Công an chìm nổi bít ngã tư Phạm Ngọc Thạch-Nguyễn Thị Minh Khai, ngay trước Sứ quán Trung Quốc.
Trước công trường Quách Thị Trang
Lưỡi bò! Cắt bò!Lưỡi bò! Cắt bò!Lưỡi bò! Cắt bò! 7 giờ sáng 5 tháng 6 năm 2011.Những ngả đường túa về gần Lãnh sự quán Trung Quốc tại Sài Gòn.
Ngã tư Hai Bà Trưng-Trần Cao Vân, cảnh sát giao thông.
Ngã tư Hai Bà Trưng-Nguyễn Thị Minh Khai, cảnh sát giao thông.
Ngã tư Hai Bà Trưng-Nguyễn Văn Chiêm, bên hông trái Sứ quán Pháp: công an áo xanh, cảnh sát giao thông áo vàng.
Ngã tư Hai Bà Trưng-Lê Duẩn, phía trái Sứ quán Mỹ, công an áo xanh công an áo vàng.
Công an đậu xe hết các ngả tư Pasteur-Lê Duẩn, Pasteur-Nguyễn Thị Minh Khai, Pasteur- Nguyễn Đình Chiểu.
Công an chìm nổi bít một đầu hồ Con Rùa phía Lãnh sự Trung Quốc.
Công an chìm nổi bít ngã ba Phạm Ngọc Thạch-Nguyễn Văn Chiêm. Có công an chìm muốn đám đông biết họ là chìm, có công an chìm khéo léo ăn bận lịch sự và bảo thủ.
Đừng tưởng chỉ có chìm nam, rất nhiều cớm chìm nữ trà trộn trong đám đông.
Bên góc Alexander de Rhode lúc 8 giờ sáng hơn, Phó Chủ tịch thường trực UBND Nguyễn Thành Tài sơ mi trắng đứng nói gì gì với các quan thường phục khác. Thế rồi ông ta biến vào cổng trụ sở Thành Đoàn.
Công an chìm nổi bít ngã tư Phạm Ngọc Thạch-Nguyễn Thị Minh Khai, ngay trước Sứ quán Trung Quốc.
Rào bít hết khúc đường Phạm Ngọc Thạch trước trự sở Thành Đoàn, bên hông sứ quán.
Nhưng quân ta vẫn lọt vào, tụm hai trăm người (kể cả công an chìm) trước sứ quán, nơi ngả tư Nguyễn Thị Minh Khai-Phạm Ngọc Thạch.
Đả đảo Trung Quốc!Hoàng Sa!Việt Nam!Trường Sa!Việt Nam!Xe mô tô công an hú còi chạy vào khu vực cấm. Xe thùng, xe tải bít bùng, xe gắn loa phóng thanh của công an đậu rải đường Phạm Ngọc Thạch, tận nhà thờ Đức Bà.
Dân đến trễ đứng sát rào chắn từ phía Diamond Plaza vỗ tay hoan hô nhóm người lọt vào trước sứ quán.
Tổng số người đứng ủng hộ vì không lọt vào được khu trước Sứ quán đã hơn 500 người.
Ngày hôm trước. 4 tháng 6.Áo thun đỏ, dòng chữ vàng kẻ ngay tim: ‘Bảo Vệ Toàn Vẹn Lãnh Thổ’.
Phòng Công Tác Chính Trị Đại Học triệu tập sinh viên đầu đàn, cảnh cáo, đưa thông báo in sẵn với hai chữ cuối cùng: đuổi học.
8 giờ 5 phút hôm nay.Một ông già tóc bạc, đứng ngay rào chắn, chửi bới những máy hình đưa lên. ‘Chụp gì mà chụp, có gì đâu.’
Ông là ai, đã sống đến hết đời còn sợ chết, còn lộ nỗi lo âu trên sợi tóc bạc trắng, nỗi sợ hãi hèn hạ trên từng nếp nhăn đã hết chỗ nhăn.
Nhóm người trước Sứ quán tiến về phía nhà thờ Đức Bà, rẻ ngang hàng rào sắt và hàng rào công an. Biểu ngữ trên vải đỏ do hai thanh niên đi đầu, giăng ngang: Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam.’
