Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 6 Tháng7 Năm 2011 |
Tác Giả: Mai Vân |
Thứ Tư, 06 Tháng 7 Năm 2011 19:25 |
Đất hiếm dưới Thái Bình Dương sẽ phá thế độc quyền của Trung Quốc ?
Đáy Thái Bình Dương, gần đảo Hawaï, nơi được cho là có nhiều đất hiếm / James Watt/AFP Việc đất hiếm được tìm thấy dồi dào dưới đáy đại dương được Libération hôm nay theo dõi ở trang kinh tế, với tựa đề hóm hỉnh : "Những loại đất càng ngày càng bớt hiếm’’. Điều mà tờ báo ghi nhận trước tiên trong hàng tiểu tựa là việc khám phá những trữ lượng lớn ở Thái Bình Dương có thể phá vỡ độc quyền của Trung Quốc. Mở đầu bài báo, tác giả Vittorio de Filippis, nói đến một cuộc chiến tranh chính trị, kinh tế và công nghệ, và nhất là một cuộc chiến cân não, với một bên là kẻ ác : Trung Quốc (sản xuất đến 97% khối lượng thế giới), trong vai khổng lồ hung tợn, bị tố cáo từ mấy năm qua là nắm độc quyền thưong mại đất hiếm. Trong vai nạn nhân là phần còn lại của thế giới công nghiệp hoá, một thế giới chiụ sự tác oai, tác quái của Trung Quốc, làm mưa làm gió trên đất hiếm này. Nhưng từ hôm thứ hai vừa qua, một khám phá đang làm thay đổi ván cờ, làm đảo lộn thị trường đất hiếm thế giới. Libération nhắc lại kết luận của êkíp chuyên gia điạ chất Nhật Bản của ông Yasuhiro Kato đăng trên tạp chí khoa học Anh, Nature Geoscience : Qua kết quả phân tích mẫu trầm tích ở độ sau từ 3.000 đến 6.000 mét ở Thái Bình Dương, giới nghiên cứu đã tìm thấy những trữ lượng rất lớn đất hiếm, nằm trong hải phận quốc tế chung quanh Hawai và ở phiá Đông Tahiti. Libération trích lời một chuyên gia khác đã thận trọng cảnh báo : Đất hiếm đang làm mọi người điên đảo, nhưng không có gì bảo đảm là việc khám phá tất nhiên dẫn đến công cuộc khai thác. Trong những năm 1970, người ta cũng đã rất hồ hởi với loại đá thạch chứa nhiều kim loại nằm ở đáy đại dương, cho đó có thể là nguồn năng lượng tương lai, nhưng rốt cuộc thì mọi người đã tính sai, vì không bõ công đầu tư khai thác. Theo Libération, lần này có lẽ sẽ không như thế, như các chuyên gia Nhật Bản hay lãnh đạo chính trị Nhật đã khẳng định. Họ đưa ra con số là Thái Bình Dương có dự trữ đất hiếm 1.000 lần cao hơn trữ lượng tìm thấy trên thế giới hiện nay. Ông Yasuhiro Kato, nói đến 110 tỷ tấn liên quan đến phần khám phá vừa qua của ông, trong khi trên mặt đất, dự trữ chỉ là 110 triệu tấn. Còn sản xuất của Trung Quốc tuy chiếm 97% sản lượng thế giới, chỉ là 120.000 tấn mỗi năm, quả là không thấm vào đâu trước những con số to lớn nói trên ! Êkíp Nhật Bản còn khẳng định là ở những vùng giàu đất hiếm nhất của Thái Bình Dương, chỉ cần khai thác trên một diện tích 5 cây số vuông thôi, cũng đủ cung cấp cho nhu cầu thế giới trong một năm. Như nói trên, việc khám phá này đã khiến giới kinh doanh đất hiếm rất hồ hởi. Một