Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 24 Tháng 6 Năm 2011

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 24 Tháng 6 Năm 2011 PDF Print E-mail
Tác Giả: Minh Anh   
Thứ Sáu, 24 Tháng 6 Năm 2011 13:48

Internet được chế biến theo kiểu Trung Quốc

Nhật báo Le Figaro có bài viết « Internet theo kiểu Trung Quốc ». Bài viết cho thấy mặc dù vẫn không được tự do như các trang web phương Tây như Google hay Facebook, các trang mạng xã hội mới của Trung Quốc vẫn bùng nổ mạnh mẽ.

Một bên là thế giới tự do như Google và Facebook. Bên kia, là một thế giới Trung Quốc và « cộng sản » của Baidu và Renren. Và dĩ nhiên hai thế giới này bị phân cách bởi một bức tường lửa mà Trung Quốc gọi là « Tường lửa Vạn Lý Trường Thành ». Trung Quốc đang xây dựng cho mình một thế giới Internet mang đậm nét Trung Hoa.

Theo Le Figaro, Trung Quốc là một thị trường béo bở với nửa tỷ cư dân mạng thường xuyên trao đổi, gặp gỡ hay kinh doanh qua mạng.

Dường như giữa hai hệ thống mạng, người ta có cảm nhận rằng Trung Quốc đang ưu tiên phát triển các trang mạng xã hội trong nước, vì một lý do rất đơn giản là dễ kiểm soát. Thế nhưng, các ông chủ của những nhà cung cấp mạng lớn giải thích rằng công chúng Trung Quốc dĩ nhiên phải hướng về những công cụ nào gần với văn hóa của họ hơn.

Như vậy, theo họ có sự khác biệt giữa các trang mạng xã hội của phương Tây và của Trung Quốc.

Một chuyên gia về Internet tại Trung Quốc cho rằng điều này chỉ đúng có một nửa mà thôi. Theo ông này, nếu nhìn kỹ sẽ thấy sự giống nhau rất từ giao diện cho đến các tính năng sử dụng. Còn chuyên gia Trung Quốc khác thì cho rằng nó khác xa với các trang mạng xã hội khác lẫn nội dung và hình thức.

Nhưng dù có sao chép hay không, thì các trang mạng này đã trở nên quá phổ biến, thông dụng đến mức mà Quân đội nhân dân phải cấm binh sĩ của mình sử dụng các trang mạng này vì e sợ bị rò rỉ các thông tin.

Tuy nhiên, Le Figaro cũng nhìn nhận rằng các trang mạng của Trung Quốc có nhiều trình ứng dụng tốt hơn của chính những người sáng lập ra loại hình thức mạng này. Nó có thể cho phép họ trao đổi hình ảnh hay có thể tham khảo các thông tin cá nhân dễ dàng hơn.

Ngược lại, một bộ phận đông dân cư mạng cũng nhận định rằng, với các trang mạng này, họ kìm hãm trong biên giới Trung Quốc. Trong khi đó, Facebook vẫn có thể cho phép họ duy trì các mối liên hệ với bạn bè ở nước ngoài. Một điểm khác biệt nữa là họ lên mạng là để chơi các trò chơi trên mạng và để tìm kiếm các cuộc gặp gỡ tình cảm.

Le Figaro nhận định, dù có những hạn chế nhưng các trang mạng xã hội tại đây vẫn tiến triển tốt. Năm rồi họ đã cho Baidu và Renren đã cho niêm yết lên sàn chứng khoán tại New York.

 Nhưng Le Figaro cũng tự hỏi liệu có ngày nào các trang mạng của Trung Quốc sẽ đi ra ngoài để cứu rỗi thế giới không ? Lịch sử cũng luôn chứng minh rằng các bức tường lớn thường nó cách ly ta với thế giới hơn là bảo vệ ta.

Hệ sinh thái biển đang bị tàn phá nghiêm trọng

Con người cần phải nhanh chóng điều chỉnh lại các hoạt động của mình.

 « Đại dương bên bờ khủng hoảng sinh thái chưa từng có kể từ 55 triệu năm nay » đó là lời cảnh báo của các nhà khoa học được nhật báo Le Monde hôm nay đề cập đến.

Trong một hội thảo khoa học, được tổ chức vào trung tuần tháng tư rồi, hai tổ chức phi chính phủ Liên minh quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (viết tắt là UICN) và Chương trình quốc tế về trạng thái biển (IPSO) đã đưa ra kết luận rằng con người sẽ phải hứng chịu một đợt khủng hoảng sinh thái trầm trọng chưa từng có, hậu quả từ những hoạt động của chính con người.

Các tác giả dự đoán, khủng hoảng sinh thái có thể sẽ diễn ra từ đây năm 2020 đến năm 2050. Kết luận này là kết quả của một quá trình tổng hợp các công tác nghiên cứu gần đây nhất qua đánh giá nhiều yếu tố đa dạng khác nhau cũng như những biến đổi về tham số hóa học trong đại dương, tác động của ô nhiễm, đánh bắt quá mức và sự gia tăng nhiệt độ của nước trên bề mặt.

