Home Tin Tức Thời Sự Tranh chấp Biển Đông: Ông McCain đả kích đòi hỏi chủ quyền 'vô căn cứ' của Trung Quốc

Tranh chấp Biển Đông: Ông McCain đả kích đòi hỏi chủ quyền 'vô căn cứ' của Trung Quốc PDF Print E-mail
Tác Giả: Duy Ái - VOA   
Thứ Năm, 23 Tháng 6 Năm 2011 09:40

"Hoa Kỳ nên trợ giúp các đối tác ASEAN trong việc giải quyết tranh chấp giữa họ với nhau ở Biển Đông..''

 Hôm thứ hai vừa qua, thượng nghị sĩ John McCain đã trở thành người mới nhất trong số các chính khách có uy tín của Mỹ kêu gọi Washington hỗ trợ các nước Đông Nam Á trong vụ tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông.

Phát biểu tại cuộc hội thảo về An ninh Biển Đông của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Washington, nhân vật từng là ứng cử viên tổng thống Mỹ nói rằng Hoa Kỳ nên giúp các nước Đông Nam Á phát triển và bố trí hệ thống phòng thủ hải dương cơ bản để đối phó với những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc mà ông gọi là “vô căn cứ.”

Mời quí vị nghe Duy Ái trình bày thêm chi tiết trong tiết mục Nhìn Về Á Châu sau đây.

 

Thượng nghị sĩ McCain phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Washington, 20/6/2011.

Trong bài diễn văn đọc tối thứ hai (20 tháng 6, 2011) tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Washington, Thượng nghị sĩ McCain khẳng định ông hoan nghênh mối quan hệ hợp tác Mỹ-Trung và mong muốn Trung Quốc thành công và phát triển một cách hòa bình.

Ông bày tỏ tin tưởng là việc duy trì và tăng cường quan hệ nhiều mặt với Trung Quốc là một trong những lợi ích quốc gia hàng đầu của nước Mỹ.

Tuy nhiên, chính khách từng là ứng cử viên tổng thống này cho rằng tình trạng căng thẳng ở Biển Đông hồi gần đây là do giới lãnh đạo ở Bắc Kinh gây ra và Washington nên gia tăng sự hỗ trợ cho các nước Đông Nam Á để họ có thể ứng phó tốt hơn với tình hình hiện nay.

Ông nói: "Điều làm cho tôi cảm thấy bất bình, và tôi cũng nghĩ rằng điều đó cũng gây bất bình cho nhiều người trong quí vị ở đây, là những tuyên bố đòi chủ quyền có tính chất thái quá của Trung Quốc ở Biển Đông – luận cứ của những đòi hỏi này không hề có cơ sở nào trong luật pháp quốc tế; và những hành động ngày càng hung hãn mà Trung Quốc thực hiện hồi gần đây để khẳng định các quyền mà họ tự cho là của mình, kể cả những hành động ở vùng trong vòng 200 hải lý ngoài khơi các nước ASEAN, như là trường hợp gần đây trong các vụ việc riêng biệt liên quan tới Việt Nam và Philippines."

Thượng nghị sĩ McCain cũng đề cập tới bản đồ chín vạch -- phía Việt Nam thường gọi một cách diễu cợt là đường lưỡi bò, mà Trung Quốc đưa ra để đòi chủ quyền của 80% vùng biển rộng lớn chạy dài từ phía đông của miền bắc Việt Nam cho tới phía bắc của Philippines, và nói thêm rằng những giải thích cụ thể của Trung Quốc về luật pháp quốc tế sẽ làm xói mòn các nguyên tắc lâu dài về tự do hàng hải.

Phát biểu vừa kể của ông McCain, người từng là tù binh chiến tranh bị giam giữ nhiều năm tại nhà tù Hỏa Lò ở Hà Nội, được đưa ra một tuần sau khi hai thượng nghị sĩ Jim Webb và James Inhofe, Chủ tịch và Phó Chủ tịch Tiểu ban Đông Á của Uûy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, trình bày một nghị quyết để lên án Trung Quốc sử dụng vũ lực và yêu cầu Washington có hành động cụ thể để khẳng định và bảo vệ quyền tự do hàng hải ở Biển Đông.

