Điểm Báo Pháp Quốc ngày 10 tháng7 năm 2011 |
Tác Giả: Lê Phước |
Chúa Nhật, 10 Tháng 7 Năm 2011 16:18 |
Trung Quốc:Tăng trưởng quyết định sự sống còn của đảng cầm quyền
Một tiết mục mừng ngày thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc, Trùng Khánh, 01/07/2011 REUTERS Ngày 01/07/2011, rồi, đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) kỷ niệm 90 ngày thành lập. Đây là một sự kiện trọng đại của Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh trước thềm đại hội 18 của đảng diễn ra vào năm tới. L’Express dành mục thời luận phân tích sự kiện này với dòng tựa : “Buổi sinh nhật rình rang quá mức bình thường của đảng Cộng sản Trung Quốc”. Sau khi nhắc lại sự kiện thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc hồi năm 1921, tác giả đặc biệt nhấn mạnh đến qui mô hiện tại của Đảng này: với 80 triệu đảng viên, tương đương dân số của Đức. Năm 2010, có đến 21 triệu đơn xin gia nhập Đảng, nhưng chỉ có 3 triệu được chấp nhận. Trong lễ kỷ niệm lần thứ 90 này, chính quyền Trung Quốc làm mọi thứ để tránh việc bị xem là “một tàn dư của quá khứ”. Một mặt, các nhà lãnh đạo nhắc đi nhắc lại rằng, đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn luôn là một “tinh hoa”. Mặt khác, như thể không chắc chắn có thể đạt đến sinh nhật thứ 100, giới lãnh đạo sử dụng đủ cách tuyên truyền để kích thích quần chúng. Tại thủ đô Bắc Kinh cờ xí rợp trời; một bộ phim đại qui mô được trình chiếu ở các rạp thu hút đến 218 triệu lượt vào; Các chuyến “du lịch đỏ” về quê hương cố chủ tịch Mao Trạch Đông được khuyến mãi rầm rộ, trong khi vùng Tây Tạng thì lại bị cấm cho du khách phương Tây. Những “bộ sưu tập đỏ” bao gồm các hiện vật liên quan đến thời kỳ cách mạng cũng đang được dịp phát triển. Thế nhưng, theo tác giả, phía sau vẻ hoành tráng là một tâm trạng lo lắng. Hiểu được những khó khăn phát sinh từ quá trình tăng trưởng phi mã, chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã kêu gọi “củng cố kỷ luật tập thể”. Ông cũng cảnh báo hiện tượng tham nhũng và lên án thái độ “xa rời quần chúng” của một bộ phận quan chức. Là người gốc Tứ Xuyên, nên Đặng Tiểu Bình rất tâm đắc câu nói dân gian của vùng này, và ông cũng đã không ít lần nhắc đến: “Mèo trắng hay đen không quan trọng, miễn bắt được chuột là tốt”. Theo câu nói này, thì để đạt được mục đích, người ta bất chấp thủ đoạn. Trong bối cảnh hiện tại, tác giả cho rằng, nếu tin theo lời trên của ông Đặng Tiểu Bình, thì Trung Quốc phải duy trì sự tăng trưởng bằng mọi giá để bảo đảm “sự trường tồn” của đảng Cộng sản Trung Quốc. Việc tổ chức hoành tráng một phần cũng đến từ tình hình chính trị nhạy cảm hiện tại: Năm 2012 sẽ diễn ra Đại hội 18 của đảng cầm quyền. Đây sẽ là một bước thay đổi quan trọng trong bộ máy lãnh đạo: Ông Hồ Cẩm Đào sẽ hết nhiệm kỳ vào cuối năm 2012; trong số 9 thành viên của ủy Ban Thường trực Bộ Chính trị, sẽ có đến 7 người được thay thế; sau đó sẽ là hàng loạt các bổ nhiệm mới đối với những vị trí chủ chốt mà ở đó, người được bổ nhiệm