Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 14 Tháng 7 Năm 2011 |
Tác Giả: Trọng Thành |
Thứ Năm, 14 Tháng 7 Năm 2011 09:15 |
Bốn giám mục Trung Quốc bị ép buộc dự lễ tấn phong của Giáo hội quốc doanh
Linh mục Hoàng Bích Chương, người được chính quyền Trung Quốc chọn làm giám mục Sán Đầu. Tờ Le Monde hôm nay chạy hàng tựa « Công an Trung Quốc bắt các giám mục Công giáo », để nói về sự kiện Bắc Kinh cưỡng bức bốn giám mục Trung Quốc tham gia vào lễ tấn phong của Giáo hội Công giáo do chính quyền lập ra. Việc công an bắt bốn giám mục được Tòa thánh Vatican công nhận, là nhằm buộc họ tham gia một buổi lễ tấn phong, dự kiến diễn ra ngày hôm nay 14/7/2011 của giáo hội Công giáo quốc doanh. Sự việc này diễn ra đúng vào lúc quan hệ giữa Tòa thánh và Bắc Kinh đã trải qua một giai đoạn đầy căng thẳng mới. Theo tin tức từ giáo phận Mai Châu, thuộc tỉnh Quảng Đông, ông Liêu Hồng Thanh - giám mục Mai Châu – đã lánh khỏi địa phận này vào ngày 6/7 để tránh không phải tham gia vào cuộc tấn phong, như lời khuyến dụ mang tính ép buộc của chính quyền. Tuy nhiên, thứ Hai tuần này (11/7), giám mục Mai Châu đã bị công an tìm được và dùng sức mạnh cưỡng bức ông đến thành phố Sán Đầu, cũng thuộc tỉnh Quảng Đông, nơi diễn ra một lễ tấn phong giám mục « bất hợp pháp », theo nhìn nhận của Vatican. Theo trang mạng Asia News, ba giám mục khác cũng bị công an Trung Quốc bắt đi để buộc họ phải tham gia nghi lễ này. Ngày hôm qua, Hiệp hội Công giáo yêu nước Trung Quốc do đảng Cộng sản lãnh đạo đã không đưa ra một trả lời nào về chủ đề kể trên. Trên thực tế, Bắc Kinh không công nhận quyền lực của Vatican. Các tín đồ Công giáo Trung Quốc trung thành với Tòa thánh sinh hoạt trong các cộng đồng « bí mật », thường xuyên bị đàn áp. Việc tấn phong chức giám mục là chủ đề mâu thuẫn trong các quan hệ giữa Vatican và Bắc Kinh, mà giữa hai bên hiện nay không có quan hệ ngoại giao chính thức. Sau năm năm quan hệ được cải thiện từng chút một, với việc Giáo hội của Nhà nước đã tuyển chọn được một số giám mục, có khả năng được Giáo hoàng chuẩn y, kể từ cuối năm 2010, quan hệ giữa hai phía một lần nữa trở nên xấu đi. Vatican hoàn toàn không chấp nhận việc Bắc Kinh cho tiến hành phong chức một giám mục, vào tháng 11/2010, tại Thừa Đức, tỉnh Hồ Bắc, trong đó tám giám mục đã bị cưỡng bức phải tham dự. Tình hình đặc biệt nghiêm trọng vào tháng 6 này, khi Hiệp hội Công giáo yêu nước Trung Quốc của chính quyền tuyên bố sẽ tấn phong thêm bốn mươi giám mục mới mà không cần có ý kiến của Vatican. Một giám mục vừa mới được phong tại tỉnh Tứ Xuyên ngày 4 tháng 7 đã bị Tòa thánh rút phép thông công. Đức Giáo hoàng Benedicto 16 kêu gọi các giám mục Trung Quốc từ chối « con đường chia rẽ », bất chấp áp lực của chính quyền, và đe dọa sẽ trừng phạt nặng theo luật nội bộ của Giáo hội đối với bảy giám mục đã tham gia vào lễ tấn phong kể trên. Theo Le Monde, với việc tuyên bố các biện pháp kỷ luật này, Tòa thánh Vatican chấp nhận mạo hiểm trong việc các căng thẳng có thể bùng lên, đặt các chức sắc tôn giáo, vốn đang nỗ lực làm cầu nối giữa Giáo hội chính thức và Giáo hội thầm lặng, vào một « trạng thái còn tế nhị hơn nữa » so với trước đây. Ông Anthony Lam Sui-ki, nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm nghiên cứu thánh linh tại Hồng Kông, đánh giá : việc