Khẩu hiệu trên giấy vàng giấy trắng. Chữ Anh, chữ Việt, chữ Tàu, chữ Pháp. Những nắm tay giơ cao. Hô vang. Đoàn người từ khu vực cấm ‘sứ quán bạn’ tuôn ra khỏi barrier khoảng trên 500 người. Dừng lại ngay ngả ba Alexander de Rhode, rồi mạnh bước tiến về hướng nhà thờ Đức Bà. Nhưng khi đến đầu đường Đồng Khởi, đám đông tăng dần, người hai bên đường nhập vào đám đông, đông lên, đông lên nữa. Và lần đầu tiên, chắc chỉ có ở Sài Gòn, một người cất tiếng hét ngay trước khách sạn Continental, ngay trước khu cà phê lịch sử Givral giờ không còn gì:
Lưỡi bò! (đám đông) Cắt bò!Lưỡi bò!(đám đông) Cắt bò!
Tôi cùng đi với anh em sinh viên. Những nữ công an chìm nhập vào bọn, chụp hình ghi mặt, gửi hình chụp về nhóm an ninh tụ tập trước lãnh sự.
Hề gì. Chụp đi. Chúng tôi hô vang.
Trường Sa!Việt Nam!Hoàng Sa!Việt Nam!Gọi đi tỉnh khác cho bạn bè nghe tiếng dân rền vang. Điện thoại bị cắt sóng.
Chúng tôi cuối đoàn là nhà thờ Đức Bà, đầu đoàn gần Nhà Hát Lớn.
Tôi lần đầu đi biểu tình trên quê hương. Muốn trào nước mắt. Tôi chỉ làm được một việc nhỏ nhoi này thôi mà sao mắt mờ trong hừng hừng tiếng nói.
Chúng tôi rẽ vào Lê Lợi, hát vang tiến lên, cùng tiến lên, nước non Việt Nam ta vững bền.
Chúng tôi đi ngang Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố. Dọc đường Lê Lợi, người bán hàng đổ ra, có cả một thùng nước ai đặt sẵn, cứ lấy uống. Đám đông đông hơn.
Tẩy chay hàng Trung Quốc!Chúng tôi đến cửa Đông chợ Bến Thanh, ngay góc đường Phan Bộ Châu. Một hàng rào sắt và công an chặn lại.
Chúng tôi tràn qua. Ngồi xuống anh em. Ngồi xuống. Ngồi ngay công trường Quách Thị Trang, trước chợ Bến Thành. Chúng tôi hát vang: Dậy mà đi, dậy mà đi, dậy mà đi hỡi đồng bào ơi.
Chúng tôi đứng dậy, rẽ phải, đi ngang cửa Tây chợ Bến Thành. Rẽ trái vô Lê Thánh Tôn. Rẽ phải vô Trương Định.
Đi xuyên công viên Tao Đàn. Các em hướng đạo đang sinh hoạt đứng dậy, sắp hai bên đường.
Đả đảo Trung Quốc.Một cớm chìm mặc áo đỏ, đi men bên lề đám đông hối hả, quát một chị đang đứng bên gốc cây chụp hình đoàn biểu tình, ‘chúng mày chụp cái gì, đồ phản quốc.’
Phản quốc? Ai phản quốc hở anh kia!
Chúng tôi không cô độc phản quốc. Sáu mươi năm trước, Hoàng Công Khanh viết Bến Nước Ngũ Bồ:
Căm giận thay loài cẩu trệ!
Chúng ngang nhiên chà đạp nước non này,
Gọi những người yêu nước, cứu nước là tội phạm.
Ai tráng sĩ mà không là quốc phạmAi giai nhân mà chẳng phải vong nhânAi hiền lương mà tránh khỏi cát lầmAi trinh tiết mà thoát vòng ô trọc.Những ‘quốc phạm’ đi hàng đầu rẽ phải vô Nguyễn Thị Minh Khai tiến về hướng Lãnh sự. Còn mặt sau của tờ giấy khẩu hiệu còn trống. Những quốc phạm đi khúc giữa còn ngang đường Pasteur, ngồi xuống bên đường, viết tiếp khẩu hiệu. Một bác già lom khom đọc cho một thanh niên viết tiếp bên lề đường: Bọn bành trướng bá quyền Trung Quốc… Đám đông đông lên. Khí thế lên. Chúng nó chận trước cổng Sứ quán. Đứng sát vào. Đó, sát vào hàng rào. Anh em hô!
