Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báp Pháp Quốc Ngày 1 Tháng 7 Năm 2011

Điểm Báp Pháp Quốc Ngày 1 Tháng 7 Năm 2011 PDF Print E-mail
Tác Giả: Thụy My   
Thứ Sáu, 01 Tháng 7 Năm 2011 09:19

Tàu cao tốc Bắc Kinh - Thượng Hải: Thành tựu hay gánh nặng?

 

Một nhân viên hướng dẫn trên sân ga trước giờ chuyến tàu cao tốc dành cho báo chí khởi hành từ Bắc Kinh đi Thượng Hải ngày 27/6/11.
Reuters

Tuyến đường cao tốc Bắc Kinh – Thượng Hải vừa khai trương chiều qua 30/6 là niềm tự hào của Trung Quốc.

Tuy vậy, gánh nợ khổng lồ đè nặng lên Bộ Hỏa xa cùng với nạn tham nhũng, bè phái, vấn đề an toàn, chất lượng đã làm mờ nhạt đi công trình được xem là thành tựu kỹ thuật này.


Tàu cao tốc : Tham nhũng và nợ nần

Thông tín viên của nhật báo Le Monde tại Thượng Hải có bài viết mang tựa đề « Trung Quốc khai trương tuyến tàu cao tốc Bắc Kinh – Thượng Hải vốn có nhiều dư luận không tốt cùng với nạn bè phái ».

Bài báo nhận định, sau khi gởi phi hành gia đầu tiên lên không gian, tổ chức Thế vận hội và cuộc triển lãm hoàn vũ, nay đến một thành tựu mới của niềm tự hào Trung Hoa.

 Chuyến tàu cao tốc đầu tiên nối liền thủ đô Bắc Kinh và Thượng Hải vừa được đưa vào hoạt động thương mại chiều qua, ngay trước hôm kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Tuy vận tốc theo dự kiến ban đầu là 380km/giờ, nhưng nay chỉ tiêu đầy tham vọng này đã bị giảm xuống, sau khi những người chịu trách nhiệm về các tuyến đường cao tốc dài đến 22.000km từ nay cho đến năm 2020 đã bị kỷ luật.

 Cụ thể là Bộ trưởng Hỏa xa, ông Lưu Chí Quân đã bị khai trừ đảng và bị cách chức hồi tháng Hai « vi phạm nghiêm trọng kỷ luật ». Ông này bị kết tội là đã dành ưu tiên cho các vây cánh của mình trong việc cung ứng cho dự án tàu cao tốc.

Trước đó vài tuần ông Đinh Thư Miêu, một « đại gia » tỉnh Sơn Tây cũng đã bị bắt. Công ty của ông này cung cấp các phiến cách âm dọc dài theo tuyến đường cao tốc. Chiến dịch « bàn tay sạch » trên đây cũng đã làm nhiều nhân vật thần thế trong ngành đường sắt phải rớt đài.

Món nợ khổng lồ của Bộ Hỏa xa đã gây ra nhiều lo ngại. Tuyến tàu cao tốc Bắc Kinh – Thượng Hải tiêu tốn đến 220 tỉ nhân dân tệ, tương đương 23,5 tỉ euro.

 Ngay từ đầu năm, báo chí Trung Quốc đã đưa ra con số đầy ấn tượng của cơ quan kiểm toán nhà nước : chỉ riêng trong năm 2009, đã có đến 1.300 tỉ nhân dân tệ nợ nần đè nặng lên Bộ Hỏa xa, và từ đó đến nay số tiền nợ này có thể vượt quá con số 2.000 tỉ nhân dân tệ.

Bên cạnh đó, việc công bố hình ảnh sang trọng của các ghế hạng executive tourism không hề thua kém hạng thương nhân trên máy bay đã làm dư luận bất bình trong thời buổi vật giá gia tăng.

