Home Tin Tức Thời Sự Báo chí Việt Nam ngày càng 'sexy hóa'?

Báo chí Việt Nam ngày càng 'sexy hóa'? PDF Print E-mail
Tác Giả: BBC   
Thứ Bảy, 25 Tháng 6 Năm 2011 11:02

Việt Nam có hàng trăm tờ báo, nhưng nhiều người lo ngại về chất lượng báo in và báo mạng hiện nay


Đang có một loạt tiếng nói lo ngại báo chí Việt Nam ngày càng trở nên 'lá cải' mà lờ đi những bức xúc trong đời sống xã hội hiện nay.

Đặc biệt, các nhà bình luận chỉ trích việc ngày càng nhiều tờ báo và trang mạng tìm cách câu khách bằng việc khai thác yếu tố tình dục.

Trong một chuyên đề đặc biệt, tờ Thể thao - Văn hóa đặt câu hỏi cho nhiều nhân vật có tiếng trong nước quanh sự "hở hang" của báo chí hiện nay.

Bà Nguyễn Thế Thanh, từng là Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thông tin TP. HCM, nói: "Các hình ảnh kiểu playboy thế này xuất bản trước đây mấy năm thì có mà phạt tiền không kịp đếm, có khi người phụ trách báo còn bị kỷ luật nữa ấy chứ."

Cũng trên tờ báo này, đạo diễn điện ảnh Lê Hoàng lo ngại về sự nhập nhèm - cả báo tự nhận "nghiêm túc" lẫn "lá cải" đều mạnh tay khai thác yếu tố tình dục.

"Đáng ra những tờ báo, những trang mạng đứng đắn thì phải rất đứng đắn còn những tờ lá cải thì cứ để cho họ lá cải vì có ngăn cũng khó ngăn được."

"Sau khi khoanh vùng như thế mới có thể giáo dục lớp trẻ một cách cụ thể, cho họ biết đâu là những giới hạn mà họ sẽ vượt qua và đâu là rào cản về đạo đức," vị đạo diễn nhận xét.

Đạo đức báo chí

Nhiều người đi xa hơn, cho rằng truyền thông đang bỏ quên trách nhiệm xã hội khi mà hiện trạng đạo đức ở Việt Nam bị nhiều người xem là ngày càng tụt dốc.

Hồi đầu năm nay, trang mạng lacai.org được một người giấu tên lập ra, chuyên điểm những tin có thể xem là "nhảm" nhưng được khai thác mạnh trên báo trong nước hiện nay.

Trả lời BBC, người quản lý trang này nói mục đích của trang web là "thay đổi nhận thức của người đọc báo về chất lượng và mục đích của báo chí."

Người quản lý trang này hy vọng truyền thông trong nước "tập trung hơn về những vấn đề cốt lõi (chính trị, xã hội, văn hóa lành mạnh) và cần coi trọng đạo đức báo chí."

Nhiều người làm báo dường như đang buồn cho nghề của mình, như thể hiện qua một bài châm biếm của tác giả Quỳnh Tun trên báo Phụ Nữ TP. HCM.

Xin tất cả mọi người hãy sexy lòng yêu nước và sự tử tế, còn những gì thuộc về riêng tư xin hãy kín đáo, lựa lời. /Nhà văn Thùy Linh

"Thôi thì, bao nhiêu ảo vọng về “quyền lực thứ 4”- như trong trường các thầy cô (không bao giờ làm báo) dạy mình, giờ quyết xếp lại. Mình đi trồng cải cho lành!" nhà báo này tự diễu.

Trong khi đó, ở một bài viết gây chú ý tuần này có tựa "Sexy tất cả, trừ lòng yêu nước!", nhà văn Thùy Linh nhận xét cay đắng rằng báo chí trong nước hiện có thể "phơi bày tất cả, trừ sự thật".

Tác giả viết: "Nếu có cô gái đẹp nào đã dám khỏa thân vì môi trường (hay vì gì gì đó) thì xin hãy một lần sexy lòng yêu nước để người dân được một lần ngưỡng mộ?"

"Xin tất cả mọi người hãy sexy lòng yêu nước và sự tử tế, còn những gì thuộc về riêng tư xin hãy kín đáo, lựa lời…"

"Đừng để các bạn trẻ chỉ thấy sự phồn hoa, phù phiếm mà quên đi hơi thở nặng nhọc của người dân và đời sống nghèo nàn, cực khổ của bao kiếp người đang vật lộn mưu sinh, trong đó có thể là cha mẹ họ," nhà văn Thùy Linh viết.

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo lại phân biệt hiện nay có hai làng báo: "'Làm báo nói láo ăn tiền' và 'làm báo nói thật ăn đòn' nghe thật chua xót, nhưng đó lại cũng là một sự thật song hành đang hiện diện."

Ý ông muốn nhắc đến sự lớn mạnh của những "nhà báo - blogger" trong nước, mà theo ông là "lực lượng tự phát có thể làm thay đổi sự già nua của báo chí quan phương".

Chính lực lượng này đã tường thuật khá đầy đủ các sự kiện chính trị lớn, ví dụ các cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Việt Nam mới đây, trong khi hầu hết báo chí chính thức đều im lặng hay viết sơ sài.