Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 23 Tháng 6 Năm 2011

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 23 Tháng 6 Năm 2011 PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Phước   
Thứ Năm, 23 Tháng 6 Năm 2011 08:48

Châu Á nay có nhiều triệu phú hơn châu Âu

Theo nghiên cứu mới nhất của Quỹ Đầu tư Merrill Lynch Wealth Management (Hoa Kỳ) và Công ty Tư vấn Capgemini (Pháp), Châu Á ngày càng có nhiều người giàu.

Nhật báo kinh tế Les Échos thông tin về sự kiện này với bài chạy tựa khá ấn tượng « Khu vực Châu Á Thái Bình Dương từ nay có nhiều triệu phú hơn Châu Âu ».

Theo thống kê mới nhất, Châu Á có 3,3 nhà triệu phú đô la, trong khi Châu Âu chỉ có 3,1 triệu. Số triệu phú Châu Á tăng 9,7%, còn ở Châu Âu con số này chỉ ở mức 6,3%.

Mức tăng cụ thể một số nơi như sau : Hồng Kông tăng 33,3%, Việt Nam 33,1%, Ấn Độ 20,8%. Đặc biệt với Ấn Độ, lần đầu tiên nước này lọt vào top 12 nước có nhiều triệu phú nhất thế giới. Trong khi đó, theo thống kê năm 2007, Châu Âu có nhiều triệu phú hơn Châu Á.

Trên tổng thể, năm 2010, số triệu phú trên toàn thế giới tăng 8,3%, tức tăng 10,9 triệu người. Ba nước dẫn đầu vẫn là Mỹ, Nhật và Đức với 53% số triệu phú thế giới. Tuy nhiên, tỷ lệ này đang có khuynh hướng giảm dần.

Giá trị tài sản của những đại gia này tăng 9,7% cho năm 2010 ( tức đạt 42 700 tỷ đô la). Thế nhưng, mức tăng trưởng này đã giảm đi phân nửa so với năm 2009.

Trong lĩnh vực đầu tư, các thị trường mới phát triển cũng thu hút mạnh. Đầu tư của giới triệu phú ở các nước này cũng đang trên đà gia tăng. Trong khi đó, tại Châu Âu và Bắc Mỹ, xu hướng giảm ngày càng hiện rõ.

Les Échos cũng thông tin về một nghiên cứu khác cho biết, vào năm 2013, Singapore sẽ « soán ngôi » Thụy Sỹ để trở thành nước quản lí tài sản thế giới. Các trung tâm tài chính Châu Á đang rất phát triển. Bộ ba Thụy Sỹ, Anh và Mỹ sẽ lùi dần trước Singapore và Hồng Kong.

Trong giai đoạn 2010-2015, giá trị tài sản tại Châu Á Thái Bình Dương tăng 11,4%/năm, trong khi mức bình quân thế giới là 5,9%. Từ đó, khu vực này sẽ chiếm 23% giá trị tài sản thế giới vào năm 2015.

Cũng liên quan đến chủ đề này, Le Figaro dành bài thông tin về « 11 triệu nhà triệu phú trên thế giới ».

Tờ báo đặc biệt nhấn mạnh, số triệu phú chưa bao giờ đạt mức cao như vậy. Nguyên nhân chính là do sự năng động của các nền kinh tế mới phát triển. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên Châu Á qua mặt Châu Âu về số triệu phú.

Le Figaro cũng cho biết, theo một nghiên cứu mới đây của tạp chí Fobres, số tỷ phú còn rất khiêm tốn. Hơn phân nữa số tỷ phú đô la đến từ Brazil và Trung Quốc, Nga và Ấn Độ.

 Đặc biệt đáng chú ý, là số tỷ phú đô la ngày càng trẻ hóa và là những người tự lập. Tại Trung Quốc và Ấn Độ chẳng hạn, 65% tỷ phú tự tạo tài sản, tại Đức là 36% và Pháp là 33%. Trong khi đó, nhìn chung ở Châu Âu, đa số tỷ phú đều là người thừa kế tài sản.

Trung Quốc quốc tế hóa đồng nhân dân tệ

Trong lĩnh vực tiền tệ, Les Échos quan tâm đến Trung Quốc với bài viết « Bắc Kinh cho phép đầu tư nước ngoài bằng đồng nhân dân tệ ».

