Home Tin Tức Thời Sự Trợ cấp bị cắt, kinh tế lại bị ảnh hưởng

Trợ cấp bị cắt, kinh tế lại bị ảnh hưởng PDF Print E-mail
Tác Giả: V.Giang   
Thứ Ba, 12 Tháng 7 Năm 2011 13:13

Mức tăng trưởng công ăn việc làm vẫn còn yếu kém.

 WASHINGTON (NYT) - Do khoảng 20% lợi tức cá nhân ở Mỹ đến từ các chương trình trợ cấp của chính phủ, việc cắt giảm các chương trình này sẽ khiến người dân bớt chi tiêu, và nền kinh tế lại khó phục hồi hơn, theo phân tích của một công ty tài chánh.

  Gần $2 trong mỗi $10 đi vào túi của người dân Mỹ hồi năm ngoái là từ các chương trình trợ cấp như trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp thực phẩm (food stamps), An Sinh Xã Hội và trợ cấp dành cho người mất năng lực làm việc (disability), theo kết quả một cuộc phân tích của công ty tài chánh Moody's Analytics.

 Tại các tiểu bang đang bị ảnh hưởng trầm trọng của suy thoái kinh tế, như Arizona, Florida, Michigan và Ohio, người dân phải trông cậy nhiều hơn nữa từ chính quyền.

Tuy nhiên, đến cuối năm nay, phần lớn các số tiền này sẽ cạn, do hết thời gian gia hạn trợ cấp dành cho những người bị ảnh hưởng lâu dài của tình trạng khủng hoảng hiện nay.

 Công ty Moody's Analytics ước lượng khoảng $37 tỉ sẽ ngưng đổ vào túi người dân trong năm nay.

Nếu nhìn về ảnh hưởng kinh tế, số tiền này gần bằng trị giá cắt giảm chi tiêu mà Quốc Hội chấp thuận thời gian gần đây để thông qua ngân sách, giúp chính phủ tiếp tục hoạt động cho đến tháng 9.

Nếu số công ăn việc làm không tăng cao thời gian tới, các nhà kinh tế lo ngại rằng việc mất đi số tiền trợ cấp này sẽ khiến người tiêu thụ không dám mua sắm nữa và cản trở sự phục hồi của nền kinh tế.

Trong số những trợ giúp đang dần dần mất đi là trợ giúp của liên bang dành cho các tiểu bang, chương trình của Ngân Hàng Trung Ương nhằm bơm tiền vào nền kinh tế và giảm thuế sổ lương, vốn sẽ hết hạn vào cuối năm.

“Nếu số công việc không tăng và không có thêm lợi tức, người tiêu thụ sẽ không có khả năng để mua sắm, và nền kinh tế sẽ suy yếu,” theo lời Mark Zandi, trưởng kinh tế gia của Moody's Analytics.

Mức tăng trưởng công ăn việc làm vẫn còn yếu kém. Hiện nay cứ mỗi một công việc có tới 4.6 người thất nghiệp muốn xin, theo thống kê của Bộ Lao Ðộng. Ở tiểu bang Arizona, nơi tỉ lệ này là 10 người cho mỗi công việc mở ra, sẽ có thêm 45,000 người có thể mất trợ giúp vào cuối năm, theo ước tính của chính quyền tiểu bang. Trong khi đó giới chủ nhân nơi đây chỉ mở thêm 4,000 việc làm mới trong 12 tháng qua.

Ở Florida, nơi có gần 476,000 người lãnh trợ cấp thất nghiệp, giới chủ nhân chỉ mở thêm 11,200 việc trong cả năm ngoái. Ở Michigan, có thêm khoảng 40,000 việc mới từ tháng 5 năm 2010, nhưng hiện có khoảng 267,000 lãnh trợ cấp thất nghiệp.

Ðợt gia hạn trợ cấp thất nghiệp sau cùng, do Quốc Hội thông qua hồi tháng 12 năm ngoái, cho những người thất nghiệp dài hạn, với tối đa là 99 tuần lễ, sẽ chấm dứt vào cuối năm nay. Trong khi đó con số người đi đến hạn định 99 tuần lễ này đang ngày càng nhiều hơn.

“Bất kể lý do tại sao người dân không có tiền để chi tiêu, điều này sẽ ảnh hưởng tất cả giới bán lẻ ở mọi ngành,” theo lời Michael Siemienas, phát ngôn viên của công ty SuperValu, vốn điều hành một hệ thống siêu thị khắp nước Mỹ.