Giáo hội chính thức Trung Quốc dùng sức mạnh trong các lễ tấn phong mới đây là « một thảm nạn » đối với Giáo hội La Mã. Vì sao khu vực đồng euro lâm vào khủng hoảng gay go hiện nay ? Về mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng tại Châu Âu, nhật báo Le Monde có bài « Đồng euro : các nguyên cớ của một trận bão không hồi kết » với năm giải thích. Trước hết, tờ báo cho biết, cuộc họp các bộ trưởng Tài chính Châu Âu đầu tuần đã kết thúc thất bại. Nguyên nhân thứ nhất của tình trạng hiện nay là các nước Châu Âu bất lực trong việc tìm ra một đồng thuận trong kế hoạch trợ giúp Hy Lạp lần thứ nhì. Về lý do vì sao các thương thuyết lại bị cản trở, Le Monde giải thích là do bất đồng giữa Ngân hàng trung ương Châu Âu và đề nghị của các nước như Đức và Hà Lan xung quanh việc mời các nhà cấp vốn tư nhân tham gia kế hoạch cứu Hy Lạp. Về nguyên nhân của việc các ngân hàng bị mất điểm nặng trên sàn chứng khoán, Le Monde cho biết điều này có liên quan đến việc công bố kết quả « các trắc nghiệm về khả năng kháng cự ngân hàng » (stress test) vào ngày mai 15/7. Đánh giá này làm tăng thêm không khí lo ngại trong khu vực tài chính. Tờ báo cũng chỉ ra các ngân hàng Đức và Pháp là dễ bị cuộc khủng hoảng tác động nhất. Các ngân hàng ở hai nước này nắm giữ hàng chục tỷ euro nợ quốc gia của Hy Lạp. Vấn đề thứ năm đặt ra là, kịch bản Hy Lạp không thể trả được nợ hiện nay chưa có hướng giải quyết, mặc dù đây là một khả năng hoàn toàn có thể xảy ra. Theo phụ trang kinh tế của Le Figaro, cuộc họp thượng đỉnh châu Âu nhằm tìm ra giải pháp cho khủng hoảng vào ngày mai, thứ Sáu 15/7 đã bị dời lại, trước hết vì Đức nhận thấy chưa sẵn sàng. Toàn thể quốc hội Anh chống lại ông trùm truyền thông Murdoch Về vụ bê bối của tập đoàn truyền thông Murdoch với các vụ nghe trộm của News of the World, nay đã đóng cửa, tờ Le Figaro có bài viết « Đối mặt với trận tuyến thống nhất của giới chính trị, Murdoch phải tháo lui ». Tập đoàn News Corporation vừa đưa ra quyết định từ bỏ đề nghị mua lại Hệ thống truyền hình vệ tinh BSkyB. Sự lui bước của nhà tài phiệt gốc Úc, không cần đợi đến phản ứng chính thức của Quốc hội, đã được các đảng phái tại Anh vui mừng đón nhận, bởi chính giới Anh lo ngại việc mua lại BSkyB sẽ tạo ra tình trạng độc quyền thông tin tại Anh. Uy tín của thủ tướng Anh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trước phiên chất vấn cuối cùng trước đợt nghỉ mùa hè, thủ tướng Cameron đã phải trả lời nhiều câu hỏi của các nghị sĩ. Thủ tướng Anh cũng tuyên bố sẽ bắt đầu cuộc điều tra về vụ bê bối nghe trộm của News of the World trong thời hạn sớm nhất, và đề nghị các bộ trưởng của ông từ giờ phải công khai những cuộc gặp của họ với những người đứng đầu báo giới hay giám đốc của các phòng thông tin. Tổng thống Nga Medvdev « lại thách đấu » với Thủ tướng Putin Về chính trị nước Nga, với hàng tựa « Trước ngưỡng cửa 2012, Medvedev thách thức Putin trước giới tài phiệt », Le Figaro cho biết sự kiện mới diễn ra tại Nga ngày thứ Hai tuần này, khi đương kim tổng thống Nga Medvedev tuyên bố trước 27 nhà doanh nghiệp hùng mạnh nhất nước Nga rằng : cần phải chọn ủng hộ một người ra ứng cử tổng thống. Tin này được nhật báo kinh tế Vedomosti thông báo ngày hôm qua. Một trong những người tham dự thuật lại tin này với báo chí đã bày tỏ thái độ ngạc