Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 3 Tháng7 Năm 2011

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 3 Tháng7 Năm 2011 PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Phước   
Chúa Nhật, 03 Tháng 7 Năm 2011 17:36

Vụ án DSK : Hồ sơ có nhiều tác động ở Hoa Kỳ và Pháp

 

Cựu lãnh đạo IMF Dominique Strauss-Kahn và vợ khi được tự do ra khỏi Tòa án New York ngày 01/07/2011.
REUTERS/Lucas Jackson

Quyết định của Tòa án New York trả tự do tạm cho ông DSK làm cho vụ án vốn đã rắc rối lại thêm phức tạp.

Vụ này tiếp tục tác động không chỉ đến uy tín của viện công tố New York, mà còn ảnh hưởng đến tình hình chính trị tại Pháp. Chủ đề này được các báo Pháp hôm nay tập trung phân tích.

Đặc biệt, Libération và Le Figaro đều có bài « giải mã » nhân vật nữ hầu phòng với cùng một dòng tựa « Bộ mặt được che dấu của người nữ hầu phòng ».

Hai tờ báo đều nhắc lại việc hồi tối ngày thứ năm rồi, tờ New York Times đã mang đến một thông tin giật gân : Trong vòng 24 giờ sau khi cáo buộc DSK, bà Nafissatou Diallo đã gọi điện thoại cho một tù nhân bị giam tại New York.

Trong cuộc nói chuyện, bà có đề cập đến việc kiếm được nhiều lợi từ việc tố giác cựu tổng giám đốc IMF. Cuộc nói chuyện đã được ghi âm. Tù nhân trên là một tội phạm ma túy, nằm trong số một trong những mối quan hệ đáng ngờ của người nữ hầu phòng.

Theo New York Times, chỉ trong vòng hai năm, tài khoản ngân hàng của bà Diallo đã nhận được nhiều khoản tiền, đến 100.000 đô la, không chỉ từ người tù nhân nói trên, mà còn từ nhiều nguồn bí ẩn khác từ Arizona, Georgia, New York và Pennsylvania. Đương sự cho biết là không hề biết gì về các nguồn này, hoặc khai là do vị hôn phu hay bạn bè của bà gửi.

Thêm vào đó, nghi ngờ về nhân thân của Diallo cũng nổi lên. Theo lời kể của người thân cận của bà, bà là một tín đồ hồi giáo ngoan đạo, bị góa bụa sớm, tìm đến nước Mỹ để thử vận may, và đến ở nhà chị gái tại New York hồi năm 2002 ; bà và cô con gái 15 tuổi sống ở khu Bronx ; người mẹ làm việc vất vả trong khu phố để lo cho con gái, sau đó được nhận vào làm tại khách sạn Sofitel.

Thế nhưng, trên hồ sơ xin tị nạn, bà ghi rõ là « để tránh việc con gái bà bị cắt bỏ một phần bộ phận sinh dục » theo hủ tục tại Châu Phi.

Hôm qua, văn phòng công tố New York cho biết « Trong quá trình điều tra, nguyên cáo đã nhiều lần nối dối về nhiều chuyện khác nhau, như về tiểu sử, hoàn cảnh sống hiện tại hay về các mối quan hệ xã hội ».

Về phần mình, luật sư biện hộ cho bà Diallo đã bác bỏ mọi thông tin của tờ New York Times, và hôm qua sau khi phiên toàn quyết định trả tự do cho ông DSK, vị luật sư này tuyên bố, sẽ không có gì thay đổi trong cáo buộc « xâm hại tình dục », và ông viện dẫn những vết thương trên người của bà Diallo.

Cộng đồng người Guinea thì tuyên bố ủng hộ bà. Trong khi đó, Le Figaro cho hay, người phụ nữ này đã cắt hết quan hệ với người Guinea ở khu Bronx và với gia đình bà. Lãnh đạo một hiệp hội hổ trợ cộng đồng cho Le Fiagaro biết : « Từ ba năm nay, chị bà, người cho bà tá túc khi mới đến Hoa K ỳ, không hề biết bà làm việc tại Sofitel ».

Tuy nhiên, vụ án DSK vẫn chưa kết thúc. Dù New York Times cho rằng hồ sơ buộc tội sẽ bị hủy, nhưng công tố viên tuyên bố, dù sự tin cậy trong lời khai nguyên cáo bị đặt vấn đề, nhưng quá trình tố tụng vẫn tiếp tục. Và ngày 18/7 tới đây, ông DSK sẽ phải xuất hiện trước vành móng ngựa.

