Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 12 Tháng 6 Năm 2011

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 12 Tháng 6 Năm 2011 PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Phước   
Chúa Nhật, 12 Tháng 6 Năm 2011 18:06

Việt Nam phải hành động kiên quyết hơn để bảo vệ chủ quyền biển đảo

 

Bản đồ yêu sách lãnh hải tại biển Đông, trong đó có yêu sách của Trung Quốc mang tên gọi "đường lưỡi bò", hay hình chữ U.
Nguồn : eia.doe.gov

Chủ đề Biển Đông và thái độ trịch thượng của Trung Quốc đối với các nước láng giềng đã thu hút mạnh mẽ báo chí thế giới.

Tạp chí Courrier International nhận định, ngày 26/5, tàu Trung Quốc đã tấn công tàu Việt Nam trong vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, sự việc gây phẫn nộ cho báo giới địa phương.

Minh chứng cho nhận định này, Courrier International dẫn lại bài của báo Thanh Niên (Việt Nam) với dòng tựa “Một hành động quá đáng của Trung Quốc”.

Theo Thanh Niên, từ nhiều năm nay, mỗi khi tàu đánh cá Việt Nam bị tàu ngoại quốc tấn công, Việt Nam thường cho rằng đó là những « tên cướp biển lạ », và phải chờ đợi điều tra để xác định chính xác thủ phạm. Thế nhưng, sau sự việc diễn ra ngày 26/5 chỉ nằm cách bờ biển Việt Nam có 120 hải lý, hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, sự nghi ngờ không còn có chỗ đứng nữa.

Nhân dạng và mục đích của kẻ tấn công đã trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Tàu tuần tra Trung Quốc đã ngang nhiên xâm nhập vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam và còn cắt cáp tàu Bình Minh II thuộc tập đoàn dầu khí quốc gia Petrovietnam đang thăm dò dầu hỏa.

Trung Quốc yêu sách 80% diện tích Biển Đông, vì thế mới hành động như vậy. Hành động đó đã vi phạm chủ quyền đã được thiết lập vững chắc của một quốc gia.

Theo nhiều chuyên gia, những yêu sách của Trung Quốc dựa trên bản đồ chín đoạn, hay « đường lưỡi bò » là hoàn toàn thiếu căn cứ. Hành động vừa rồi của Trung Quốc đã cho thấy tham vọng bá quyền và quyết tâm thách thức dư luận quốc tế của nước này. Hơn nữa, hành động đó còn đi ngược lại tất cả các thhỏa thuận trong bản Tuyên bố về ứng xử tại Biển Đông được ký kết giữa Trung quốc và các nước Asean hồi năm 2002.

Báo Thanh Niên kêu gọi, ngày nay người Việt Nam phải phản ứng chính thức và khẳng định quyết tâm.

 Nhiều năm qua, hàng chục tàu các Việt Nam đã bị tàu Trung Quốc tấn công trong khi hoạt động trong lãnh hải Việt Nam và không hề vi phạm luật lệ gì. Thế mà, Việt Nam đã không phản ứng mạnh. Trong khi đó, Trung Quốc đã tỏ ra khinh nhờn và lợi dụng sự kiềm chế của Việt Nam.Trung Quốc đã tiếp tục cư xử một cách vô trách nhiệm.

Tờ báo kết luận: Do không phản ứng kiên quyết, hiện tại chúng ta có nguy cơ phải chịu nhiều tổn thất về kinh tế, và nếu cứ như vậy, phẩm giá của dân tộc ta sẽ bị xúc phạm.

Nhận định về phản ứng mạnh mẽ của báo giới địa phương, Courrier International cho biết, Hà Nội thường có thái độ nhường nhịn trước việc xâm phạm lãnh hải của tàu Trung Quốc, thế nhưng lần này, Việt Nam đã không tiếp tục im lặng nữa. Đây là một sự kiện hiếm hoi, và minh chứng là bài xã luận của báo Thanh Niên vừa nêu trên. Courrier International cũng nhắc lại việc ngày 5/6 hàng trăm người Việt Nam đã biểu tình phản đối Trung Quốc trước tòa Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội.

