Bắc Triều Tiên đóng cửa đại học, huy động sinh viên xây dựng kinh tế |
Tác Giả: Tú Anh |
Thứ Ba, 05 Tháng 7 Năm 2011 20:53 |
Thêm dấu hiệu cho thấy chế độ Kim Jong Il đang kiệt lực. Chính quyền Bình Nhưỡng đóng cửa trường đại học và yêu cầu sinh viên phải nghỉ học trong một năm để tái thiết kinh tế. Tin này do hãng thông tấn Kyodo của Nhật Bản đưa ra và được đại sứ Anh tại Bắc Triều Tiên xác nhận. Bắc Triều Tiên kinh tế khó khăn : cảnh mua thực phẩm ở Binh Nhưỡng, ngày 11/10/2010 / Reuters Nguyên do là cách nay hai năm, chính quyền Bắc Triều Tiên thông báo sẽ xây dựng 200.000 căn hộ tại Bình Nhưỡng để giảm bớt tình trạng khan hiếm nhà ở. Nhưng cho đến nay chỉ làm xong khoảng 10.000 tức là chỉ độ 5% chỉ tiêu. Do vậy, sinh viên Bình Nhưỡng bị đưa ra khỏi đại học để lao động « gia tăng tiến độ xây dựng ». Được Reuters đặt câu hỏi , đại sứ Peter Hunghes cho biết rõ là « các đại học không không hẳn là đóng cửa 100 %. Hiện còn một số giáo sư, sinh viên bậc tiến sĩ đệ tam cấp và sinh viên nước ngoài vẫn còn ở trong cư xá ». Tuy nhiên, mạng internet của đại học University World News khẳng định là tất cả đại học Bắc Triều Tiên đều đóng cửa trong 10 tháng. Sinh viên phải nghỉ học đi nông trường, nhà máy và công trường trong thời gian này. Hãng Kyodo của Nhật cũng ghi nhận những thông tin tương tự. Ngược lại, bộ Thống Nhất Hàn Quốc nói rằng chưa có thể xác nhận tin này. Tuy nhiên, nhiều dấu hiệu cho thấy tình trạng « mong manh, bất ổn » của chế độ Bắc Triều Tiên đang được Seoul theo dõi rất sát. Ông Cho Myung-Chul, một nhà ly khai Bắc Triều Tiên hiện làm thanh tra trong bộ giáo dục Hàn Quốc, đặc trách sách giáo khoa chuẩn bị thống nhất đất nước, nhận định là « chế độ Kim Jong Il gần như đang hấp hối » vì « kinh tế cực kỳ suy thoái ». Chuyên gia này, xuất thân từ một gia đình có thế lực ở miền bắc, cha là bộ trưởng bộ xây dựng, mẹ là giáo sư đại học. Ông đào thoát sang Trung Quốc và cuối cùng định cư và được trọng dụng tại Seoul. Tuần qua, công luận Hàn Quốc cũng bị giao động vì một lời tuyên bố của Tổng thống Lee Myung Bak. Ông khẳng định là « ngày thống nhất đã gần kề hơn bao giờ hết ». Năm ngoái, Tổng thống Hàn Quốc đã gợi ý thành lập « thuế đặc biệt » để tài trợ cho sự thống nhất. Theo thẩm định của quốc hội, chi phí tốn kém có thể lên đến 1.300 tỷ đôla.
|