Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 4 Tháng 7 Năm 2011

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 4 Tháng 7 Năm 2011 PDF Print E-mail
Tác Giả: Minh Anh   
Thứ Hai, 04 Tháng 7 Năm 2011 16:51

Những mối đe doạ đằng sau mức tăng trưởng cao của Trung Quốc

Với nguồn dự trữ ngoại tệ khổng lồ, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 6% trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế năm 2009, Trung Quốc giờ đây trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, chỉ đứng sau Hoa Kỳ.

Hai công nhân ngủ trưa ngay trước tòa nhà World Trade Center ở Bắc Kinh ngày 13/9/2011. Đằng sau tốc độ tăng trưởng mạnh là một nền kinh tế chứa đựng nhiểu hiểm họa.  / Reuters

Tuy nhiên, nhật báo Công giáo La Croix hôm nay đăng các nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, cho rằng đằng sau sự phát triển kinh tế nhanh chóng là những mối đe dọa tiềm tàng đang chờ cơ hội để bùng nổ.

Trung Quốc bây giờ đang giữ vai trò đầu tàu của nền kinh tế thế giới. Với một thị trường tiêu thụ khổng lồ, nhân công rẻ và là nước nhập khẩu hàng đầu các nguyên liệu, Trung Quốc đang dẫn đầu nền kinh tế thế giới từ 10 năm nay. Thế nhưng, theo La Croix, nhiều chuyên gia nhận định rằng hệ thống kinh tế Trung Quốc chứa đựng nhiều điểm tối, do thiếu những chỉ dẫn đáng tin cậy và do đồng nhân dân tệ được thả nổi.

Trung Quốc đề ra chính sách tiền tệ giả tạo nhằm thúc đẩy xuất khẩu. Bắc Kinh tự ấn định tỷ giá hối đoái cho đồng nhân dân tệ bằng cách cố tình để cho giá đồng tiền này thấp hơn đôla và euro.

Chỉ số tăng trưởng và lạm phát cũng không đúng với thực trạng kinh tế. Về mặt chính thức, lạm phát chỉ có 5%, nhưng trên thực tế con số này có thể lên đến 12%. Chỉ số tăng trưởng năm 2009 là 6%, trong khi đó nền kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng. Nhưng trên thực tế, kinh tế Trung Quốc đã gặp suy thoái. Để phục hồi nền kinh tế, chính quyền Trung Quốc đã phải mở hết các van tín dụng lớn, dưới hình thức cho vay vốn, và khoản tín dụng này chiếm khoảng 40% của tổng sản phẩm nội địa.

Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng bừa bãi, không hiệu quả cũng làm gia tăng những khoản nợ khổng lồ tại các chính quyền địa phương.

 Riêng nợ công tại các khu vực này đã chiếm tới 27% tổng sản phẩm quốc nội. Mặt khác, chính sách trợ giúp tài chính của chính quyền Trung Quốc còn cho thấy sự bất công giữa hai lãnh vực công và tư. Nếu như Bắc Kinh hỗ trợ một cách giả tạo các doanh nghiệp Nhà nước hoạt động kém hiệu quả và nợ nần, thì các doanh nghiệp tư nhân phải cầu viện đến những nguồn vay không chính thức với lãi suất từ 24% đến 48%. Hơn nữa, chỉ trong vòng có 4 năm, lượng tiền mặt lưu thông trên thị trường đã tăng lên 2,6 lần.

Theo các chuyên gia, giá bất động sản tại Trung Quốc tăng 25%, trong khi việc xây dựng chỉ tăng có 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Lãnh vực xây dựng chỉ chiếm có 13% tổng sản phẩm quốc nội, cao gấp hai lần so với quả bóng bất động sản của Mỹ.

