Cam Bốt và Trung Quốc muốn tăng cường hợp tác quốc phòng |
Tác Giả: Anh Vũ / Phạm Phan |
Thứ Tư, 22 Tháng 6 Năm 2011 10:42 |
Thủ Tướng Hun Sen đã tuyên bố ngã theo Trung Quốc trong hồ sơ Biển Đông Trong bối cảnh căng thẳng trên Biển Đông đang có chiều hướng gia tăng. Ngày hôm qua, Bộ trưởng Quốc phòng Cam Bốt, Tea Banh đã có chuyến thăm Trung Quốc kéo dài một tuần. Trong khi đó, đảng đối lập Samrainsy ra thông cáo tỏ rõ thái độ ủng hộ Trung Quốc trong các tranh chấp tại Biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Tea Banh và thủ tướng Hun Sen (AFP) Tại Bắc Kinh, ông Tea Banh đã được nhân vật số 2 của chính quyền Trung Quốc tiếp và đề nghị đưa hợp tác quân sự lên tầm cao hơn so với hiện nay. Còn trước việc đảng Samrainsy ủng hộ Trung Quốc trene hồ sơ Biển Đông, dư luận báo chí và chính giới đã phản ứng mạnh mẽ với lập trường của đảng này. Nhiều dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang muốn kéo Cam Bốt xích lại gần hơn trong quan hệ quân sự. Thông tín viên Phạm Phan từ Phnom Penh tường trình. Bộ Trưởng Quốc Phòng Cam Bốt viếng thăm Bắc Kinh và bày tỏ ước muốn được hợp tắc chặt chẽ với Trung Quốc trong lúc đang nổi lên tranh chấp chủ quyền tại vùng Biển Đông, đặc biệt giữa Việt Nam và Trung Quốc… Trong buổi tiếp xúc, Phó Chủ Tịch Nước kiêm Phó Chủ Tịch Quân Ủy Trung Ương Tập Cận Bình tán dương mối quan hệ thân hữu truyền thống giữa Trung Quốc –Cam Bốt, đồng thời họ Tập cũng nhấn mạnh đến sự hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai quốc gia nên được nâng cao hơn nữa. Chính quyền Trung Quốc đánh giá cao mối quan hệ hiện thời với Phnom Penh và tỏ ý sẳn sàng giúp Cam Bốt ổn định kinh tế và phát triển thịnh vượng. Trung Quốc nói họ là một láng giềng tốt và sẽ ủng hộ hết lòng để Cam Bốt duy trì sự đoàn kết trong nước. Một chi tiết quan trọng trong buổi tiếp ông Tea Banh là ý kiến phát triển sự hợp tác quân sự do ông Tập Cận Bình đưa ra. Theo ông Tập Cận Bình, Trung Quốc và Cam Bốt nên đưa sự hợp tác quân sự lên một mức mới cao hơn so với hiện nay. Họ Tập cho rằng đây là một sự hợp tác quan trọng. Đáp lại, Bộ Trưởng Tea Banh tán thưởng sự hỗ trợ kinh tế và quân sự từ lâu của Trung Quốc cho Cam Bốt và hứa hẹn rằng quân đội Cam Bốt sẽ tiếp tục hợp tác với Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực. Ngoài việc gặp mặt nhân vật cao cấp hàng thứ nhì của chế độ Bắc Kinh, ông Tea Banh còn tiếp xúc với ông Lương Quang Liệt, Bộ Trưởng Quốc Phòng Trung Quốc. Trong một diễn văn cách đây không lâu, Thủ Tướng Hun Sen than thở là Trung Quốc và Việt Nam, hai người bạn thân của Phnom Penh đã không nhiệt tình giúp đỡ khi Cam Bốt có chuyện tranh chấp lãnh thổ với Thái Lan, bởi vì hai nước này đã có mối quan hệ hợp tác kinh tế với Thái. Chuyến đi của ông Tea Banh được tiến hành vào lúc mà