Home Tin Tức Thời Sự Lao động Trung Quốc tràn ngập Việt Nam

Lao động Trung Quốc tràn ngập Việt Nam PDF Print E-mail
Tác Giả: Người Việt   
Thứ Ba, 21 Tháng 6 Năm 2011 08:09

Công nhân Việt nghỉ việc hàng loạt vì ‘đói’

VIỆT NAM (TH) - Rất nhiều tỉnh thành Việt Nam hiện nay tấp nập thợ Trung Quốc đến làm việc, và nhiều “phố Tàu” mọc lên cạnh các công trình xây dựng.


 
Hàng quán mang bảng hiệu Trung Quốc. (Hình: Báo Thanh Niên)
 
Tại thành phố Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh, hàng trăm công nhân Trung Quốc được thu nhận vào làm việc cho một hãng Trung Quốc trúng thầu xây dựng nhà máy điện. Xung quanh nhà máy đang xây xuất hiện nhiều “phố Tàu,” với những bảng hiệu chữ Hoa.

Dài theo một con đường đầy những quán ăn, nhà hàng, tiệm xoa bóp, cà phê, hiệu cắt tóc... vang rân tiếng Tàu. Thợ Trung Quốc làm việc và sinh sống tại đó.

Họ thuê phòng trọ, cứ 4 người một phòng nếu còn độc thân. Họ thuê người Việt Nam nấu bếp cho ăn riêng và dĩ nhiên là phải biết chút ít tiếng Hoa để nói chuyện.


 
Theo báo Tiền Phong, một số công nhân Trung Quốc vừa sang Việt Nam liền bỏ vợ nhà, cưới một cô gái Việt trẻ. Chỉ cần cho cô ấy một ít tiền hàng tháng, ông chồng Trung Quốc vừa có một người nấu ăn, một người để “tâm sự” và sinh con cho mình.

 Một số người còn cho biết, có ông xong việc ở Việt Nam liền đưa vợ Việt Nam về thẳng Trung Quốc vì ở bên kia không sao tìm được một cô vợ trẻ ngoan.

Tại huyện Ðông Triều, tỉnh Quảng Ninh hiện có trên 700 công nhân Trung Quốc làm việc cho các nhà máy do đồng hương của họ làm chủ. Không phải người Việt Nam nào cũng hoan nghênh sự có mặt của thợ Trung Quốc ở lãnh thổ của mình.

Có người cho rằng một số công nhân Trung Quốc rất luộm thuộm, “bầy hầy” trong cách sống. Họ thích nói chuyện lớn tiếng, đôi khi khạc nhổ bừa bãi trên đường, cứ thích thì... phun nước bọt ngay tại chỗ ngồi. Người khác thì thích cởi trần trùng trục ngoài đường, mỗi lần đi nhậu bia về thì tha hồ đứng giữa đường mà... tè.

Có người còn ngang bướng, hiếp đáp người bán hàng rong nghèo Việt Nam. Ðiều làm một số người thợ Việt Nam bất bình là thợ Trung Quốc hưởng lương cao gấp 3 lần lương thợ Việt. Nguyên nhân được giải thích là vì anh ta đối đáp và thực hiện được ngay mệnh lệnh của ông chủ Trung Quốc chứ không cần thông dịch viên như người Việt Nam.

Riêng tại công trường xây dựng nhà máy điện Mạo Khê có đến 760 công nhân Trung Quốc trong khi chỉ hơn 100 người Việt Nam phần lớn làm nhân viên hành chánh. Một trong những lý do được nêu là vì công nhân Việt Nam không nói và nghe được tiếng Trung Quốc.

 Một người dân Việt khác còn kể lại câu chuyện nói rằng công nhân Trung Quốc rất sỗ sàng với phụ nữ Việt, hễ thấy con gái của ông là nhào tới tán tỉnh cho tới lúc cô kia bỏ chạy mới thôi.

Sự bất bình của người dân Việt khi tiếp xúc, chung chạ với công nhân Trung Quốc trên đất của mình là dễ hiểu. Có điều, họ không làm gì được vì đó là những người ngoại quốc đã được chính quyền Cộng Sản Việt Nam cấp giấy phép làm việc.

 Công nhân Việt nghỉ việc hàng loạt vì ‘đói’

Thợ Trung Quốc tại phòng trọ. (Hình: Báo Thanh Niên)

 Trong khi đó, theo báo An Ninh Thủ Ðô, vì thu nhập thấp trong khi giá cả sinh hoạt quá cao, doanh nghiệp không có chính sách chăm lo tốt đã đẩy người lao động ra đi.

Sáng 8 tháng 6, hơn 1,000 công nhân công ty TNHH Vietnam WaCoal (khu công nghiệp AMATA - TP. Biên Hòa, Ðồng Nai) đã nghỉ làm tập thể để phản đối về chế độ lương thưởng, phụ cấp và kỷ luật hà khắc tại công ty thời gian gần đây.

Theo phản ánh của công nhân, chế độ phụ cấp hiện nay của công ty đối với công nhân còn quá thấp, mức lương cơ bản đối với công nhân có thâm niên (trên 10 năm), chỉ 2.9-3 triệu đồng/tháng.

Tại khu công nghiệp Thăng Long Hà Nội, tình trạng công nhân bỏ việc cũng diễn ra thường xuyên.

Theo chị Nguyễn Thị Hà, công nhân làm việc tại một công ty lắp ráp linh kiện điện tử của Nhật Bản thì lương của chị tại đây là 1.5 triệu đồng trong khi phải trang trải đủ mọi tiền thuê nhà, điện nước, ăn uống, nuôi con nhỏ... nên luôn hụt trước thiếu sau. Chị đã quyết định nghỉ việc về quê để xin vào các nhà máy tại địa phương: Lương có thể thấp hơn từ 200,000-300,000 đồng nhưng bù lại không phải thuê nhà, điện nước, ăn uống cũng rẻ hơn.

Chị cho biết: Tại công ty Yamaha, từ đầu năm 2011 đến nay, cũng có nhiều công nhân nộp đơn xin nghỉ việc tại nhà máy. Lý do chủ yếu vẫn là do lương công nhân quá thấp, phổ biến từ 1.6-2 triệu đồng/tháng, rất khó khăn để người lao động trang trải cuộc sống.

Từ việc đồng lương thấp, không đủ chi tiêu đã khiến người lao động rơi vào vòng luẩn quẩn: Phải tăng ca, tăng ca thì không có thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động nên sức khỏe giảm sút, sức khỏe giảm sút nên năng suất, chất lượng lao động không cao, chất lượng lao động thấp thì thu nhập không thể tăng.