nhiên sững sờ. Trên thực tế từ sáu tháng nay, hai thủ lĩnh của nền chính trị Nga liên tục chơi trò mèo vờn chuột trong việc cử người ra làm ứng viên tổng thống. Trong khi tỏ ra rõ ràng là muốn ứng cử lần nữa, tổng thống Nga cố gắng hoàn toàn tránh tuyên bố công khai về chuyện này. Sự kiện kỳ quặc nhất xảy ra vào giữa tháng Năm vừa rồi, khi ông Medvdev triệu tập hẳn 800 nhà báo để đưa tin nhưng cuối cùng không có một tuyên bố nào mới. Liên tục thỏa hiệp qua lại với nhau, quan hệ giữa Putin và Medvedev khiến mọi người nín thở chờ đợi. Theo Le Figaro, giờ thì khó có thể hy vọng sẽ có tuyên bố chính thức về người ra tranh cử sau dịp hè. Phải đợi đến sau các bầu cử nghị viện tháng 12/2011, thì mới biết ông Medvedev có thực sự sẽ đối đầu với ông Putin hay không. Người xem truyền hình Pháp ưa chuộng các chặng đua xe đạp trên núi Để kết thúc mục điểm báo hôm nay, chúng tôi xin giới thiệu với quý vị vòng đua xe đạp quanh nước Pháp qua bài viết trên Le Monde « Khán giả truyền hình đưa Vòng Đua Xe lên cao hơn ». Theo giám đốc France Televison, trong tháng bảy, nước Pháp chỉ có hai sự kiện lớn : Quốc khánh 14-7 và cuộc đua xe đạp vòng quanh nước Pháp. Để truyền đi các diễn biến của cuộc đua nổi tiếng này, các kênh truyền hình công lập Pháp huy động đến 170 phóng viên và kỹ thuật viên trong vòng ba tuần. Sự kiện này khiến truyền hình công của Pháp vẫn tiếp tục thu hút người xem, bất chấp sự nở rộ của các kênh truyền hình mới. Dưới tác động của truyền hình, bản thân cuộc đua xe đạp vòng quanh nước Pháp cũng thay đổi sự bố trí các chặng đua. Khác hẳn so với cách đây 15 năm, vốn luân phiên đua trên núi và trên đồng bằng và kết thúc bằng cuộc đua nước rút, cuộc đua hiện nay bắt đầu ngay tuần đầu tiên với đích đến là vòng leo núi. Chính đòi hỏi của người xem khiến ban tổ chức điều chỉnh lại các chặng đua. Buổi truyền hình hiện nay cũng kéo dài hơn trước rất nhiều, thường là từ 11h đến 17h30, chứ không chỉ hai tiếng cuối trước khi đến đích. Thật ra truyền hình cuộc đua xe đạp quanh nước Pháp không mang lại quá nhiều lợi nhuận, với khoảng 3 triệu euro một mùa, trong đó một phần ba thu nhập là đến từ quảng cáo (một triệu euro). Một trong những điều đặc biệt thú vị của các buổi truyền hình này là người xem có thể thưởng thức quang cảnh và kiến trúc của khắp các miền nước Pháp. Theo giám đốc France Television, khoảng 1/5 số khán giả xem vòng đua này chính là để xem phong cảnh nước Pháp. Đặc biệt là có nhiều cảnh bên trong của các công trình kiến trúc hết sức đặc sắc, nhưng hiếm được công chúng biết đến, đã được các êkíp làm phim của truyền hình Pháp thực hiện trong năm và chiếu kèm trong thời gian diễn ra vòng đua. Quốc khánh Pháp, quân đội để tang Ngày duyệt binh truyền thống nhân dịp Quốc khánh 14-7 của nước Pháp trên đại lộ Champs-Elysée diễn ra trong bổi cảnh « Năm binh sĩ tử vong. Quân đội Pháp để tang », như hàng tựa trên trang nhất Le Figaro. Tờ báo đưa trên trang nhất hình ảnh của bốn binh sĩ vừa hy sinh ngày thứ Tư 13/7, tại Afghanistan trong một vụ khủng bố tự sát. Tên tuổi của người thứ năm tử trận đã không được công bố theo yêu cầu của gia đình. Vẫn về Afghanistan, « Quân đội bị quật ngã » là hàng tựa trên trang nhất Libération, tờ báo nhận định : lại thêm một bằng chứng về một đội quân bị kiệt sức sau mười năm chinh chiến.
|