Theo China Business News, dựa trên một tài liệu mật của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ cho phép đầu tư trực tiếp nước ngoài trên lãnh thổ Trung Quốc bằng đồng nhân dân tệ. Tờ báo nhấn mạnh tính mới mẻ của quyết định này, đó là đến hiện tại, các công ty quốc tế chủ yếu đầu tư vào Trung Quốc bằng đô la Mỹ.

Theo Les Échos, cải cách này nằm trong chiến lược chung về quốc tế hóa đồng nhân dân tệ của Bắc Kinh. Chiến lược bao gồm hai biện pháp chính.

Thứ nhất, đó là tìm cách mở rộng hoạt động của đồng nhân dân tệ ra khỏi ranh giới Trung Quốc, việc này được tiến hành bằng biện pháp cho phát hành trái phiếu bằng đồng nhân dân tệ tại Hồng Kông. Bên cạnh, cũng thông qua các giao dịch thương mại bằng đồng tiền này.

Thứ hai, chính phủ cũng nhắm đến việc tạo điều kiện cho đồng nội tệ trở về trong nước, được thực hiện thông qua chính sách cho đầu tư nước ngoài bằng đồng nhân dân tệ vừa nêu trên.

Theo Les Échos, Trung Quốc muốn thoát khỏi sự chi phối của đô la Mỹ. Vì thế, nước này cố gắng tăng cường khả năng chuyển đổi của đồng nhân dân tệ. Để đạt được điều đó, thị trường tài chính Trung Quốc phải phát triển hơn nữa. Hôm qua, Bắc Kinh đã thông báo, ngân hàng nước ngoài sẽ được phép đề nghị các dịch vụ đầu tư tập thể với khách hàng của họ tại Trung Quốc. Các dịch vụ này chủ yếu bao gồm cả cổ phần, trái phiếu và sản phẩm tiền tệ.

Loại hình này còn hiếm ở Trung Quốc, nó mang đến cho người gửi tiền tiết kiệm thêm một chọn lựa, thay vì chỉ bằng việc gửi tiền tiết kiệm ở ngân hàng.

Người Mỹ đã mệt mỏi với chiến tranh

Tối qua, tổng thống Mỹ Barack Obama đã chính thức thông báo kế hoạch rút quân đội Mỹ khỏi Afghanistan.

 Thông tin này thu hút sự chú ý đặc biệt của báo giới, đặc biệt là tờ Le Figaro với bài viết « Người Mỹ đã mệt mỏi với các cuộc chiến ở nơi xa ».

Chiến dịch tại Aghanistan đã kéo dài 10 năm, người Mỹ cảm thấy mệt mỏi cho những cuộc chiến ở miền xa xôi, nơi có nhiều con em họ đã nằm xuống. Theo một thăm dò của Pew Center, hiện tại có đến 56% người Mỹ tán thành việc rút quân về nước, tăng 16 điểm trong vòng 1 năm.

Le Figaro nhận định, con số này ắt hẳn đã có trọng lượng đối với quyết định của ông Obama. Theo New York Times, tối qua, ông chủ Nhà Trắng đã tuyên bố sẽ rút 10 000 quân nhân trong năm nay, và 23 000 trong tháng 9/2012.

Cái chết của Ben Laden đã cũng cố thêm quyết tâm cho những người phản chiến. Theo thăm dò, từ khi Ben Laden bị hạ sát tại Abbottabad, số người ủng hộ việc rút quân tăng 8%.

Cũng theo thăm dò nói trên, đa số người Mỹ điều không phản đối quyết định tham chiến tại Afganistan của Washington. Sau 10 năm tham chiến, dư luận bắt đầu nghi ngại khả năng quân đội Mỹ có thể làm gì khác hơn trong một đất nước mà quan hệ chính trị và quân sự rất rối rắm.

Về quyết định này, tờ báo cũng cho hay, đa số thuộc cả hai phe dân chủ lẫn cộng hòa đều ủng hộ việc rút quân.

