Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 19 Tháng 6 Năm 2011

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 19 Tháng 6 Năm 2011 PDF Print E-mail
Tác Giả: Minh Anh   
Thứ Bảy, 18 Tháng 6 Năm 2011 21:54

Phụ nữ Ả Rập Xê Út thách thức lệnh cấm lái xe của chính quyền

Cô Manal al-Charif dẫn đầu phong trào Women2Drive (Reuters)

Bạn có biết là Ả Rập Xê Út là quốc gia duy nhất trên thế giới cấm phụ nữ lái xe !

Hiến pháp của nước này được soạn theo các điều luật Hồi giáo khắt khe nhất.

Gần đây, có một phong trào mang tên là Women2Drive, mà người dẫn đầu là cô Manal al-Charif, 32 tuổi. Cô đã bị bỏ tù 15 ngày chỉ vì dám ngồi ở đằng sau tay lái.

Sau Cách Mạng Hoa Lài, phụ nữ Ả Rập Xê Út cũng muốn làm một cuộc cách mạng cho riêng mình.

Họ thách thức lệnh cấm lái xe của chính quyền Riyad, một biểu trưng cho sự bất bình đẳng nam nữ của xã hội Ả Rập Xê Út.

 Nhật báo Liberation có bài tựa « Phụ nữ Ả Rập Xê Út thách thức chính quyền Riyad », tường thuật về phong trào phản kháng của phụ nữ tại nước này nhằm chống lại sự bất bình đẳng.

Phong trào bắt đầu lan rộng khi cảnh sát tôn giáo bắt giữ Manal al-Charif, 32 tuổi, cố vấn tin học và đồng sáng lập viên hội « Women2Drive ».

 Trước đó, cô Manal al-Charif đã cho phát tán trên các trang mạng xã hội các đoạn phim vidéo quay cảnh cô đang lái xe. Trước làn sóng phản đối của giới phụ nữ nước này, cuối cùng cảnh sát buộc phải thả cô ra.

Theo Libération, phụ nữ Ả Rập Xê Út không được hưởng những quyền như cánh đàn ông tại nước này.

Bất bình đẳng nam-nữ được thể hiện sâu sắc qua đạo luật cấm phụ nữ lái xe, một lệnh cấm theo họ là phi lý nhất. Đây cũng chính là nguyên nhân sâu xa gây ra nhiều vấn đề trong lòng xã hội Xê Út.

Đối với khá nhiều gia đình không có đủ điều kiện để tuyển tài xế, việc đi lại của phụ nữ như để đi chợ, hay đi học là cả một vấn đề đau đầu cho cánh đàn ông trong gia đình.

Libération cho biết, việc phụ nữ nổi dậy tự điều khiển xe, không phải là lần đầu tiên.

Nhắc lại sự kiện tương tự hồi cuối năm 1990, trong thời gian Kowet bị Irak tấn công cho tới khi được giải phóng, lợi dụng sự hiện diện của binh lính và các phóng viên nước ngoài, phụ nữ nước này đã lái xe đi diễu hành.

Chính quyền Xê Út và giới bảo thủ lúc đó đã dùng bạo lực nghiêm cấm phụ nữ không được lái xe. Đó là lần thất bại thảm hại nhất của phụ nữ và của giới cấp tiến.

Để tránh lại sai lầm trước đây, các nhà tổ chức đã hướng dẫn những người tham gia một cách rõ ràng : không đi diễu hành thành nhóm, chỉ những phụ nữ nào có giấy phép lái xe quốc tế mới được tham gia, kêu gọi các tình nguyện viên học lái xe ở những người khác trong khi chờ đợi chính phủ thực hiện lệnh cấp giấy phép lái xe cho phụ nữ.

Họ cũng kêu gọi những người tham gia phát tán các hình ảnh của mình trên các trang mạng. Và phong trào này đã nhận được nhiều sự ủng hộ từ nhiều cá nhân có tiếng tăm.

Libération nhận định rằng, phong trào lần này có lẽ được tổ chức khá kỹ lưỡng và những nhà tổ chức có ý định sẽ đi đến cùng cho đến khi nào chính quyền Riyad ban hành đạo luật cho phép phụ nữ được tự điều khiển xe.

Trước mắt, vua Abdallah, người đã từng khuyến khích phụ nữ đi học cao hơn nữa, cảm thấy rối bời và chưa biết phải tuyên bố gì trước sự việc mới này.

Quốc vương Maroc chọn con đường cải cách Hiến pháp

Cũng liên quan đến phong trào « mùa xuân Ả Rập », nhật báo Le Figaro quan tâm đến sự kiện Maroc cải cách chính trị. Khác với những nước xung quanh, bị ảnh hưởng nặng nề của phong trào « mùa xuân Ả Rập », vua Mohammed VI đã chọn con đường cải cách Hiến pháp để duy trì sự ổn định của đất nước.

