Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 05/O7/2011

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 05/O7/2011 PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Phước   
Thứ Ba, 05 Tháng 7 Năm 2011 10:29

Nhật báo Libération hôm nay giành bài lượt lại sự nghiệp của bà, và cho biết chính tinh thần gia tộc đã khiến bà dấn thân vào chính trị.

Thái Lan : dấn thân chính trị để làm tròn bổn phận gia đình

Yingluck Shinawatra, phụ nữ Thái đầu tiên làm thủ tướng (DR)

Trong cuộc bầu cử quốc hội vừa qua tại Thái Lan, ông Thaksin đã giành chiến thắng từ xa khi em gái của ông nhờ vào uy tín ông mà chiếm được cảm tình của cử tri nông thôn, và kết quả là đảng của bà đã giành chiến thắng. Chiếc ghế thủ tướng dường như chỉ là vấn đề thời gian đối với bà Yingluck Shinawatra.
Nhật báo Libération hôm nay giành bài lượt lại sự nghiệp của bà, và cho biết chính tinh thần gia tộc đã khiến bà dấn thân vào chính trị. Nội dung này được phản ánh qua bài viết « Yingluck Shinawatra, một sự đăng quang đáng chú ý ».
Gia đình Shinawatra là một gia đình tư sản Thái Lan gốc Hoa, trú ngụ tại thành phố Chiang Mai thuộc miền nam Thái Lan. Bà Yingluck là con út. Trong chín anh chị em, bà là người có tính kín đáo và hòa nhã nhất. Đặc biệt, tên tuổi bà cũng ít được biết đến nhất nếu tính đến trước thời gian bà tuyên bố ra tranh cử.
Trong những năm 1980, bà Yingluck là sinh viên tại Khoa Chính trị học của trường đại học Chiang Mai. Khi ấy, người anh cả của bà, tức ông Thaksin, đã rời quân đội để bước vào con đường kinh doanh. Sau những thăng trầm, ông Thaksin cuối cùng cũng đã kiến tạo được cho gia đình một tập đoàn liên hiệp viễn thông lớn nhất Thái Lan. Đó chính là tập đoàn Shin Corp, chuyên kiểm soát mạng điện thoại di động, kênh truyền hình và vệ tinh.
Theo truyền thống gia tộc bắt nguồn từ Trung Quốc, mỗi thành viên trong gia đình đều đảm nhận một vị trí nào đó ở công ty của gia đình. Bà Yingluck, sau khi trở về từ Mỹ với tấm bằng Thạc sỹ quản trị công, đã đến làm việc ở Shin Corp. Dần dần, bà đã leo đến vị trí chủ tịch của công ty điện thoại di động lớn nhất nước, công ty AIS. Trong khi đó, anh trai bà là ông Thaksin bắt đầu nhiệm kỳ thủ tướng Thái Lan.
Đến đây, Le Figaro đặt câu hỏi: Bà Yingluck có phải là người em gái mà ông Thaksin thương yêu nhất hay không? Có phải ông xem bà như con gái bởi tuổi tác hai người chênh lệch đến 18 tuổi? Tờ báo nhận định: Đối với ông Thaksin, ông luôn dành cái tốt nhất cho em gái mình. Vị cựu thủ tướng này đã quyết định từ xa cho việc đưa cô em gái lên “sàn đấu sư tử”. Đây là một quyết định, theo Le Figaro, không hề dể dàng đối với cả hai.