 Sau vụ Bộ trưởng Hỏa xa bị cách chức, dự án tàu cao tốc đã được chỉnh lại cho chừng mực hơn. Thời gian chạy tàu được kéo dài ra để giảm tiêu thụ năng lượng và giá vé. Một số đoàn tàu chạy với vận tốc 300km/giờ với thời gian 5 tiếng đồng hồ, số khác 250km/giờ và dừng lại ở tất cả các ga, chuyến tàu kéo dài tám giờ. Giá vé là từ 410 đến 1.750 nhân dân tệ, tương đương 44 đến 188 euro.

Dấu hỏi về vấn đề an toàn bên cạnh thành tựu kỹ thuật

Người ta cũng thắc mắc nhiều vấn đề an toàn. Tờ South China Morning Post xuất bản tại Hồng Kông phát hiện, tro than chất lượng xấu đã được pha trộn vào xi-măng của các thanh tà vẹt trên một số tuyến đường, làm giảm tuổi thọ của chúng.

 Vào tháng Sáu vừa qua, ông Chu Kế Dân, cựu trưởng ban kỹ thuật Bộ Hỏa xa đã bày tỏ với tờ báo kinh tế 21st Century Business Herald nỗi lo ngại là Trung Quốc chưa đủ khả năng chế tạo các con tàu cao tốc có độ tin cậy cao với vận tốc trên 300km/giờ. Nhưng công ty quốc doanh đóng các con tàu này lại nói rằng viên chức trên đã về hưu cả chục năm, không cập nhật được kỹ thuật mới.

Bài báo nhận định, các tranh cãi trên được báo chí Trung Quốc đưa lại, đã làm mờ nhạt đi phần nào thành tích của một quốc gia đang phát triển, đã thành công trong việc nối liền hai thành phố quan trọng nhất nước trong vòng chưa đến 5 tiếng đồng hồ chạy tàu, với các nhà ga siêu hiện đại. Trong đó 86% tuyến đường sắt dài 1.318km này chạy trên cao, với một chiếc cầu vượt dài đến 164km, hiện là cầu vượt dài nhất thế giới.

Các địa phương nằm dọc theo tuyến đường này đang chờ đợi khách du lịch cũng như mong rằng kinh doanh sẽ phát triển.

 Thị xã Khúc Phụ, quê hương của Khổng Tử còn xây dựng hẳn một đại lộ nối liền nhà ga với các điểm du lịch. Còn giá vé một chuyến bay Bắc Kinh – Thượng Hải kéo dài 2g20 từ ngày hôm nay đã giảm mạnh, một số chỉ còn 400 nhân dân tệ so với trước đây là 800 nhân dân tệ.

Trung Quốc không còn là vùng đất hứa của các tập đoàn xe hơi

Cũng liên quan đến Trung Quốc, bài phân tích của nhật báo kinh tế Les Echos đặt câu hỏi : « Thị trường xe hơi : Hồi kết của miền đất hứa Trung Quốc ? ».

Năm ngoái, lượng xe hơi bán ra tại Trung Quốc tiếp tục tăng lên 31%, sau khi đã tăng đến 51% trong năm 2009, nhờ có chế độ ưu đãi của chính phủ và sự xuất hiện một lớp nhà giàu mới. Qua đó các tập đoàn xe hơi ngoại quốc đã mơ đến một thiên đường tiêu thụ mới. Hơn một chục dự án thành lập nhà máy xe hơi đã được đưa ra.

Nhưng năm nay, lượng xe hơi tiêu thụ tại Trung Quốc đang giảm xuống. Đưa việc chống lạm phát thành ưu tiên hàng đầu, Bắc Kinh đã siết chặt chính sách tiền tệ. Chế độ tài trợ cho việc mua xe đã chấm dứt từ cuối năm ngoái, và để chống kẹt xe, một số đại đô thị như Bắc Kinh ngày càng hạn chế việc cấp phát biển số xe hơi. Bên cạnh đó, thảm họa hạt nhân Nhật Bản cũng làm cho thiếu phụ tùng cung ứng.