Tờ báo cũng ghi nhận sự ảnh hưởng của phong trào bảo thủ Tea Party, một phong trào chỉ tập trung vào các vấn đề liên quan đến thuế và nợ công, nhưng ảnh hưởng trong vấn đề rút quân cũng không phải nhỏ. Chỉ trong vòng một năm, người thuộc Tea Party ủng hộ rút quân đã tăng lên gấp đôi. Nguyên nhân trong đó, có lẽ là do số tiền Mỹ tung vào cuộc chiến này quá lớn. Chỉ riêng năm nay, Hoa Kỳ đã chi 112 tỷ đô la cho cuộc chiến tại Afghanistan.

Obama quyết đoán về hồ sơ Afghanistan

Cũng liên quan đến quyết định rút quân này, Libération đặt biệt chú ý đến sự chia rẽ giữa quan chức lầu năm góc và ông chủ Nhà Trắng.

Bộ tổng tham mưu quân đội Hoa K ỳ cho rằng, sự rút quân nhanh chóng như vậy là một « sai lầm chiến lược », đồng nghĩa với việc cho rằng, thắng lợi mà Mỹ đạt được trên mặt trận là « rất mỏng manh và bấp bênh ». Lầu Năm Gốc muốn duy trì quân đội đến mùa thu năm 2012, và sẽ bắt đầu rút quân vào năm 2013.

Trong bối cảnh đó, theo Libération, ông Obama đã chiến thắng trong « cuộc kéo co » với Lầu năm góc. Tướng David Petraeus, tư lệnh lực lượng Mỹ tại Afghanistan đã bị tách ra khỏi trận địa với việc được bổ nhiệm một cách có tính toán vào vị trí người đứng đầu CIA, một vị trí trái hẳn với việc điều binh khiển tướng ngoài mặt trận.

Còn ông Leon Panetta , giám đốc CIA, người nổi lên từ chiến dịch hạ sát Ben Laden, và là người ủng hộ kế hoạch rút quân ngay sau tháng 7, sẽ nắm bộ quốc phòng thay ông Robert Gates , người chỉ ủng hộ một chính sách rút quân gọi là « biểu trưng ».

Libération chú ý đến cái gọi là mặt trái của cuộc chiến mà quân đội Mỹ phải gánh chịu trên thực địa, trong khi do tính kêu ngạo và sỹ diện, các tướng lĩnh Hoa Kỳ cố tình bưng bít sự thật. Theo tờ báo này, chỉ trong tuần đầu tiên của tháng 6, đã có đến 700 vụ rắc rối an ninh xảy ra.

Hôm qua, 6 cảnh sát đã bị giết hại ở vùng Ghazi.

Tướng lĩnh Mỹ hoan hỉ cho biết đã chiếm lại được nhiều nơi từ tay quân nổi dậy, thế nhưng, tại miền Bắc đất nước, nơi mà thông thường quân nổi dậy không mấy quan tâm, đang ngày càng có nhiều vụ tấn công tự sát và phục kích. Đặc biệt đáng lo ngại nhất là việc quân đội Taliban đã bắt đầu tuyển mộ được lính từ trong những người dân mà trước đó vốn không chấp nhận họ.

Ngành hàng không nhắm vào nhiên liệu sinh học

Liên quan đến triể lãm hàng không thế giới đang diễn ra tại phi trường Le Bourget (Paris), nhật báo La Croix mang đến một thông tin thú vị với bài viết « Nhiên liệu sinh học tiến vào máy bay ».

Tối qua, chiếc Boeing 747-8 đã hạ cánh an toàn tại phi trường Le Bourget sau chuyến bay xuyên đại Tây Dương bằng nhiên liệu pha giữa dầu kerosène và 15% nhiên liệu sinh học. Chuyến bay này, cũng giống như những chuyến bay ngắn hơn trước đó, nhằm mục tiêu chứng tỏ rằng, máy bay sẵn sàng sử dụng nhiên liệu sinh học.

Về mặt kỹ thuật, đại diện hãng Boeing khẳng định, với nhiên liệu sinh học, máy bay không cần phải thay đổi gì cả, mọi thông số bình thường của chuyến bay điều được tuân thủ.

Con về dầu sinh học, một chuyên gia cho biết, dầu này có thể được sản xuất từ dầu thực vật, sinh vật, gỗ hoặc rơm rạ ; dầu thu được có đặc tính hóa học hoàn toàn giống với dầu kerosene ; nó có thể được trộn với tỷ lệ 50%.

