưu trữ kém. Le Figaro nhắc lại, tuần rồi, Hãng thẩm định tài chánh Moody’s cảnh báo đối với 61 công ty mà tổ chức này xem xét. Moody’s nhấn mạnh đến sự thiếu minh bạch của hầu hết các công ty này. Từ nhiều tuần nay, liên tiếp xuất hiện những tai tiếng liên quan đến các công ty có niêm yết chứng khoán của Trung Quốc. Nhất là vụ của công ty Sino-Forest hồi tháng sáu : Công ty này bị phát hiện đã khai man trữ lượng gỗ khai thác được tại Trung Quốc. Hậu quả là cổ phiếu của công ty này đã bị mất giá đến 80%. Còn tại Hồng Kong, theo tính toán của một cơ quan phân tích tài chính, nhiều công ty Trung Quốc đã phải hủy bỏ hoặc triển hạn các hoạt động chứng khoán với tổng mức tài chính có thể lên đến 3,8 tỷ đô la. Còn tại Mỹ, có đến khoảng 40 công ty Trung Quốc có dấu hiệu bất thường. Ủy ban chứng khoán quốc gia Hoa Kỳ (cơ quan giám sát thị trường chứng khoán) đã thành lập một đơn vị đặc biệt để điều tra các công ty đó. Thủ đô Thái Lan sẽ bị biển nhấn chìm ? Đến với Thái Lan, Le Monde có bài « Bangkok đang lún dần xuống biển ». Tờ báo cho biết, đến năm 2030, một phần của thành phố này sẽ bị ngập nước, trong khi chính quyền thì phản ứng chậm chạp. Biến đổi khí hậu, hiện tượng dâng lên của mực nước biển, tình trạng bào mòn bờ biển, nền đất sét yếu… nhiều yếu tố cộng lại đe dọa Bangkok. Thêm vào đó, dân số thành phố này ngày càng tăng, với hơn 10 triệu dân. Rồi lại việc nhà cao tầng mọc lên ngày càng nhiều cũng góp phần « nhấn chìm » thành phố. Hiện tại, một phần lớn thủ đô của Thái Lan thấp hơn mực nước biển. Mỗi năm nền đất lún khoảng từ 1,5 đến 5,3 cm. Theo dự báo, trong tương lai, 90% nhà ở tại Bangkok sẽ bị nước biển đe dọa, tầng trệt của các tòa nhà có thể sẽ bị ngập nước khoảng 10 cm một thời gian trong năm. Viễn cảnh ngày càng u ám, thế mà chính phủ chưa hề có kế hoạch chính thức nào. Theo một quan chức phòng chống thiên tai của Thái Lan, nếu chính phủ không hành động sớm, thì Bangkok sẽ bị ngập nước vào năm 2030. Về giải pháp , các chuyên gia có vẻ không thống nhất. Có người cho rằng nên xây đập ngăn lũ dọc bờ biển, có người kêu gọi quản lí chặt hơn đất xây dựng trong thành phố, có người coi trọng giải pháp cất nhà sàn như trước kia. Theo Le Monde, trước kia, trong khu vực này, có nhiều kênh rạch, vườn cây và đồng lúa, bởi thế một lượng lớn nước lũ đã được giải phóng. Theo thời gian, với tốc độ đô thị hóa như vũ bão, người ta đã xây dựng nhiều tòa nhà trên các mảnh đất này, vì thế nước lũ không còn chỗ thoát nữa. Trong bối cảnh đó, Le Monde nhận định : các chuyên gia nên nhanh chóng tìm tiếng nói chung để chuẩn bị tốt « công cuộc giải cứu » thủ đô Bangkok. Nhật Bản : Đến lượt thịt bò bị nhiễm xạ Cũng tại Châu Á, Le Monde nhìn về Nhật Bản với bài thông tin « Sau rau quả và sữa, đến lượt thịt bò bị nhiễm phóng xạ ». Ngày 