La Croix cho rằng, với mô hình kinh tế cộng sản này, thành phần thiệt thòi nhất chính là những người làm công ăn lương. Giá lương thực và nhà ở đều tăng vọt. Khoảng cách về thu nhập ngày càng lớn giữa nông thôn và thành thị. Mặt khác, lãi suất tiền gửi tiết kiệm thấp hơn mức lạm phát thực tế đã không kích thích được tiêu dùng, do phải tiết kiệm để chi cho giáo dục và y tế.

Cuối cùng, La Croix kết luận rằng mặc dù đang ngồi trên đống đô-la dự trữ khổng lồ, nhưng những người cộng sản Trung Quốc lo sợ một ngày nào đó số tiền này sẽ biến thành tro bụi vì những khách hàng phương Tây của họ. Do vậy cũng dễ hiểu tại sao bất chấp khủng hoảng tài chính tại Hy Lạp, Trung Quốc vẫn duy trì đa dạng hóa nguồn ngoại tệ của mình với euro.

Khủng hoảng Libya và Syria làm lung lay quan hệ Pháp-Nga

Về thời sự quốc tế, quan hệ Nga – Pháp được nhật báo Le Monde hôm nay đề cập đến qua bài viết « Khủng hoảng tại Libya và Syria làm lung lay quan hệ Pháp-Nga ». Chuyến công du Matxcơva của Ngoại trưởng Pháp Alain Juppé để lộ rõ những bất đồng về hình thức can thiệp quân sự vào hai quốc gia này.

Chuyến công du Nga lần này của ông Alain Juppé cho thấy Pháp đang cố gắng nâng mối quan hệ với Nga lên thành « đối tác chiến lược ». Thông qua kế hoạch bán vũ khí cho Nga, Paris theo đuổi một chính sách ngoại giao xích lại gần hơn với Matxcơva trên mọi phương diện, do e ngại bị Đức qua mặt.

Ngược lại, Nga cũng đang tìm cách dựa vào Pháp để đạt được một số mục tiêu của mình, chẳng hạn như đẩy mạnh dự án Hiệp ước an ninh toàn Châu Âu, do tổng thống Nga Dmitri Medvedev đề xuất, nhằm mục đích làm yếu đi vai trò của Mỹ tại Châu Âu. Ông Alain Juppé đã hoan nghênh ý tưởng của Nga về « không gian chung trải dài từ Brest đến Vladivostok ».

Thê nhưng, trong một buổi họp báo của hai bộ trưởng, giới quan sát thấy rõ những bất đồng của Nga và Pháp về khủng hoảng tại Libya và Syria. Nga xem việc Pháp cung cấp vũ khí hạng nhẹ cho phe nổi dậy tại Libya đã làm thay đổi tinh thần Nghị quyết 1973, là tài trợ cho một tổ chức lật đổ chế độ bằng sức mạnh, qua việc hỗ trợ phe này chống lại phe kia trong nội chiến tại Libya.

Ông Lavrov, Ngoại trưởng Nga, khẳng định rằng : « Nga muốn Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc phải đưa ra các văn bản rõ ràng » và « Luật quốc tế không cho phép mọi sự mập mờ ». Matxcơva như muốn cho biết là họ đã bị gài bẫy khi để cho thông qua nghị quyết cho phép sử dụng hành động quân sự tại Libya.

Le Monde cho biết, trả lời người đồng nhiệm của mình, ông Alain Juppé đã nhắc lại rằng vào năm 2005, Liên Hiệp Quốc, trong đó có Nga, đã thông qua khái niệm « trách nhiệm bảo vệ », cho phép cộng đồng quốc tế can thiệp quân sự, ngay khi một chế độ nào đó không còn khả năng hay từ chối ngăn chặn một cuộc thảm sát thường dân trên chính lãnh thổ của họ, mà theo Pháp, Libya là một trường hợp điển hình. Ông cũng nhắc lại việc Nga đã dùng cớ « diệt chủng » để gởi xe tăng vào Nam Ossétia

