Các Bộ trưởng Nông nghiệp G20 ra thỏa thuận lịch sử về chống tăng giá nông phẩm |
Tác Giả: Thụy My |
Thứ Năm, 23 Tháng 6 Năm 2011 09:29 |
Hiện có 900 triệu người trên thế giới bị suy dinh dưỡng Hôm nay 23/6 tại Paris, 20 nền kinh tế hùng mạnh nhất thế giới đã đạt được một thỏa thuận được xem là lịch sử về kế hoạch hành động chống lại tình trạng nông phẩm tăng giá. Các bộ trưởng Nông nghiệp tại Thượng đỉnh G20, Paris ngày 23/6/2011. Bộ trưởng Nông nghiệp Pháp Bruno Le Maire, nước đang là chủ tịch luân phiên khối G20 đã tuyên bố « Hôm nay là một ngày hội lớn », cho biết thỏa thuận này bao gồm các biện pháp cụ thể, chứ không chỉ là các tuyên bố về nguyên tắc. Người đồng nhiệm Hoa Kỳ cũng khẳng định, đây là « Một sự thống nhất lịch sử nhằm giải quyết được thách thức nghiêm trọng của nạn đói và nạn thực phẩm tăng giá ». Kế hoạch hành động do Pháp đề nghị dựa trên 5 cơ sở : tái đầu tư vào nông nghiệp toàn cầu để sản xuất nhiều hơn và tốt hơn, tăng tính minh bạch của thị trường, cải thiện hợp tác quốc tế để dự báo và quản lý được khủng hoảng, điều tiết thị trường chứng khoán phái sinh về nguyên vật liệu nông nghiệp. Riêng vấn đề minh bạch về lượng nông sản dự trữ, Ấn Độ và Trung Quốc tỏ ra ngần ngại, cho rằng các thông tin này mang tính chiến lược, nên các nước G20 quyết định thiết lập một hệ thống thông tin thị trường mang tên AMIS, thông qua Tổ chức Lương nông Quốc tế (FAO). Pháp muốn chỉnh đốn tối đa thị trường nông sản, nhưng thỏa thuận này chỉ khuyến khích các Bộ trưởng Tài chính G20 áp dụng các biện pháp cần thiết. Paris nêu ra các trường hợp nổi loạn vì đói kém năm 2007 và 2008, cho rằng tình hình hiện nay là khẩn cấp. Hiện có 900 triệu người trên thế giới bị suy dinh dưỡng. Để nuôi sống dân số toàn cầu sẽ vượt qua con số 9 tỉ người vào năm 2050, sản xuất nông nghiệp phải tăng 70%. Nhưng theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác Phát triển Quốc tế OCDE và Tổ chức Lương nông Quốc tế, sản lượng nông nghiệp thế giới trong thập niên này chỉ tăng 1,7% hàng năm. Một điểm quan trọng khác theo một số tổ chức phi chính phủ đã không được thỏa thuận đề cập đến, đó là vấn đề nhiên liệu sinh học, được xem là một trong các nhân tố làm các nông phẩm như bắp, mía tăng giá.
|