Home Tin Tức Thời Sự Dân Thái Lan bắt đầu bầu cử

Dân Thái Lan bắt đầu bầu cử PDF Print E-mail
Tác Giả: BBC   
Thứ Bảy, 02 Tháng 7 Năm 2011 21:59

Khoảng 170.000 cảnh sát viên đã được điều tới canh gác các phòng phiếu.

 

Người dân Thái Lan đang tham gia cuộc bầu cử Quốc hội vốn được cho là phép thử cho nền dân chủ mỏng manh ở nước này.

Đảng Dân chủ cầm quyền của Thủ tướng đương nhiệm Abhisit Vejjajiva đang đối diện thách thức to lớn từ Đảng Pheu Thai, do em gái của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, bà Yingluck, lãnh đạo.

Sáu năm qua, tình hình tại Thái Lan luôn xảy ra căng thẳng chính trị, đôi khi dẫn tới đổ máu và do vậy, an ninh được thắt chặt cho kỳ bầu cử lần này.

Khoảng 170.000 cảnh sát viên đã được điều tới canh gác các phòng phiếu.

Năm ngoái, những người biểu tình áo đỏ đã chiếm lĩnh khu trung tâm ở thủ đô Bangkok nhiều tuần lễ với mục đích buộc chính phủ từ nhiệm. Khi quân đội can thiệp, đã xảy ra thương vong và 91 người thiệt mạng trong đợt biểu tình.

Nhiều người áo đỏ là ủng hộ viên của ông Thaksin, vốn bị lật đổ trong cuộc đảo chính năm 2006.

Nền dân chủ mỏng manh

Có nhận định cuộc bầu cử lần này là cơ hội cho người dân Thái Lan chấm dứt nhiều năm bất ổn về chính trị, đi kèm với các cuộc cạnh tranh và đụng độ của hai phe phái chủ chốt.

Hình ảnh và kinh tế Thái Lan đều bị ảnh hưởng và nhất là uy tín của đất nước này như biểu tượng dân chủ Đông Nam Á đã bị xuốngc ấp trầm trọng.

Hơn 40 đảng phái với 3.832 ứng cử viên đang chạy đua vào 500 chỗ trong Hạ viện.

Hệ thống bầu cử hai tầng của Thái Lan quy định 375 dân biểu sẽ được bầu chọn tại địa phương, trong khi 125 người sẽ được chọn từ một danh sách dựa theo tỷ lệ phiếu các đảng giành được trên toàn quốc trong một vòng bỏ phiếu khác.

Tổng số cử tri ở Thái Lan là 47 triệu người.

Cho dù nhiều đảng phái khác nhau, chỉ có hai đảng Dân chủ và Pheu Thai được cho là có cơ hội giành đa số phiếu. Các kỳ trưng cầu ý kiến trước đây cho thấy Pheu Thai có phần thắng thế.

Yingluck Shinawatra là một trong những người đi bỏ phiếu sớm nhất tại một trường học đặt ở Bangkok.

Bà đã mỉm cười và xuất trình thẻ căn cước trước khi vào phòng phiếu.

Bà Yingluck chỉ mới bắt đầu tham gia chính trường và sự hậu thuẫn mà bà có được dường như bắt nguồn từ việc bà vận động tranh cử bằng các chính sách của anh trai Thaksin, người được cho là lãnh đạo thực sự của Pheu Thai.

Hiện ông Thaksin đang lưu vong tại Dubai sau khi bị cáo buộc tham nhũng, nhưng đã tỏ rõ ý nguyện quay trở về Thái Lan.

Trong một cuộc biểu tình tối thứ Sáu tuần rồi tại Bangkok, bà Yingluck kêu gọi bầu cử tự do và công bằng, và cũng tuyên bố bà tự tin rằng đảng của bà sẽ giành đa số phiếu.

Ông Abhisit thì nói mỗi lá phiếu cho Pheu Thai là phiếu cho ông Thaksin, và chỉ ra rằng chính đảng này đã chủ trương "Thaksin nghĩ, Pheu Thai thực hiện".

Trong cuộc vận động cuối cùng của mình, ông Abhisit nói Thái Lan cần "loại bỏ hết nọc độc của Thaksin".

Nếu Đảng Pheu Thai chiến thắng, các phân tích gia cho rằng sự chú ý sẽ đổ dồn vào giới quân sự xem họ ủng hộ ai, cho dù chỉ huy quân đội, Tướng Prayuth Chan-ocha, hôm thứ Năm đã nói ông sẽ giữ quan điểm trung lập.

Thách thức trước mắt người lãnh đạo Thái Lan sẽ là mang dân tộc đang bị chia rẽ này về với nhau và hàn gắn nền dân chủ trong nước.