Trung Quốc : Người tự ứng cử còn gặp nhiều khó khăn

Đến với tình hình chính trị Trung Quốc, Courrier International dẫn lại bài của một tờ báo thành phố Tế Nam (Jinan) thuộc tỉnh Sơn Đông, phản ánh những khó khăn và thua thiệt của các ứng cử viên tự do trong các cuộc bầu cử ở nước này. Bài viết đề tựa « Các ứng cử viên không được mong đợi ».

Vừa qua, khoảng 30 người đã tuyên bố ý định ra ứng cử vào các hội đồng nhân dân địa phương. Sự việc mang đến dấu hiệu của một xã hội năng động, đồng thời cũng làm dấy lên cuộc tranh cãi về qui định pháp luật có liên quan.

Trong số những người tự ứng cử có cả các giáo sư đại học, nhà văn, đặc biệt có cả một học sinh phổ thông 18 tuổi muốn ra tranh cử vào hội đồng nhân dân địa phương.

Theo một chuyên gia chính trị thuộc Viện Xã hội Chủ nghĩa Trung ương, hiện tại đã có 27 người tuyên bố tự ứng cử. Cũng theo ông này, khái niệm « ứng viên tự do » không phải là khái niệm chính thức của nhà nước, đây là từ mà báo đài hay dùng.

 Ở Trung Quốc, « ứng viên tự do » là người ra tranh cử mà không có sự ủng hộ của đảng hay một hội đoàn nào, và phải có được 10 chữ ký ủng hộ của cử tri.

Trường hợp tự ứng cử đã từng xảy ra ở Thẩm Quyến và Bắc Kinh. Năm 2003, giám đốc Trường cao đẳng Kỹ thuật Thẩm Quyến khi đó đã tự ứng cử vào hội đồng nhân dân huyện, và đã đắc cử. Hiện tại, ông này là ứng cử viên độc lập duy nhất trúng cử tại Trung Quốc.

Năm nay, ứng viên độc lập nhiều hơn, năng động hơn, vì thế trên Internet cũng đã xuất hiện nhiều cuộc tranh luận. Theo chuyên gia nói trên, điều đó cho thấy một sự tiến bộ vượt bậc và cho thấy một xu hướng chính trị quan trọng.

Về phần mình, một giáo sư thuộc Viện Hành chính Quốc gia cũng cho rằng, nên xem việc tự ứng cử là yếu tố ổn định và cân bằng xã hội, chứ không nên có ý nghĩ ngược lại.

Tuy nhiên, theo tờ báo, những người tự ứng cử phải chịu nhiều bó buộc của luật pháp vì luật bầu cử Trung Quốc không qui định chiến dịch tranh cử. Hơn nữa, có những qui định luật pháp rất ngặt nghèo về điều kiện tiếp xúc giữa ứng viên với cử tri.

Courrier International cũng dẫn lại ý kiến của tờ Hoàn Cầu thời báo thuộc đảng Cộng Sản Trung Quốc.

Tờ báo này nhận định : « Các « ứng viên tự do » bắt chước các đảng phái đối lập phương Tây. Họ toan biến nền « văn hóa bao dung » của Trung Quốc, một nền văn hóa đề cao sự thống nhất trong khi vẫn chấp nhận điều khác biệt, thành một nền « văn hóa đối lập ». Thế nhưng cuối cùng họ phải trở lại với thực tế mà thôi. Sự mềm dẻo của Trung Quốc không phải là vô hạn, mưu toan vượt khỏi giới hạn đó có thể trở thành kẻ vô trách nhiệm ».

Tuy nhiên theo một trang mạng Trung Quốc cho hay, đã có vài ứng viên tự do bị cảnh sát đe dọa, các cuộc hội họp của họ bị cảnh sát giải tán, họ bị bắt giải về đồn vài tiếng đồng hồ thậm chí bị nhốt vài ngày. Một vài người còn bị an ninh triệu tập.

