Tổng thống Mỹ B.Obama tiếp Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Nhà Trắng |
Tác Giả: Trọng Nghĩa |
Chúa Nhật, 17 Tháng 7 Năm 2011 16:10 |
Ngoại trừ George Bush, các tổng thống Mỹ đều ngần ngại tiếp Đức Đạt Lai Lạt Ma, vì lo sợ làm phật lòng Bắc Kinh Bất chấp áp lực liên tiếp của Trung Quốc, yêu cầu ông không được tiếp xúc với lãnh đạo tinh thần của người Tây Tạng, tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama vào hôm qua, 16/07/2011, vẫn hội kiến với Đức Đạt Lai Lạt Ma trong gần một tiếng đồng hồ. Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) tiếp Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Nhà Trắng, 16/07/2011 (ảnh: www.datlailama.com) Trong cuộc tiếp xúc, ngoài việc bày tỏ hậu thuẫn mối quan ngại của Đức Đạt Lạt Lạt Ma đối với việc bảo tồn văn hóa Tây Tạng, tổng thống Obama còn kêu gọi chính quyền Trung Quốc mở đối thoại với các đại diện của lãnh đạo tinh thần Tây Tạng để giải quyết các mối bất đồng giữa hai bên. Tuy nhiên, theo thông tín viên Jean-Louis Pourtet tại Washington, vào lúc quan hệ Mỹ - Trung đang trên đường cải thiện trở lại, sau gần một năm căng thẳng, Nhà Trắng đã cố gắng khoác cuộc hội kiến một vỏ bọc không chính thức. « Để tránh tạo ra cho cuộc gặp có tính chất quá chính thức, có thể làm tăng sự bất bình của Trung Quốc, cuộc gặp này đã không diễn ra trong phòng Bầu dục, nơi thường dành cho những cuộc tiếp các nguyên thủ quốc gia. Buổi tiếp Đức Đạt Lai Lạt Ma được tổ chức trong phòng Bản đồ, nơi tổng thống Roosevelt đã theo dõi diễn tiến các hoạt động quân sự trong đại chiến thế giới lần thứ hai. Theo tin từ Nhà Trắng, tổng thống Barack Obama đã nhắc lại sự ủng hộ của ông đối với việc bảo tồn văn hóa Tây Tạng và đối với vấn đề nhân quyền. Tổng thống Mỹ cũng khẳng định lại rằng ông tin tưởng là chính phủ Trung Quốc sẽ tiến hành đối thoại với các đại diện của Đức Đạt Lai Lạt Ma để giải quyết những bất đồng. Giải Nobel Hòa Bình, vừa kỷ niệm sinh nhật lần thứ 76 của mình, đã tổ chức một chuyến hoằng pháp lớn, tại thủ đô Hoa Kỳ, kéo dài một tuần, với sự tham dự của hàng ngàn người Tây Tạng. Những người này đều mong muốn là lãnh đạo tinh thần Tây Tạng được tổng thống Obama đón tiếp. Ngoại trừ George Bush, các tổng thống Mỹ đều ngần ngại tiếp Đức Đạt Lai Lạt Ma, vì lo sợ làm phật lòng Bắc Kinh, và nếu có tiếp, thì cuộc gặp được tổ chức một cách rất kín đáo và không có quay phim chụp ảnh, như trường hợp của tổng thống Obama ngày hôm qua, thứ bẩy, 16/07. Như thông tín viên Jean-Louis Pourtet vừa nhắc ở trên, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton sẽ kết thúc vòng công du châu Á lần này của bà bằng chuyến ghé thăm Hồng Kông rồi Thẩm Quyến vào ngày 25/07 tới đây. Tại Thẩm Quyến, Ngoại trưởng Mỹ sẽ hội đàm với ông Đới Bỉnh Quốc, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc, nhân vật số một trong lãnh vực đối ngoại tại Trung Quốc. Theo nguồn tin từ bộ Ngoại giao Mỹ, hai bên sẽ thảo luận nhiều chủ đề, trong đó có các “vấn đề khu vực và toàn cầu” mà hai bên cùng quan tâm. Trước đó, từ ngày 21 đến ngày 25/7, Ngoại trưởng Mỹ sẽ liên tiếp tham dự hay chủ trì một loạt các cuộc họp tại Bali (Indonesia) trong khuôn khổ hay bên lề Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 44. Tại Indonesia, bà Clinton cũng có dịp ‘’chạm trán’’ đồng nhiệm Trung Quốc Dương Khiết Trì trong ba hội nghị do Hiệp hội Đông Nam Á tổ chức : Hội nghị Ngoại trưởng 10 nước ASEAN với các nước đối tác (PMC) cũng như cuộc họp các Ngoại trưởng nhóm Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) ngày 22/7, và sau đó là Diễn đàn An ninh Khu vực ASEAN (ARF) ngày 23/7, với hồ sơ Biển Đông được cho là sẽ nổi bật trong chương trình nghị sự. Ngoài ra, bà Clinton sẽ chủ trì Hội nghị lần thứ tư của Nhóm Sáng kiến về Hạ nguồn sông Mêkông cùng với Ngoại trưởng các nước Cam Bốt, Lào, Thái Lan, và Việt Nam. Sau đó, Ngoại trưởng Mỹ cũng sẽ chủ trì cuộc họp đầu tiên của nhóm "Bạn hữu của vùng Hạ nguồn sông Mêkông" (FLM), mà mục tiêu làm tạo ra một diễn đàn để khuyến khích sự phối hợp nỗ lực giữa các đối tác khác nhau trong khu vực hạ lưu sông Mêkông. Chủ đề nổi bật trong hai cuộc họp nói trên có lẽ là vấn đề nước Lào mới đây lẳng lặng cấp phép cho tập đoàn Thái Lan Ch Karnang xúc tiến việc xây dựng đập thủy điện Xayabury trên dòng chính sông Mêkông khúc chẩy qua Lào. Vấn đề đặt ra là Viêng Chăn vẫn bật đèn xanh cho xây đập Xayabury cho dù các nước thuộc Ủy hội Sông Mêkông đã yêu cầu đình chỉ công trình, chờ thẩm định trở lại tác động môi trường của con đập.
|