Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 15/O6/2011

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 15/O6/2011 PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Phước   
Thứ Tư, 15 Tháng 6 Năm 2011 09:48

« Sự tham ăn của gã khổng lồ Trung Quốc » đang gây quan ngại tại vùng Đông Nam Á.



Biển Đông và tham vọng bá quyền của Trung Quốc

Biểu tình phản đối Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam,
tại Hà Nội, 5/6/2011. (REUTERS/Kham)

Với dòng tựa « Biển Đông dậy sóng » và bức ảnh hai lính hải quân Việt Nam đang đi tuần phòng trên đảo Trường Sa, Libération hôm nay tiếp tục phân tích tình hình căng thẳng đang diễn ra giữa các nước bên bờ Biển Đông.

Tờ báo nhận định, đây là một vùng biển chất chứa những tranh chấp lãnh hải và tham vọng bá quyền. Tờ báo cũng nhắc lại, đợt căng thẳng mới này bắt đầu từ cuối tháng 5. Khi ấy, ba tàu Trung Quốc đã phá hủy thiết bị của một tàu thăm dò thuộc tập đoàn dầu hỏa Petrovietnam. Và lúc đó, Hà Nội đã tố cáo Trung Quốc xâm phạm chủ quyền lãnh hải trong phạm vi 200 hải lý của Việt Nam. Vụ việc đã khiến nhiều người Việt Nam xuống đường biểu tình chống chính quyền Bắc Kinh.
Theo Libération, thường thì Hà Nội không chấp nhận biểu tình, nhưng lần này đã để tự do cho làn sóng dân tộc chủ nghĩa chống học thuyết bành trướng của Trung Quốc.

Libération đánh giá, tranh chấp này không phải là mới mẽ gì đối với « hai huynh đệ cộng sản trong thế kẻ thù » này. Năm 1974, Bắc Kinh đã chiếm Hoàng Sa, rồi năm 1988, hải quân hai bên đánh nhau khiến hơn 70 quân nhân Việt Nam thiệt mạng.

Hôm thứ hai, Hà Nội đã cho tiến hành tập trận bắn dạn thật trên biển. Bộ ngoại giao Việt Nam cho biết, đó « chỉ là cuộc tập trận thường niên ». Hôm qua, theo Libération, như để gửi một thông điệp kiên quyết đến Trung Quốc, Việt Nam đã ban hành lệnh miễn gọi nhập ngũ thời chiến.

Các nước bắt đầu phản ứng mạnh

Không chỉ Việt Nam phản ứng mạnh, mà các nước nhỏ khác có liên quan tranh chấp cũng rất kiên quyết. Đài Loan dự định cho triển khai tàu phóng tên lửa trên Biển Đông. Philippines đã phản đối lên Liên Hiệp Quốc về hành động xâm phạm của hải quân Trung Quốc. Manila cũng vừa đặt tên biển này theo cách của mình : « Biển Tây Philippines ». Nước này cũng kêu gọi sự can thiệp của Mỹ. Về phần mình, Hà Nội muốn giải quyết vấn đề theo nguyên tắc đa phương, và cũng đã kêu gọi sự hỗ trợ quốc tế.

Trung Quốc vẫn hành xử dựa trên vũ lực

Thế nhưng, Trung Quốc lại muốn theo nguyên tắc song phương, phản đối sự can thiệp của các quốc gia mà nước này cho là không liên quan. Hôm qua, một lần nữa, để hạ nhiệt căng thẳng, Bắc Kinh đã khẳng định : « Chúng tôi sẽ không dùng và không đe dọa sử dụng vũ lực ».

Dù đường lối chính thức của Trung Quốc là « Trỗi dậy hòa bình », nhưng theo Libération, hành động luôn chứng minh điều ngược lại. Nước này mỗi năm đều tăng ngân sách quốc phòng. Quân đội nước này đang phát triển theo hướng « không phải chỉ để tự vệ ».
Tờ báo nhắc lại, cách đây vài tháng, khi bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert Gates đến thăm Bắc Kinh, thì hình ảnh một máy bay tàng hình Trung Quốc được đăng tải trên báo chí chính thống của nước này. Một chuyên gia quân sự nhận định « Máy bay tàng hình chỉ phục vụ cho một điều thôi, đó là tấn công, chứ không phải tự vệ ».

Nhận định này cũng có giá trị đối với trường hợp của hàng không mẫu hạm Thi Lang (Shi Lang) của Trung Quốc. Từ vài tuần nay, hàng không mẫu hạm này đã sẵn sàng ra khơi sau 13 năm chuẩn bị. Với Thi Lang, Trung Quốc có thể tuần tra không phận trên những vùng đang tranh chấp như Trường Sa chẳng hạn.

Tổng tư lệnh của Mỹ tại Thái Bình Dương, tướng Bob Willard, nhận định : « Hàng không mẫu hạm này sẽ thay đổi căn bản phương thức hành động của Trung Quốc trong khu vực ». Tuy nhiên theo ông, Thi Lang chưa đủ sức gây quan ngại cho Hoa Kỳ.