Làm chính trị vì trách nhiệm với anh trai

Bà đã lập gia đình với một giám đốc của một doanh nghiệp thuộc tập đoàn nhà Shinawatra. Tờ báo cho biết, bà Yingluck rất gắn bó với cuộc sống gia đình và đã có một con trai. Mà đã từng lo ngại, sự dấn thân vào chính trị sẽ phá vỡ cuộc sống êm ả này. Bà chỉ tỏ ra dứt khoát vài giờ trước khi thông báo tham gia tranh cử chính thức. Quyết định này, theo Le Figaro, có vẻ là “vì nghĩa vụ đối với anh trai hơn là vì tham vọng chính trị”.
Với sự giúp đỡ của các cố vấn, chiến dịch tranh cử của bà ngày càng có hiệu quả. Trong hai tuần liên tiếp, bà đã đi thăm đến hơn 12 địa phương. Lúc đầu bà còn tỏ ra e dè, do dự, nhưng sau đó bà nhanh chóng ứng xử hết sức tự nhiên trước các nông dân tỉnh lẻ, một giai cấp xã hội mà rõ ràng là bà không hề “thân quen”. Mỗi tuần, bà đều nhận được lời chỉ dẫn của ông Thaksin qua những “buổi họp từ xa” với các cố vấn của bà.
Le Figaro nhận xét : Một cách kỳ diệu, người nữ ứng viên mới toanh và thiếu kinh nghiệm chính trường này đã “chôn vùi” ông Abhisit, người đang nắm giữ ghế vị thủ tướng, và có tràn đầy kinh nghiệm với 6 lần là dân biểu, và được xem là “biểu trưng của thế hệ mới trong chính giới Thái Lan”.
Mấy tuần qua, khi tiếp xúc với bà Yingluck, các nhà ngoại giao cũng hết sức ngạc nhiên về sự tinh tế và thông minh của bà. Họ đánh giá: “Bà ta rất có sức thu hút, nhưng bà không hề lạm dụng điều đó”. Khả năng tiếp cận nhanh trong công việc đã bù lại sự thiếu kinh nghiệm của bà. Theo đồng nghiệp của bà, bà là một con người “tích cực, ngời sáng và hòa nhã”. Một nét tính cách mà bà vừa thể hiện trong diễn văn đọc sau khi giành chiến thắng hồi tối chủ nhật, theo đó, bà đã cảm ơn thủ tướng Abhisit “đã cho phép chiến dịch tranh cử được diễn ra trong bầu không khí tốt đẹp”.
Le Figaro cũng chú ý đến nét tính cách có vẻ trái ngược của bà so với người anh Thaksin. Trong khi ông Thaksin tỏ vẻ mạnh bạo với những lời lẻ cứng rắn khi nói về phe đối lập, thì bà lại tỏ ra tinh tế nhẹ nhàng hơn. Bà sẽ giữ vai trò một người “dung hòa” và sẽ có thể tiết chế bớt sự mạnh bạo của anh bà, thậm chí còn có thể cho ông Thaksin những lời khuyên quý giá. Tờ nhật báo cánh hữu kết luận: Tại Thái Lan, chính trị vốn vĩ là một câu chuyện gia tộc.

Trung Quốc: Kế hoạch tuyên truyền phản tác dụng

Ngày 1/7 vừa qua, Đảng Cộng sản Trung Quốc kỷ niệm trọng thể 90 năm thành lập với nhiều chương trình văn nghệ hoàng tráng, trong đó có bộ phim “Đại nghiệp kiến quốc” (tên tiếng Anh là “Beginning of the Great Revival”). Le Monde chú ý đến bộ phim này với bài viết: “Trung Quốc: một bộ phim hoành tráng làm nẩy sinh các khuynh hướng cách mạng”.
Đó là một trong những bộ phim thuộc hàng hoành tráng nhất về tài chính lẫn diễn viên. Bộ phim kể lại những năm tháng cách mạng, từ sự ra đời của nền Cộng hòa thứ nhất của Trung Quốc vào năm 1912 dưới sự lãnh đạo của nhà cách mạng Tôn Trung Sơn, đến sự kiện thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm 1921.
Đó chính là giai đoạn “ý thức cách mạng trỗi dậy” sau sự kiện ngày 4/5/1919, ngày mà sinh viên xuống đường phản đối việc giao quyền bảo hộ của Đức lại cho Nhật Bản theo hiệp ước Versailles (Hiệp ước kết thúc thế chiến thứ nhất, ký tại Versailles-Pháphồi năm 1919-LP). Các nhà trí thức ca tụng những điều tốt đẹp của chủ nghĩa Mác trước các công nhân, và tổ chức họp kín với tiếng ca “Trận chiến cuối cùng” và lên án chế độ độc tài của Tưởng Giới Thạch.
Trở lại bối cảnh hiện tại, năm 2011, Le Monde cho hay, tất cả sự cuồng nhiệt cách mạng này bị đánh giá một cách mỉa mai trên các trang mạng tại Trung Quốc. Dân mạng so sánh “sự tử tế của các chiến sỹ công an năm 1919 đối với các sinh viên biểu tình với hành động đàn áp mạnh bạo của công an hôm nay”. Họ còn quan tâm đến nhân vật Chu Ân Lai: trong phim, ông này bị cầm tù vì đã tham gia biểu tình, ông đe dọa sẽ phản đối bằng cách nhịn ăn, rồi cuối cùng ông được tự do. Trong khi đó, một dân mạng ví von: “Nếu là thời bây giờ, thì có lẻ ông ấy đã bị bỏ cho chết đói rồi”.
Cuối cùng, Le Monde dẫn lời một quan chức thuộc viện luật học của trường Đại học Luật và Chính trị Trung Quốc, nhận xét : “Chúng ta đang sống trong một thời kỳ phi lý, thời kỳ mà người ta cỗ vũ chúng ta hát những bài hát cách mạng, nhưng lại không khuyến khích làm cách mạng”.

