PetroVietnam quyết 'bám trụ' Biển Đông |
Tác Giả: BBC |
Thứ Tư, 06 Tháng 7 Năm 2011 08:10 |
"Biển Đông có thể còn nhiều biến động, nhưng chủ quyền lãnh thổ Việt Nam là bất biến". Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tuyên bố không thay đổi kế hoạch khai thác-thăm dò tại Biển Đông cho dù từng xảy ra 'sự cố cắt cáp'. Giới chức Việt Nam cho hay từ cuối tháng Năm đã có ít nhất hai lần tàu thăm dò dầu khí của PetroVietnam hoặc do hãng này thuê bị tàu Trung Quốc gây hấn và "phá hoại thiết bị" ngay trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Tàu Bình Minh (phía trên) và hai tàu hải giám Trung Quốc Ngược lại, Trung Quốc cũng khẳng định chủ quyền và nói tàu Việt Nam đã 'khiêu khích trước'. Hôm thứ Ba 05/07, trong một cuộc họp báo tại Hà Nội, Tổng giám đốc PetroVietnam Phùng Đình Thực khẳng định công ty tiếp tục thực hiện kế hoạch đã đề ra. Ông Thực cho hay "sau sự cố tàu Bình Minh 02 bị cắt cáp, hoạt động thăm dò, khai thác vẫn diễn ra bình thường trên thềm lục địa của Việt Nam" và nói "PetroVietnam đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan" để bảo vệ an toàn cho hoạt động của tàu. Truyền thông Việt Nam trích lời ông phát biểu: "Biển Đông có thể còn nhiều biến động, nhưng chủ quyền lãnh thổ Việt Nam là bất biến". "Chúng tôi quan điểm ứng xử trên biển Đông lúc này là bình tĩnh, lấy bất biến ứng vạn biến, vừa góp phần phát triển kinh tế đất nước vừa tham gia tích cực bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển." Conoco bán cổ phần Trong khi đó, đang có thông tin tập đoàn Hoa Kỳ ConocoPhillips chuẩn bị bán cổ phần ở ba mỏ dầu và khí gas ngoài khơi Việt Nam. ConocoPhillips hiện đang nắm 23,3% cổ phần trong một cụm mỏ dầu thuộc lô 15-1; 36% cổ phần của mỏ Rạng Đông trong lô 15-2 tại khu vực bể Cửu Long và 16,3% trong đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn. PetroVietnam ước tính các cổ phần của hãng này tại Việt Nam có giá trị lên tới 1,5 tỷ đôla Mỹ. Theo Tổng Giám đốc PetroVietnam Phùng Đình Thực, hãng này vẫn đang tìm hiểu xem nguyên nhân thực chất cho việc ConocoPhillips muốn rút khỏi các dự án ở ngoài khơi là gì. Ông Thực được trích lời nói "có ý kiến cho rằng mỏ này đang trong giai đoạn phức tạp và họ không gia tăng khai thác nữa". Tuy nhiên, ông không bình luận rõ sự "phức tạp" này là gì. Trong quá khứ, đã có các trường hợp hãng dầu khí nước ngoài bị phía Trung Quốc ép ngừng thực hiện các dự án tại Việt Nam. Hãng dầu Anh BP đã rút khỏi dự án làm ăn với Việt Nam chính vì áp lực này. Hãng ExxonMobil của Hoa Kỳ cũng xác nhận họ bị áp lực khi thăm dò dầu khí với Việt Nam. Cho dù trữ lượng dầu lửa ở Biển Đông chưa được xác định một cách chính thức, đây vẫn được cho là khu vực tiềm tàng tài nguyên, nhất là trong bối cảnh các quốc gia đều trở nên "khát nhiên liệu". Trong nửa đầu năm nay, PetroVietnam khai thác 7,23 triệu tấn dầu thô, trong đó xuất khẩu trên 4 triệu tấn. Doanh thu của PetroVietnam trong sáu tháng đầu năm là 340.000 tỷ đồng , nộp ngân sách nhà nước 75.000 tỷ đồng. Nếu tính tới tổng thu ngân sách nhà nước trong thời kỳ này ước đạt 327.800 tỉ đồng, có thể thấy thu nhập từ dầu khí chiếm tỷ trọng rất lớn, bởi vậy việc chính phủ Việt Nam lên tiếng mạnh mẽ trong các vụ gây hấn với tàu thăm dò dầu cũng là điều dễ hiểu.
|