Tác Giả: Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh
|
Thứ Năm, 14 Tháng 7 Năm 2011 20:48 |
Tuần qua có chuyện vành ra ba góc: Đó là Cộng sản Việt Nam, Cộng sản Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Đại sứ Trung Quốc tại VN Tôn Quốc Tường hết nhiệm kỳ đến chào Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh của VN. Thanh đã tuyên bố một câu xanh rờn, nói "Việt Nam mãi mãi biết ơn Trung Quốc về những sự giúp đỡ trong những năm qua". Tường đáp lời, nói Trung Quốc hết sức coi trọng tình hữu nghị truyền thống với Việt Nam và sẽ đóng góp, đoàn kết, hợp tác toàn diện giữa 2 nước. Cố nhiên 2 vị này không thích nhớ lại hai anh Trung Cộng và Việt Cộng đã đánh nhau nẩy lửa ở biên giới năm 1979.
Tướng Phùng Quang Thanh nói vậy chỉ là đánh võ mồm. Trên thực tế Việt cộng đang hiện đại hóa lực lượng Cảnh sát trên mặt biển để bảo vệ hải phận và thềm lục địa của mình. tuần tiễu Hải phận có chiến hạm trọng tải 2 ngàn tấn, có khả năng hoạt động 40 ngày trên mặt biển. Nhiệm vụ của chiến hạm này là giúp ngư dân trong việc đánh cá và cả trong khi có tình trạng diễn biến phức tạp, đồng thời chiến hạm còn có nhiệm vụ thông báo và ngăn chặn mọi sự vi phạm của ngư dân đến hải phận nước bạn. Câu nói này ngược lại cũng có nghĩa là ngăn chặn mọi sự vi phạm đến hải phận Việt Nam. Nuớc nào sẽ có thể vi phạm đến Hải phận Việt Nam? Mỹ chăng?
Ở đây cái góc gọi là nước Mỹ mới nổi bật. Cũng tuần trước trả lời câu hỏi của báo chí, Nguyễn Phương Nga phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam xác nhận: "Từ ngày 15 đến ngày 21 tháng 7, ba chiến hạm của Hải quân Mỹ, USS Howard, USS Chung Hoon và USNS Safeguard sẽ ghé thăm Hải cảng Tiên Sa của Việt Nam. Bà Nga nói đây chỉ là một hoạt động giao lưu định kỳ giữa Mỹ và Việt Nam nhằm thắt chặt quan hệ giữa hải quân Việt Nam và Hải quân Hoa Kỳ, cũng như trao đổi kinh nghiệm chuyên môn của Hải quân hai nước, và tìm sự cứu nạn. Nạn gì vậy? Cố nhiên nó phải bao gồm cả việc Hải quân của một nước thứ ba đến tấn công.
Ở ngoài khơi và thềm lục địa Việt Nam có gì quý giá khiến nước khác phải dòm ngó? Câu trả lời có lẽ ai theo dõi thời cuộc đều đã biết. Đó là những mỏ dầu ngầm dưới biển, ở quanh các đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Những tổ chức chính trị của người Việt định cư ở hải ngoại, nhất là ở Mỹ trong các năm qua nhiều lần nhắc đến Hoàng Sa và Truờng Sa, đặc biệt một số các học giả đã tìm đến ngọn nguồn để chứng minh Hoàng Sa và Truờng Sa là của Việt Nam.
Trong số các vị này có Giáo sư Nguyễn Văn Canh đã thu thâp các tài liệu quý giá và cho xuất bản môt cuốc sách có tựa đề "Hồ sơ Hoàng Sa & Truờng Sa và Chủ quyền Dân tộc", kèm theo những bản đồ từ thời Nhà Lê, Thế Kỷ 17 cho đến thời Nhà Nguyễn, Thế Kỷ 19; kể cả những bản đồ Paracels & Spratlys của người Tây phương, Thế kỷ 18. Tôi nghĩ nhiều chuyện lạ về Việt Nam cũng như về suốt dọc bờ biển của Tổ quốc người Việt sẽ còn xẩy ra trong những năm tới của Thế kỷ 21. |