Home Tin Tức Thời Sự Bạch Ốc: Chiến dịch Libya không cần có phép Quốc Hội

Bạch Ốc: Chiến dịch Libya không cần có phép Quốc Hội PDF Print E-mail
Tác Giả: Người Việt   
Thứ Tư, 15 Tháng 6 Năm 2011 19:24

Cuộc nội chiến hiện nay đang diễn tiến có lợi thế cho phe nổi dậy cả về mặt quân sự cũng như chính trị ngoại giao 

  WASHINGTON (AP) - Tòa Bạch Ốc nói rằng sẽ không cần phải xin phép Quốc Hội trong việc can thiệp vào Libya vì hành động này chỉ “rất giới hạn” về mặt quân sự.

 
Một chiến binh lực lượng nổi dậy ở Kikla, cách Tripoli 90 dặm, sau khi quân đội của Gadahfi phải rút khỏi thành phố này. (Hình: Reuters)
 
Quyết định ấy được giải thích trong một bản phúc trình dài 30 trang gởi tới Quốc Hội hôm Thứ Tư, 15 tháng 6, sau gần 90 ngày Hoa Kỳ và đồng minh mở chiến dịch oanh kích Libya thi hành nghị quyết Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.

Ðầu tháng này Hạ Viện đã thông qua một nghị quyết yêu cầu tòa Bạch Ốc báo cáo về chiến dịch quân sự ở Libya.

Tuần này một đa số dân biểu thuộc cả hai đảng quyết định ngưng cấp ngân khoản cho bất cứ một chiến dịch quân sự nào không phù hợp với nghị quyết năm 1973 của Quốc Hội về mở cuộc chiến tranh (War Powers Resolution).

Quyền khai chiến là của Quốc Hội nhưng trong trường hợp khẩn cấp phải bảo vệ quốc gia và lợi ích của Hoa Kỳ, tổng thống với tư cách Tổng Tư Lệnh có thể điều động quân đội tham chiến.

Tuy nhiên theo nghị quyết hỗn hợp của hai viện Quốc Hội năm 1973, Tổng thống phải thông báo cho Quốc Hội trong vòng 48 giờ khi đưa quân đội vào một chiến dịch quân sự ở hải ngoại, và cấm sự tiếp tục tham chiến quá 60 ngày cộng thêm 30 ngày để triệt thoái.

Tuy nhiên người ta tin rằng biện pháp ngưng cấp ngân khoản nếu được chấp thuận ở Hạ Viện cũng sẽ không được thông qua tại Thượng Viện.

Chủ Tịch Hạ Viện John Boehner hôm Chủ Nhật gửi văn thư cho tòa Bạch Ốc nói rằng Hành pháp có thể đang vi phạm luật về chiến tranh.

Nhưng tòa Bạch Ốc không đồng ý với quan điểm ấy với lập luận hoạt động quân sự ở Libya phục vụ lợi ích của Hoa Kỳ và chỉ trong một tầm mức rất giới hạn trên nhiều lãnh vực, hơn nữa đây không phải là một cuộc chiến tranh, do đó tổng thống có quyền hiến định để điều động quân đội.

Bản phúc trình của tòa Bạch Ốc cũng xác định là đã tham khảo kỹ lưỡng với Lập pháp, bao gồm 10 cuộc điều trần, 30 buổi báo cáo trước Quốc Hội cũng như những e-mails trao đổi với các thành viên Lập pháp.

Trong khi đó tại Libya, theo nhận định của đặc phái viên Nga, tình thế đi tới giai đoạn giao chiến giữa hai quân đội của lực lượng nổi dậy và chính quyền Gadhafi.

Cuộc nội chiến hiện nay đang diễn tiến có lợi thế cho phe nổi dậy cả về mặt quân sự cũng như chính trị ngoại giao với 15 quốc gia đã chính thức công nhận chính quyền ở Benghazi.

Quân nổi dậy hôm Thứ Ba bắt đầu ra khỏi thành phố Misurata mà họ đã phòng giữ được từ hơn hai tháng qua để tiến về hướng Tripoli.

 Máy bay chiến đấu NATO tái tục những cuộc oanh kích mạnh mẽ nhắm vào thủ đô Libya và trực thăng võ trang mở những phi vụ xạ kích nhắm vào những đơn vị quân đội trung thành với Gadhafi.

 Lực lượng nổi dậy từ hai hướng tiến tới ngoại ô Zlitan phía Ðông Tripoli và đánh chiếm được thành phố Kikla cách Tripoli 90 dặm về phía Tây Nam. (HC)