Đí ngược lại ra Nam Kỳ Khởi Nghhĩa. Anh em dừng lại, tập họp trước trụ sở Hội Cựu Chiến Binh Việt Nam Quận 1. Mở tung cửa sắt trụ sở, hoan hô các cựu chiến binh. Đi tiếp đến trước Dinh Độc Lập.
Nếu tính toán số lượng người biểu tình, khúc đường này là lý tưởng: Từ cổng chính Dinh Độc Lập cho tới ngả tư Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Nguyễn Thị Minh Khai, dài chừng 300 mét, đông đặc người. Chắc khoảng 5.000 người. Nếu tính luôn những người đang chờ ở khu vực Sứ quán, thì thêm 1.000 người nữa.
Từ cổng chính Dinh Độc Lập, rẻ trái vô Lê Duẩn. Ôi con đường này hôm nay sáng quá. Những người dẫn đầu hô: Ngồi xuống. Ngồi xuống anh em.
Anh em ta ngồi xuống. Tiến Quân Ca cất lên.
Một ông già tóc bạc trắng, đứng góc bên hông nhà thờ Đức Bà, ngược dòng người đang tiếng qua. Ông giơ tay cao, hô lớn: Việt Nam! Việt Nam! Việt Nam!
Ông cười ha hả.
Đứng dậy, tiến thẳng qua Sứ quán Mỹ. Vòng lại Nguyễn Thị Minh Khai. Đoạn này ngược chiều. Ngược chiều cũng đi.
Một chị bán hàng ngồi chẹp bên lề đường Phạm Ngọc Thạch. Chị đọc cho mấy chị khác xúm xít nghe: ‘Nam quốc sơn hà…’
10 giờ 30.Nắng nóng. Khát. Xin tí nước. Chúng nó bít đường vào Sứ quán. Thanh niên nóng bừng mặt. Tôi già chóng mặt chân run. Nhưng ráng theo, ráng theo cho hết.
Đả đảo Trung Quốc
.Ai là người yêu nước
Ràng rào sắt, hàng rào công an trấn ngay ngả tư Sứ quán. Tràn vào. Chúng tôi tràn qua hàng rào. Công an chìm nổi lúng túng. Chúng nó hai lớp xông ngược lại đẩy ra.
Nhưng gần hai trăm người chúng tôi đã đến sát bờ tường Sứ quán. Sinh viên Đại Học Công Nghiệp 4, sinh viên từ Thủ Đức, những khuôn mặt của 8x, 9x. Chúng tôi toàn sinh viên học sinh. Chúng tôi còn trẻ. Giữa đám đông này, khí thế này.
Công an tách từng nhóm nhỏ lọt vào, đẩy ra ngoài. An ninh lúng túng nhờ một phó hiệu trưởng đại học ra thuyết phục sinh viên. Không có loa. Đám đông hô vang khẩu hiệu.
Ông phó hiệu thuyết phục gì. Ông đuổi học chúng tôi chăng.
11 giờ 15.Chúng tôi đi xuyên hai hàng rào chắn truóc Thành Đoàn. Đám đông bên ngoài hàng rào vỗ tay vang đội. Một thanh niên áo xanh, màu áo của Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh, đứng ngay trước cổng Thành Đoàn, trên cao hình Bác Hồ ngó lên chứ không ngó xuống, nhưng người thanh niên tay cầm cờ phất lên, huy động đám đông quay một vòng xung quanh anh.
Anh nhìn một vòng, từng khuôn mặt đám đông xung quanh, gằn giọng:
‘Ai là người Việt Nam?’
‘Việt Nam! Việt Nam!’‘Ai là người Việt Nam?’
‘Việt Nam! Việt Nam!’Một nhóm anh em trẻ tiếp tục tiến về Đồng Khởi.
Đã đứng bóng trời. Bầu trời hôm nay đẹp quá. Buổi trưa không ngủ. Ngày Chủ Nhật không nghỉ. Tiếp tục đi. Tiếp tục. Còn cả buổi chiều.
|