Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 9 Tháng 6 Năm 2011 |
Tác Giả: Minh Anh |
Thứ Năm, 09 Tháng 6 Năm 2011 16:35 |
Tại Ấn Độ, « tuyệt thực » để chống tham nhũng
Giáo chủ Ramdev tại thành phố Haridwar, phía bắc Ấn Độ, ngày 08/06/2011 Nhật báo Le Monde, hôm nay, 09/06/2011, quan tâm đến một sự kiện khá thú vị, liên quan đến cuộc chiến chống tham nhũng tại Ấn Độ. Bài viết, « Ấn Độ nổi dóa vì một người tu khổ hạnh muốn làm sạch ‘tiền lậu thuế’ » cho biết sự việc này tạo ra những luồng phản ứng trái ngược nhau trong lòng xã hội Ấn Độ hiện nay. Baba Ramdev, 47 tuổi là một giáo chủ có uy tín, đồng thời cũng là một nhà hùng biện có tài, đã làm rung chuyển Ấn Độ, khi cho tổ chức một chiến dịch « tuyệt thực », để chống nạn tham nhũng tại Ấn Độ. Mục tiêu lớn nhất của chiến dịch này nhằm yêu cầu chính phủ truy thu số « tiền lậu thuế » - trị giá khoảng 204 tỷ euro, được tích lũy từ 20 năm nay và được cất giấu tại các thiên đường thuế ở nước ngoài. Việc ông Ramdev đe dọa tổ chức tuyệt thực làm cho chính quyền do Đảng Quốc Đại lãnh đạo bị bối rối. E ngại cho làn sóng ủng hộ lan rộng, chính quyền New Dehli đã triển khai một loạt các biện pháp ngoại giao nhằm thuyết phục ông này, như thương thảo với ông thời hạn cho dự án truy thu ‘tiền lậu thuế’, thậm chí còn trải thảm đỏ để đón tiếp Baba Ramdev tại sân bay New Dehli. Thế nhưng, Baba Ramdev kiên quyết giữ vững lập trường « nhịn đói cho đến chết » của mình. Hai chục ngàn tín đồ của ông bắt đầu kéo về để tham dự chiến dịch. Dụ dỗ không xong thì phải cứng rắn. Le Monde cho biết, đêm mồng 4 rạng sáng mồng 5/6, cảnh sát New Dehli đã dùng dùi cui và khí gaz để giải tán đám đông và dỡ các lều trại. Tuy nhiên, Le Monde cho biết, có rất nhiều luồng ý kiến trái ngược nhau về nhân vật Baba Ramdev này. Là người khổ hạnh, giáo chủ Baba là chủ nhân của một đế chế kinh tế. Doanh thu hằng năm của ông đạt 170 triệu euro. Ông thống lĩnh ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe và giảng dạy tập dưỡng sinh yoga. Ông sở hữu một chiếc chuyên cơ riêng cho việc đi lại. Thậm chí, ông còn là chủ nhân một hòn đảo nhỏ thuộc Scotland, một món quà do đôi vợ chồng Glasgow trao tặng. Không những thế người ta còn đặt dấu hỏi về hệ tư tưởng. Ông Baba Ramdev cho rằng đồng tính luyến ái chỉ là một sự « rối loạn về tinh thần », cần chữa trị bằng liệu pháp yoga. Ông đề nghị án tử hình cho tội tham nhũng. Ông tuyên truyền phổ cập hóa giảng dạy bằng tiếng Hindu thay cho tiếng Anh. Cuối cùng, ông tố cáo sự gia tăng ảnh hưởng của Mỹ và các tập đoàn đa quốc gia tại Ấn Độ. Le Monde phân tích, những lời tố cáo trên chỉ có lợi cho các phe cực hữu tại Ấn Độ, khi mà chỉ còn hai năm nữa sẽ diễn ra bầu cử Quốc hội. Trước việc ông Baba Ramdev không ngừng lên tiếng chỉ trích chính phủ, các cơ quan thuế bắt đầu dòm ngó đến tài sản của Baba Ramdev hòng tìm kiếm những khe hở của ông này. Điểm cuối cùng mà Le Monde đề cập đến chính là tính chính đáng của hành động « tuyệt thực ». Trước đó, vào tháng 4, một người theo trường phái Gandhi đã sử dụng thành