Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 13 Tháng 6 Năm 2011 |
Tác Giả: Lê Phước |
Thứ Hai, 13 Tháng 6 Năm 2011 10:13 |
Trung Quốc đối mặt với bạo động xã hội
Từ cuối tháng 5, nguy cơ bạo động xã hội tại Trung Quốc càng rõ nét khi liên tiếp xảy ra các hành động chống chính phủ với các vụ tấn công bằng vũ khí. Liberation phản ánh tình hình này với bài viết nhận định : « Do lạm quyền quá mức, Nhà nước Trung Quốc làm bùng phát phẩn nộ ». Cảnh sát dã chiến Trung Quốc trên đường phố Tăng Thành, Quảng Đông ngày 16/6/2011. Tấn công bằng xe hơi có đặt bom, bằng thuốc nổ, đám đông giận dữ tấn công trụ sở chính quyền địa phương….từ hai tuần nay những hành động này xảy ra ngày càng nhiều, với mục đích là phản đối sự lạm quyền của nhà chức trách. Ầm ỉ nhất có lẽ là vụ tấn công hôm 26/5 tại thành phố Phúc Châu tỉnh Giang Tây. Hình ảnh lan truyền trên mạng cho thấy, một đám khói khổng lồ bốc lên trước trước sự bàng hoàng của đám đông. Đó là vụ nổ của hai chiếc xe hơi có cài bom và một quả bom to, xãy ra giữa ban ngày, đã phá hủy mặt ngoài của 3 cơ quan Nhà nước, trong đó có tòa án. Ít nhất có 6 người bị thương và 3 người thiệt mạng. Tác giả của vụ đánh bom này là một doanh nhân, không hài lòng với chính sách đền bù giải tỏa của Nhà nước. Ông đã đi kiện cáo khắp nơi, nhưng rốt cuộc cũng chẳng được gì. Và nguyên nhân dẫn đến hành động trên được ông thố lộ trên trang Facebook của mình : « Mười năm vô vọng tìm công lý đã buộc tôi phải chọn con đường này ». Thứ sáu rồi, tại Thiên Tân, chính quyền địa phương xác nhận đã có nhiều cơ quan Nhà nước bị đánh lựu đạn, làm hai người bị thương. Trước đó một ngày, ở Bắc Kinh, một nữ phóng viên của kênh truyền hình Nhà nước CCTV đã bị tấn công và bị xẻo mũi giữa ban ngày ngay trước cửa cơ quan. Thủ phạm của vụ xẻo mũi trên nằm trong số hàng trăm ngàn người Trung Quốc đi đấu tranh đòi công lý, nhưng vô vọng. Theo lệnh của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tòa án địa phương cùng nhau từ chối thụ lý các vụ án mà nguyên cáo là người dân và bị cáo là một cơ quan hay tổ chức nhà nước. Vụ việc thường liên quan đến vấn đề giải tỏa đền bù. Mỗi ngày có hàng chục ngàn người dân bị mất đất và mất chổ ở với số tiền đền bù rẻ như bèo. Chính quyền bán lại đất này cho các nhà kinh doanh bất động sản, và tham nhũng là việc không phải hiếm hoi. Từ mấy năm nay, vấn đề đất đai đã đẩy nhiều người vào tuyệt vọng, và đã có hàng chục chủ đất chọn cách tự thiêu để phán đối. Một nhà báo dự định tranh cử hội đồng nhân dân tại Bắc Kinh nhận định « Sở dĩ có nhiều bạo động xã hội như vậy là do chính quyền không để cho người dân có tiếng nói, tất cả đều được quyết định kín, không có sự tham gia quyết định của người dân ». Theo ông này, người đánh bom ở thành phố Phúc Châu ngày 26/5 vừa nêu trên đã bị ép đến bước đường cùng, và anh buộc phải làm cho mọi người nghe thấy tiếng kêu của mình bằng hành động đánh bom. Nhà báo này khẳng định « Trung Quốc đang cần một nền dân chủ đại diện đúng nghĩa ». Liberation cũng quan tâm đến số phận các nhà chức trách biết lắng nghe tiếng nói người dân. Tờ báo cho biết, đôi khi các nhà chức trách biết yêu dân này cũng chịu số phận bi thảm. Như chuyện một quan chức ở tỉnh Hồ Bắc. Ông này đứng về phía người dân yêu cầu chính quyền bồi thường thỏa đáng, thế là ông bị bắt vào ngày 26/5, bị buộc tội tham nhũng, và cuối cùng ngày 4/6 đã chết trong tù. Qua hình ảnh thi thể ông được loan tải trên Internet, ông có thể đã bị tra tấn đến chết. Nghe tin ông mất, người dân được ông bảo vệ đã nổi lên phản đối. Từ hôm thứ tư, họ bao vây tòa thị chính thành phố. Chính quyền phải huy động cả ngàn cảnh sát và quân nhân võ trang để đối mặt với cơn phẩn nộ của người dân. Theo số liệu chính thức, vào những năm 1990, mỗi năm xảy ra khoảng 9 000 vụ nổi dậy của người dân, nhưng năm 2010, con số này đã lên đến 127 000, tức mỗi ngày có khoảng 347 vụ. Tình hình căng thẳng đến mức, hồi cuối tháng năm chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã phải thừa nhận : « Trung Quốc đang lâm vào giai đoạn mâu thuẩn xã hội gay gắt, khiến cho việc quản lí xã hội trở nên khó khăn và phức tạp hơn ». Philippines : Hài cốt cựu tổng thống Marcos gây nhiều tranh cãi Cũng tại Châu Á, Le Figaro quan tâm đến sự kiện nhiều nghị sỹ Philippines đề nghị đưa hài cốt cựu tổng thống độc tài Ferdinand Marcos vào an táng tại Nghĩa trang Anh hùng của nước này. Bài viết mang dòng tựa « Philippines : sự trở về của Marcos », ghi nhận lại những phản ứng khác nhau về ý định này. Đề nghị trên được tuyệt đại đa số nghị sỹ Philippines đưa ra hồi tháng tư rồi. Theo một cuộc thăm dò, 50% người dân cho rằng ông Marcos xứng đáng được hưởng điều đó. Tổng thống Philippines ông Benigo Aquino đang trong ở vào thế khó xử. Cha ông đã bị ông Marcos lưu đày đi Mỹ, và đã bị chính quyền Marcos hạ sát tại sân bay ở Manila năm 1983. Vì thế, tổng thống Aquino đã « đá » vụ việc cho phó tổng thống. Trong xã hội từ đó dấy lên nhiều cuộc tranh luận với những ý kiến trái chiều. Lý do mà các vị nghị sỹ ủng hộ ông Marcos đưa ra là : Phải vinh danh một con người có đến 300 huân huy chương quân đội, người chiến binh của thời thế chiến thứ hai, và là người làm tổng thống suốt 20 năm, một người có công trong công cuộc hiện đại hóa nông nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng, đường xá và điện. Tuy nhiên, một nhà văn cho rằng, đấy là một mưu toan viết lại lịch sử. Theo ông này, sự thật về ông Marcos đã được « sáng tác » đủ kiểu, « một người đã từng bắt bớ, tra tấn và giết hại đối lập, thâm lạm công quỹ, không xứng đáng để làm gương ». Một cựu quan chức ngành giáo dục thì cay đắng : « Người Philippines lẽ nào dể quên đến thế ? ». Le Figaro cho biết, từ năm 1972, năm thiết lập thiết quân luật, đến năm 1986, quân đội đã bắt giam, tra tấn hàng trăm ngàn người và đã sát hại hàng chục ngàn trong số đó. Xác chết bị bỏ rãi rác bên đường, gây kinh hoàng trong dân chúng. Thế hệ trẻ hiện tại không biết nhiều về sự thật này, mà chỉ biết đến gia đình Marcos là gia đình của những người nổi tiếng : Cựu hoa hậu Imelda, con trai bà tích cực trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, cháu trai bà là một người mẫu nổi tiếng. Liên quan đến nguyên nhân chính trị của đề nghị trên, một nhà văn nhận định, đó là bước đi đầu tiên trong tham vọng tranh cử tổng thống năm 2016 của Ferdinand Marcos con. Kể từ cuộc bầu cử tháng năm 2010, phe Marcos đã trở lại thao túng chính trường. Cựu đệ nhất phu nhân Marcos được bầu vào Quốc hội, con gái bà thì giành được ghế lãnh đạo tỉnh Ilocos, lãnh địa của gia đình Marcos, con trai bà thì được bầu vào thượng viện. Đạo diễn Joel Lamangan chua chát nói « Chúng tôi đã hy sinh cả tuổi thanh xuân để lật đổ Marcos, rồi giờ đây, viễn cảnh đất nước có một vị tổng thống mới là hậu duệ của Marcos khiến tôi phải nổi da gà ». Ông này cũng nhận định : « Chúng ta không thể chôn vùi thi thể Marcos trước khi đánh đuổi được bóng ma của một nền chính trị thụ động do Marcos đã cỗ vũ». Nhật Bản : phong trào chống hạt nhân ngày càng mạnh mẽ Đến với tình hình Nhật Bản thời hậu khủng hoảng hạt nhân, Le Monde có