Còn liên quan đến hồ sơ Syria, Nga kiên quyết không thông qua Nghị quyết của Liên Hiệp Quốc như là Pháp mong muốn. Ông Lavrov cho rằng các phe đối lập cần phải tiến hành đối thoại và chấm dứt tình trạng « từ chối mọi thỏa thuận » với chế độ Bachar al-Assad. Thế nhưng, ông Alain Juppé bày tỏ mối e ngại, không tin rằng tổng thống Bachar al-Assad có khả năng sửa đổi hệ thống quyền lực

Cuối cùng, nếu như Nga và Pháp không đồng quan điểm về « mùa xuân Ả rập », dường như cả hai nước đều cùng đồng ý cho một mục tiêu quan trọng là bật đèn xanh cho tiến trình hòa bình tại Trung Cận Đông. Le Monde kết luận, về điểm này, ông Alain Juppé cũng cảm thấy hài lòng khi nhìn thấy sự việc có tiến triển.

Liên quan đến tình hình Nhật Bản sau thảm họa Fukushima, nhật báo Le Monde hôm nay có bài tựa « Nhật Bản lao vào cuộc đua tiết kiệm điện ». Bài báo cho biết chính phủ Nhật Bản vừa ban hành một đạo luật bắt buộc giảm tiêu thụ năng lượng, hòng tránh tình trạng thiếu điện. Trong khi đó có nhiều người cho rằng quần đảo này không bị đe dọa thiếu điện đến mức như thế.

Đạo luật này quy định tất cả các doanh nghiệp sử dụng từ hơn 500kW điện phải giảm lượng tiêu thụ của họ xuống thấp hơn 15% so với đỉnh điểm của mùa hè năm 2010. Nếu vi phạm, mức xử phạt có thể lên đến một triệu yên (tương đương với 8.500 euro). Biện pháp này được áp dụng cho tất cả các ngày trong tuần, từ 9 giờ sáng cho đến 20 giờ và sẽ kéo dài cho đến tháng 9 này.

Theo Le Monde, do e sợ bị thiếu điện, nhiều doanh nghiệp và công sở Nhà nước đã bắt đầu cho thay đổi giờ giấc, cho ngày làm việc được bắt đầu sớm hơn 1 tiếng. Việc sử dụng máy lạnh cũng bị giảm xuống và nhiệt độ được ấn định ở mức 28°C. Ngoài ra, để giúp cho người đi làm được thoải mái hơn, chính phủ Nhật đã thực hiện chiến dịch « super cool biz ». Theo đó, người đi làm được được mặc đồ nhẹ hơn một chút.

Mặt khác, chính quyền cũng sẽ đảm bảo cập nhật và cung cấp thông tin liên tục trên các màn hình điện tử tại những nơi công cộng về mức độ tiêu thụ và các dự báo dựa theo nhiệt độ.

Thế nhưng, theo Le Monde, nguy cơ thiếu điện cũng gây ra nhiều tranh cãi. Theo nhiều người, mặc dù tập đoàn khai thác điện hạt nhân Tepco đã mất 9,7GW khả năng cung cấp điện sau thảm họa, nhưng Tepco vẫn còn có thể cung cấp hơn 40 GW vào thời điểm mà tiêu thụ chưa vượt quá 28 GW.

Vì vậy, nhiều người nghi ngờ về những tuyên bố của Tepco. Họ còn đi xa hơn nữa khi cho rằng, đe dọa thiếu điện có lẽ nhằm mục đích làm cho mọi người tin rằng hạt nhân là không thể thiếu được tại quần đảo này. Le Monde trích dẫn một tổng kết của tuần san Economisuto. Theo tờ báo, tổng khả năng sản xuất điện tại Nhật là 237GW. Lượng điện tiêu thụ năm 2010 chỉ đạt ở mức 159 GW và cả 55 lò phản ứng hạt nhân cũng chỉ tạo ra có 48,8 GW.