Home Tin Tức Thời Sự Tấm gương hy sinh của người Nhật

Tấm gương hy sinh của người Nhật PDF Print E-mail
Tác Giả: Trần Bình Nam   
Thứ Năm, 07 Tháng 7 Năm 2011 20:54

 “Đội Ngũ Chuyên Gia Hồi Hưu” chẳng khác gì một “Đội Quân Cảm Tử”.

Hôm 4 tháng 7, nhân ngày lễ Độc Lập của Hoa Kỳ, ký gỉả John M. Glionna viết cho nhật báo Los Angeles Times, tờ báo lớn thứ ba tại Hoa Kỳ tường thuật từ Tokyo một sáng kiến độc đáo của hai ông già Nhật Bản liên quan đến vụ động đất ngày 11/3, và sự hư hỏng lò điện nguyên tử Fukushima làm rò rỉ bụi phóng xạ đang đe dọa sức khỏe của nhân dân Nhật.

Thế giới đã chứng kiến sự nhẫn nhục, kỷ luật và sự chịu đựng vô bờ của công dân Nhật trước thảm họa này. Và nay –theo tường thuật của ký giả Glionna- là một tấm gương hy sinh khác.

Hai chuyên viên khoa học, ông Nobuhiro Shiotani, hóa học gia và Yasuteru Yamada, vật lý học gia năm nay đều 72 tuổi đã nghỉ hưu có sáng kiến cần phải làm một cái gì với tuổi già còn lại để giúp cho các chuyên viên và kỹ sư trẻ tuổi đang được xử dụng để sửa chữa Trung tâm điện nguyên tử Fukushima.


Yasuteru Yamada, 72  tuổi

Hai ông Shiotani và Yamada lập luận rằng các chuyên viên trẻ tuổi làm việc tại Trung Tâm nguyên tử hiện nay có xác suất cao sẽ bị ung thư. Tế bào người trẻ tuổi phát triển nhanh nên tác hại của bệnh ung thư sẽ rất to lớn ảnh hưởng đến thế hệ mai sau. Người già, trái lại, tế bào phảt triển chậm nên ung thư vì phóng xạ sẽ phát triển chậm hơn và có nhiều cơ may sẽ chết bởi nguyên nhân tuổi tác hay bệnh tật khác trước khi bị giết bởi phóng xạ.

Do đó hai ông đưa ra kế hoạch lập một hội chuyên viên tự nguyện gọi là “Đội Ngũ Chuyên Gia Hồi Hưu” (Skilled Veterans Corp) vào làm việc trong khu phóng xạ thay cho các chuyên viên trẻ tuổi.

Cách đây 3 tháng, hai ông dùng điện thoại, e-mail và thư tay kêu gọi bạn bè tham gia. Trong số 2,500 người được tiếp xúc có 400 người tuổi từ 78 đến 60, gồm nam chuyên viên và phụ nữ đủ ngành nghề, trong đó có một ca sĩ, một người nấu bếp, và một tài xế xe tải đáp ứng.

Trước kế hoạch này dân chúng Nhật phản ứng khác nhau. Có người cho là anh hùng, nhưng cũng có kẻ gọi các ông già là “già gân” và “Đội Ngũ Chuyên Gia Hồi Hưu” chẳng khác gì một “Đội Quân Cảm Tử”.

Một số người có óc thực tế nói công ty điện nguyên tử Tokyo Electric Power Co. (Tepco) xây dựng lò điện không đúng tiêu chuẩn nên phải nhận trách nhiệm chính. Tuy nhiên “Đội Ngũ Chuyên Gia Hồi Hưu” nói rằng các kỹ sư của công ty Tepco cũng là người Nhật và tại sao lại phung phí tài nguyên trẻ tuổi của quốc gia.

Bà Kazuko Sasaki 69 tuổi nói khi bà và chồng cho con trai biết ý định tình nguyện, con trai bà nói “tùy ý bố mẹ thôi”. Một người bạn thân khác của bà Sasaki nói với bà rằng bà chưa biết gì về sự đau đớn hành hạ cơ thể của bệnh ung thư, thì bà Sasaki nói, biết hay không biết cũng thế thôi. Có tình nguyên hay không tôi cũng có thể bị ung thư vậy .