Le Monde cho biết, nước bề mặt của đại dương đã hấp thu một lượng khá lớn dioxyde carbone thải ra từ các hoạt động của con người, dẫn đến việc nước bề mặt đang bị axit hóa.

Điều đáng quan ngại là hiện tượng này đang diễn ra với một tốc độ nhanh chưa từng có, kể từ sau đợt khủng hoảng sinh thái giữa hai thế Cổ Tân và Thủy Tân cách đây 55 triệu năm, làm biến mất một lượng lớn sinh vật biển. Khi đó, chu trình cacbonne bị rối loạn do chứa đựng một lượng khí CO2 quá cao 2 tỷ tấn/ năm, kéo dài trong khoảng 5000 đến 10.000 năm. Tuy nhiên, lượng khí này vẫn còn thấp đến 15 lần so với lượng khí CO2 do các hoạt động con người thải ra hiện nay (30 tỷ tấn/năm).

Từ đó, các nhà khoa học nhìn nhận sự hiện diện của 3 mối nguy hiểm cho đại dương : sự lan rộng các vùng thiếu dưỡng khí (hậu quả từ các hoạt động nông nghiệp), nhiệt độ tăng và sự gia tăng tính axit trong đại dương.

Thế nhưng, hiệu ứng này xảy ra với tốc độ nhanh hơn dự kiến. Hiện tượng các dãy san hô bị hóa trắng năm 1998 cho thấy sự bất bình thường của nhiệt độ dẫn đến việc hủy diệt 16% lượng san hô nhiệt đới trên thế giới.

Các biến đổi vật lý hóa học của đại dương đều xuất phát từ việc con người đã khai thác quá mức nguồn hải sản và làm ô nhiễm biển trên toàn cầu. Các tác giả ghi nhận là đã tìm thấy các loại chất hóa học và các thành phần gây rối loạn nội tiết tố ngay cả trong các cơ quan của các loài vật sống ở địa cực, được cho là xa các vùng hoạt động của con người.

Cuối cùng, các nhà nghiên cứu đã đưa ra một số đề nghị quan trọng như giảm thải khí CO2, giảm việc đánh bắt các nguồn cá có nguy cơ tiệt chủng, quy định lại các hoạt động đánh bắt xa bờ và giảm các hoạt động đưa chất thải hóa học vào đại dương.

Chiến sự tại Libya

Le Monde có bài nhận định « Libya : các kịch bản cho thời kỳ ‘hậu Kadhafi’ ». Trong khi xung đột tại Libya sắp sửa bước qua ngày thứ 100. Và chưa ai biết được khi nào NATO mới có thể chấm dứt các cuộc không kích. Nhưng Liên Hiệp Quốc và nhiều nước tham gia chiến dịch đã bắt đầu nghĩ đến « thời hậu Kadhafi ».

Làm thế nào để duy trì trật tự một khi cuộc chiến kết thúc đang là một vấn đề mà các nước tham chiến đang phải tìm câu trả lời. Ám ảnh từ sau vụ lật đổ Saddam Hussein, các nước phương Tây e ngại một nước Libya sẽ rơi vào một kịch bản tương tự như với Irak.

Theo Le Monde, các nước tham chiến nghi ngờ khả năng duy trì trật tự của Hội Đồng Quốc gia Lâm thời một khi mà chế độ Kadhafi bị sụp đổ, nhất là tại các vùng ủng hộ Kadhafi. Một mặt, Phương Tây e ngại sẽ có các vụ thanh toán trả đũa giữa phe nổi dậy và những người ủng hộ Kadhafi.

Mặt khác, họ cũng lo sợ sự trỗi dậy của nhóm hồi giáo cực đoan djihad. Vì vậy, cần phải ngăn chặn không để cho Libya trả thành một « Nhà nước phá sản » sau khi thoát khỏi ách cai trị của Kadhafi.

Trước mắt, phương Tây đã cam kết sẽ nghiên cứu các phương thức để thực hiện lệnh ngừng bắn. Theo đó, Liên Hiệp Quốc, sẽ triển khai một nhóm quan sát viên để giám sát lệnh này.

Hơn nữa, quân nổi dậy cũng tỏ rõ lập trường là không muốn thấy sự hiện diện của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc, do việc kêu gọi Nato giúp đỡ đã để lại cho họ tiếng xấu là những « con rối » của Nato. Vì nguyên nhân này, Liên Hiệp Quốc sẽ không triển khai lực lượng phản ứng nhanh.

Rút kinh nghiệm từ bài học Irak, Anh và Pháp cùng tuyên bố là « chính người dân Libya sẽ tự quyết định lấy tương lai của mình ». Và Liên Hiệp Quốc sẽ giữ vai trò chính giúp « xây dựng một nhà nước » thời kỳ hậu Kadhafi. Điều mà trong cuộc chiến Irak, Liên Hiệp Quốc chưa bao giờ là một vai trò cốt lõi.