bài thông tin « những người chống hạt nhân tuần hành với những cánh hoa tại Tokyo ». Hôm thứ bảy ngày 11/6, gần ba ngàn người đã tuần hành trước trụ sở của công ty Tepco, công ty trực tiếp khai thác nhà máy hạt nhân Fukushima. Trong tiếng nhạc Châu Phi và Nhật Bản, người tuần hành cầm trong tay những đóa hoa hướng dương làm bằng giấy. Cuộc biểu tình này được tổ chức theo lời kêu gọi của nhiều tổ chức chống hạt nhân và các nghiệp đoàn thuộc Đảng Dân chủ Xã hội. Một cuộc biểu tình tương tự được dự trù vào cuối ngày hôm đó tại một nơi khác ở Tokyo. Các cuộc biểu tình cũng đã diễn ra ở các thành phố bị thảm họa như Koriyama và Minamimosa, ở vùng lân cận nhà máy hạt nhân. Le Monde cho biết, những hành động trên chỉ là phần nhỏ của một sự bất bình sâu rộng hơn. Theo thăm dò báo chí, 73% người Nhật phản đối việc xây dựng thêm các nhà máy hạt nhân mới. Sự phản đối này nhận được sự ủng hộ nặng ký từ Haruki Murakami, nhà văn Nhật Bản được đọc nhiều nhất trên thế giới. Trong diễn văn nhận một giải thưởng quốc tế vào hôm thứ sáu tại Barcelona, ông này đã lên án việc sử dụng năng lượng hạt nhân. Pakistan : Quân đội tìm cách tự cứu mình Nhìn về một quốc gia Châu Á khác là Pakistan. Sau khi trùm khủng bố Oussama Ben Laden bị hạ sát, tình hình Pakistan ngày càng rối ren, quân đội mất uy tín trong dân, thậm chí còn bị đe dọa. Nội dung này được Le Figaro phản ánh qua bài viết « Quân đội Pakistan trong thế phòng thủ ». Chìm trong làn sóng bạo lực thời « hậu Ben Laden », Pakistan đang gây chiến với chính mình. Tối thứ bảy rồi, lại một vụ tấn công đẫm máu xảy ra tại một tỉnh giáp ranh với Afghanistan, làm ít nhất 40 người thiệt mạng, và hơn trăm người bị thương. Vụ tấn công được cho là do Phong trào Taliban ở Pakistan (TTP) gây ra. Thế nhưng, sau đó, người phát ngôn của tổ chức này đã đính chính, và cho rằng thủ phạm là các lực lượng tình báo nước ngoài, muốn làm mất uy tín của TTP. Người này còn thẳng thừng tuyên bố : « Chúng tôi không bao giờ tấn công người vô tội. Mục tiêu của chúng tôi là rất rõ ràng, chúng tôi tấn công các lực lượng an ninh, chính phủ và tất cả những ai ủng hộ họ ». Vụ biệt kích Mỹ tiêu diệt Ben Laden hồi đầu tháng năm đã kéo theo nhiều hậu quả nghiêm trọng cho Pakistan. Trước tiên, đó là việc liên tục xảy ra các vụ tấn công nhắm vào quân đội và cảnh sát, vốn bị các lực lượng hồi giáo cực đoan cho là « chó săn của Washington ». Hậu quả kế tiếp là quân đội Pakistan mất hẳn uy tín trong dân. Theo Le Figaro, điều khiến người Pakistan phẩn nộ nhất không phải là việc Ben Laden đã có thể sống nhiều ngày tháng êm đềm trong vùng lân cận Islamabad, mà đó chính là việc trực thăng Mỹ xâm nhập vùng trời Pakistan vào lúc nữa đêm, tấn công mục tiêu tại nơi chỉ cách Islamabad khoảng 100 cây số, thế mà « không đánh thức được một anh lính Pakistan nào ». Trong bối cảnh đó, tổng tham mưu trưởng quân đội Pakistan, tướng Ashfaq Kayani tìm cách xoa dịu dư luận. Ông đã lên án nhiều thỏa thuận giữa nước này với Mỹ. Ông còn tuyên bố « Việc trao đổi thông tin giữa cơ quan tình báo hai nước sẽ phải dựa trên nền tảng của một sự hợp tác chặt chẻ và một sự minh bạch tuyệt đối ». Ngược lại với những quyết định được đưa ra trong chuyến thăm của ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton hồi cuối tháng 5, tướng Kayani khẳng định chưa tiến hành ngay chiến dịch tại vùng bắc Waziristan, nơi trú ẩn của phiến quân hồi giáo quốc tế. Le Figaro kết luận : Quân đội đang tiến hành mọi biện pháp nhằm đánh bóng lại hình ảnh của mình, trong một đất nước mà quân đội nắm thực quyền.
|