sẽ phải chứng tỏ năng lực về ý thức hệ lẫn kinh tế. Nguyệt san Le Monde Diplomatique bị kiểm duyệt tại Việt Nam Nguyệt san Le Monde Diplomatique là một đặc san chuyên phân tích lĩnh vực quan hệ quốc tế hàng đầu tại Pháp. Trong số ra tháng 6/2011, tờ báo này dành ưu tiên cho mối quan hệ Việt-Mỹ với bài viết đề tựa khá ấn tượng : « Tái ngộ Mỹ-Việt ». Thế nhưng, theo thông tin đăng tải trên trang mạng của tờ báo này, đề ngày 8/7, bài viết trên đã bị kiểm duyệt tại Việt Nam. Theo Le Monde Diplomatique, Việt Nam có khoảng 745 tổ chức báo viết, trong đó có 25 tờ nhật báo với gần 17 000 người có thẻ nhà báo. Tuyệt đại đa số các ấn phẩm điều được phát hành bởi chính phủ, Đảng cầm quyền hoặc các tổ chức quần chúng. Theo luật báo chí sửa đổi năm 1990 của Việt Nam, các nhà báo phải cung cấp « những thông tin trong nước và quốc tế hợp pháp, phù hợp với lợi ích của đất nước và nhân dân ». Do sự mù mờ trong khái niệm này, nên sự tự kiểm duyệt là thường trực. Báo chí quốc tế được phát hành tại Việt Nam bị những thanh tra của bộ Thông tin và Truyền Thông « đọc một cách hết sức kỹ lưỡng ». Độc giả đã gửi về cho tòa soạn của Le Monde Diplomatique bản ra tháng 6 được bán tại Hà Nội, trong đó bài viết « Tái ngộ Mỹ-Việt » bị dùng mực kiểm duyệt bôi đen. Le Monde Diplomatique cho biết đã gửi công hàm phản đối đến đại sứ quán Việt Nam tại Pháp. Tờ báo cũng cho biết, độc giả quan tâm có thể đọc toàn bộ bài viết trên địa chỉ : http://www.monde-diplomatique.fr/2011/06/MONTHEARD/20703. Bài viết nói trên cũng đã được RFI Tiếng Việt tóm lược trong mục điểm báo ngày 5/6/2011. Sắp tới, bản dịch toàn văn của bài báo sẽ được đăng tải trên trang mạng của RFI tiếng Việt. Hoa Kỳ phủi trách nhiệm trong thảm họa Khmer Đỏ Ngày 27/6 vừa qua, tại Cam Bốt đã diễn ra phiên tòa xét xử 4 nhân vật cao cấp của chế độ diệt chủng Khmer Đỏ. Nhân sự kiện này, trang Asia Times onlines đã có bài thời luận mà Courrier International dẫn lại với dòng tựa: “Người Mỹ vô trách nhiệm”. Tác giả nhắc lại phiên tòa ngày 27/6 với “nhân vật số 2” là Nuon Chea. Bên cạnh còn cựu bộ trưởng Ngoại giao Khmer Đỏ ông Ieng Sary, người từng thành công thuyết phục nhiều nhà ngoại giao, trong đó có cả các nhà ngoại giao Mỹ và châu Âu, về việc chế độ của ông chỉ có mục tiêu cố gắng xây dựng một xã hội nông nghiệp mới. Theo tác giả, một chuyển biến đã đến vào tháng 1/1979 khi Việt Nam tấn công đánh đuổi Khmer Đỏ, trước sự phản đối của Mỹ. Người dân Cam Bốt mong đợi công lý được thực thi nhờ vào tòa án quốc tế này. Thế nhưng, theo tác giả, cơ may họ được thỏa lòng mong ước là rất mỏng manh. Thủ tướng Hun Sen muốn đây là phiên toàn cuối cùng xét xử Khmer Đỏ. Đến hiện tại, chỉ có chủ trại tù Tuol Sleng là ông Douch bị xử và kết án. Trùm Khmer Đỏ Pol Pot đã chết vào năm 1998. Còn các phiên xét xử quan trọng của các nhân vật kể trên sẽ phải nhiều tháng nữa mới diễn ra. Không ai biết được khi ấy Nuon Chea và Ieng Sary có hợp tác với tòa hay không. Trong bối cảnh tòa án lật lại hồ sơ để trừng