Home Tin Tức Thời Sự Đồn đoán về ông Giang Trạch Dân

Đồn đoán về ông Giang Trạch Dân PDF Print E-mail
Tác Giả: BBC   
Thứ Tư, 06 Tháng 7 Năm 2011 19:38

Bắc Kinh quan ngại bệnh tình ông Giang có thể ảnh hưởng đến nỗ lực chứng tỏ sự thống nhất trong Đảng.

 

Công an mạng tại Trung Quốc hiện đang tăng cường kiểm duyệt việc trao đổi thông tin Internet về cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân sau khi việc ông vắng mặt tại một sự kiện quan trọng đã gây ra tin đồn rằng ông bị bệnh nặng.

Cựu lãnh đạo Trung Quốc 84 tuổi đã không xuất hiện tại lễ kỷ niệm lần thứ 90 ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc vào thứ Sáu tuần trước, trong lúc truyền thông Hong Kong đưa tin ông Giang Trạch Dân bị bệnh, khiến có đồn đoán trên mạng.

Bản tin AP hôm nay 6/7 từ Trung Quốc nói các trang mạng ở nước này tràn ngập tin đồn thổi và câu hỏi ông Giang Trạch Dân còn sống hay đã chết.

Việc ông Giang vắng mặt dễ nhận biết bởi một loạt nhà lãnh đạo Đảng và nhà nước Trung Quốc đã nghỉ hưu gồm cả cựu thủ tướng Lý Bằng và Chu Dung Cơ đã có mặt tại buổi dạ tiệc tại Đại lễ đường Nhân dân ở trung tâm Bắc Kinh.

Weibo, một trang xã hội giống Twitter đã kiểm duyệt chặn các cụm từ như "Giang Trạch Dân", "nhồi máu cơ tim" và "Tổng bí thư", khiến tạo đồn đoán rằng Bắc Kinh đã và đang chặn không cho thông tin về sức khỏe của ông lọt ra bên ngoài.

Báo chí Hong Kong và của người Trung Quốc ở hải ngoại đưa tin ông Giang, cựu tổng bí thư đảng, bị trụy tim và sống nhờ máy trợ thở.

Người dân Trung Quốc hỏi vì sao các cựu lãnh đạo 94 tuổi vẫn có mặt ở ngày lễ 1/7 còn ông Giang Trạch Dân 84 tuổi lại không?

Sau Thiên An Môn

Tuy nhiên các phương tiện truyền thông khác cho biết sức khỏe của ông Giang không ở mức nguy kịch.

Chính phủ Trung Quốc, lâu nay vốn coi sức khỏe của giới lãnh đạo chóp bu như bí mật nhà nước, dường như lo ngại bệnh tình có thể ảnh hưởng đến nỗ lực chứng tỏ sự thống nhất và ổn định chính trị trong đảng cầm quyền.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc từ chối bình luận khi được hỏi về tình trạng sức khỏe của ông Giang Trạch Dân vào hôm thứ Tư.

Theo một tin nhắn trên Weibo, ban tuyên truyền của Trung Quốc đã ra chỉ thị cấm đưa các tin tức về sức khỏe của ông Giang Trạch Dân, người được xem là có ảnh hưởng rất lớn sự thay đổi nhân sự cấp lãnh đạo Đảng Cộng Sản Trung Quốc vào Đại hội dự kiến trong năm tới.

"Đối với những tin tức nói ông Giang Trạch Dân đã qua đời, các cơ quan truyền thông không được chạy tin riêng, tất cả các bản tin phải phù hợp với bản tin từ Tân Hoa xã."

Hãng thông tấn AFP không thể xác minh được độc lập về chỉ thị này.

Ông Giang Trạch Dân và hai vợ chồng Tổng thống Clinton trong chuyến thăm đến Washington năm 1997

Một đài truyền hình ở Hong Kong hôm 6/7 chạy bản tin nói ông Giang Trạch Dân "đã chết" nhưng theo BBC Tiếng Trung, đây là chuyện còn chờ kiểm chứng.

Theo tin nhắn khác đưa lên Internet hiện chưa được xác nhận, ông Giang hiện đang được điều trị tại bệnh viện quân đội 301 tại Bắc Kinh, nơi giới nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc thường xuyên được chăm sóc y tế.

Một nhà báo Trung Quốc cho BBC Tiếng Việt hay từ một vài ngày qua có người tụ tập ở ngoài bệnh viện này để ch̀ờ tin về ông Giang Trạch Dân.

Lần cuối ông Giang xuất hiện trước công chúng là khi ông ở kế bên Chủ tịch Hồ Cẩm Đào trong lễ kỷ niệm đánh dấu kỷ niệm 60 năm thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, hồi tháng 10 năm 2009.

Quê ̉ở Giang Tây, ông Giang Trạch Dân được coi là người do cố lãnh tụ Đặng Tiểu Bình nâng đỡ, đưa lên.

Gốc gia đình trí thức và tốt nghiệp kỹ sư, lại từng học ở Nga và có bằng tại Romania, ông Giang cũng ít nhiều thể hiện phong thái khác với những lãnh đạo gốc nông dân thuần tuý.

Biết khiêu vũ và chơi đàn dương cầm, ông được cho là người đứng đầu "phái Thượng Hải", vốn tập trung vào cải cách kinh tế hơn là ý thức hệ.

Lên làm Chủ tịch Đảng cầm quyền từ 1989, năm ông Đặng ra lệnh đàn áp biểu tình Thiên An Môn, ông Giang Trạch Dân đã giữ chức Chủ tịch nước từ 1993 đến tận năm 2003.

Tháng 11/2002, ông thôi chức Chủ tịch Đảng nhưng vẫn nắm chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương đầy quyền lực cho tới tháng 9/2004.

Hệ thống truyền thông Trung Quốc tự khen Nhà nước này là đã "chuyển giao quyền lực" êm thắm từ ông Giang, thuộc "thế hệ lãnh đạo thứ ba" sang ông Hồ Cẩm Đào, thuộc "thế hệ thứ tư".