thương gia, ông George Pichon, đứng đầu một tập đoàn chuyên kinh doanh đất hiếm, đã nhìn thấy là tuy việc khai thác khám phá này còn xa vời, nhưng một điều chắc chắn là nó sẽ làm thay đổi cục diện hiện nay. Vấn đề có thể là con dao hai lưỡi Tờ báo giải thích là hiện nay trên thế giới, cả giới lãnh đạo chính phủ cũng như giới chủ nhân đều đánh giá là Bắc kInh không ngừng thao túng, làm hiếm đi loại đất cần thiết này. Dưới chiêu bài bảo vệ môi trường, Trung Quốc đã thông báo cuối năm ngoái, sẽ giảm đi việc xuất khẩu đất hiếm. Và trong lúc mà họ chỉ nắm giữ có 1/3 trữ lượng thế giới Trung đã khoá chặt đươc thị trường mặt hàng chiến lược này, bằng cách bán ra với một cái giá mà không ai có thể cạnh tranh được và đã khiến cho các mỏ ở Hoa Kỳ và Úc phải đóng cửa vào năm 2002. Hiện nay thì mỏ tại hai quốc gia này được khai thác trở lại, nhờ giá cả tăng vọt. Trong bối cảnh này khám phá của Nhật được xem là con dao kinh tế hai lưỡi là vì một mặt nó là một thông điệp mạnh gởi đến Trung Quốc. Do lo ngại mất thị trường, Trung Quốc theo tờ báo sẽ phải giám giá. Nhưng mặt khác nếu giá cả tuột giảm thì việc khai thác lòng đại dương sẽ không mang lợi gì nhiều. Ngoài ra thì còn vấn đề môi trường, vì hệ sinh thái ở vùng này của Thái Bình Dương được đánh giá là rất mảnh mai. Vấn đề thứ hai là nó nằm ở phạm vi hải phận quốc tế, là của chung của mọi nguời, và muốn khai thác thì phải có một hiệp ước quốc tế . Nói cách khác như Libération kết luận : Trung Quốc vẫn còn nhũng ‘‘ngày đẹp trời để thao túng’’. WTO lên án Trung Quốc giới hạn xuất khẩu nguyên liệu Thông tin này đều được hai tờ Les Echos và Le Figaro đưa lại hôm nay. Le Figaro nhắc lại quyết định lên án Trung Quốc được Tổ chức Thương Mại đưa ra vào hôm qua, Châu Âu đánh giá đây là một tín hiệu mạnh, trong lúc mà Hoa Kỳ cho đấy là một thắng lợi lớn. Phản ứng của châu Âu và Hoa kỳ dễ hiểu vì cả hai đã cùng với Mêhicô đâm đơn kiện Bắc Kinh. Cả 3 đánh giá là những biện pháp mà Trung Quốc đưa ra để giới hạn việc xuất khẩu nguyên liệu mang tính chất ‘‘phân biệt đối xử’’’. Trung Quốc hiện nay là nhà sản xuất hàng đầu thế giới về vàng, sắt, chì, mangan, phosphat và một số nguyên liệu mà công nghiệp thế giới rất cần. Hoa Kỳ nói đến một thắng lợi đáng kể, vì các nhà sản xuất thép Mỹ đã than phiền trước việc xuất khẩu bauxite của Trung Quốc giảm tuột, còn châu Âu hoan nghênh một tín hiệu mạnh chống lại biện pháp ‘giới hạn bất công’. Theo Le Figaro, Bắc Kinh vẫn có thể kháng cáo, nhưng những lý do bảo vệ môi trường mà Trung Quốc đưa ra để giải thích việc giới hạn xuất khẩu đã bị WTO bác bỏ. Trung Quốc hiện cũng đang ở trong một thế rất tế nhị trên một hồ sơ khác : đất hiếm. Họ nắm độc quyền, hàng năm đã giảm quota xuất khẩu, khiến giá mặt hàng này tăng lên 300% từ năm 2008. Bắc Kinh