Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc ngày 11 tháng 7 năm 2011

Điểm Báo Pháp Quốc ngày 11 tháng 7 năm 2011 PDF Print E-mail
Tác Giả: Thanh Hà   
Thứ Ba, 12 Tháng 7 Năm 2011 08:28

Cái chết được thông báo quá sớm của Giang Trạch Dân

 

Cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân phát biểu tại Đại hội ĐCSTQ lần thứ 16 tại Bắc Kinh ngày 08/11/2002. Reuters

 Tại một đất nước mà sức khỏe của các nhà lãnh đạo còn là một điều cấm kỵ và thuộc phạm trù bí mật quốc gia, các trang mạng có chữ « Giang » đều đã tạm thời ngưng hoạt động.

Thực hư về tình trạng sức khỏe của ông Giang Trạch Dân cho đến hôm nay, theo như Le Monde thì vẫn còn là một vùng mù mịt. Nhưng điều giới quan sát nhắc đến đó là « cái chết về phương diện chính trị » của nhà lãnh đạo họ Giang.

Tờ Le Monde nói tới « Cái bẫy trong cuộc chạy đua với thời gian để đưa tin sốt dẻo ».

 Thông tín viên của tờ báo này tại Bắc Kinh trở lại với sự kiện báo chí Hồng Kông ngày 06/07/11 đã quá vội vàng đưa tin cựu lãnh đạo Trung Quốc Giang Trạch Dân, 84 tuổi, qua đời để rồi sau đó đã phải chính thức xin lỗi. Trong lúc hãng thông tấn chính thức của nhà nước thì chậm cải chính về tin này. Ông chủ của đài truyền hình Asia Television đã phải nhìn nhận « đây là một sai lầm khó tránh khỏi » trong bối cảnh các phương tiện truyền thông đang cạnh trạnh dữ dội.

Tuy nhiên, tại một đất nước mà sức khỏe của các nhà lãnh đạo còn là một điều cấm kỵ và thuộc phạm trù bí mật quốc gia, các trang mạng có chữ « Giang » đều đã tạm thời ngưng hoạt động – ngay cả khi ta muốn tìm kiếm thông tin về dòng « Trường Giang ».

Thực hư về tình trạng sức khỏe của ông Giang Trạch Dân cho đến hôm nay, theo như Le Monde thì vẫn còn là một vùng mù mịt. Nhưng điều giới quan sát nhắc đến đó là « cái chết về phương diện chính trị » của nhà lãnh đạo họ Giang.

Tác giả bài báo cho biết là trong một thời gian dài, sau khi đã chuyển giao quyền lực về tay ông Hồ Cẩm Đào, từ hậu trường ông Giang Trạch Dân vẫn thao túng sân khâu chính trị Trung Quốc để đưa một số người thân vào những chức vụ then chốt.

Trích dẫn một giáo sư chính trị học của Hồng Kông, Le Monde cho rằng : mãi cho đến mùa xuân vừa qua ông Giang Trạch Dân vẫn còn khả năng « gài » người thân cận thuộc cánh Thượng Hải như ông vào các chức vụ then chốt. Sự vắng mặt của ông hôm đầu tháng đang làm suy yếu thành phần này và chứng tỏ là giờ đây phe của ông Hồ Cẩm Đào đang thắng thế.

Pháp sốt ruột vì dự án đường sắt đô thị Hà Nội

Liên quan đến Việt Nam Les Echos hôm nay có bài viết với tựa đề « Đồng tài trợ dự án đường xe điện Hà Nội, Pháp gây sức ép ».

 Theo đó dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội nối liền Ga Hà Nội với Từ Liêm, chặng đường dài 12,5 km đã bị nhiều chậm trễ. Pháp là một trong ba nhà tài trợ nước ngoài –cùng với Ngân hàng Phát triển Á Châu và Ngân hàng Đầu tư Châu Âu muốn dự án này phải bắt đầu hoạt động vào năm 2016 như đã dự kiến. Một viên chức của Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội chờ đợi có nhiều tập đoàn Pháp đấu thầu để tham gia dự án này.

Về phần mình đại sứ Pháp tại Việt Nam cảnh cáo « các bên liên quan cần nỗ lực tránh để xảy ra nhiều sự chậm trễ quá lớn ». Les Echos nhắc lại dự án đường métro Hà Nội đã được khởi động từ năm 2006, nhưng từ đó đến nay công trình này còn dậm chân tại chỗ. Tuyến đường bao gồm 12 trạm, trong đó bốn trạm dưới đường ngầm từ Thủ Lệ đến chạm chót là nhà ga Hà Nội.

Hoa Kỳ: Thất nghiệp gia tăng

Về thời sự Mỹ, báo Pháp hôm nay quan tâm đến tin tỷ lệ thất nghiệp của Hoa Kỳ tăng lên trở lại.