Các rủi ro khác, nghiêm trọng hơn, là nguy cơ chính quyền Trung Quồc sẽ siết chặt kiểm soát, do lo ngại sản xuất cung vượt cầu.

 Bộ Công nghiệp nước này đã đề nghị cấm các tập đoàn ngoại quốc mở thêm một liên doanh thứ hai. Và nhất là chủ trương ưu tiên cho các nhà sản xuất nội địa, đưa thị phần xe hơi của các tập đoàn Trung Quốc từ dưới 30% hiện nay lên trên 50% trong kế hoạch 5 năm này.

 Ngoài ra, các nhãn hiệu xe hơi nổi tiếng của nước ngoài luôn bị ám ảnh bởi việc bị ăn cắp sở hữu trí tuệ.

Vụ DSK : Vẫn đầy kịch tính

Quay lại với nước Pháp, nhật báo cánh hữu Le Figaro đã điểm lại các sự kiện đã khiến ông Dominique Strauss-Kahn bị bắt vì tội xâm hại tình dục một nữ nhân viên khách sạn ở New York, nhân việc cựu Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế phải ra trước tòa án Mỹ hôm nay.

Phiên bản internet của Le Figaro trích thông tin từ nhật báo Mỹ New York Times dự đoán, ông DSK có thể sẽ không còn bị quản thúc tại gia, nhưng tư pháp Mỹ sẽ không để cho ông được trở lại Pháp trước khi cuộc điều tra của Viện Công tố kết thúc.

Theo New York Times, thì các nhà điều tra đã phát hiện được nhiều điểm sai quan trọng trong lời khai của bà Nafissatou Diallo, nhân viên làm phòng khách sạn đã khởi kiện ông DSK. Như vậy cần phải xem xét lại độ tin cậy của những lời tố giác này, và hồ sơ của nguyên cáo về việc bị cưỡng bức quan hệ tình dục sẽ không còn đứng vững.  Bà này cũng đã nói dối về quá khứ của mình, không khai ra quan hệ với các tay buôn lậu ma túy.

Thời sự trong nước: Tựa chính các báo Pháp hôm  nay

Thời sự nước Pháp là quan tâm hàng đầu của các nhật báo xuất bản ở Paris hôm nay. Tờ Le Monde dành trang nhất và nhiều trang trong cho sự kiện hai nhà báo Pháp bị phe Taliban bắt làm con tin một năm rưỡi qua, vừa được trả tự do, với tựa đề chính « Sau 547 ngày bị giam giữ ».

 Nhật báo cánh tả Libération phân tích thất bại đáng ngạc nhiên của ứng viên đảng Xanh, Nicolas Hulot trong vòng đầu đề cử ứng cử viên tổng thống, cũng như chiến lược chung của đảng này. Nhật báo kinh tế Les Echos chú ý đến « Các quy định mới về chế độ hưu trí bắt đầu có hiệu lực ».

Tờ báo Công giáo La Croix thì thông tin về việc « Các thánh đường mời khám phá những đêm trắng » : lần đầu tiên tại nước Pháp, một « Đêm của các giáo đường » được tổ chức vào tối mai. Cánh cửa của hầu hết 45.000 thánh đường trên toàn nước Pháp sẽ rộng mở để đón tiếp những ai muốn tìm hiểu về giá trị văn hóa của các di sản này.

Còn nhật báo cánh hữu Le Figaro quay lại với sự kiện ngày 14/5, « Thời điểm mà tất cả đều đảo lộn đối với ông Dominique Strauss-Kahn », cựu Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Riêng tờ báo cộng sản L’Humanité chú trọng đến cuộc chiến Libya, đưa ra kết quả một cuộc thăm dò dư luận gần đây cho biết « 51% người Pháp cho rằng nên dừng lại ».