trị tội ác diệt chủng của chế độ Khmer Đỏ, cầm quyền và gieo rắc kinh hoàng từ năm 1975 đến năm 1979, tác giả cho rằng, cần nhìn rõ sự liên quan giữa Khmer Đỏ và “đế quốc Mỹ”. Chính tổng thống Mỹ Nixon đã cho mở cuộc “chiến tranh phi pháp” tại Cam Bốt nhằm ủng hộ tướng Lon Nol làm đảo chính, thay vì ủng hộ Sihanouk. Sự việc khiến Sihanouk quay sang ủng hộ Pol Pot và việc đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho chế độ Khmer Đỏ trỗi dậy và lên nắm chính quyền vào năm 1975. Tác giả gọi cuộc chiến này là “VietCam”, là tiền thân của cuộc chiến “AfPak” (Afghanistan và Pakistan) hiện tại. Washington cũng đã tỏ thái độ bàng quang khi thảm họa diệt chủng kinh hoàng xãy ra. Thậm chí, Hoa Kỳ còn lên tiếng phản đối khi Việt Nam lật đổ chế độ Khmer Đỏ. Tác giả nhận định, đó là hành động quen thuộc của các nước đế quốc. Tác giả nhắc lại, gần đây, ông Robert Gates, khi còn là bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã từng khẳng định, không thể để cho cuộc chiến tại Afghanistan thất bại dù phải trả bất cứ giá nào (Cũng giống sự thất bại tại Việt Nam khi xưa cũng là không thế chấp nhận được-L’Express). Ông này cũng nhấn mạnh, suốt thời trưởng thành của ông diễn ra trong một nước Mỹ ở thế siêu cường quốc, vì thế ông cho rằng không nên ngần ngại sử dụng mọi thứ cần thiết để duy trì vị thế này. Ông Gates còn nói : “Tôi không thể tưởng tượng được rằng mình có thể thuộc về một quốc gia, một chính phủ …. phải hạn chế quá mức sự dấn thân của mình đối với thế giới”. Tác giả mỉa mai: “sự dấn thân” ở đây có nghĩa là “mở rộng chiến tranh” một cách vô pháp vô thiên, từ Afghanistan đến Pakistan, là tham chiến tại Libya, là gieo rắc hoảng loạn tại Bắc Phi, là để cho Ả Rập Xê Út tham nhũng để phục vụ cho những mưu đồ phản cách mạng đang hiển hiện khắp nơi ở Trung Đông và Bắc Phi. Phụ nữ châu Á còn nhiều thua thiệt Nhân bàn chuyện Dominique Strauss-Kahn và phụ nữ, Courrier International dành một hồ sơ đặc biệt về thực trạng phụ nữ trên thế giới. Trong các bài liên quan đến Châu Á, đáng chú ý nhất là các bài về Malaysia, Nhật Bản và Hàn Quốc. Đến với Malaysia, Courrier International có bài « Hãy biết trang điểm cho xinh đẹp, biết phục tùng và im lặng ». Tờ báo nhắc lại việc vừa rồi tại nước này đã ra đời một hiệp hội phụ nữ mang tên « Câu lạc bộ những người phụ nữ biết vâng lời ». Theo quan điểm của hội này, phụ nữ chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là phải biết vâng lời chồng, tức là phải chuẩn bị bữa tối khi chồng về nhà, phải cho con cái đi ngủ, phải ăn mặt gợi cảm, phải thơm tho và phải sẵn sàng thỏa mãn nhu cầu tình dục của chồng. Tuy bị phản đối gay gắt, nhưng hội cũng thu hút khá đông phụ nữ. Tại Malaysia, hiện tại có tớ 800 thành viên. Các thành viên tin rằng, lời khuyên của hội sẽ giúp họ có được hạnh phúc gia đình. Hội này cũng vừa đặt chân đến Indonesia, và đang nhắm đến Trung Đông và Châu Âu. Còn tại Nhật Bản, tình cảnh phụ nữ cũng không mấy sáng sủa. CI cho biết, trong bối cảnh tìm