Châu Âu cứu trợ cho Bắc Triều Tiên 10 triệu euro

Liên quan đến quyết định cứu trợ 10 triệu euro của Liên Hiệp Châu Âu (EU) dành cho Bắc Triều Tiên, nhật báo Libération dành bài viết mang dòng tựa khá ấn tượng: “EU nuôi Bắc Triều Tiên”.
Quyết định hỗ trợ mới này đi kèm những điều kiện giám sát nghiêm ngặt, với mục tiêu là cứu đói cho khoảng 650 000 người ở miền bắc và miền đông đất nước. Đối tượng ưu tiên là trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ trong thời kỳ cho con bú, và người lớn tuổi. Hồi tháng 4 rồi, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) đã phát động một chiến dịch khẩn cấp hỗ trợ lương thực cho khoảng 3,5 triệu người. Liên Hiệp Quốc cảnh báo, có ít nhất 6 triệu người tại Bắc Triều Tiên cần được cứu trợ lương thực từ bên ngoài.
Thời gian gần đây, sau những hành động gây hấn, Bình Nhưỡng đã bị Washington và Seoul cắt nguồn viện trợ. Việc đó đã khiến Bắc Triều Tiên phải hạn chế cao độ các khẩu phần lương thực dành cho dân chúng và ngay cả cho quân đội. Nhiều tổ chức phi chính phủ và nhân đạo cảnh báo nguy cơ của một nạn đói giống như nạn đói trong những năm 1990 làm chết đến 2 triệu người, khi đó người dân phải ăn cả côn trùng và rể cây. Libération cho biết: “Hồi tháng hai rồi, chính quyền Bình Nhưỡng phải đến xin xỏ thực phẩm ở các đại sứ quán”.
Theo Libération: Một số nhà ngoại giao nhận định, mục tiêu chính của Bình Nhưỡng là tìm cách lấp đầy các kho dự trữ lương thực dành cho năm tới, năm sinh nhật lần thứ 100 của người sáng lập chế độ Kim Nhật Thành.