Đảng Samrainsy vừa đưa ra thông báo ủng hộ Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Một thông báo gây lúng túng cho đảng cầm quyền ở Cam Bốt. Đảng Samraisy ủng hộ quan điểm của Trung Quốc về Biển Đông Trong thông báo đưa lên website Đảng Samrainsy ngày 17/6/, đảng đối lập lớn nhất tại Cam Bốt có quan điểm từ lâu chống độc tài toàn trị, đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm ủng hộ Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Ngay từ tiêu đề, Đảng Samrainsy viết: “Cam Bốt ủng hộ Trung Quốc bảo vệ chủ quyền trên vùng Biển Hoa Nam.” Thông báo ghi rằng: “26 Dân Biểu và 2 Thượng Nghị Sĩ của Đảng Samrainsy nhân danh dân tộc Khmer bày tỏ sự ủng hộ và đoàn kết với nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa vào lúc mà người bạn vĩ đại này và cũng là một đồng minh của Cam Bốt đang khẳng định một cách chính đáng chủ quyền của mình tại vùng Biển Hoa Nam bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.” Đảng Samrainsy “tố cáo và lên án chính quyền Việt Nam đã ngang ngược và tuyên bố vô căn cứ về chủ quyền trên lãnh thổ của nước láng giềng". Bản thông báo cũng đề cập đến quan hệ Việt Nam – Cam Bốt khi viết rằng: “Sự tiếp tục vi phạm chủ quyền trên lãnh thổ Cam Bốt của bọn bành trướng Việt Nam và lập trường hiếu chiến của chính quyền Hà Nội được thực thi tại Đông Nam Á và vùng Biển Hoa Nam đã tạo ra một mối đe dọa cho nền hòa bình và sự ổn định trong khu vực này.” Đảng Samrainsy “khẩn gọi chính quyền Việt Nam ngưng ngay hành động gây căng thẳng qua cuộc tập trận bắn đạn thật của hải quân Việt Nam ngày 13/6 mang tính chất khiêu khích và đòi hỏi Việt Nam không được sử dụng chiếc ghế Chủ Tịch ASEAN để quốc tế hóa bất cứ cuộc xung đột nào mà Hà Nội muốn làm trầm trọng thêm tại vùng Biển Nam Trung Hoa.” Riêng ở chi tiết Việt Nam làm Chủ Tịch ASEAN thì Đảng Samrainsy quên vai trò này đã được chuyển giao cho Indonesia vào tháng 1 năm nay. Và từ ngữ “Biển Hoa Nam” thay vì Biển Đông đã mặc nhiên xác nhận đây là lãnh hải của Trung Quốc. Bản thông báo của Đảng Samrainsy đưa ra khi Trung Quốc tỏ thái độ ngạo mạn, hiếu chiến trong lãnh hải Việt Nam. Phản ứng đầu tiên ghi nhận được tại Phnom Penh là báo mạng Phnom Penh Post ngày 21/6 đã dùng từ “chưởi rủa” để nói tới nội dung của thông báo khi đề cập đến Việt Nam. Kế tiếp, nội dung thông báo cũng nói lên được sự bất mãn của cá nhân lãnh đạo Đảng Samrainsy là ông Sam Rainsy đang phải chịu sống cảnh lưu vong tại Pháp để trốn án tù 12 năm khi ông dám nhổ 6 cây cọc do phía Việt Nam cắm tại đường ranh giới tỉnh Svay Rieng và Long An hồi tháng 10 năm 2009. Điều nữa khi đứng trên lập trường dân tộc, ông Sam Rainsy cũng rất oán hận chính quyền Việt Nam hiện nay vì ông cho rằng đã xâm chiếm lãnh thổ quốc gia ông. Vì thế khi Việt Nam bị Trung Quốc