Cải cách Hiến pháp, là điều chưa từng thấy tại một thế giới Hồi giáo.

Vua Mohammed VI hôm qua tuyên bố các mục trong chương trình cải cách Hiến pháp. Le Figaro nhận định, đối với vua Mohammed, cải cách Hiến Pháp là điều không thể tránh khỏi.

 Ngay ngày hôm sau cuộc cách mạng Hoa Lài tại Tunisia và Ai Cập, tại Maroc hàng chục ngàn thanh niên đã xuống đường trong ôn hòa đòi hỏi quyền tự do và dân chủ hơn nữa.

Sau một thời gian do dự, vua Mohammed VI tuyên bố sẽ thực hiện cải cách chính trị. Một Hội đồng cố vấn đã được thành lập nhằm thu thập các ý kiến từ các nhà lãnh đạo của đảng chính trị và các tổ chức xã hội dân sự để soạn thảo chương trình cải cách.

Theo Le Figaro, điểm quan trọng nhất trong cải cách Hiến pháp lần này thể hiện qua nguyên tắc phân quyền và cân bằng quyền lực nhằm đảm bảo sự vận hành dân chủ của các thiết chế.

Về mặt chính trị, ông tuyên bố sẽ tăng thêm quyền hạn cho người đứng đầu chính phủ.

 Theo đó, Thủ tướng chính phủ vẫn do nhà vua bổ nhiệm, nhưng sẽ là người của đảng chiến thắng trong kỳ bầu cử Quốc hội. Theo Hiến pháp mới, chính Thủ tướng sẽ bổ nhiệm các thành viên trong nội các. Thủ tướng có quyền giải tán Quốc Hội và điều khiển Hội đồng Bộ trưởng mà không cần sự hiện diện của Nhà vua.

 Ngoài ra, theo quy định của Hiến pháp mới, quyền miễn tố của các Nghị sĩ sẽ bị thu hẹp lại và chống tham nhũng cũng sẽ được tăng cường. Tuy nhiên, Vua vẫn là người quyết đoán tối cao và nắm quyền chỉ huy quân đội.

Về mặt tư pháp, ông khẳng định sẽ tách rời ngành Tư pháp ra khỏi các thế lực khác nhằm đảm bảo cho tính độc lập của nó. Về mặt xã hội, ông xác lập quyền bình đẳng nam nữ.

 Liên quan đến giáo dục, bên cạnh tiếng Ả Rập, Hiến pháp mới còn quy định tiếng berbère sẽ là ngôn ngữ chính thức. Về phương diện tôn giáo, ông khẳng định Hồi giáo vẫn là tôn giáo chính thống. Tuy nhiên, ông cũng muốn đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng.

Cuối cùng, Hiến pháp cũng hủy bỏ một điều khoản liên quan đến sự « thiêng liêng »của Nhà vua và điều khoản này được thay thế bằng điều khoản 46 quy định « không được xâm phạm sự trong sáng của Nhà vua ».

Vua Mohammed VI cho biết Hiến Pháp mới này sẽ được đưa ra trưng cầu dân ý vào đầu tháng 7 này. Tiếp đến, bầu cử Quốc hội trước kỳ hạn sẽ được tổ chức vào mùa thu năm nay.

 Le Figaro kết luận, giờ thì Vua Mohaamed sẽ phải thực hiện lời hứa của mình.

Đức và Pháp thông qua kế hoạch trợ giúp Hy Lạp

Về kinh tế, phân tích tình hình khủng hoảng tài chính tại Hy Lạp, Le Figaro có bài viết « Paris và Berlin đã được những đồng thuận để cứu vãn Athènes ».

Bài viết cho biết Đức và Pháp mong muốn có sự tham gia của các ngân hàng tư nhân trong kế hoạch trợ giúp Hy Lạp lần này.

Theo Le Figaro, Pháp và Đức đồng thuận kế hoạch thứ hai để cứu vãn Hy Lạp, đang bên bờ vực phá sản. Theo đó, Hy Lạp có thể nhận một khoản trợ giúp trị giá khoảng 100 tỷ euros.

Tuy nhiên, theo Le Figaro, Đức và Pháp đồng kêu gọi các Ngân hàng tư nhân tham gia vào chương trình cứu trợ nhưng trên tinh thần tự nguyện. Giải pháp này cho rằng, Athènes thanh toán các khoản nợ của mình đúng hạn và được hưởng một khoản vay ngân hàng khác để tránh phá sản.

 Việc còn lại là phải xác định phương thức thực hiện.