Trong tháng 6/2011 nước Mỹ tạo thêm 18.000 việc làm một con số thấp hơn rất nhiều so với 90. 000 mà dư luận chờ đợi. 9,2% người trong tuổi lao động không có việc làm. Les Echos xem đây là « gáo nước lạnh » đối với chính quyền Obama vào lúc Nhà Trắng đang phải thương lượng với phe đối lập về kế hoạch cắt giảm chi tiêu để giới hạn thâm hụt ngân sách của nhà nước liên bang.

Theo báo cáo mới nhất của Viện McKinsey từ đầu khủng hoảng tài chính 2008 đã có 7 triệu chỗ làm bị hủy bỏ và nước Mỹ sẽ phải mất ít nhất là 9 năm nữa để kéo tỷ lệ thất nghiệp xuống còn 5% như thời kỳ tiền khủng hoảng với điều kiện là từ nay đến đó Hoa Kỳ phải tạo thêm 21 triệu công việc làm. Mục tiêu mà Les Echos xem là khá xa vời vì tính từ đầu năm 2000 đến nay, nước Mỹ mới chỉ tạo thêm có khoảng 9,2 triệu việc làm cho người dân.

Tại sao phụ nữ lại chịu để bị cắm sừng ?

Cũng tại Hoa Kỳ, vụ án Dominique Strauss-Kahn vẫn còn chưa chìm vào quên lãng : báo Le Figaro đưa tin cộng đồng người da đen ở New York đang huy động dư luận để bảo vệ bà Nafissatou Diallo, nữ nhân viên làm phòng của khách sạn Sofitel đã tố cáo cựu Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế mưu toan hãm hiếp bà.

 Nhân vụ này, Le Monde nêu lên câu hỏi tại sao có nhiều phụ nữ lại « nhắm mắt » để mặc cho chồng tha hồ « trăng, gió» ?

Nhiều người vẫn tin rằng, sự thủy chung là nền tảng của các cặp vợ chồng, nhưng, theo giải thích của các nhà phân tâm học thì : đôi khi người đàn bà coi trọng một vài đức tích của chồng hơn cả lòng chung thủy. Lại cũng có người quan niệm rằng yêu và sống với một ông chồng « hảo ngọt » là một hình thức để người phụ nữ thể hiện quyền tự do chọn lựa của mình, lại có những người đàn bà rộng lượng và tha thứ. Họ không coi đó là một hình thức tội lỗi của đức lang quân mà chỉ là một « trò trẻ con » của một con người còn đang háo thắng.

Lại cũng có những bà, chấp nhận sự hiện diện của một hình bóng phụ nữ thứ nhì trong con tim của chồng với điều kiện đó chỉ là những chuyện « qua đường », như một cơn gió thoảng !

Nhưng cũng xin thưa : đấy chỉ là lối giải thích của các chuyên gia, của các nhà phân tâm học về sự độ lượng của phái đẹp. Tờ báo không đề cập đến phản ứng của các đấng mày râu trong trường hợp họ bị cắm sừng.

Françoise Hardy và « Tous les garçons et les filles »

Trong loạt bài mùa hè của Le Figaro, bài đầu tiên trở lại với một « huyền thoại » của dòng nhạc Ye-Ye : bản "Tous les garçons et les filles" của nữ danh ca Françoise Hardy.

Từ báo phác họa lại chân dung của một cô gái 17 tuổi, sống trong một căn hộ chật hẹp với người mẹ và thiếu thốn tình thương của người cha. Françoise đỗ tú tài, được ông bố tặng cho một cây đàn ghi-ta và cô bắt đầu sáng tác.

 Françoise Hardy viết một bài hát buồn : « Những cô cậu thanh niền cùng trang lứa, họ có cặp có đôi/ Tất cả những cậu con trai và cô gái cùng tuổi tôi, ho biết thế nào là yêu thương, hạnh phúc/ Tay trong tay, mắt nhìn nhau say đắm/Họ yêu nhau/ Còn tôi : đơn độc trên đường phố … »

Cùng thời với cô, thần tượng của giới trẻ là nam danh ca Johnny Hallyday. Nhà xuất bản đĩa Vogue tìm một gương mặt nữ tiêu biểu cho làng nhạc trẻ của Pháp. Nhưng Françoise Hardy quá mảnh khảnh, quá nhút nhát, để trở thành một « ngôi sao ». Dù vậy, ngày 25/04/1962 Françoise Hardy thu đĩa hát đầu tiên trong vỏn vẹn ba giờ đồng hồ và "Tous les garçons et les filles" đã trở thành biểu tượng của cả một thế hệ.

Tháng 10 cùng năm, lần đầu tiên xuất hiện trên đài truyền hình, khuôn mặt dài và phong thái tự nhiên của Françoise Hardy đã khiến cả nước Pháp như muốn ôm cô vào lòng. Hai năm sau, hơn 2 triệu ấn bản đĩa hát đầu tay của Françoise Hardy đã chu du vòng quanh trái đất.

Thuở trẻ Françoise Hardy từng mặc cảm là mình xấu xí. Cô đâu thể ngờ là hai ông hoàng của làng nhạc rock thời đó là Mick Jaggger và Bob Dylan đã điên đảo về cái vẻ vụng về, ngượng nghịu của cô gái con nhà lành như Mademoiselle Hardy !