Ảnh hướng đến ngành tư pháp Mỹ

Libération cũng bình luận về ảnh hưởng của vụ án DSK đối với ngành tư pháp New York. Tờ báo cho rằng, hôm qua vị công tố trở nên nặng gánh trong khi các luật sư bảo vệ lại thở phào nhẹ nhõm. Một chuyên gia cho rằng : « Đây hầu như là một vụ việc giữa một bang của Mỹ, ở đây là bang New York, và một bị cáo. Nếu bị cáo trắng án, thì công tố viên sẽ bị thiệt nhiều ».

Một luật sư Pháp nhận định : « Trong vụ này, ngành công tố Mỹ đã tự rơi vào bẫy của mình là cứ hành động theo kiểu cố xây dựng hồ sơ cáo buộc bị cáo mà xem thường sự thật, đó chính là nền móng của mọi sai lầm trong ngành tư pháp ».

Hồ sơ DSK tiếp tục tác động tình hình chính trị Pháp

Từ hơn một tháng nay, vụ việc DSK ảnh hưởng sâu sắc đến tình hình chính trị nước Pháp.

 Le Figaro thuật lại từ việc hồi giữa tháng 5, nước Pháp thức dậy trong bàng hoàng trước tin ông DSK bị bắt tại New York. Rồi sau đó là bị tạm giam, bị buộc tội xâm hại tình dục, rồi được tại ngoại hầu tra có nộp tiền đảm bảo. Báo giới Mỹ và thế giới liên tiếp phản ảnh vụ việc với nhiều giả thuyết được đưa ra, từ cáo buộc về đạo đức của ông DSK đến giả thuyết ông bị ám hại.

Trong khi đó, ở Pháp, các đảng phái đang trong thời kỳ chuẩn bị cuộc chạy đua vào điện L’Elysee cho năm tới. Đảng Xã Hội đã mất đi nhân vật sáng giá nhất của mình. Ông Francois Hollande bổng chốc trở thành người được ủng hộ nhiều nhất. Bà Martine Aubry lại vừa chính thức tuyên bố tham gia tranh vị trí người đại diện đảng Xã hội trong kỳ bầu cử tổng thống 2012.

Mọi việc tưởng đã đâu vào đấy, thì quyết định hôm qua của tòa án New York chợt đến, gây bất ngờ cho chính giới Pháp, nhất là cho đảng Xã Hội. Nhiều người ủng hộ ông DSK yêu cầu triển hạn đăng ký hồ sơ ứng viên của đảng, ông Hollande thì ủng hộ đề nghị này, trong khi lãnh đạo đảng thì khẳng định sẽ không thay đổi lịch trình của đảng.

Như vậy, đến hiện tại, trong khi vụ án DSK chưa biết sẽ tiếp tục diễn biến ra sao, thì tình hình chính trị tại Pháp cũng lắm bề rối rắm, và tình trạng chơi vơi của đảng Xã hội Pháp qua vụ DSK vẫn còn tiếp tục.

Quân đội Thái Lan tiếp tục can thiệp sâu vào bầu cử

Liên quan đến cuộc bầu cử quốc hội diễn ra vào ngày mai tại Thái Lan, Le Figaro có bài nhận định « Thái Lan : quân đội ở trung tâm của bầu cử ».

Tờ báo cho biết, người đứng đầu quân đội Thái Lan là tướng Prayuth Chan-ocha đã xuất hiện trên truyền hình để tuyên truyền cho cuộc bầu cử. Ông kêu gọi :

« Mọi người hãy sử dụng trí tuệ của mình để bỏ phiếu. Hãy chọn những người tốt, đủ năng lực để đảm bảo sự ổn định của đất nước và của chế độ quân chủ ».

Như vậy qua « lời giáo huấn về trách nhiệm công dân » này, vị tổng tư lệnh hoàng gia Thái Lan đã chính thức can thiệp vào quá trình bầu cử. Ông gợi ý mọi người không nên bỏ phiếu như 4 lần trước đó, những lần mà thủ tướng bị lật đổ Thaksin đã giành chiến thắng.

Còn trong lần này, tờ Bangkok Post mô tả cuộc bầu cử là sự đối đầu giữa « Người được nhân bản và một con rối ». Con rối chính là đương kim thủ tướng Abhisit, lên nắm quyền hồi năm 2008, bị xem là nhân vật do quân đội điều khiển và thân giới thượng lưu tại Bangkok. Nhân vật được nhân bản đó chính là bà Yingluck, em gái ông Thaksin. Bà vốn là doanh nhân, không có kinh nghiệm chính trị, nhưng đang được người dân nông thôn ủng hộ nhờ vào cái bóng của anh mình.