công phương pháp này nhằm buộc chính phủ phải cam kết ban hành một đạo luật chống tham nhũng. Tuy nhiên, một số nhà bình luận lên án hành động « dọa dẫm » này sẽ làm xói mòn đi các nền tảng dân chủ. Châu Âu muốn kết thúc nhanh cuộc chiến tại Libya Nhìn về chiến sự tại Libya, Le Figaro có bài viết « Tại Libya, liên quân có vẻ mất kiên nhẫn ». Trong khi « nhóm tiếp xúc » chính trị tổ chức cuộc họp thứ ba tại Abu Dhabi, bàn về tương lai của Libya thời kỳ « hậu Kadhafi », liên quân NATO vẫn gia tăng các cuộc không kích tại thủ đô Tripoli. Bất chấp lời tố cáo của chính quyền Kadhafi về các cuộc không kích của NATO ngày hôm qua làm thiệt mạng 31 thường dân, các bộ trưởng Quốc phòng vẫn thông qua quyết định gia tăng cường độ oanh kích và chuyển mục tiêu tấn công vào thủ đô Tripoli, với hy vọng sẽ là đòn quyết định cuối cùng cho đại tá Kadhafi. Le Figaro phân tích, cuộc chiến tại Libya cho thấy những bất đồng ngay trong lòng nội bộ NATO. Chỉ có 8 trong tổng số 28 nước thành viên trong khối liên minh Bắc Đại Tây Dương tham chiến. Đứng đầu danh sách là Mỹ, Anh và Pháp. Đức thì gần đây có vẻ dịu giọng khi tuyên bố xem xét gánh nặng mà Pháp và Anh đang hứng chịu, nhưng vẫn khẳng định rạch ròi lập trường không đổi là không gửi quân tham chiến. Các nước khác như Ý, Bỉ, Đan Mạch và Na Uy thì tham gia trong một chừng mực. Còn lại các nước Đông và Nam Âu thì kiên quyết từ chối vì không muốn nhúng tay vào. Theo Le Figaro, các nhà ngoại giao châu Âu nhìn nhận sai lầm trong chiến lược khi đã chọn tấn công bằng không quân thay vì can thiệp quân sự bằng bộ binh. Theo họ, việc sử dụng không quân có những hạn chế. Máy bay và các phi đội bắt đầu cảm thấy mệt mỏi. Chi phí bảo trì cao và rủi ro đè nặng lên dự trữ đạn dược. Việc đánh giá thấp Kadhafi và nguy cơ sa lầy tại Libya đã khiến cho Anh, Pháp và những người bạn đồng hành của mình cảm thấy mất kiên nhẫn. Nếu như cuộc chiến tại Libya vẫn tiếp tục chưa có những tiến bộ nào, thì có lẽ NATO sẽ nhắm đến việc thay đổi một chiến thuật mới như gửi bộ binh chẳng hạn. Tuy nhiên, liên quân và các bộ trưởng Quốc phòng vẫn tỏ ra rất lạc quan khi cá cược công khai về tương lai của Libya. Cuộc chiến chưa biết khi nào sẽ kết thúc nhưng họ đã bắt đầu nghĩ đến « hậu Kadhafi » và có ý định nhường lại vai trò chủ đạo cho Liên Hiệp Quốc. Quan hệ Mỹ - Pakistan Bất chấp những mối nghi ngờ vẫn đang làm lu mờ mối bang giao Mỹ-Pakistan sau vụ tiêu diệt Osama Ben Laden, « Wasington từ chối giữ khoảng cách với Islamabad » cũng là một đề tài được Le Figaro quan tâm đến ngày hôm nay. Người Pakistan tự hỏi tại sao Mỹ lại đến tiêu diệt Ben Laden ngay trên lãnh thổ của họ. Còn người Mỹ cũng tự hỏi tại sao Ben Laden trú ngay tại Abbottabad lâu đến như vậy mà không ai biết. Sau vụ tiêu diệt Ben Laden tại Abbottabad, Mỹ và Pakistan vẫn còn nghi ngờ lẫn nhau. Dưới cái nhìn của Mỹ, việc Ben Laden có thể trú ẩn lâu năm gần học viện quân sự danh tiếng tại Pakistan, đã làm dấy lên nhiều mối lo ngại về khả năng tự bảo vệ các loại vũ khí hạt nhân của các quan chức