Mỹ Đưa VN Vào Danh Sách Quốc Gia Có Nạn Buôn Người |
Tác Giả: Việt Báo |
Thứ Ba, 28 Tháng 6 Năm 2011 08:12 |
''Việt Nam không chứng tỏ được quyết tâm phòng và chống nạn buôn người, nhất là buôn lao động. '' Hoa Thịnh Đốn 27 tháng 6, 2011 -- Ngoại Trưởng Hillary Clinton công bố phúc trình về tình trạng buôn người trên thế giới. Bản phúc trình tiếp tục đặt Việt Nam trong danh sách cần theo dõi vì chính phủ Việt Nam không chứng tỏ được quyết tâm phòng và chống nạn buôn người, nhất là buôn lao động. Ngoại Trưởng Hillary Clinton công bố bản phúc trình về Tình Trạng Buôn Người Năm 2011 trên thế giới, Bộ Ngoại Giao, Hoa Thịnh Đốn, 27/6/2011. (ảnh CAMSA) Toàn bộ bản phúc trình cho thấy chính phủ Việt Nam nói nhiều mà không thực hiện. Các nỗ lực phòng và chống buôn người được công bố thực chất chỉ là làm chiếu lệ. Chẳng hạn, tháng 3 vừa qua Quốc Hội Việt Nam đã thông qua đạo luật phòng chống buôn người, nhưng đạo luật này không đề ra biện pháp trừng trị thủ phạm. “Đạo luật này chỉ có giá trị như một nghị quyết, kêu gọi mọi người tự giác, hơn là một đạo luật để chấp pháp,” Ts. Nguyễn Đình Thắng, Giám Đốc Điều Hành BPSOS, nhận xét. Ông cũng là đồng sáng lập viên Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới Ở Á Châu (CAMSA). Bản phúc trình của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nhận định rằng chính phủ Việt Nam chưa hề điều tra một công ty “xuất khẩu lao động” nào về tình trạng buôn người, trong đó phần lớn là công ty quốc doanh hoặc hợp doanh với chính phủ nắm đa số cổ phần. Trong khi đó CAMSA đã công bố danh sách 32 công ty xuất khẩu lao động liên can đến khoảng 60 trường hợp buôn người, với tổng số khoảng 3 ngàn nạn nhân, mà CAMSA đã can thiệp trong 3 năm qua. Không một công ty nào trong số này bị điều tra, chứ đừng nói đến truy tố. Bản phúc trình cũng nhắc đến trường hợp nhân viên toà đại sứ Việt Nam ở một quốc gia không nêu tên đã đứng về phe của công ty xuất khẩu lao động và chủ sử dụng lao động thay vì bảo vệ cho nạn nhân. Đây là trường hợp của 31 nạn nhân của công ty Spektra Alucast ở Malaysia. Trong vụ này nhân viên đại diện ở Malaysia của Bộ Lao Động Thương Binh Xã Hội đã ép các nạn nhân phải nhận lỗi để được hồi hương và đã áp đảo tinh thần nạn nhân ngay tại toà án của Malaysia. Bản phúc trình của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ kết luận: “Chính quyền không cung cấp thông tin để chứng minh các báo cáo rằng giới thẩm quyền đã truy tố và trừng trị những thủ phạm buôn lao động trong năm qua. Do đó, Việt Nam bị đặt vào Danh Sách Cần Theo Dõi lần hai trong hai năm liền.” Đi kèm với quyết định giữ Việt Nam trong Danh Sách Cần Theo Dõi, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đưa ra những khuyến cáo cho chính quyền Việt Nam: (1) Bổ túc luật chống buôn người với luật, lệ và cơ chế phù hợp để bảo đảm rằng luật hình sự ngăn cấm và trừng trị mọi hình thức buôn người; (2) Truy tố những kẻ liên can đến buôn lao động, tuyển mộ người với mục đích lao động cưỡng bức, hoặc lường gạt trong việc tuyển người; (3) Nhận diện