Nói về sức ảnh hưởng của quân đội trong bầu cử, Le Figaro cho biết tình hình hiện tại quân đội khó lòng kiểm soát được tình hình theo ý mình. Sau khi tiến hành đảo chính hồi năm 2006, rồi sửa đổi hiến pháp, rồi thiết lập các thể chế mang hình thức dân chủ, hiện tại quân đội Thái Lan tổ chức cuộc bầu cử có thể vượt khỏi tầm kiểm soát của mình.

Vì sao thế ? Một nhà nghiên cứu thuộc Human Rights Watch nhận định « Thái Lan ngày càng không chịu được cảnh bị nhốt trong vòng lẩn quẩn do quân đội điều khiển ».

Trên truyền hình, ông Prayuth kích động nhân dân khi nhắc lại « Nên nhớ rằng ai đã đốt BăngKok hồi năm rồi ».

Câu nói này muốn xã hội Thái mất cảm tình với người áo đỏ ủng hộ ông Thaksin, từ đó gián tiếp tấn công bà Yingluck. Thế nhưng, Le Figaro cho rằng, khi nhắc lại việc này, ông cũng vô tình gợi lại việc quân đội đã đàn áp đẫm máu người biểu tình ở Bangkok hồi năm rồi, một tội ác vẫn còn in rõ trong tâm trí người Thái.

Quân đội Thái Lan gồm 300.000 người, với hàng trăm sỹ quan cấp tướng, trong đó đến 36 tướng 4 sao, chỉ đứng sau Mỹ (với 51 tướng 4 sao). Quân đội này, theo Le Figaro, tham nhũng và yếu kém, đã không thể chấm dứt được tình trạng mất an ninh ở các tỉnh nổi dậy ở miền nam có nhiều người theo Hồi giáo.

 Kể từ khi đảo chánh, quân đội Thái Lan đã tranh thủ thu tóm quyền lực và làm tăng ngân sách lên gấp đôi, thế nhưng vẫn không thể ngăn cản được sự phân cực trong xã hội.

Le Figaro cũng cho biết, quân đội cũng tăng cường vận động ở các tỉnh chống bà Yingyluck. Quân đội cũng mượn cớ chống ma túy để hạch sách các thành viên của đảng bà Yingluck. Thế nhưng, tất cả đều vô ích. Một nhà báo thuộc Bangkok Post cho rằng, ông Prayuth chạy theo thù hận với Thaksin và phe Áo đỏ một cách vĩ cuồng.

Thực thi thỏa thuận tự do mậu dịch EU-Hàn Quốc còn lắm khó khăn

Vào tháng 10/2010, Liên Hiệp Châu Âu và Hàn Quốc đã ký kết thỏa thuận tự do mậu dịch. Thỏa thuận này chính thức có hiệu lực vào ngày 1/7/2011.

 Le Monde phản ánh sự kiện này qua bài viết « Việc thực thi thỏa thuận EU-Hàn Quốc sẽ có nhiều khó khăn ».

Báo chí Hàn Quốc hoan hỉ cho rằng, thảo thuận này rất có lợi vì nó mở rộng cửa của khu vực kinh tế lớn nhất thế giới cho nền kinh tế đứng thứ tư Châu Á là Hàn Quốc. Đối với Liên Hiệp Châu Âu, đây là thỏa thuận lớn nhất được ký kết với một nước, và đối với Hàn Quốc thì đây là một thỏa thuận đầu tiên có qui mô lớn như vậy.

Với thỏa thuận này, Hàn Quốc tiến xa trong lĩnh vực ngoại thương, và sẽ giúp cho Hàn Quốc có vị trí thuận lợi hơn Trung Quốc và Nhật Bản trong hoạt động thương mại ở Châu Âu. Hiện tại, Châu Âu là thị trường xuất khẩu thứ hai của Hàn Quốc.

Thỏa thuận có lợi nhất là cho các tập đoàn lớn của Hàn Quốc như Huyndai hay Samsung trong chiến lược tăng cường xuất khẩu. Dù chính phủ đã cố gắng huy động các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở các địa phương, nhưng tình hình hiện tại cho thấy số lượng đăng ký là rất ít.