Trong quá trình làm việc hồi trung niên trẻ trong thập niên 1960 và 1970 hai ông Yamada và Shiotani không dính líu gì đến công trình xây cất trung tâm điện nguyên tử Fukushima, nhưng vẫn cảm thấy có trách nhiệm vì sự sơ suất của thế hệ chuyên viên đồng thời. Và dù sao thế hệ của ông đã hưởng kết quả của điện nguyên tử nào là nhà cửa được sưởi ấm, đường sá được soi sáng, tàu điện được vận hành … Thế hệ của ông cũng là thế hệ từng lên tiếng ca ngợi sự mầu nhiệm của điện nguyên tử và đồng ý rằng điện nguyên tử là tương lai của nước Nhật nếu không muốn nói là tương lai của nhân loại.

Ông Shiotani khẳng định: “Lò điện nguyên tử là sản phẩm của thế hệ chúng tôi. Nếu có “xả rác” thì chúng tôi có nhiệm vụ dọn dẹp cho giới trẻ. Trên trang Web của “Đội Ngũ Chuyên Gia Hồi Hưu” hai ông Yamada và Shiotani viết: “Những ai từng ca ngợi sự an tòan tuyệt đối của các lò điện nguyên tử phải là những ngươi đầu tiên xung phong vào hội. Đó là nhiệm vụ của chúng ta đối với thế hệ trẻ hôm nay và các thế hệ mai sau.

“Đội Ngũ Chuyên Gia Hồi Hưu” đang xin phép chính quyền vào trung tâm nghiên cứu để xem họ có thể giúp được những gì. Chính phủ đang trao đổi với giới chức công ty Tepco và hứa dành mọi dề dãi. Tuy nhiên theo lời ký giả Glionna chưa chắc chính phủ Nhật sẽ chấp thuận.

Ông Yamada cam kết với chính quyền hành động của ông không phải để lấy tiếng. Ông nói thế hệ người già trên 60 tuổi tại Nhật chiếm 25% dân số. Nếu không làm gì hữu ích thì thật là một sự phí phạm nhân lực quốc gia . Còn gì tốt hơn là hy sinh cho giới trẻ.

Hội “Đội Ngũ Chuyên Gia Hồi Hưu” được một số đông đảo đồng bào thông cảm cho rằng các thành viên của hội “Đội Ngũ Chuyên Gia Hồi Hưu” đã triển khai một nghệ thuật sống khi về già.

Những bạn học với ông Shiotani, trong đó có giáo sư hồi hưu Theodore Rowland tại đại học Urbana-Champagne ở tiểu bang Illinois cho rằng hành động của bạn ông biểu lộ một tình yêu nước sâu sắc.

Giáo sư Rowland nói: “Tôi không nghĩ ai trên 80 tuổi cũng còn minh mẫn và sắc bén để làm việc. Nhưng một số khoa học gia trên 80 tuổi vẫn còn khả năng đóng góp ý kiến và kinh nghiệm cho giới trẻ nếu được tham khảo.

Không phải ai cũng lạc quan như giáo sư Rowland. Ông Shiotani thuật lại rằng khi ông hỏi ý kiến mẹ ông năm nay 97 tuổi bà nghĩ gì về ý định của ông thì Mẹ ông im lặng ngãnh mặt kéo lê đôi nạn đi nơi khác để che dấu hai giọt nước mắt tràn trên đôi mi nhăn nheo của bà. Ông biết mẹ ông đang đấu tranh giữa tình thương con và tình yêu tổ quốc.
Có vài bất đồng ý kiến giữa các thành viên của “Đội Ngũ Chuyên Gia Hồi Hưu”. Nhiều thành viên không muốn phụ nữ gia nhập hội, ngại rằng các bà thể chất yếu đuối sẽ không giúp được gì nếu không muốn nói làm cản trở công việc của các ông. Họ cũng không muốn nhận hội viên từng sống sót vì bệnh ung thư.

Tuy nhiên bà Sasuko Sasaki 69 tuổi vẫn muốn tham gia chương trình. Bà nói: “Tôi đâu có yếu đuối. Và đâu phải tôi không sợ chết. Tôi chỉ muốn chết một cách có ý nghĩa thôi. ”

Một số người Nhật nghĩ rằng chương trình này sẽ không được chính phủ cho phép trước dư luận và sức ép của giới chuyên viên trẻ tuổi dù chính phủ hứa xét một cách thuận lợi. Người trẻ nghĩ các vị cao niên đã đóng góp cho đất nước đáng được nghỉ ngơi. Lúc này là phiên của họ.

Hơn nữa người Nhật không có thói trả lời “không” một cách dứt khoát. Ngay cả khi bất bình người Nhật cũng gật gật đầu như đồng ý!