Châu Âu đang lâm vào khủng hoảng dân chủ ?

Châu Âu thường phê phán tình trạng dân chủ của nước khác, thế nhưng lần này, tuần san L’Humanité dành ưu tiên thông tin và phân tích tình hình dân chủ tại châu lục này với nhận định « Khủng hoảng dân chủ tại Châu Âu ».

Việc người Tây Ban Nha phẫn nộ xuống đường biểu tình đã ảnh hưởng đến nhiều nước châu Âu khác. Nó chứng tỏ rằng người dân không chấp nhận làm vật hiến sinh cho các chính sách thắt lưng buộc bụng của chính phủ, đồng thời cũng cho thấy một hiện trạng xã hội, đó là châu Âu đang sống trong cuộc khủng hoảng dân chủ.

Người Tây Ban Nha đòi quyền dân chủ thật sự, họ cho rằng, các đảng phái chính trị truyền thống, thậm chí cả các tổ chức nghiệp đoàn đều không hiệu quả, họ tìm những khuynh hướng chính trị mới và đánh giá thấp các tổ chức có yêu sách và đề xuất tương đồng với họ.

Châu Âu đã được « bán », cho người dân với lời hứa hòa bình, anh ninh và chia sẻ sự thịnh vượng. Thế mà ngày nay, châu lục này là một không gian chiến tranh kinh tế hoành hành, an sinh xã hội bị xâm hại, nạn thất nghiệp ngự trị.

Theo tờ báo này, dấu hiệu của sự « thâm hụt dân chủ » được biểu hiện qua sự độc lập thái quá của Ngân hàng Trung ương Châu Âu và quyền lực quá lớn của Ủy ban Châu Âu. Ngân hàng này biểu trưng cho học thuyết giáo điều theo trào lưu tự do kiểu mới trong lĩnh vực tiền tệ, còn Ủy ban Châu Âu cũng thế nhưng trong lĩnh vực kinh tế và xã hội.

Châu Âu đã không đáp ứng được mong đợi của người dân, và vì thế đã bị người dân phản đối liên tục. Như ở Pháp vào năm 2005, tuyệt đại đa số người dân Pháp từ chối thông qua bản Hiến pháp châu Âu.

Tiếng nói dân chủ bị xem thường, người dân phải nai lưng gánh lấy hậu quả khũng hoảng. Cuộc khũng hoảng dân chủ ngày càng sâu rộng, và biểu hiện cụ thể là việc ngày càng có nhiều người dân không quan tâm tham gia các hoạt động chính trị. Trong bối cảnh đó, những đảng phái cực bảo thủ ngày càng được ủng hộ.

Chi phí vụ án DSK có thể lên đến nhiều triệu đô la

Các tạp chí Pháp tuần này tiếp tục dành nhiều giấy mực cho ông Dominique Strauss-Kahn. Le Figaro cung cấp thông tin thú vị về chi phí mà người tù nhân « xa xỉ nhất thế giới » này phải trả cho cả vụ án.

Hai triệu đô là là mức chi tối thiểu nếu ông DSK phải chờ đợi bản án trong nhiều tháng tại khu «nhà tù vàng » ở Tribeca.

Trước tiên, đó là tiền thuê nhà hàng tháng lên đến 50 000 đô la. Đó là một ngôi nhà sang trọng, đạt chuẩn « siêu xa xỉ » ở New York. Thỉnh thoảng, có nhân viên giao hàng đến giao những món ăn đến từ các nhà hàng sang trọng trong khu phố.

Bên cạnh là chi phí dành cho sự tự do có điều kiện của ông DSK : có người canh giữ 24/24, đeo dây điện tử, camera …chi phí cho việc quản thúc này lên đến 200 000 đô la một tháng.

Để được tại ngoại hầu tra, ông DSK đã phải đóng 1 triệu đôla và cộng thêm 5 triệu đôla tiền đảm bảo.