lấn chiếm lãnh hải ở Biển Đông thì đây là dịp ông Sam Rainsy có cơ hội rửa hận. Mặc dù ông phải làm ngơ trước thực tế lịch sử là Trung Quốc chính là bọn bành trướng xâm chiếm lãnh hải nước láng giềng. Quan điểm của chính quyền Cam Bốt về tình hình Biển Đông Không đầy một tuần sau thông báo của Đảng Sam Rainsy cùng một lúc các cuộc biểu tình hiếm có của dân chúng tại Hà Nội và Sài Gòn tỏ rõ thái độ và lập trường chống hành động xâm lược của Trung Quốc được loan truyền trên thế giới thì chính quyền Phnom Penh chính thức lên tiếng bộc lộ quan điểm của họ về tình hình tại Biển Đông. Người phát ngôn Bộ Ngoại Giao ông Koy Kuong nói Cam Bốt mong muốn vấn đề tại Biển Đông được giải quyết một cách hòa bình theo Bản Tuyên Bố Chung Về Ứng Xử Của Các Bên Tại Biển Đông do Trung Quốc và các thành viên ASEAN ký tại Hội Nghị Thượng Đỉnh ASEAN năm 2002 ở Phnom Penh. Dân Biểu Cheam Yeap thuộc Đảng Nhân Dân đương quyền vào ngày 21/6 phát biểu rằng: Trung Quốc là một người bạn “gần gũi” nhưng Việt Nam còn “thân cận hơn”. Ông lên tiếng tố cáo Đảng Sam Rainsy “thiếu sự trung thành” khi bày tỏ sự ủng hộ Trung Quốc. Theo ông Chem Yeap, hai người bạn của Cam Bốt nên dùng các bản đồ hợp pháp và tuân thủ luật pháp quốc tế. Trong trường hợp Việt Nam và Trung Quốc không thể giải quyết sự khác biệt và sử dụng võ lực tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến an ninh của toàn vùng. Vào tháng 10 năm 2010, Thủ Tướng Hun Sen đã tuyên bố ngã theo Trung Quốc trong hồ sơ Biển Đông. Trong tình hình đang căng thẳng hiện nay, công luận chưa thấy ông tuyên bố gì. Chuyến đi của Bộ Trưởng Quốc Phòng Tea Banh đến Bắc Kinh trong bối cảnh hiện nay là một sự kiện khiến cho nhà cầm quyền Việt Nam phải lưu ý. Ngày 25 tháng 12 năm 1979 nhân ngày Lễ Giáng Sinh, Hà Nội tung 14 sư đoàn quân chủ lực tiến đánh Khmer Đỏ và lật đổ chế độ này khi thấy Khmer Đỏ ngã hẳn về Trung Quốc và đánh phá biên giới Tây Nam của Việt Nam. Cuối năm 1981, Thủ Tướng Pen Sovann kiêm Tổng Bí Thư đảng do Hà Nội dựng lên nhưng có quan điểm kinh tế, chính trị độc lập đã bị Hà Nội bắt giải giao về Miền Bắc và giam cầm suốt 10 năm trời. Ông Pen Sovann quê ở tỉnh Ta Keo, nói rành tiếng Việt, hiện nay sống tại Phnom Penh và hoạt động chính trị đối lập nhưng không có lực. Điểm lại ít nhất hai sự kiện trên cho thấy, Cam Bốt là một vùng địa chính trị mà cả Trung Quốc và Việt Nam đều muốn tranh giành ảnh hưởng. Trong 3 thập niên qua, các quá khứ lịch sử chứng minh cho thấy nhà cầm quyền Việt Nam thành công trong việc sử dụng xứ Chùa Tháp làm “phên giậu” cho họ. Và vì thế trong thời điểm đang nóng lên dần dần hiện nay, nếu những người cầm đầu chính quyền Cam Bốt tuyên bố lập trường đứng về phía Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông là một điều có thể gây nguy hiểm cho họ.
|