Trung Quốc hạ giọng

L’Humanité cũng quan tâm đến tình hình Biển Đông với bài viết « Căng thẳng tại Biển Đông ».
Tờ báo cho biết, dầu hỏa và tranh chấp chủ quyền lãnh hải đang khuấy động Biển Đông, và từ nhiều ngày nay, đây là nơi diễn ra cuộc tranh cãi dữ dội giữa Trung Quốc, Việt Nam và những nước khác trong khu vực. Hôm thứ hai, Việt Nam đã cho diễn tập quân sự trên biển này.

Tờ báo cho rằng, bên cạnh chủ quyền, xích mích còn do vị trí địa chiến lược của hai quần đảo : trữ lượng dầu hỏa và khí đốt dồi dào, và là tuyến đường hàng hải quan trọng nối liền Châu Á và Ấn Độ Dương.

L’Humanité cũng nhắc lại, hồi cuối tháng 5, Hà Nội đã tố cáo Trung Quốc xâm phạm chủ quyền khi phá hoại thiết bị một tàu thăm dò dầu hỏa của Việt Nam. Rồi mới thứ năm rồi, một vụ tương tự lại xảy ra. Lần này, Hà Nội cho rằng, đó là « một vụ tấn công được tính trước », trong khi Bắc Kinh bảo hành động phía Việt Nam là « xâm phạm chủ quyền ».

Đã hai tuần liền, nhiều người Việt Nam xuống đường biểu tình chống Trung Quốc. Hôm qua, thủ tướng Việt Nam lại ký nghị định miễn nhập ngũ trong thời chiến. Philippines thì quyết định đổi tên vùng biển đang tranh chấp theo kiểu của mình.
Trước làn sóng phản đối này, hôm qua, Bắc Kinh toan làm hạ nhiệt căng thẳng khi tuyên bố sẽ không dùng vũ lực trên Biển Đông.

« Việt Nam quyết chống lại tham vọng của Trung Quốc »
Đó là nhận định của tờ La Croix về quan hệ Việt-Trung và phản ứng của Việt Nam trước anh bạn láng giềng khổng lồ này.
« Sự tham ăn của gã khổng lồ Trung Quốc » đang gây quan ngại tại vùng Đông Nam Á. Các nước phản ứng ngày càng mạnh. Việt Nam cũng vừa cho tập trận bắn đạn thật trên biển trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước liên tiếp leo thang trong mấy ngày qua.

Tờ báo nhận định, do trữ lượng dầu hỏa và vị trí hàng hải chiến lược, nên nhiều nước đã tuyên bố chủ quyền một phần hay toàn bộ các vùng đảo. Thế nhưng, tranh chấp gây chú ý nhất là giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Tờ báo này cũng nhắc lại sự kiện Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa hồi năm 1974, và việc đụng độ của hải quân 2 nước hồi năm 1988 tại Trường Sa khiến hơn 70 lính Việt Nam thiệt mạng.

La Croix nhấn mạnh, sự lớn mạnh về quân sự và việc Trung Quốc yêu sách hầu hết diện tích Biển Đông đã làm dấy lên lo ngại về sự bá quyền của Trung Quốc trong khu vực. Mỹ đã lên tiếng bày tỏ quan ngại và kêu gọi giải pháp hòa bình.
La Croix kết luận : Được Hoa Kỳ chia sẻ lo lắng, Việt Nam phản ứng mạnh với mục tiêu cảnh báo cho Trung Quốc những giới hạn mà Bắc Kinh không thể vượt qua.

Nguy cơ bạo động xã hội ngày càng tăng tại Trung quốc

Liên quan đến tình hình nội vụ Trung Quốc, Le Monde cho biết « Tại Trung Quốc, xung đột với chính quyền biến thành các cuộc nổi dậy ». Tờ báo cho biết các phong trào phản kháng của người dân đã bị đàn áp bằng vũ lực.

Sự bất mãn và thiếu lòng tin trong dân đối với chính quyền đã kéo theo việc mỗi năm Trung Quốc có đến nhiều chục ngàn vụ biểu tình dữ dội. Tuy nhiên, theo Le Monde, nổi nhất là các vụ diễn ra trong thời gian gần đây. Hình ảnh trên Internet cho thấy, các lực lượng an ninh võ trang đã được triển khai hàng loạt. Tại tỉnh Hồ Bắc và Quảng Đông, xe tăng bộc thép đã hai lần được sử dụng.

Tại thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, một đôi vợ chồng trẻ gốc Tứ Xuyên bị cảnh sát đánh đập vào ngày 10/6. Người vợ mang thai bị kéo lê trên mặt đất. Người dân không chịu được, đã lao vào cứu, và cảnh sát đã can thiệp. Tiếp sau đó mấy ngày liền, thanh niên, nhất là công nhân di cư, đã « nổi dậy » chống lại cảnh sát. Dù chính quyền địa phương đảm bảo rằng đôi vợ chồng bình an vô sự, nhưng bạo lực vẫn tiếp diễn.

