Liên hiệp châu Phi yêu cầu loại Kadhafi ra khỏi các cuộc thương lượng |
Tác Giả: Thanh Phương / Tú Anh |
Chúa Nhật, 03 Tháng 7 Năm 2011 18:57 |
"Ông Kadhafi nên tạo điều kiện cho sự chuyển tiếp và rời bỏ quyền hành, hơn là là đe doạ..." (Hillary Clinton) Họp thượng đỉnh tại Malabo, Guinea xích đạo, các nhà lãnh đạo châu Phi đã thông qua một thỏa thuận khung sẽ được đề nghị cho các phe ở Libya. Thỏa thuận này loại trừ lãnh đạo Libya Kadhafi ra khỏi các cuộc thượng lượng nhằm đưa nước này thoát khỏi khủng hoảng, đồng thời dự trù một «lực lượng duy trì hòa bình». Cung Hội Nghị thượng đỉnh Liên Hiệp châu Phi tại Malabo, Guinea, ngày 30/06/2011 / AFP/STR Trong nghị quyết được thông qua, Liên hiệp châu Phi cũng đã quyết định là các nước thành viên sẽ không hợp tác thi hành lệnh bắt giữ quốc tế nhắm vào đại tá Kadhafi, do Tòa án Hình sự quốc tế ban hành. Về phần Kadhafi hôm qua, ông đã doạ sẽ tấn công châu Âu nếu khối NATO không chấm dứt các chiến dịch quân sự tại Libya. Phản ứng về lời đe doạ này, tại Madrid hôm nay, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho rằng ông Kadhafi nên tạo điều kiện cho sự chuyển tiếp và rời bỏ quyền hành, hơn là là đe doạ. Bà Clinton nhấn mạnh là sự ủng hộ của châu Phi đối với chiến dịch quân sự ở Libya rất mạnh mẽ và ngày càng tăng. Tổng thống Syria cách chức một viên tỉnh trưởng sau cuộc biểu tình khổng lồ Tỉnh trưởng tỉnh Hama bị tổng thống Syria ký sắc lệnh cách chức vài giờ sau khi xảy ra một cuộc biểu tình huy động hơn nửa triệu người đòi cải cách chính trị. Gần 300 cuộc xuống đường diển ra trên toàn quốc, cuộc đàn áp vẫn tiếp diễn với 28 người biểu tình bị thiệt mạng. Theo hãng tin chính thức Sana, tỉnh trưởng Ahmad Khaled Abdel-Aziz đã bị tổng thống Bachard al-Assad cách chức. Trong khuôn khổ chiến dịch biểu dương lực lượng đối kháng trong ngày thứ sáu hôm qua, hơn nửa triệu người đã xuống đường tại tỉnh Hama ở miền bắc Syria. Theo AFP, người biểu tình đòi tổng thống Syria từ chức tập trung tại quãng trường al-Assi và xếp hàng dài hơn 1 cây số. Theo các tổ chức nhân quyền Syria , thì đây là cuộc biểu tình lớn nhất kể từ khi phong trào đòi dân chủ bùng dậy đầu tiên vào ngày 15 tháng 3 năm nay. Hama cũng là nơi cách nay 19 năm đã từng xảy ra một cuộc nổi dậy bị cha của tổng thống đương nhiệm trấn áp sát hại hơn 20 ngàn người hồi giáo. Theo Tổ chức nhân quyền quốc gia Syria, hôm qua trên toàn quốc có 286 cuộc xuống đường tăng rất cao so với 202 vụ hồi tuần trước. Mặc dù chính quyền Syria huy động quân đội với xe tăng yểm trợ nhưng vẫn không ngăn chận được dân chúng bất mãn kéo về các thành phố với hơn 500 ngàn người tại Hama, miền bắc, 100.000 ở Homs, miền trung, nhiều chục ngàn ở thành phố Deir Ezzor, miền đông. Cuộc đàn áp đã làm 28 người chết, nghiêm trọng nhất là ở miền trung, tại một số tỉnh duyên hải và ngay thủ đô Damas cũng có hai người biểu tình thiệt mạng vì đạn.
|