Pakistan. Họ e ngại rằng số vũ khí hạt nhân này có ngày sẽ rơi vào tay các chiến binh al-Qaeda. Ngược lại, Pakistan lo sợ Mỹ sẽ tước đoạt các đầu đạn hạt nhân của mình Vì thế, để xoa dịu căng thẳng, Mỹ buộc phải hạ giọng đối với Pakistan, vì không muốn Pakistan sẽ nổ tung và rơi vào tay của phe Djihad và các vụ khủng bố sẽ gia tăng. Mặt khác, trên mặt trận Afghanistan, Mỹ rất cần sự hậu thuẫn của Pakistan để thương lượng với phe Taliban. Cái chết của Ben Laden là một cơ hội mới nhằm thúc đẩy tiến trình hòa hợp với Taliban. Theo Le Figaro, các cuộc thương thuyết có lẽ sẽ được mở ra tại Đức và Qatar. Mỹ mong muốn Taliban chấp nhận cắt đứt quan hệ với Al-Qaeda, buông vũ khí và phải tuân thủ theo Hiến pháp nước sở tại. Nhưng theo Le Figaro, Mỹ và Pakistan lại bất đồng trên quan điểm « tái hội nhập » phe Taliban. Islamabad muốn Mỹ phải đưa nhánh Haqqani, có liên quan đến al-Qaeda vào tiến trình hòa hợp này. Đây chính là điểm yếu của các nhà lãnh đạo Pakistan, theo như lời nhận định của các chuyên gia. Việc này sẽ đẩy bang giao Mỹ-Pakistan trở về trạng thái trước khi xảy ra cái chết của Ben Laden. Như vậy, Mỹ và Pakistan khó có thể lật sang trang mới bỏ qua những hiểu nhầm và sơ suất về thông tin theo như lời kêu gọi của bà Hillary Clinton. Le Figaro kết thúc bài viết khi trích dẫn một nhận định của một trang web : « Bất chấp nỗ lực hình thành nhóm chia sẻ tin tình báo chung, người Mỹ, do không còn niềm tin vào Pakistan, vẫn sẽ tiếp tục hành động một mình ». Trang nhất các báo Pháp ngày hôm nay đề cập đến nhiều chủ đề đa dạng Nhật báo Le Monde và Le Figaro hôm nay cùng quan tâm đến đề tài gia đình tỷ phú Bettencourt xâu xé lẫn nhau. Le Monde chạy tít « Cuộc chiến pháp lý lại diễn ra ngay trong lòng gia đình Bettencourt ». Sáu tháng sau khi ký kết một tuyên bố thỏa thuận nhằm chấm dứt chiến tranh gia đình kéo dài từ nhiều năm nay, thì nay gia đình tỉ phú Bettencourt một lần nữa lại bị tan vỡ. Cho rằng mẹ mình bà Lilian Bettencourt sức khỏ kém và bị điều khiển, bà Françoise Bettencourt Meyer đệ đơn xin đặt mẹ mình dưới quyền bảo hộ. Còn trên trang nhất Le Figaro đề tựa « Những tiết lộ từ luật sư của Liliane Bettencourt ». Theo đó, luật sư của bà Liliane Bettencourt, ông Pascal Wilhelm giải thích cách quản lý công việc của bà Liliane Bettencourt và tỏ ra ngạc nhiên về hành động pháp lý của con gái bà. Trang nhất báo Le Figaro cũng quan tâm đến tình hình nợ công tại Mỹ. Với hàng tựa « Báo động về nợ của Mỹ », Le Figaro cho biết Cơ quan thẩm định tài chính Fitch đã đưa ra lời cảnh cáo nặng nề về tình hình tài chính công của Mỹ. Nếu như Quốc hội Mỹ từ đây đến 2/8 không đạt được thỏa thuận nào về việc nâng mức trần nợ, nước Mỹ được xem như là không còn khả năng thanh toán. Điều này sẽ gây ra sự bất ổn cho nền kinh tế toàn cầu. Vấn đề xã hội tại Pháp là đề tài được nhật báo công giáo La Croix quan tâm đến hôm nay. « Những người nghèo bị thế giới đô thị che lấp » là một bài phóng sự điều tra về các kiểu sống tạm bợ mới ở nông thôn của những người được hưởng mức trợ cấp tối thiểu.
|