"Dùng y phục để ôn lại văn hóa Việt Nam" |
Tác Giả: Thực hiện: Ngọc Lan/Người Việt |
Thứ Bảy, 16 Tháng 7 Năm 2011 12:05 |
Chính vì những sự yêu thích đó mà tôi luôn muốn làm đẹp áo dài. WESTMINSTER (NV) - Một buổi diễn thuyết về y phục phụ nữ Việt và áo dài Lemur, cũng như trưng bày một số y phục phụ nữ, do nhà vẽ kiểu Trần Thị Lai Hồng thực hiện, sẽ được tổ chức vào Thứ Bảy, 23 tháng 7, từ 1 giờ trưa đến 4 giờ chiều, phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, California. Ðây là lần đầu nhà vẽ kiểu Trần Thị Lai Hồng nói chuyện về công trình nghiên cứu và vẽ kiểu của bà tại quận Cam. Người nghe sẽ được giới thiệu về y phục phụ nữ Việt qua các thời, đồng thời được nghe về đề tài “đổi cách cài nút áo (áo dài) sang tay trái, để thoát gốc nô lệ Trung Quốc - xưa nay vẫn cài bên phải”. Phóng viên Ngọc Lan của nhật báo Người Việt đã có cuộc trò chuyện cùng nhà vẽ kiểu Trần Thị Lai Hồng xoay quanh đề tài này. Phóng viên Ngọc Lan (NV): Bà đã khởi đầu công việc vẽ kiểu áo dài như thế nào? Nhà vẽ kiểu Trần Thị Lai Hồng: Thực ra tôi bắt đầu công việc này từ hồi còn ở Việt Nam. Tôi yêu thích chiếc áo dài từ hồi nhỏ. Ngoài chuyện yêu thích áo dài tôi còn yêu thích lụa tơ tằm nữa. Chính vì những sự yêu thích đó mà tôi luôn muốn làm đẹp áo dài.
Trên nền lụa trắng, nhà vẽ kiểu Trần Thị Lai Hồng đã nhuộm màu trắng đỏ và vẽ hoa cho một mẫu thiết kế của mình. (Hình: Khoa Vũ/Người Việt) NV: Vậy, bà làm đẹp chiếc áo dài bằng cách nào? Vẽ hay may, hay thiết kế? Nhà vẽ kiểu Trần Thị Lai Hồng: Ðầu tiên là tôi thích vẽ, dù tôi chưa qua trường lớp nào về hội họa, chỉ thích là làm thôi, mày mò làm. Lúc còn ở Việt Nam, tôi chưa hề biết chuyện vẽ và nhuộm tơ tằm đâu. Tôi thấy những chiếc áo nội hóa cần phải có cái gì đặc biệt, bởi tánh tôi thích làm cái gì cho khác đi, không muốn giống người ta. Trên những chiếc áo nội hóa của tôi đã dệt sẵn những hình cúc trúc lan mai... Tôi nghĩ ra trò dùng sơn dầu pha loãng ra rồi tô lên những hình đã in sẵn đó, cho nó đẹp lên và không giống với ai hết. Khi đó là khoảng những năm 50-55. Nhiều người lấy làm lạ là sao tôi lại có những chiếc áo không giống người ta. Rồi sau đó tôi cũng có vẽ cho bạn bè. Ðến khi sang Mỹ, tôi có người em trai làm kỹ sư hóa học, em tôi khuyến khích tôi tiếp tục vẽ. Cậu ta chỉ tôi mua màu và làm cho tôi những chiếc khung căng lụa lên để vẽ. Rồi tôi đi học nghề cách nhuộm, dùng màu vẽ, cách chặn màu như thế nào. NV: Và bà đã bắt đầu công việc của một nhà thiết kế, vẽ kiểu chuyên nghiệp từ đó? Nhà vẽ kiểu Trần Thị Lai Hồng: Lúc đầu tôi cũng chỉ làm chơi, vẽ cho bạn bè, chị em trong nhà. Nhưng em trai tôi đề nghị những thiết kế đó cần được tung ra ngoài. Và cậu ta đóng cho tôi chiếc khung đầu tiên để căng lụa lên khi vẽ. Thế là tôi bắt đầu làm. Từ những thất bại ban đầu, tôi tự học hỏi thêm kinh nghiệm cho mình. Lúc đầu tôi cũng làm những cái pattern với hy vọng sẽ làm hàng loạt như người ta vẫn làm. Nhưng làm thử vài lần không được, tôi không làm khuôn mẫu được. Tức là trong tiềm thức tôi đã báo tôi phải sáng tạo từng cái từng cái một. Tôi có những cơ duyên rất lạ. Thế là từ đó đến nay, không bao giờ tôi vẽ một mẫu nào hai lần. Tôi vẫn luôn nói với khách tại sao phải mặc giống người ta? NV: Từ khi nào thì bà lại có ý nghĩ đi vào nghiên cứu trang phục phụ nữ qua các thời kỳ? Nhà vẽ kiểu Trần Thị Lai Hồng: Show trình diễn đầu tiên của tôi là năm 1992, năm đó tôi có ba show một lượt. Lúc đó trong đầu tôi chỉ có suy nghĩ là làm đẹp những bộ y phục phụ nữ. Thành ra những bộ y phục của tôi đều có đề tài, dựa trên thi ca, như “Hoa đào năm ngoái,” “Thu màu quan san”... Tánh tôi lại luôn muốn mỗi ngày mình phải mỗi khác chứ không đứng một chỗ. Tôi nghĩ phải làm cái chi khác hơn, đặc biệt hơn. Tôi lại là người thích môn sử địa nên tôi mới nảy ra ý nghĩ y phục phụ nữ ngoài chuyện phải đẹp, phải bắt mắt, để nhìn, tại sao không dùng y phục phụ nữ để ôn lại phần nào lịch sử và văn hóa Việt Nam? Tôi không dám tham vọng là mình sẽ làm được nhiều, chỉ được phần nào hay phần đó, là ôn lại ít nhiều lịch sử Việt Nam. NV: Trong quá trình đi vào tìm hiểu như vậy, bà đã phát hiện ra những điều mới mẻ gì? Nhà vẽ kiểu Trần Thị Lai Hồng: Tôi muốn thực hiện những bộ y phục có từ xưa. Mà lịch sử của mình thì không có hình ảnh. Lịch sử của mình đầu tiên dựa trên sử Tàu. Hình ảnh duy nhất để lại chỉ có thể căn cứ trên các cổ vật như trên mặt trống đồng, trên các cán dao... Từ những tìm hiểu đó, tôi đi vào thiết kế bộ trang phục Mỵ Nương Công Chúa, bộ trang phục Hai Bà Trưng. Tôi để ý thấy từ xưa đến giờ, ngay cả lúc mình còn đi học, luôn có làm lễ Hai Bà Trưng, và luôn luôn nhân vật đóng Hai Bà Trưng được cho mặc quần, mang boot, và đội khăn hoàng hậu. Tôi nghĩ, khăn Hoàng Hậu Nam Phương là có từ thế kỷ 20, chứ không phải có từ thế kỷ thứ 1, trong khi Bà Trưng ở thế kỷ thứ 1, năm 40. Tôi tìm nhiều sách vở để xem và thấy mình nghĩ đúng. Vì ở thế kỷ thứ nhất, trên thế giới chưa hề phát minh ra cái quần. Khi đó đàn bà mặc váy, đàn ông mặc khố, ngay cả ông vua cũng mặc khố. Ðến thế kỷ thứ 3 thì mới có quần, phát xuất từ Iran, tức Ba Tư xưa, và chỉ có dân cỡi ngựa mới mặc quần. Ðến khi nó qua Châu Âu thì các ông vua mới mặc quần. Rồi nó tiếp tục đi ngược lại qua ngã Á Ðông, đi lên Tàu, đến thế kỷ 17 Tàu mới xuất hiện quần và đến thế kỷ 18 quần mới vào Việt Nam. Ở Mỹ, thì thế kỷ thứ 19, đàn bà mới mặc quần. Chính từ những tìm kiếm đó tôi thấy không có lý gì để cho Hai Bà Trưng mặc quần và đội khăn Nam Phương Hoàng Hậu của thế kỷ 20. Vậy là sai. Thành ra tôi design ra bộ Hai Bà Trưng mặc váy và khăn đội ở trên đầu đơn giản thôi, chứ không phải đội khăn như Hoàng Hậu Nam Phương. NV: Từ lâu nay, người dân Việt Nam đã quen thuộc với chiếc áo dài cài nút bên phải. Bà có thể cho biết căn cứ vào đâu để bà cho rằng cài nút bên trái mới là cách cài nút chính gốc của người Việt Nam? Nhà thiết kế Trần Thị Lai Hồng: Cách đây 5 năm, tôi đã đưa ra bài viết kêu gọi về vấn đề này và gặp sự chống đối mạnh mẽ nhất từ thợ may. Cũng thông cảm thôi là bởi họ học cắt may nút áo dài bên phải, và những mẫu mực đó là rất khó đổi. Thói quen là rất khó đổi. Mình bị 1,000 năm đô hộ Tàu trong máu mình