Nhật Bản phát hiện đất hiếm dưới lòng Thái Bình Dương

Trong lĩnh vực kinh tế, Les Echos có bài thông tin về một sự kiện có thể làm đảo lộn thị trường đất hiếm thế giới: “Nhật Bản tìm thấy nhiều quặng đất hiếm khổng lồ dưới lòng Thái Bình Dương”.
Hôm qua, nhà nghiên cứu Yasuhiro Kato thuộc trường đại học Tokyo đã lần đầu tiên xác nhận trên báo chí rằng, nhóm chuyên gia của ông hồi năm rồi đã tìm thấy được trong bùn lấy từ lòng Thái Bình Dương nhiều kim loại hiếm được dùng để sản xuất màn hình phẳng, Ipad…
Sau khi đã nghiên cứu 78 khu vực dưới độ sâu từ 3 000 đến 6 000 mét trong vùng biển quốc tế quanh Hawaii và Tahiti, các nhà nghiên cứu Nhật Bản ước tính, trữ lượng đất hiếm dưới lòng Thái Bình Dương có thể cao hơn đến 1 000 lần so với trữ lượng hiện tại được biết đến trên thế giới. Ở vùng có trữ lượng dồi dào nhất, chỉ cần khai thác trên một diện tích 5 km2 là đủ để đáp ứng nhu cầu 1 năm của thế giới.
Tờ báo nhắc lại, từ năm ngoái, Tokyo đã kêu gọi các nhà sản xuất công nghiệp hạn chế tiêu thụ đất hiếm, và cũng kêu gọi giới khoa học tìm kiếm nguồn cung ứng đất hiếm mới ngoài Trung Quốc. 90% lượng nhập khẩu đất hiếm của Nhật Bản đến từ Trung Quốc. Sau rắc rối hồi năm rồi ở Đảo Điếu Ngư/Senkaku, Trung Quốc đã có hành động ngừng xuất khẩu đất hiếm cho Nhật Bản. Sự gián đoạn này, tuy không làm xáo trộn ngành công nghiệp Nhật Bản, nhưng cũng đã khiến nhiều nước Âu lẫn Á xem xét lại chiến lược tìm nguồn cung đất hiếm của mình.
Nhật Bản đã cho xây dựng cơ ngơi trên đảo Okinotori ở phía nam để cho các nghiên cứu thăm dò đất hiếm dưới lòng đại dương. Theo các chuyên gia trực tiếp thăm dò, việc khai thác đất hiếm vừa được phát hiện sẽ rất thuận tiện và dễ dàng về mặt kỹ thuật. Họ cũng có ý rằng, các nước nên phối hợp để đầu tư cho công việc khai thác.
Hôm qua, các nhà phân tích cho biết, phải đợi nhiều năm nữa thì các quặng này mới có thể gây tác động thật sự đến thị trường đất hiếm thế giới. Về mặt pháp lí, trước khi khai thác trong vùng biển quốc tế, Nhật Bản cần đạt được sự cho phép của Cơ quan quản lý đáy biển quốc tế (ISA) của Liên Hiệp Quốc.

Venezuela đón chào sự trở về của ông Chavez

Le Monde thông nhìn về Châu Mỹ La Tinh với bài viết: “Venezuela : Sự trở về trong chiến thắng trước hàng ngàn người ủng hộ ». Sự trở về mà tờ báo đề cập chính là sự trở về của ông Hugo Chavez sau khi được phẩu thuật khối u tại Cuba. Ông trở về Venezuela hôm qua, và ngay trong buổi chiều, ông đã xuất hiện trên hành lang của dinh tổng thống, trong khi bên dưới là hàng ngàn người dân tập trung hô hào ủng hộ ông.
Ông xuất hiện trong trang phục quân đội với chiếc mũ đỏ quen thuộc, miệng mỉm cười, tay vẫy cờ nước trước đám đông đang hát vang quốc ca.
Ông cho biết là sẽ phải theo một chế độ kiểm soát y khoa nghiêm ngặt, nhưng tuyên bố sẽ chiến thắng được căn bệnh ung thư. Tờ báo cho biết, trong tâm trạng vừa nhẹ nhỏm, vừa vui sướng khi nhìn thấy vị tổng thống của mình trở về, đám đông hô vang “Chavez không ra đi”.
Ông Chavez đã phẫu thuật nhân chuyến thăm chính thức Cuba. Ông đã vắng mặt trong nước một tháng trời. Trong khi đó, tình trạng sức khỏe đang làm dấy lên những lo lắng về tương lai chính trị của ông. Thế nhưng, ông này đã từng thông báo sẽ tham gia tranh cử tổng thống năm 2012, và cũng không dấu tham vọng tại vị ít nhất đến năm 2021.
Ông Chavez trở về nước trong dịp Venezuzla tổ chức kỷ niệm 200 năm ngày độc lập vào hôm nay. Ông đã chuẩn bị cho sự kiện này từ nhiều năm. Đối với ông, nó quan trọng đến mức, hồi năm rồi, ông đã đặt tên “200 tuổi” cho một tập đoàn ngân hàng và cho một hệ thống siêu thị vừa được quốc hữu hóa.