Phóng Sự Đặc Biệt Từ Việt Nam: Cuộc Biểu Tình Sáng Ngày 3 Tháng 7 Tại Hà Nội |
Tác Giả: SBTN |
Thứ Hai, 04 Tháng 7 Năm 2011 10:31 |
Sáng nay một cuộc biểu tình nhỏ của khoảng 200 người đã diễn ra ở Hà Nội. Không khí chống Trung Cộng có vẻ không được mạnh mẽ như những tuần trước vì thái độ căng thẳng của giới an ninh. Nhiều người đã thuyết minh cách xuống đường của mình bằng các lá cờ đỏ của Cộng sản Việt Nam, nhằm có thể an toàn tham gia cuộc tuần hành, nhưng tiếc thay ngay cả những người đó cũng bị bắt bớ, trấn áp. Còn tại Saigon không ai có thể làm gì được, như trong một bài viết gần đây của tác giả bí mật Phan Nguyễn Việt Đăng trên đài RFA phân tích, rõ ràng Hà Nội đang áp dụng một quốc gia hai chế độ trong công cuộc chống Trung Cộng xâm lược từ tháng 5 đến nay. Với miền Bắc thì Hà Nội gượng nhẹ và ôn hòa, nhưng với miền Nam thì thẳng tay đàn áp và bỏ tù. Sự phân tích này đang làm cho cư dân mạng trong nước xôn xao và ngày càng theo dõi, thấy rõ hơn chính sách hai mặt này của Hà Nội. Tin không dược kiểm chứng cho biết vào buổi tối ngày 2 tháng 7, mọi người nhắn nhau rằng trên blog của ông Nguyễn Xuân Diện lộ một ý rằng ngày chủ nhật 3 tháng 7, nhà nước sẽ bật đèn xanh cho một cuộc biểu tình. Tin nhắn điện thoại được chuyển đi từ Hà Nội đến Saigon với sự háo hức, nhưng phía Nam thì dè dặt hơn. Những cuộc trấn áp tàn bạo từ các âm binh của Thái Thú nói như kiểu trang tin Dân Làm Báo đặt tên, đã giới thiệu cho biết một thái độ dứt khoát của ngành an ninh. Quả là điều không ngoài dự đoán của các blogger khi nói trước rằng sẽ không thể có gì vui cho ngày 3 tháng 7 này. Ở Saigon, an ninh lại tiếp tục dày đặc, và lần này ngành an ninh thậm chí còn tỏ ra tự tin hơn khi cho phép các quán café quanh khu vực Tòa Tổng lãnh sự Trung Cộng được mở cửa như bình thường. Một ít thanh niên tập trung gần nhà thờ Đức Bà Saigon đã bị giải tán rất sớm. Hà Nội có vẻ thoáng hơn với cuộc biểu tình nhỏ được diễn ra. Không khí có vẻ rộn rịp khi một vài thanh niên đứng đọc tuyên cáo phản đối Trung Cộng đã bị công an nhảy vào chụp bắt, nhưng may là đám đông đã thành công trong một màn vật lộn cứu 2 thanh niên đó giữa rừng an ninh mật vụ. Thực tế cho thấy chẳng có cái đèn xanh nào cả, cứ biểu tình và làm mất mặt Trung Cộng đang là chuyện mà các nhà lãnh đạo Việt Nam xốn xang. Lần biểu tình này, được coi là sự phản ứng với chuyến đi của Thứ trưởng Bộ ngoại giao Hồ Xuân Sơn để gặp Đới Quốc Bình, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Cộng đặc trách đối ngoại, bàn về vấn đề căng thẳng trên biển Đông. Nội dung của cuộc gặp như thế nào người dân Việt Nam không được biết, nhưng giọng điệu của Bắc Kinh mô tả về tuyên bố của 2 nước thì đã có sự đồng thuận và cam kết hữu nghị. Lòng dân trong nước không yên. Rất nhiều người tin rằng phe thân Trung Cộng tại Việt Nam một lần nữa lại chiến thắng, và đất nước lại bị bán đứng một lần nữa. Bản tin về chuyện suýt tí nữa tàu Bình Minh lại bị cắt cáp lần 3 vào 30 tháng 6 vừa qua lại góp thêm những chứng cứ quan trọng về những điều mờ ám trong chuyến đi của ông Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn. Vì sao khác với lần trước Việt Nam chủ trương im lặng, không phản ứng? Ngay cả các quan chức của Petro Times cũng được lệnh không được nói gì về chuyện này. Đài BBC, đài RFA, RFI khi gọi điện đến các quan chức này, đều được một câu trả lời chung là không biết và không thể bình luận. Nhiều người trong nước tin rằng sau cuộc họp xác định vai trò 16 chữ vàng 4 tốt của ông Hồ Xuân Sơn, dù có tuyên bố chính thức nhưng Bắc Kinh vẫn không tin tưởng và quyết định phải làm một bài thử xem Việt Nam có tráo trở hay không. Lần này chắc hắn Bắc Kinh đã hài lòng vì thấy Việt Nam đã một mực xuất sắc trong vai trò đàn em ngoan ngoãn. Kể từ thời giặc phương Bắc xâm lược, cho đến thời thực dân Pháp, người ta lại thấy tái diễn trong lịch sử Việt Nam ý nghĩa yêu nước là một điều hiểm nguy cho bản thân mình và gia đình mình. Sống trên một đất nước mà việc cầm lá cờ của tổ quốc mình, tung hô chủ quyền đất nước mình, vẫn có thể bị công an mật vụ bắt giữ, thẩm tra, sách nhiễu, không khác gì sống trong vùng tô giới của người Việt thuộc quyền kiểm soát của Trung Cộng, quả là một thách thức của lòng yêu nước. Điều nực cười là một khi các viên chức chính phủ, các nhà lãnh đạo vẫn lên truyền hình, lên mặt báo kêu gọi phải yêu nước, phải biết tỏ thái độ nghĩa vụ của một công dân, nhưng khi những người yêu nước bị bắt vỉ biểu tình chống xâm lược, công an lại thẩm vấn và luôn hỏi một câu là ai xúi giục. Ai sẽ còn dám yêu nước nữa khi thái độ của Đảng Cộng sản Việt Nam lại hai mặt đến kinh sợ như vậy? Và như vậy có phải hiện trạng yêu nước tức là chống lại Đảng cộng sản Việt Nam hay không.
|