Trong lĩnh vực đặc biệt nhạy cảm như ngành sản xuất xe hơi, các nước Châu Âu không có nhiều hy vọng trong việc tăng thị phần của họ tại Hàn Quốc, dù thuế quan có bị giảm đi 10%. Tại Hàn Quốc, các nhà sản xuất nước ngoài chiếm 10% thị phần, trong đó có đến 70% thuộc về Châu Âu. Còn đối với xe Hàn Quốc được bán tại Châu Âu, thì đa phần được sản xuất ở Hàn Quốc, vì thế việc giảm thuế quan chỉ có lợi cho xuất khẩu của Hàn Quốc : Theo dự tính, xuất khẩu xe hơi Hàn Quốc sẽ tăng thêm 1,4 tỷ đô la trong năm nay.

Các nhà sản xuất thiết bị và máy công cụ Châu Âu cũng sẽ hưởng lợi ích từ thỏa thuận này. Lĩnh vực nông thực phẩm cũng tương tự.

Thế nhưng, khó khăn cũng không phải là nhỏ. Le Monde cảnh báo, việc thực hiện sẽ lắm khó khăn do còn tồn tại nhiều điểm chưa được xác rõ ràng trong đàm phán. Các nhà xuất khẩu sẽ gặp khó khăn nhất là trong lĩnh vực thuốc và mỹ phẩm. Bên cạnh đó, việc mở cửa lĩnh vực dịch vụ tài chính của Hàn Quốc, điều mà Châu Âu mong đợi, dường như đang bị bỏ ngỏ.

Tờ báo kết luận : Việc thực thi thỏa thuận này có thể sẽ còn gian khổ hơn quá trình đàm phán.

Braxin giữ kỷ lục thế giới về số nạn nhân chết do bạo lực

Cuối cùng, Le Monde thông tin về Châu Mỹ với bài thông tin « Bạo lực ở Braxin còn đẫm máu hơn ở Mêhico ».

Theo thống kê, tại Mêhico, tỷ lệ người phạm tội sát nhân là từ 15 đến 17/ 100.00 người. Tại Salvador là từ 50 đến 72/100.000, tiếp sau là Honduras, Venezuela, Guatemala và Colombia.

Thế nhưng, nếu dựa trên số lượng nạn nhân, thì Braxin là nước giữ kỷ lục thế giới với 50 000 cái chết mỗi năm, vượt xa Mêhico. Qua đó, cho thấy sự thờ ơ của xã hội xà các phương tiện truyền thông của Braxin. Le Monde cho rằng, không thể viện dẫn lí do có dân số đông để giải thích hiện tượng này tại Braxin, vì như Trung Quốc và Ấn Độ, hai nước đông dân nhất thế giới cũng không đạt đến con số đó.

Châu Mỹ La Tinh, một trong những vùng bất bình đẳng nhất hành tinh, cũng lại là vùng người ta chém giết nhau nhiều nhất. Nạn buôn bán ma túy đã góp phần phổ biến vũ khí. Nhưng đây không phải là nguyên nhân duy nhất. Bởi bên cạnh đó còn có các vụ tấn công, xung đột nghiêm trọng do rượu chè, và đây lại là nguyên nhân chính yếu.

Cánh tả Braxin bấy lâu đánh giá thấp hiện tượng mất an ninh, trong khi cảnh sát thì xem trọng việc xâm hại tài sản hơn xâm hại tính mạng con người. Thế nhưng, Le Monde cảnh báo, đó là vi phạm điều đầu tiên của luật bảo vệ nhân quyền : tôn trọng tính mạng con người. Nạn nhân thường là thanh niên da đen, người nghèo khổ.

 Các tổ chức phi chính phủ và trung tâm nghiên cứu an ninh còn rất hiếm.

Le Monde kết luận : Braxin và Mêhicô đang so kè nhau trong vai trò lãnh đạo khu vực Châu Mỹ La Tinh. Thế nhưng, lợi thế của khu vực hình như không tương đồng với tình trạng bạo lực tiềm ẩn.

 Trang nhất các báo Pháp ngày 2/7/2011

Các báo Pháp hôm nay đều dành ưu tiên cho vụ án cựu tổng giám đốc IMF với nhiều tình tiết mới với các hàng tựa :

 « Chuyển biến bất ngờ trong vụ án DSK : Nghi ngờ tại New York, toan tính tại Paris » trên trang nhất Le Monde, « Vụ án DSK giai đoạn 2 » trên tờ Libération và « DSK tự do, bản cáo trạng bị lung lay » trên nhật báo Le Figaro.

Cả ba tờ báo đều dành nhiều bài thông tin và phân tích về quyết định trả tự do cho ông DSK của tòa án New York vào hôm qua, sự nghi ngờ đối với người nữ hầu phòng, lập luận của các luật sư và nhất là ảnh hưởng của vụ án đến tình hình bầu cử tại Pháp.