Theo tờ L’Expansion (Pháp), tài sản vợ chồng ông DSK có thể đến 55 triệu đô la. Nhưng theo nhiều chuyên gia, con số này còn cao hơn nhiều. Thu nhập của ông DSK mỗi năm đến 2 triệu đô la.

Nói về chi phí dành cho luật sư, Le Figaro cho biết, luật sư Benjamin Brafman nổi tiếng đắt giá tại New York với mức 1 000 đô la/giờ. Thế nhưng, hiện tại, số tiền ông DSK sẽ trả cho ông này và người đồng nhiệm luật sư William Taylor vẫn còn là ẩn số.

Một chuyên gia nhận định, ông DSK sẽ phải tiêu tốn nhiều triệu đô la cho vụ án, và cho cả việc khôi phục hình ảnh sau vụ án. Chưa kể là nguyên cáo Nafissatou Diallo có thể tiến hành kiện dân sự để được bồi thường. Mức bồi thường có thể được tính dựa trên năng lực tài chính của ông DSK, và có thể lên hàng triệu đô la.

Về phần vợ ông DSK, bà Anne Sinclair, từ buổi đầu vụ án, bà luôn sát cánh và ủng hộ chồng, bà không ngại tiêu tốn tiền của để bảo vệ chồng. Là tình yêu hay là sự mù quán ? Le Figaro dẫn lại quan điểm một số báo của Mỹ về chủ đề này.

Chỉ trích bà Sinclair mạnh nhất trong vô số các phương tiện truyền thông của Mỹ có lẽ là kênh truyền hình ABC. ABC đặt câu hỏi « Tại sao, tại sao và tại sao những người vợ lại chấp nhận điều đó ? », và trả lời chua cay « Bình đẳng nam nữ sẽ chỉ là điều viễn vong nếu họ chấp nhận nỗi nhục mà người đàn ông của cuộc đời họ mang đến».

Tờ New York Times thì viết về chân dung bà Sinclair. Tờ báo này nhận định, ắt hẳn bà Sinclair phải cảm thấy mỉa mai cho sự thiếu chung thủy của chồng mình, và rồi bà cũng đã chọn cách tha thứ.

Trang nhất các tạp chí Pháp tuần này

Courrier International quan tâm đến lĩnh vực việc làm giữa lúc nạn thất nghiệp đanh hoành hành tại Châu Âu. Với tít lớn chạy trên trang nhất “Chuyên môn và thực tập”, tờ báo phản ánh tình hình việc làm thanh niên ở Mỹ và châu Âu.

Le Monde chú ý đến sự bất đồng ngày càng lớn giữa các nước châu Âu thuộc khu vực Schengen, và nguy cơ đối với qui định tự do lưu thông giữa các nước thành viên. Tờ báo ghi nhận ý kiến của một số nhà trí thức về vấn đề này, với bài viết “Sự trở lại của ranh giới quốc gia”.

Tuần báo L’Humanité nhìn về châu Âu và phản ánh thực trạng dân chủ ở châu lục này với hàng tít lớn trên trang nhất “Khủng hoãng dân chủ ở châu Âu”.

Trang nhất Le Nouvel Observateur chạy hình ảnh cựu tổng thổng Jacques Chirac và tổng thổng đương nhiệm Pháp Nicolas Sarkozy, bên dưới chạy tít “Chirac đánh giá Sarkozy”. Tờ báo đăng tóm lược phần 2 hồi ký ông Chirac, và cho biết trong phần này, vị cựu tổng thống Pháp chỉ trích khá mạnh người kế nhiệm.

Hình ảnh vợ chồng cựu giám đốc IMF chiếm trọn trang nhất tờ Le Figaro, bên cạnh có hàng tựa “Bí ẩn Anne Sinclair”. Le Figaro tìm cách giải thích nguyên nhân bà ủng hộ mạnh mẽ chồng mình, và đặc biệt bước đầu ước tính chi phí vợ chồng nhà Strauss-Kahn tiêu tốn cho vụ án.

Tạp chí L’Express dành ưu tiên phản ánh thực trạng khó khăn trong hoạt động chuyên môn của các bác sỹ tại Pháp.