Một ngày sau đó, ông Jon Hunstman, cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc và là người đang vận động để được đảng Cộng hòa đề cử làm ứng viên tranh chức tổng thống vào năm 2012, cũng tuyên bố rằng tranh chấp Biển Đông là “một cơ hội vô cùng to lớn” để Hoa Kỳ tăng cường các mối quan hệ với các nước ASEAN.

Bên cạnh việc đả kích Trung Quốc, thượng nghị sĩ McCain còn kêu gọi Hoa Kỳ nêu rõ lập trường ở Biển Đông và giúp đỡ các nước ASEAN hình thành “một mặt trận thống nhất hơn” để đối phó với Trung Quốc.

Ông cho biết: "Hoa Kỳ nên trợ giúp các đối tác ASEAN trong việc giải quyết tranh chấp giữa họ với nhau ở Biển Đông, như một cách cổ vũ ASEAN đoàn kết hơn nữa để đương đầu với Trung Quốc. Trung Quốc tìm cách lợi dụng sự chia rẽ giữa các thành viên ASEAN, làm cho họ chống đối nhau, để phục vụ cho mưu đồ của Trung Quốc.

 Giải quyết các tranh chấp trên biển giữa các nước ASEAN, như Malaysia và Brunei đã làm hồi gần đây, sẽ cho phép các đối tác của chúng ta hình thành một mặt trận thống nhất hơn."

Ông McCain cũng hối thúc Washington giúp cho các nước Đông Nam Á tăng cường khả năng phòng vệ trên biển. Ông nói:

"Hoa Kỳ cần giúp đỡ các đối tác ASEAN tăng cường sự phòng thủ trên biển và khả năng trinh sát của họ, để phát triển và bố trí các hệ thống phòng thủ hải dương cơ bản như ra đa cảnh báo sớm và các chiến hạm bảo vệ an ninh duyên hải. Việc sửa chữa cho sự thiếu thốn này, cọng với việc tăng cường những cuộc thao dượt chung với chúng ta, sẽ giúp mang lại một tư thế ứng chiến chung và một khả năng đối phó tốt hơn với các mối đe dọa."

Ông McCain cũng thúc giục quốc hội Mỹ quan tâm nhiều hơn tới Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển và đề nghị chính phủ Mỹ bố trí lại các lực lượng quân sự để chú trọng nhiều hơn tới những khu vực cạnh tranh mới trỗi dậy, đặc biệt là Ấn Độ dương và Biển Đông.

Trong phần Hỏi & Đáp sau bài diễn văn, thượng nghị sĩ McCain đã đề cập tới những mối quan hệ Mỹ-Việt mà ông mô tả là tốt đẹp. Mặc dù vậy, ông cũng lập lại lời kêu gọi giới hữu trách ở Hà Nội cải thiện thành tích nhân quyền.

Ông nói: "Nhân quyền là một phần của chính sách của Hoa Kỳ. Tôi xin nói rõ, đó không phải là bộ phận duy nhất nhưng là một trong những nguyên tắc mà Hoa Kỳ tuân thủ trong việc thực thi các chính sách ngoại giao và chính sách an ninh.

 Tôi cảm thấy hài lòng trước những tiến bộ đạt được ở Việt Nam. Nhưng tôi phải nói thẳng là Việt Nam cần phải giải quyết vấn đề tham nhũng.

Vụ công ty đóng tàu ở Hải Phòng là một vụ việc gây hổ thẹn cho Việt Nam vì đó là bằng chứng của nạn tham nhũng. Tôi cũng xin nói thẳng là sự đối xử với những khối người thiểu số ở Việt Nam vẫn chưa thỏa đáng và vì vậy vẫn còn những tiến bộ cần phải thực hiện."

Thượng nghị sĩ McCain nói thêm rằng tuy không phải là khía cạnh duy nhất của chính sách an ninh quốc gia của Hoa Kỳ, nhưng nhân quyền là phần của chính sách này; và “những quyền lợi của Hoa Kỳ là những giá trị của Hoa Kỳ, và những giá trị của Hoa Kỳ là quyền lợi của Hoa Kỳ.”