Việc mở rộng sản xuất loại dầu này còn gặp khó khăn do hiếm nguồn nguyên liệu, và do chi phí đầu tư quá lớn. Thế nhưng, nhiều công ty đã vào cuộc, và như vậy tương lai của ngành mới này rất sáng lạng.

Một khó khăn khác đến từ phản đối của các nhà hoạt động môi trường. Theo họ, phải cần đến 80 000km2 đất để chỉ đáp ứng có 10% nhiên liệu sinh học cho ngành vận tải Châu Âu, trong khi đó đất đai trên hành tinh không đủ để vừa có thể nuôi sống con người, vừa phục vụ cho các xe hơi và cả máy bay.

Để tránh những chỉ trích, các nhà sản xuất nhắm vào những loại cây không thuộc nhóm cây lương thực. Ngoài ra, trong tương lai còn có thể tạo nhiên liệu sinh học từ tảo, thế nhưng, phải ít nhất 30 nữa mới có thể đạt được điều này.

Pháp : Hạn chế việc lạm dụng thuốc trị bệnh

Trong lĩnh vực y tế, Le Figaro có bài viết « Trị bệnh : hạn chế việc dùng thuốc ».

Đến hiện tại, việc chữa bệnh chủ yếu dựa vào thuốc. Thế nhưng, kể từ vụ Mediator, mọi thứ cần xem xét lại. Hôm nay, bộ trưởng Y tế Pháp sẽ thông báo kế hoạch cải thiện tình hình trên. Trong khi đó, vừa rồi, Tổ chức giám định và tư vấn độc lập của Pháp (HAS) đã đề nghị hạn chế dùng thuốc và khuyên nên chú ý đến liệu pháp không cần thuốc.

Tổ chức này đưa ra nhiều giải pháp đa dạng: biện pháp giữ gìn vệ sinh, ăn uống có phương pháp, tập thể dục, liệu pháp tâm lí, vật lý trị liệu…Mục tiêu đề ra không phải là chấm dứt hẳn việc dùng thuốc để chữa bệnh, mà là sử dụng « liệu pháp không thuốc » làm một biện pháp bổ sung trước, trong khi hoặc sau giai đoạn dùng thuốc.

HAS cũng được bộ Y tế giao nhiệm vụ tìm hiểu những trở ngại cho chiến dịch này. Theo kết quả nghiên cứu, HAS nhấn mạnh đến việc người bệnh thiếu hiểu biết về hiệu quả của liệu pháp này. Bên cạnh đó, tập quán xã hội và văn hóa cũng là một vấn đề. Người dân đã quen với việc khám bệnh, nhận thuốc, bác sỹ thì quen với việc khám bệnh và ra toa thuốc. Hơn nữa, liệu pháp mới này sẽ làm cho bác sỹ tốn nhiều thời gian và sức lực hơn, còn đối với người bệnh thì liệu pháp này đắt đỏ hơn.

Trang nhất các báo Pháp

Cuộc khủng tại Hy Lạp dành được ưu tiên đặc biệt của báo Pháp hôm nay.

Tờ báo Công giáo La Croix chạy tít lớn trên trang nhất « Người Châu Âu hòa nhập với biện pháp khắc khổ như thế nào ». Tờ báo dành hai trang cung cấp một cái nhìn bao quát về thái độ một số nước Châu Âu đối với chính sách khắc khổ, cụ thể là chính sách đang được thực hiện tại Hy Lạp.

Nhật báo cộng sản L’Humanuité cũng ưu tiên cho chủ đề này với bài viết « Đồng euro, sự rạn nứt lớn ». Tờ báo thông tin về việc thượng đỉnh Châu Âu sẽ khai mạc tối nay để bàn thảo về giải pháp thoát khỏi ngõ cụt Hy Lạp. Đặc biệt, tờ báo nhấn mạnh sự tồn tại của đồng tiền chung euro ngày càng mỏng manh.

Libération quan tâm đến cuộc thảo luận về mức lương tối đa đang nổi lên trong xã hội Pháp. Điều thú vị là, cuộc thảo luận này lại đến từ một bộ phim hư cấu.