Home Tin Tức Thời Sự Hà Nội đua nhau mua xe xịn

Hà Nội đua nhau mua xe xịn PDF Print E-mail
Tác Giả: Người Việt   
Thứ Năm, 07 Tháng 7 Năm 2011 16:20

Bất kể tình trạng lạm phát.

HÀ NỘI (AFP) - Xe sang trọng vẫn là cám dỗ không thể cưỡng lại của nhiều người ở Việt Nam, giới quan sát kỹ nghệ báo cáo số bán đang tăng vọt, dù rằng cuộc sống hằng ngày càng trở nên khó khăn hơn khi mà đa số dân chúng phải vật lộn để theo kịp với đà lạm phát cao nhất thế giới.

 

 Một người mẫu đứng cạnh chiếc Audi A8 sang trọng, trưng bày tại buổi triển lãm xe Vietnam Auto Expo 2009 ở Hà Nội. (Nguồn: Hoàng Ðình Nam/AFP/Getty Images)
 
Trong buổi triển lãm xe hơi Vietnam Auto Expo vào tháng vừa qua, hãng Audi trưng bày chiếc xe sang trọng kiểu A7 với giá bán khoảng $142,000, số tiền mà một công nhân trung bình ở Việt Nam phải cày suốt 182 năm mới kiếm được. Mercedes-Benz, Lexus, Audi và xe thuộc các thương hiệu sang trọng khác đang ngày mỗi chen chúc thêm vào những đường phố chật hẹp ở Hà Nội.

Xe lộng lẫy hơn như Rolls-Royce và Bentley cũng tìm thấy ở thủ đô Việt Nam, điều này cho thấy mối lo ngại về sự bất bình đẳng trong xã hội đang ngày một cao.

Laurent Genet, tổng giám đốc Automotive Asia Ltd, công ty nhập cảng chính thức của Audi ở Việt Nam nói: “Mỗi năm chúng tôi có được số bán tăng gấp đôi, hy vọng chúng tôi cũng được như vậy trở lại.”

Ford, Toyota, Mercedes-Benz và nhiều hãng xe khác có mở xưởng lắp ráp tại Việt Nam từ nhiều năm trước, nhưng từ khi Việt Nam gia nhập Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới, WTO, vào năm 2007, thị trường mới mở rộng cho các nhà nhập cảng chính thức. Theo ông Genet, điều này có nghĩa khu vực này vẫn còn non trẻ và đang hấp dẫn thêm nhiều thương hiệu khác.

Auto Motors Vietnam, nhà nhập cảng chính thức của hãng Renault, đến Việt Nam hồi cuối năm cùng với kiểu xe Koleo, với giá bán mỗi chiếc là 1,429 tỉ đồng, tức $68,000.

Giám đốc điều hành Xavier Casin nói: “Ngay từ đầu mức bán tỏ ra rất hứa hẹn.”

Citroen của Pháp trở lại Việt Nam trong năm nay, và Range Rover của Anh, vốn từng hiện diện ở đây trong ba năm, cho biết, số bán của họ tăng 50% trong năm 2011, dù rằng các xe mẫu triển lãm tại Hà Nội cho thấy giá bán lẻ mỗi chiếc khoảng $200,000.

Hiệp Hội Các Nhà Chế Tạo Xe Hơi ở Việt Nam báo cáo số bán xe thường và xe SUV tăng 38% trong bốn tháng đầu năm 2011.

Số xe bán tăng mặc dù kinh tế bết bát do thâm thủng mậu dịch cao, đồng bạc mất giá và lạm phát tăng mỗi tháng, bắt đầu từ hồi tháng 8 năm ngoái.

Trong tháng 6, mức lạm phát tăng 21%, một người dân bình thường với mức lương trung bình 1.4 triệu đồng ($65) phải tự cắt giảm bớt chi tiêu.

Ðể quân bình lại nền kinh tế, ngân hàng trung ương muốn điểm tín dụng chỉ tăng ở mức dưới 20% trong năm nay, với các ngân hàng giới hạn tỉ lệ cho vay đối với “khu vực không sản xuất,” như địa ốc và chứng khoán.

Tuy nhiên sự hạn chế không hề ảnh hưởng gì đến thị trường thời thượng. Ông Genet nói: “Trong trường hợp này, chúng tôi bán xe mắc tiền cho người không cần đến việc vay nợ của ngân hàng. Với họ đây là vấn đề thanh danh. Gần như cả một sự đầu tư.”

Lấy ví dụ Trần Minh Tuấn, 28 tuổi, một tay mua bán địa ốc. Anh đến buổi triển lãm xe với ý tưởng đổi xe đang chạy để tậu về một chiếc Audi cho có vẻ ngầu hơn. Anh nói:

“Chiếc xe anh lái cho thấy anh thuộc giai cấp nào trong xã hội, nó phản ảnh bản thể của chính anh. Theo tôi nhu cầu đòi hỏi xe sang trọng ở Việt Nam vẫn luôn luôn cao, dù rằng kinh tế có khi không được sáng sủa cho lắm. Vẫn có nhiều người thừa tiền lắm bạc, vẫn muốn đổi xe trông cho đáng nể hơn.”

Năm 1986, cộng sản Việt Nam bắt đầu chuyển từ kinh tế kế hoạch sang kinh tế thị trường, một chính sách đưa đến sự tăng trưởng nhanh nhất ở Á Châu.

Mặc dù kinh tế mất quân bình trong thời gian gần đây nhưng sự tăng trưởng vẫn còn, mang theo những sự tiêu pha khiến người khác phải chú ý là điều không thể tránh được, điển hình như có thể thấy ở Hà Nội và Sài Gòn, theo nhận xét của ông John Hendra thuộc cơ quan Liên Hiệp Quốc.

 Ông nói hồi tháng 5, trước khi chấm dứt nhiệm kỳ làm việc ở Việt Nam với chức vụ giám đốc: “Hố ngăn cách giàu nghèo đang rộng dần rất nhanh.”

Matthieu Salomon, cố vấn quốc tế cao cấp cho tổ chức Toward Transparency, chi nhánh địa phương của tổ chức chống tham nhũng quốc tế Transparency International, cho rằng, phô trương sự giàu có đôi khi là chỉ dấu cho thấy sự thành công, tuy nhiên nhiều người ở Việt Nam tỏ ra hoài nghi về sự lương thiện nơi đồng tiền kiếm được.

Ông Salomon cho biết, một cuộc thăm dò của nhóm ông sẽ được công bố vào tháng 8 cho thấy, một trong bốn người trẻ ở các đô thị lớn Việt Nam tin rằng, người ta sẽ dễ thành công nếu đi vượt ra ngoài luật lệ. (TP)