Bắc Triều Tiên mở đường cho Trung Quốc xâm nhập qua các đặc khu kinh tế |
Tác Giả: Tú Anh |
Thứ Năm, 09 Tháng 6 Năm 2011 07:12 |
Bắc Kinh muốn nhanh chóng thúc đẩy chế độ Bình Nhưỡng chạy theo mô hình mở cửa kinh tế của Trung Quốc Sau lễ động thổ xây dựng đặc khu kinh tế tại cù laoHwanggumpyong trên sông Áp Lục vào hôm qua 08/06/2011, một buổi lễ tương tự diễn ra vào ngày hôm nay tại cảng Najin Sonbong. Qua hai dự án « hợp tác » này, Bắc Kinh muốn nhanh chóng thúc đẩy chế độ Bình Nhưỡng chạy theo mô hình mở cửa kinh tế của Trung Quốc. Đây là một chiến thuật nhất cử lưỡng tiện vừa cứu nguy cho đàn em, vừa lợi dụng tình thế gia tăng ảnh hưởng tại Bắc Á. Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-Il đang xem xét các thủy sản của đặc khu Rason (ảnh do KCNA phát hành) Không đầy hai tuần sau chuyến viếng thăm « bí mật » của Kim Jong Il tại Trung Quốc, chính quyền hai bên đã nhanh chóng tiến hành dự án thành lập cùng một lúc hai đặc khu kinh tế. Đặc khu thứ nhất nằm trên dòng sông Áp Lục, biên giới giữa hai nước. Chính xác là trên cù lao Hwanggumpyong mà tiếng Hán là Hoàng Kim Bình. Dự án thứ hai là thành phố cảng Najin Sonbong, nằm trên bờ biển phía đông của Bắc Triều Tiên và sát biên giới Trung Quốc. Kiểm soát được nơi này, thương thuyền và chiến hạm Trung Quốc sẽ có một hải cảng chiến lược một cách danh chính ngôn thuận tại vùng biển Nhật Bản. Việc xây dựng hai đặc khu kinh tế này đã được chế độ Bắc Triều Tiên mơ ước từ năm 2009. Bình Nhưỡng còn thông qua một đạo luật nhượng cho Trung Quốc khai thác trong 50 năm, đổi lại những bảo đảm là các hoạt động kinh tế trong tương lai vẫn mang lại lợi nhuận. Đối với Bình Nhưỡng thì ước vọng đầu tiên là thu hút đầu tư nước ngoài, cứu nguy tình trạng bị quốc tế cấm vận tài chính hiện nay và tránh bị ảnh hưởng kinh tế cũng như tác động chính trị từ phía Hàn Quốc. Nhưng đối với Bắc Kinh thì các đặc khu kinh tế không những tạo ra thị trường tiêu thụ tại quốc gia láng giềng, mà còn giúp cho Trung Quốc có được những điểm quá cảnh. Một con đường giao thông mới chỉ dài có 93 km, hoàn tất trong năm nay, nối liền biên giới Trung Quốc với cảng Najin Sonbong trên biển Nhật Bản. Từ đây, các loại nguyên liệu như than đá, sắt, đồng được vận chuyển bằng đường biển ngắn nhất đến Thượng Hải, thay vì phải qua đường bộ xa xôi. Do 70% đầu tư của Trung Quốc vào Bắc Triều Tiên tập trung vào khai thác quặng mỏ, nhật báo Hàn Quốc Chosun Ilbo nhận định bi quan : Chỉ độ 25 năm nữa thôi, tài nguyên của đất nước chúng ta sẽ cạn kiệt. « Hàn Quốc : Kẻ bị thiệt » Đây cũng là nhận định chung của giới doanh nhân Hàn Quốc. Một nhà kỹ nghệ xin dấu tên, tại Seuol, hoạt động tại thành phố biên giới Đan Đông của Trung Quốc giải thích : Hoàng Kim Bình là một cù lao của Triều Tiên mà giờ đây sắp do người Trung Quốc khai thác. Từ khi xảy ra vụ chiến hạm Hàn Quốc bị trúng ngư lôi ngày 26 tháng 3 năm 2010, tất cả các dự án hợp tác giữa hai miền Nam Bắc đều bị ngưng lại. Các hoạt động của doanh nghiệp Hàn Quốc tại biên giới Trung-Triều thưa dần. Seoul cấm nhập hàng xuất xứ từ Bắc Triều Tiên, hàng loạt công ty Hàn Quốc nhất là trong ngành dệt, sử dụng khoảng 15.000 nhân công Bắc Triều Tiên qua các công ty gia công, phải đóng cửa. Những công ty này được người Trung Quốc mua lại và sẽ phát triển mạnh hơn với dự án đặc khu kinh tế và sẽ có thêm nhiều người Bắc Triều Tiên làm công nhân cho Trung Quốc. Hiện nay, mỗi ngày đã có ít nhất 500 xe tải qua lại chiếc cầu biên giới. Chưa biết Bình Nhưỡng có dụng ý bỏ rơi đặc khu kinh tế đầu tiên của Bắc Triều Tiên do Hàn Quốc trợ giúp thực hiện và quản lý tại Keasong hay không ? Hoạt động tại đặc khu kinh tế này đã bị ngưng trệ từ năm 2008, sau khi một nữ du khách Hàn Quốc bị biên phòng Bắc Triều Tiên bắn chết và sau đó, Bình Nhưỡng đòi các doanh nghiệp Hàn Quốc phải tăng lương cho công nhân Bắc Triều Tiên gấp bốn lần.
|