các công nhân xuất khẩu đã bị cưỡng bức lao động và bảo đảm rằng họ được cung cấp các dịch vụ dành cho nạn nhân; (4) Triển khai các thể thức với mục đích trên và huấn luyện cho các giới chức về các thể thức này, kể cả những chỉ dấu về lao động cưỡng bức chẳng hạn như việc tịch thu sổ thông hành bởi chủ sử dụng lao động hay bởi môi giới; (5) Tăng các nỗ lực để bảo vệ các công nhân xuất cảnh qua những giác thư thoả thuận với các quốc gia tiếp nhận người, gồm các điều khoản bảo vệ người lao động Việt Nam; (6) Truy tố hình sự và trừng trị các cơ quan tuyển người được nhà nước cấp giấy hoạt động và những môi giới không giấy phép đã can dự vào việc lường gạt hay đã thu các khoản phí một cách phi pháp để đưa người đi lao động ngoài nước; (7) Thực hiện các biện pháp để bảo đảm rằng công nhân không bị hăm doạ hay trừng trị vì đã phản đối điều kiện lao động hay rời bỏ nơi làm việc; (8) Tăng khả năng cho các công nhân để qua luật pháp đòi đền bù cho tình trạng bị buôn lao động; (9) Tường trình về những nỗ lực lớn hơn trong việc hợp tác chặt chẽ với các chính quyền tiếp nhận người để điều tra và truy tố các vụ buôn người, đặc biệt là các vụ buôn lao động; (10) Cải thiện sự phối hợp liên ngành trong các nỗ lực chống buôn người; (11) Cải thiện việc thu thập dữ kiện và chia sẻ dữ kiện về truy tố tội buôn người, đặc biệt là trong các vụ truy tố liên quan đến vấn đề lao động; và (12) Thực hiện cũng như hỗ trợ cho một chiến dịch nâng cao ý thức về chống buôn người nhắm vào các khách tiêu thụ trong v ệc mua bán tình dục. Ts. Thắng cho biết rằng kế hoạch của CAMSA trong 12 tháng tới đây là đẩy mạnh việc thu thập các hồ sơ buôn lao động từ Việt Nam đến các quốc gia khác nhau. Những hồ sơ này sẽ được dùng để đo lường thực tâm của chính quyền Việt Nam trong việc phòng và chống buôn người. “Cách thức của chúng tôi là chọn lọc những hồ sơ buôn lao động mà không ai có thể phủ nhận, kể cả chính phủ Hoa Kỳ, chính quyền sở tại hay chính quyền Việt Nam”, Ông nói. Theo luật về phòng, chống buôn người của Hoa Kỳ, quốc gia nào nằm trong Danh Sách Cần Theo Dõi trong hai năm liền, nếu không cải thiện để được nâng lên ít ra Hạng 2, thì sẽ tự động bị xếp vào Hạng 3 và có thể sẽ bị chế tài. Hạng 3 dành cho những quốc gia nào mà chính quyền làm ngơ hay toa rập với tệ trạng buôn người. Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới Ở Á Châu, viết tắt là CAMSA (Coalition to Abolish Modern-day Slavery in Asia) trong tiếng Anh, hiện gồm năm tổ chức thành viên: BPSOS, Liên Hội Người Việt Canada, Hiệp Hội Nhân Quyền Quốc Tế (Đức), Tenaganita (Mã Lai), và Hiệp Hội Phụ Nữ Cứu Viện Đài Bắc (Đài Loan). Đến nay Liên Minh CAMSA đã can thiệp cho gần 60 vụ lớn nhỏ, ảnh hưởng đến trên ba ngàn công nhân. Liên Minh CAMSA cần sự yểm trợ của đồng bào để tiếp tục phát triển hoạt động nhằm can thiệp và trợ giúp nạn nhân, truy tố thủ phạm, và thúc đẩy những thay đổi về chính sách của các quốc gia. Mọi đóng góp yểm trợ cho Liên Minh CAMSA, xin đề cho và gởi về: BPSOS/CAMSA - PO Box 8065 - Falls Church, VA 22041 - USA
|