17/7, chính quyền Nhật Bản đã phát hiện những mẫu thịt bò có chứa phóng xạ cao hơn 4 lần mức bình thường. Theo hãng thông tấn Kyodo, thịt bò này đến từ tỉnh Fukushima và được bán khắp 33 tỉnh thành của đất nước. Nhà phân phối số hai Nhật Bản là Aeon thừa nhận, trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6, họ đã bán hơn 300 ký thịt bò (bị xem là) nhiễm xạ ở 14 cửa hàng rải rác ở năm tỉnh thành, trong đó có thành phố Tokyo. Theo Le Monde, bò bị nhiễm xạ do ăn cỏ và rơm rạ lấy từ các ruộng lúa sau thảm họa Fukushima. Chính quyền đã phát hiện là ở các nông trại, có nơi cách nhà máy Fukusima đến 105 km, cỏ và rơm rạ nhiễm phóng xạ lên đến mức 500.000 Bq/kg, trong khi mức bình thường chỉ có 300 Bq/kg. Vấn đề nghiêm trọng đến mức chính phủ phải đề nghị khoảng 10 tỉnh thành miền đông Nhật Bản kiểm soát chặt nguồn gốc của rơm rạ sử dụng để nuôi bò. Hôm nay, sẽ có lệnh cấm bán gia súc của vùng Fukushima. Ngày 17/7, thứ trưởng y tế nước này thậm chí còn khẳng định, có thể lệnh cấm sẽ liên quan đến một vài tỉnh thành khác. Ông cũng cho biết, chính phủ sẽ mua rơm rạ ở phía tây Nhật Bản để chuyển đến cho gia súc vùng Fukushima. Tuy vậy, theo Le Monde, người tiêu dùng Nhật vẫn chưa yên tâm đối với sản phẩm đến từ vùng bị nhiễm xạ. Từ khi tin nhiễm xạ được công bố, các sản phẩm đến từ Fukushima bán rất chậm, giá ngày càng thấp. Thảm họa thiếu lương thực đe dọa Châu Phi Thông tin về thảm họa lương thực tại Châu Phi cũng thu hút sự quan tâm của báo Pháp hôm nay. Thế nhưng, cô đọng và đáng chú ý nhất là bài viết đăng trên nhật báo Công giáo La Croix. Tình hình hiện tại vô cùng thảm hại. Từ Ethiopia, Somalia, Djibouti và Kenya, có ít nhất 12 triệu người thiếu đói. Nghiêm trọng nhất là tại miền trung và miền nam Somalia, đến mức mỗi ngày có hàng ngàn người bỏ làng để tìm đến các trại tị nạn. Trong số những người chạy nạn, hơn 1/3 trẻ em bị suy dinh dưỡng trầm trọng. Do hạn hán kéo dài, mùa màng thất bát, giá thực phẩm không ngừng leo thang. La Croix cho hay, tại thủ đô Mogadiscio của Somalia, một bao ngô 50 kg hiện tại được rao bán 40 euro, trong khi năm ngoái chỉ có 5 euro. Giá này đã vượt xa tầm tay người dân của một đất nước vốn bị điêu tàn sau 20 năm nội chiến. Số ca nhập viện ngày càng cao. Trước thực trạng đó, Liên Hiệp Quốc (LHQ) dự tính từ đây đến cuối tuần sẽ công bố « Somalia lâm vào nạn đói ». Hiện tại, LHQ đang phân tích những thông tin mới nhất để có quyết định chính thức. LHQ cũng phân tích mức độ nghiêm trọng của tình hình thiếu đói tại Djibouti, Kenya và Ethiopia. Liên quan đến định nghĩa của từ « nạn đói », theo La Croix, có lẽ chính xác nhất đó là : cuộc khủng hoảng lương thực mà ở đó tỷ lệ suy dinh dưỡng phải xấp xỉ 40% dân số, và phải có từ 1 đến 5 người/ 100.000 người bị chết đói mỗi ngày. Kèm theo đó, là