kiếm việc làm khó khăn và mức sống ngày càng đắc đỏ, nhiều nữ sinh viên khi ra trường không theo đuổi sự nghiệp riêng, mà có khuynh hướng lập gia đình để sống nhờ chồng và bó mình vào công việc nội trợ. Tâm lý « chồng làm việc kiếm tiền nuôi gia đình còn vợ lo việc nội gia » còn khá phổ biến trong xã hội Nhật Bản. Theo thống kê, có đến 40% phụ nữ độc thân ở nước này muốn đức lang quân tương lai của mình kiếm ít nhất 51 000 euro/năm. Trong khi đó, chỉ có 3,5% thanh niên độc thân có được số lương như vậy. Như thế, dù kiếm việc làm hay tìm được một người chồng vừa ý, chị em phụ nữ cũng phải đối mặt với một sự cạnh tranh khốc liệt. Một vấn đề khác cùng đáng bận tâm, đó là trong khi dân số ở độ tuổi lao động ngày càng ít, thì chị em phụ nữ có trình độ học vấn cao, năng lực chuyên môn tốt, lại phải nhốt mình trong bếp nút gia đình. Như vậy, xã hội Nhật Bản đang lãng phí tài năng phụ nữ. Đến với Hàn Quốc thì tình hình khả quan hơn. Tờ báo cho biết, những năm gần đây, ở nước này, số lượng phụ nữ vào làm việc tại các cơ quan công quyền ngày càng đông, đến mức mà chính phủ phải đề ra chỉ tiêu cho nam giới. Nhất là trong ngành ngoại giao, tỷ lệ phụ nữ luôn vượt trội so với nam giới. Hiện tại, ở Hàn Quốc, có 10,8% công chức cấp trung là phụ nữ. Trong Quốc hội, dù chỉ có 14% đại biểu là phụ nữ, thế nhưng, các đại biểu này phần lớn là những nhân vật có ảnh hưởng. Nhân vật nữ đáng chú ý nhất tại Hàn Quốc có lẽ là bà Park Geun-hye. Bà này được xem là đối thủ chính của đương kim tổng thống Lee Myung-bak. Bà không thuộc đảng đối lập mà là thuộc đảng của tổng thống. Bà được nhiều đồng nghiệp nam trung thành ủng hộ. Một tiếng nói của bà có thể làm dấy lên sự phản kháng từ phía Quốc hội đối với tổng thống. Hé lộ người kế thừa tổng thống Venezuela Hugo Chavez Tháng rồi, tổng thống Venezuela Hugo Chavez đã phải phẫu thuật khối u tại Cuba. Trong khi ông vắng mặt gần 4 tuần tại Venezuela, trên chính trường đã nổi lên một nhân vật được xem là người có nhiều khả năng sẽ kế thừa ông. Đó chính là ông Adan Chavez, anh trai của tổng thống Hugo. L’Express phát họa chân dung Adan qua bài viết: “Anh em nhà Chavez: những người đồng chí”. Nếu căn bệnh của cựu chủ tịch Cuba Fidel Castro hồi năm 2006 đã đưa người em trai Raul của ông lên đỉnh cao quyền lực, thì căn bệnh ung thư của ông Hugo Chavez vừa rồi cũng đã bất ngờ khiến mọi sự chú ý đổ dồn về người anh trai của ông là ông Adan Chavez. Theo L’Express, giữa anh em nhà Chavez và anh em nhà Castro có nhiều điểm tương đồng. Raul là người kế thừa Fidel, nhưng lại là người tham gia làm cộng sản trước Fidel, và cũng chính Raul giới thiệu Che Guevara với Fidel. Ông Adan cũng vậy, ông được xem là người tiên phong làm chính trị trong gia đình Chavez. Chính Adan đã hướng dẫn những bước đi đầu tiên cho Hugo về tư tưởng chủ nghĩa xã hội Bolivarian- được đặt tên theo nhà lãnh đạo giành độc độc lập Nam Mỹ thế kỷ 19 Simon Bolivar. Giống như Raul, ít khả năng thu hút quần chúng, nhưng rất cực đoan, Adan Chavez