Trước đó một tuần, cũng tại Quảng Đông, một lao động gốc Tứ Xuyên, do đòi tiền lương, đã bị chủ mình cho người đánh trọng thương. Hàng ngàn người dân nhập cư đã bao vây trụ sở chính quyền địa phương để đòi công lý, thậm chí còn đốt cả xe cảnh sát.
Quảng Đông tiếp nhận khoảng 30 triệu lao động nhập cư. Người nhập cư phải sống cực khổ, thiếu thốn. Đặc biệt họ phải chịu sự khắc nghiệt của giới chủ, của chủ nhà trọ, của chính quyền khu phố, của các lực lượng an ninh địa phương.

Le Monde cũng thông tin về cái chết của một cán bộ nhà nước 49 tuổi. Ông này đã ủng hộ dân xuống đường biểu tình. Sau đó, ông bị bắt vì tội hối lộ, và chết bí ẩn trong tù vài ngày sau đó. Đồng nghiệp của ông thì bị gây sức ép để tố cáo ông. Khi hình ảnh thi thể bầm dập của ông được lan truyền trên mạng, hàng ngàn người đã xuống đường biểu tình, đương đầu với quân đội và cả xe tăng bộc thép.

Bầu không khí căn thẳng này càng làm sôi động động hơn cuộc tranh luận đang diễn ra ở Trung Quốc, về hạn chế của chính sách « duy trì ổn định bằng mọi giá » của Bắc Kinh. Tuần san Century Weekly dành bài xã luận cho chủ đề này và nhận định : « Xã hội Trung Quốc đang đứng giữa ngã ba đường, và các nhà lãnh đạo cũng hiểu rõ điều đó ». Theo tờ báo này, đã đến lúc phải thiết lập một nhà nước pháp quyền thật sự, với một cơ quan lập pháp đúng nghĩa, một ngành tư pháp độc lập, và có sự đảm bảo cho xã hội dân sự và các tổ chức phi chính phủ.

Ngành giải trí và truyền thông tiêp tục tăng trưởng

Trong lĩnh vực kinh tế, Les Echos có tin vui đến từ một nghiên cứu của Công ty kiểm toán quốc tế PwC, đó là ngành công nghiệp truyền thông và giải trí sẽ tăng trưởng nhanh chóng trong thời gian tới.

Năm 2009, ngành này giảm đi 2,1%. Nhưng năm 2010, đã tăng 3,6%. Giai đoạn 2011-2015, tăng trưởng ước tính đạt gần 6%. Nếu dự báo này là chính xác, thì doanh số của 4 năm tới sẽ là 1.410 tỷ euro/năm, so với 1.070 tỷ của năm 2010.

Tăng trưởng này chủ yếu dựa vào ngành công nghiệp kỹ thuật số, với ước tính sẽ đóng góp gần 59% cho sự tăng trưởng trong 4 năm tới.
Trên thị trường thế giới, đầu tàu tăng trưởng chính sẽ là ngành quảng cáo trên mạng, kế đến là trò chơi điện tử. Còn truyền hình vẫn sẽ giữ vị trí « phương tiện truyền thông vua ». Tuy nhiên, dự báo cho biết ngành công nghiệp âm nhạc sẽ tiếp tục giảm cường độ phát triển.
Trên phương diện địa lí, các nước như Trung Quốc, Nga, Braxin, Ấn Độ, Việt Nam…, mức tăng trưởng sẽ cao hơn bình thường, đạt trên 10%. Trong khi đó, ở các nước được xem là « đã chín » như Mỹ, Anh, Đức, Pháp và Nhật, con số này chỉ có 3,7%/năm.

Trang nhất các báo Pháp

Les Echos đăng bài phỏng vấn người đứng đầu tập đoàn hạt nhân Areva (Pháp) về tương lai ngành hạt nhân. Bà này khẳng định, Fukushima sẽ không đặt lại vấn đề cho tương lai ngành hạt nhân.

Le Figaro quan tâm đến kinh tế Pháp. Với bài viết « Air France dưới sức ép chọn Airbus thay vì Boeing », tờ báo cho biết Air France đang chịu sức ép của quốc hội Pháp trong việc phải chọn Airbus cho đơn đặt hàng máy bay đường dài khổng lồ sắp tới.

Libération nhìn vào một gốc khác của xã hội Pháp, đó là tình trạng buôn bán và sử dụng ma túy ở các ngoại ô của nước này. « Ma Túy : ngoại ô nổi giận », đó là tựa đề của bài viết chạy trên trang nhất, trong đó Libération thông tin về việc nhiều người dân xuống đường biểu tình chống ma túy và yêu cầu giải pháp của các nàh chức trách.

Le Monde dành ưu tiên cho thế giới Ả Rập với 8 trang đặc biệt phân tích chi tiết về Mùa Xuân Ả Rập. Bài viết chạy tựa lớn trên trang nhất « Thế giới Ả Rập : sáu tháng sau khi lóe sáng ».