rồi. Người xác nhận những nước trong số bách Việt bên sông Dương Tử mặc áo cài bên trái là Ðức Khổng Tử. Khổng Tử là người nước Lỗ, phía Nam sông Dương Tử. Trong cuốn Luận Ngữ, Khổng Tử viết, “Nhờ Quản Trọng nên chi ngày nay ta mới không phải cắt tóc ngắn, không phải mặc áo dài cài bên trái.” Như vậy đức Khổng Tử xác định rõ rệt ngày xưa người phía Nam sông Dương Tử, trong đó có người Việt Nam, mặc áo cài bên trái. Chính từ bằng chứng rõ rệt này mà tôi đã có bài viết cách đây 5 năm kêu gọi hãy trở lại nguồn gốc của người Việt Nam mình, là hãy mặc áo dài cài bên trái. NV: Mời bà chia sẻ đôi nét về buổi trình diễn “Hành Trình Về Ðất Mẹ Qua Y Phục Phụ Nữ” sẽ diễn ra tại Saigon Performing Art Center vào ngày Thứ Bảy, 6 tháng 8, 2011 tới đây với độc giả Người Việt. Nhà thiết kế Trần Thị Lai Hồng: Tính luôn lần trình diễn này thì tôi đã có hơn 30 show diễn khắp nơi. Nhưng đây là lần lớn nhất trước nay, tôi gom hết tất cả vào làm một. Lần này tôi muốn dùng y phục phụ nữ để ôn lại phần nào lịch sử và văn hóa Việt Nam. Có thể đây là “my last one”. Tôi đã 77 tuổi rồi, dù vậy tâm hồn tôi vẫn luôn ở giai đoạn của sáng tạo, những đam mê sáng tạo vẫn còn rất mạnh. Trên 300 bộ quần áo, chủ yếu được làm bằng silk sẽ được trình diễn. Ðây không phải là một fashion show. Ðây là một chương trình thời trang lồng vào lịch sử. NV: Cảm xúc của bà như thế nào trong qua trình chuẩn bị cho buổi diễn thuyết cũng như trình diễn sắp tới? Nhà thiết kế Trần Thị Lai Hồng: Những cảm xúc khi nào cũng tràn đầy cho mỗi lần chuẩn bị show diễn, thường tôi mất khoảng 6 tháng cho mọi sự chuẩn bị, vừa vui, vừa buồn, vừa háo hức vừa lo âu. Vui vì mình được trình diễn những sản phẩm mình làm ra, được cơ hội chuyển đạt những ý tưởng thiết kế của mình đến với người xem. Có bề mặt thì đương nhiên cũng có bề trái, bao giờ cũng vậy. Tôi là người khó tính trên sân khấu. Với tôi trên sân khấu không có chuyện cười cợt, ngoe nguẩy, làm điệu làm bộ, tôi không ưa như vậy. Trên sân khấu khi mình trình diễn một tác phẩm, thì tác phẩm đó vừa đại diện cho quê hương mình, vừa đại diện cho địa phương mình, và tác phẩm đó cũng đại diện cho chính tôi. Tươi nhưng không cười cợt.
“Áo vá vai vợ ai tui nỏ có biết/Còn o áo vá quàng ni nỉ thì nhất thiết là vợ tui!” (Ca dao Huế). Một thiết kế của Trần Thị Lai Hồng. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt) Nhiều ý tưởng không thể chuyển tải hết trong lúc biểu diễn thì chúng tôi dành để nói trong buổi diễn thuyết tại nhật báo Người Việt vào ngày Thứ Bảy, 23 tháng 7. Trong buổi này, Ban tổ chức kêu gọi chị em tham dự mỗi người mang theo một chiếc áo ưa thích, kể cả áo bà ba, để cùng nhau chia sẻ nét đẹp của trang phục Việt. Cũng nhân dịp này chúng tôi đưa ra một giải thưởng dành cho thợ may may áo dài cài bên trái đẹp nhất. Chúng tôi quyết dùng chiếc áo dài để chống Tàu. Cám ơn nhật báo Người Việt đã giúp đỡ tôi ngay từ lần triển lãm đầu tiên năm 1992 đến nay. Cám ơn những độc giả Người Việt đã theo dõi rất kỹ chương trình sắp tới của chúng tôi. NV: Cám ơn bà đã dành cho báo Người Việt cuộc trò chuyện này.
|