Mặt khác, về thời gian thực hiện Pháp và Đức cùng thống nhất là phải hành động trong thời gian nhanh nhất, có thể là trước tháng 8, thậm chí trong hai tuần đầu của tháng 7 này.

Le Figaro nhận định, Đức và Pháp phải nhanh chóng đạt được những đồng thuận trên hồ sơ Hy Lạp nhằm cứu vãn thị trường tài chính tại châu lục này đang bị sụt giảm liên tục trong nhiều ngày qua.

 Hơn nữa, các nhà đầu tư cảm thấy yên tâm hơn qua việc Châu Âu và Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF có lẽ sẽ chấp thuận giải ngân đợt 1 cho Athènes.

 Le Figaro cho biết, cho tới giờ phút này, IMF đặt điều kiện giải ngân khi nào các nước thành viên trong khối euros thông qua kế hoạch trợ giúp.

 Như vậy, sự đoàn kết của trục Berlin-Paris đã giải tỏa bớt phần nào áp lực lên thị trường tài chính Hy Lạp và cho phép Pháp, Đức và Ngân hàng Trung ương Châu Âu đạt được một thỏa thuận về phương thức cụ thể cho kế hoạch hỗ trợ lần này.

Đề tài « Thời Cổ đại » lên ngôi ở Pháp

Liên quan đến vấn đề văn hóa, nhật báo Công giáo La Croix hôm nay quan tâm đến một đề tài khá thú vị « Thời Cổ đại, niềm đam mê hôm nay ». Bài điều tra cho biết, chủ đề « Thời Cổ đại » đang lên ngôi tại Pháp, đề tài được nhiều chương trình truyền hình, các viện bảo tàng và văn học đề cập nhiều nhất trong thời gian vừa qua.

Theo La Croix, một loạt phim có liên quan đến chủ đề « Thời Cổ đại » đã được kênh truyền hình Arte của Đức-Pháp lên kế hoạch phát sóng cho mùa hè này. Bộ phim truyền hình nhiều tập « Roma » đã gặt hái được nhiều thành công năm 2005, không những làm tốn hao bao nhiêu giấy mực của các nhà phê bình mà còn đem lại lợi nhuận trên toàn cầu. Không những thế, Arte còn tham gia sản xuất một chuỗi phim tài liệu ngắn « Định mệnh của Roma », sẽ được phát sóng vào hôm nay. La Croix cho biết, kinh phí sản xuất cho một bộ phim loại này không phải là nhỏ, ví dụ như một tập của bộ phim Roma dài 45 phút phải tốn đến 8 triệu đô-la. Nhưng vì sao lại có những thành công bất ngờ như vậy ?

Theo La Croix, thành công rực rỡ của bộ phim Gladiator do Ridley Scott thực hiện, và được công chiếu năm 2000 đã mở ra chân trời mới cho các nhà làm phim theo chủ đề này. Đây không phải là lần đầu tiên công chúng quay lại với chủ đề này. Theo lời giải thích của một giáo sư đại học về ngôn ngữ và văn học La-tinh, thì chủ đề này được đề cập đến ở nhiều giai đoạn tùy theo từng mối quan tâm của mỗi thời đại.

Ông Herve Dumont nhận định, “Thời Cổ đại” vẫn luôn là đề tài hấp dẫn, nhưng lại đi theo hai khuynh hướng rất nặng nề.

Thứ nhất, tìm kiếm chủ nghĩa hiện thực rẻ tiền, như phô bày những cảnh bạo lực, nhân vật trông bẩn, với cảnh trí toàn bùn lầy.

Khuynh hướng thứ hai, chính là sự hòa trộn. Nhân loại ngày càng ít được phổ cập, vài cột mốc lịch sử đã bị biến mất. Các loại phim dã sử không còn hấp dẫn nữa như những năm 60. Ngày nay, người ta chi thích những đề tài nào khác biệt một chút, nó cho phép người ta đi lang thang tự do.

Ngoài điện ảnh, các viện bảo tàng cũng có nhiều thành công trong năm rồi.

Các cuộc triễn lãm hay các buổi nói chuyện về « Thời Cổ đại » được nhiều người quan tâm. Một nhà điều hành viện bảo tàng giải thích sở dĩ Thời Cổ đại vốnddax nổi tiếng về nền tinh hoa của mình.

Trong khi việc giảng dạy tiếng Hy Lạp cổ và tiếng La-tinh đang bị bỏ rơi, thì nền văn minh Hy Lạp – La Mã lại trở nên phổ biến.

Thời Cổ đại là một thời đại huy hoàng, người xem muốn tìm hiểu, khám phá thế giới mà họ xuất thân để từ đó làm điểm tham khảo.