đã biện minh là không muốn làm cạn kiệt nguồn tài nguyên của họ và công nghiệp Trung Quốc cũng cần đến sản phẩm này, và kêu gọi các nước khác hãy gia tăng sản xuất. Nhưng trong mắt Hoa Kỳ, châu Âu và Nhật Bản, quyết định của Trung Quốc chỉ có mục tiêu gây khó khăn mà thôi, và họ cũng đang đe doạ kiện Bắc Kinh ra trước WTO về hồ sơ này nhưng chưa làm. Theo đánh giá của Le Figaro, quyết định của Tổ chức Thương Mại hôm qua, sẽ mở đường cho một việc kiện tụng mới. Le Figaro cũng nhìn về khám phá của Nhật ở Thái Bình Dương, với câu hỏi có lẽ tương lai đất hiếm là ở đây chăng ? Nhưng tờ báo cũng đi đên kết luận là phải còn khai thác được một cách có lợi. Căng thẳng trong quan hệ Bắc Kinh - Toà thánh Vatican Phải nói hôm nay Trung Quốc khá được chú ý, Le Figaro dành nửa trang báo lớn cho quan hệ Bắc Kinh - Vatican lại căng thẳng sau việc một giám mục mới được tấn phong mà không có sự đồng ý của Toà Thánh. Trong bài viết mang tựa « Lời lẽ giữa Trung Quốc và Tòa Thánh càng lúc càng gay gắt », bên trên tiểu tựa Vatican tố cáo Bắc Kinh tấn phong một giám mục bất cần sự chuẩn y của Tòa Thánh, thông tín viên Le Figaro tại Bắc Kinh đã phân tích sự kiện Trung Quốc bắt đầu ‘gây hấn’ trở lại với Vatican sau vài năm tạm thời ‘hưu chiến’. Nhà báo Pháp trước hết ghi nhận là Tòa Thánh, hôm thứ hai vừa qua đã phản ứng dữ dội trước sự kiện Trung Quốc cho tấn phông một giám mục mà không cần đến sự chấp thuận của Vatican. Đối với Tòa Thánh, đó là một hành động "bất hợp pháp" phá hoại "sự hiệp nhất của Giáo Hội". Linh mục Lôi Thế Ngân, người vừa được chế độ Bắc Kinh tấn phong giám mục vào thứ tư tuần trước đã lập tức phải chịu hình phạt tuyệt thông. Buổi lễ tấn phong được tổ chức tại giáo phận Lạc Sơn, tỉnh Tứ Xuyên với sự hiện diện của bảy giám mục khác, và Tòa thánh Vatican nhấn mạnh rằng những người này cũng sẽ phải chịu những hình phạt năng nề dựa trên giáo luật. Phản ứng gay gắt của Vatican phản ánh một cuộc đấu tranh đã bùng lên trở lại giữa Rôma và Bắc Kinh nhằm giành lấy thẩm quyền trên cộng đồng người Công giáo tại Trung Quốc. Bằng cách phản ứng mạnh mẽ như trên, Tòa Thánh dường như muốn ngăn chận xu hướng đang phát triển tại Trung Quốc, theo đó ngày càng có nhiều linh mục thuộc giáo hội thầm lặng (không được phép hoạt động) bỏ hàng ngũ để gia nhập Giáo Hội chính thức của Nhà nước Trung Quốc. Thư ký của Bộ Truyền giáo Vatican, Đức ông Hàn Đại Huy, một người gốc Trung Quốc, gần đây đã lên án "chủ nghĩa cơ hội" của một số chức sắc Công giáo tại Trung Quốc, đang tìm kiếm một sự nghiệp bằng cách về đầu quân trong Giáo Hội Yêu Nước. Một linh mục xin giấu tên đã công nhận với nhà báo của tờ Le Figaro rằng : "Cho dù các biện pháp cưỡng chế truyền thống vẫn còn được sử dụng, chính quyền Trung Quốc trong thời gian gần đây đã càng lúc