hiện tượng chạy nạn ồ ạt và bán tháo tài sản và súc vật. Do tình trạng bất ổn hiện tại ở Somalia, người ta không thể tiến hành những điều tra chi tiết. Thế nhưng, theo La Croix, với những số liệu thu được tại hiện trường, và tin tức từ người chạy nạn, thì tình hình ở Somalia đã đúng với định nghĩa « nạn đói » vừa nêu trên. La Croix cũng cho biết, từ « nạn đói » là một từ rất nhạy cảm, nhất là về mặt chính trị. Vì thế, các tổ chức quốc tế ít khi dùng. Lần LHQ công bố nạn đói gần đây nhất là vào năm 1992, cũng tại Somalia. Pháp : Tai nạn thường nhật nguy hiểm hơn hơn tai nạn giao thông Cuối cùng chúng ta đến với một thông tin đăng trên Le Figaro, rất bổ ích cho cuộc sống thường nhật của mỗi người , đó là « Những tai nạn trong đời sống thường nhật làm 20.000 người chết mỗi năm tại Pháp ». Tai nạn thì đa dạng : ngã, chết đuối, ngộ độc, hỏa hoạn… Tại Pháp, các tai nạn này gây tử vong cao gấp 5 lần so với tai nạn giao thông, và gấp 20 lần so với tai nạn lao động. Chưa kể là có đến 4,5 triệu người bị thương và 500.000 ca phải nhập viện. Theo một thống kê vừa công bố hôm qua, người lớn tuổi chiếm đa số trong các vụ này. Năm 2008, 2/3 trên tổng số gần 20.000 người chết do tai nạn thường nhật có tuổi từ 75 trở lên. Còn về giới tính, thì nam có tỷ lệ cao hơn nữ. Trang nhất các báo Pháp ngày 19/7/2011 Hầu hết các báo Pháp hôm nay điều dành trang nhất cho chủ đề liên quan đến nước Pháp. Liberation ưu tiên đăng bài trả lời phỏng vấn của bộ trưởng Văn hóa Pháp ông Frederic Mitterand. Ông phản ứng trước việc bà Martine Aubry, một ứng viên sáng giá của Đảng Xã Hội, đã cam kết là nếu đắc cử tổng thống sẽ tăng ngân sách cho lĩnh vực vực văn hóa. Ông khẳng định : « Tiền không giải quyết được tất cả ». Nhật báo Le Figaro chạy tít lớn trên trang nhất : « Vụ Banon-Dominique Strauss-Kahn : Francois Hollande sẽ bị hỏi cung ». Tờ báo cho biết, nhà chức trách đã quyết định sẽ khai thác thông tin từ nhân vật sáng giá nhất của Đảng Xã Hội Pháp, ông Hollande, về vụ việc nữ nhà báo Banon tố cáo bị ông DSK xâm hại tình dục vào năm 2003. Khi đó, ông Hollande là thư ký thứ nhất của đảng này. Nhật báo Cộng sản L’Humanité đăng bài trả lời phỏng vấn của ông Pierre Laurent, lãnh đạo Đảng Cộng sản Pháp, phản ứng về chính sách kinh tế của các ứng viên đại diện Đảng Xã Hội ra tranh cử tổng thống. Les Echos phản ánh tình hình khó khăn của nền kinh tế Pháp với bài viết « Thị trường chứng khoán Paris tuột đến mức thấp nhất tính từ đầu năm đến nay ». « Vấn đề giới tính, một lý thuyết gây quan ngại », đó là tiêu đề bài viết đăng trên La Croix phản ánh về việc ngành giáo dục Pháp cho đưa vấn đề giới tính vào sách giáo khoa phổ thông. Cuối cùng, nhật báo Le Monde tiếp tục thông tin về vụ xì căn đan dẫn đến việc đóng cửa tờ báo News Of the World tại Anh Quốc.
|