làm chính trị trong bóng của em trai mình. Năm 1999, khi ông Hugo đắc cử tổng thống, Adan được bổ nhiệm làm cố vấn tổng thống. Sau đó, ông lần lượt là đại sứ Venezuela tại Cuba, bộ trưởng giáo dục. Adan là thành viên sáng lập chính của Đảng Xã hội Chủ nghĩa Thống nhất Venezuela năm 2007. Tuy vậy, không giống với Raul, Adan thiếu tính chính danh bởi ông đã không tham gia cuộc đảo chính (thất bại) của đại tá Hugo Chavez hồi năm 1992, giai đoạn then chốt của “sử thi nhà Chavez”. Có thể vì lẽ đó mà tuần rồi, ông Adan đã có một tuyên bố gây chú ý: “Chúng ta mong muốn tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội bolivarian một cách hòa bình, thế nhưng, kẻ thù không bao giờ biết nghỉ ngơi, vì thế chúng ta cũng không thể loại trừ các hình thức chiến đấu khác". Ông cũng dẫn lại lời của nhà cách mạng Cuba Che Guevara: “Bầu cử không phải là con đường duy nhất, mà còn có nhiều phương thức hành động khác để đạt được quyền lực, trong đó có đấu tranh võ trang”. Theo L’Express, giọng điệu hiếu chiến này cho thấy trong lòng chính quyền trung ương đã có những rạn nứt. Hiện tại, có hai phái đối đầu. Một bên là những người theo tư tưởng Castro với đại diện tiêu biểu là ông Adan Chavez và phó tổng thống Elias Juana (Trường phái này muốn rập khuôn theo Cuba trong mọi lĩnh vực, từ ý thức hệ, kinh tế, chiến lược đến quân sự). Cánh còn lại là những người theo chủ nghĩa dân tộc, với đại diện tiêu biểu là nhà đại phú Diosdado Cabello, cựu bộ trưởng hạ tầng cơ sở và một bộ phận giới lãnh đạo quân đội. Như vậy, cũng như L’Express nhận định, nếu một Castro dấu sau lưng một Castro, thì phía sau một Chavez cũng có một Chavez. Trang nhất các tạp chí Pháp Giở trang nhất các tạp chí Pháp tuần này, chúng ta vẫn thấy nổi bật hình ảnh vợ chồng cựu tổng giám đốc Quỹ tiền Tệ Quốc Tế - IMF Dominique Strauss-Kahn DSK và những bài viết tiếp tục phản ánh vụ án của ông tại New York. Với những dòng tựa đầy ấn tượng : « Số phận bị tan vỡ » trên Le Figaro , « Tình tiết Manhattan » trên Le Nouvel Observateur, « Vụ án khác của DSK » trên L’Express, và « Đòn tấn công và đòn phản pháo » trên Courrier International, các tạp chí đều dành hồ sơ đặc biệt cho chủ đề trên với những phân tích về chuyển biến bất ngờ trong vụ án DSK hôm 01/07, uy tín của ngành tư pháp Mỹ, ảnh hưởng của vụ án đến tình hình chính trị giai đoạn tiền bầu cử tại Pháp, và việc ông DSK vừa bị lôi vào một vụ xâm hại tình dục khác tại Pháp. Với 16 trang cho chủ đề DSK, tuần san L’Express đặc biệt đăng kết quả thăm dò mới nhất về viễn cảnh cuộc bầu cử tổng thống 2012. Đối với khả năng ông DSK trở thành ứng cử viên tổng thống 2012, 65% người Pháp trả lời là « không mong muốn », 55% người ủng hộ đảng PS có ý ngược lại. Trả lời cho câu hỏi chọn ai trong kỳ bầu người đại diên đảng Xã Hội ra tranh cử tổng thống, thì lần đầu tiên ông Hollande vượt DSK với tỷ lệ ủng hộ là 38% trong khi ông DSK chỉ đạt 33%, còn bà Segolene Royal là 16%. Câu hỏi này được đặt ra cho những người ủng hộ cánh tả.
|