càng dùng đến các phương thức thâm trầm, tế nhị hơn để gây sức ép, bắt bí và chiêu dụ các linh mục thuộc giáo hội thầm lặng, Mọi phương tiện đều được sử dụng, kể cả tiền bạc hay quyền lợi. Đối với thông tín viên Le Figaro, như vậy là sau ba hoặc bốn năm hòa dịu, thỏa thuận ‘hưu chiến giữa Trung Quốc và Vatican đã bị phá vỡ. Quan hệ hai bên tiếp tục căng thẳng kể từ tháng mười năm ngoái khi Bắc Kinh bắt đầu cho tấn phông một giám mục ở Thừa Đức, cho dù việc đó không được Tòa Thánh bật đèn xanh. DSK : Hồ sơ không ngừng xáo trộn chính trường Pháp Trở lại với tình hình Pháp, hồ sơ DSK tiếp tục làm rung động đảng Xã Hội, được nêu bật trên Le Figaro và Libération, với đơn kiện ông Dominique Strauss Kahn mưu toan hãm hiếp mà nhà báo kiêm nhà văn Tristane Banon gởi đến ngành Tư pháp của Pháp vào hôm qua. Sự vụ đã diễn ra cách đây 8 năm, vào năm 2003, đã phồng to sau khi vụ án tại New York ở trong xu hướng lắng diụ. Libération bên dưới hàng tựa : "DSK- Tristane Banon, một vụ án thuần túy Pháp", ghi nhận là giới thân cận DSK tố cáo đây là (hành động ) bị giật dây, vì nhiều người tự hỏi tại sao nhà văn 32 tuổi này, chờ đến bây giờ mới kiện. Tristane Banon đã viết 3 quyển tiểu thuyết tự thuật, và trong quyển tựa đề Trapéziste, xuất bản năm 2006, qua nhân vật Marie-Madeleine, cô đã tường thuật vụ cô bị DSK mưu toan hãm hiếp lúc cô đến phỏng vấn ông, và cô đã chống trả như thế nào. Nhưng trong quyển tiểu thuyết này cô cũng kể lại cuộc sống buông thả, những cuộc phiêu lưu tình ái với nhũng người tuổi lớn hơn cô gấp đôi, như với một nhà báo nồi tiếng đài truyền hình, làm người ta nghĩ đến Patrick Poivre d’Arvor của đài TFI thời ấy. Trước câu hỏi "tại sao bây giờ mới kiện ?", Tristane đã giải thich : cô đã mệt mỏi, một mình chịu đựng mọi thứ, không ai nghe cô, dù cô đã nhiều lần cố nêu lên sự vụ, nhưng không ai nghe cả, giờ đây cô muốn công lý lắng nghe cô. Nhiều người đã tỏ nỗi lo ngại là quá khứ của Tristane sẽ làm cô rách việc. Le Figaro, dưói tựa đề ‘‘Chuyện nhiều tập DSK làm cho đảng Xã hội bực dọc’’, nhìn thấy là những sự kiện dồn dập xẩy ra trong hồ sơ này đang làm xáo trộn việc tiến hành bầu cử sơ bộ đảng Xã Hội, chọn ứng viên tổng thống. Nhiều nhân vật nặng ký ít nhiều đã phải lên tiếng trong vụ DSK - Tristane, cho là họ không hay biết hoặc là không biết rõ. Dù sao thì bà mẹ của Tristane cũng là ủy viên hội đồng tỉnh thuộc đảng Xã Hội và xác định là trước đây bà đã nói đến vụ việc này với nhũng người lãnh đạo như ông François Hollande, gây lúng túng không ít cho nhân vật này, nhất là khi hiện nay ông Hollande đang vận động cho cuộc tranh cử. Theo Le Figaro thì trên mặt pháp lý hồ sơ Tristane khó bảo vệ. Tờ báo chờ xem trong những sắp tới là hồ sơ sẽ bị dẹp qua một bên hay là ngành tư pháp cho mở điều tra sơ khởi. |