Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 08/O6/2011

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 08/O6/2011 PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Phước   
Thứ Tư, 08 Tháng 6 Năm 2011 08:14

... nhật báo Liberation có bài phân tích mang tên « Việt Nam ưởn ngực đối đầu với tham vọng của Trung Quốc »

Châu Á tái khởi động cuộc chạy đua vũ trang

Phi cơ chiến đấu F-35 của tập đoàn vũ khí Lockheed Martin
(REUTERS)

Các nước mới trỗi dậy nối bước các cường quốc phương Tây trong việc mua vũ khí, đó là nhận định của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (Sipri) trong bản báo cáo thường niên được công bố hôm qua. Về chủ đề này, báo La Croix chạy tựa lớn trên trang nhất : "Châu Á tái khởi động chạy đua vũ trang".

Năm 2010, chi phí quân sự trên toàn cầu tăng 1,3%, đạt 1 112 tỷ euros, tức mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 2001. Thế nhưng, điều đó không có nghĩa là tất cả các nước trên thế giới đều giảm chi cho quân sự. Chỉ những nước giàu, nhất là các nước Châu Âu, đã buộc phải giảm chi phí quốc phòng theo kế hoạch thắt lưng buộc bụng dưới sức ép của cuộc khủng hoảng khinh tế.

Ngược lại là trường hợp của các nước phía nam, và những quốc gia mới nổi như Braxin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Châu Á được xem là trung tâm của phía Nam đang tăng cường trang bị vũ khí. Năm rồi, châu lục này đã nhập vũ khí với số lượng khổng lồ.

Vì sao các nước Á Châu lại tăng cường trang bị vũ khí như vậy ? La Croix cho biết : tất cả đến từ sự tương quan lực lượng trong khu vực. Chẳng hạn như, Trung Quốc và Pakistan : hai nước này đã chạy đua vũ trang từ nhiều năm nay, và cũng góp phần vào việc quân sự hóa khu vực châu Á. Năm 2010, hai nước này đứng đầu danh sách nhập vũ khí trên thế giới với tổng chi phí lên đến 4 tỷ euro. Ấn Độ có tranh chấp tại khu vực Cachemire, vì thế nước này muốn làm tất cả để chống lại Pakistan, Pakistan được sự hậu thuẫn của Trung Quốc.

Về phần mình, Trung Quốc muốn cũng cố vai trò cường quốc khu vực nên đã tăng cường ngân sách quốc phòng. Các nước làng giếng vì thế cũng lo lắng tìm cách hiện đại hóa quân đội. Thập niên vừa qua, Trung Quốc là nước mua vũ khí lớn nhất thế giới với tiêu tốn lên đến 16,4 tỷ euro, qua mặt Ấn Độ, Hàn Quốc và Hy Lạp.

Riêng năm 2010, chi tiêu quân sự của Trung Quốc đạt mức 81 tỷ euro, chiếm 7,3% chi phí quốc phòng thế giới, vượt cả Anh, Pháp và Nga. Thế nhưng, so với Mỹ thì khoảng cách còn xa, năm 2010, Hoa Kỳ chi đến 476 tỷ euro.

Liên quan đến các nước bán vũ khí, thì Mỹ và Nga vẫn đứng đầu bảng khi cung cấp hơn phân nửa thiết bị quân sự trên thế giới. Kế đến là Đức, Pháp, Anh, với gần ¼ mức xuất khẩu vũ khí qui ước trên thế giới.

Sipri cũng thông tin chi tiết về các bạn hàng chính của 5 nước kể trên : Ấn Độ và Trung Quốc nhập vũ khí chủ yếu từ Nga, Hàn Quốc và Úc nhập từ Mỹ, trong khi đó, Anh bán cho Mỹ và Ả Rập Xê Út, còn Pháp thì bán vũ khí cho Singapore, các Tiểu Vương Quốc Ả Rập thống nhất và Hy Lạp.

Spiri cảnh báo, thị trường vũ khí vẫn là một trong những thị trường tham nhũng nhất thế giới, chiếm đến 40% lượng tham nhũng trong các giao dịch quốc tế.

Vũ khí hạt nhân luôn đe dọa thế giới

Liên quan đến vũ khí hạt nhân, Sipri cho biết, dù các nước thông báo sẽ giảm lượng vũ khí hạt nhân, nhưng đến hiện tại, các loại vũ khí này vẫn là mối đe dọa nhân loại. Tám nước (Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và Israel) sở hữu đến 20 500 đầu đạn hạt nhân, trong số đó, có đến 5 000 đã được triển khai và trong tình trạng sẳn sàng tác chiến.

Bên cạnh đó, năm nước được công nhận chính thức có vũ khí hạt nhân và tham gia ký Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân năm 1968 là Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc thì hoặc là đang triển khai thêm hệ thống vũ khí hạt nhân mới, hoặc là thông báo ý định triển khai. Sipri cảnh báo, các cường quốc hạt nhân này đang hiện đại kho vũ khí của họ bất chấp thỏa thuận Start qui định việc giảm trừ vũ khí hạt nhân.

Quan hệ Mỹ-Trung : Bằng mặt chẳng bằng lòng

Quan hệ địa lý chiến lược tại khu vực Đông Nam Á ngày càng phức tạp. Năm 2010 cũng là năm chứng kiến sự gia tăng căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung ở khu vực này. Le Monde phân tích mối quan hệ giữa hai cường quốc qua biểu hiện của hai bên tại Diễn đàn An ninh khu vực Shangri-la ở Singapore vừa qua.

Trong cuộc họp toàn thể trước hơn 20 người đồng nhiệm, bộ trưởng Quốc phòng Mỹ ông Robert Gates tuyên bố Mỹ sẽ tăng cường sự hiện diện quân sự tại trong vùng Châu Á Thái Bình Dương. Câu nói này nhằm trấn an các nước đồng minh trong khu vực và cũng để bảo vệ quyền tự do lưu thông hàng hải, vấn đề mà Mỹ xếp vào hàng « lợi ích quốc gia ».

Về phần mình, bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, ông Lương Quang Liệt ra sức trấn an các nước về tầm nhìn « hài hòa » và những ý định « hòa bình » của nước này. Le Monde cũng chú ý, đây là lần đầu tiên Trung Quốc cử người đại diện cấp bộ trưởng đến diễn đàn thường niên này. Trung Quốc không ngừng tăng cường trang bị quân sự và tuyên bố Biển Đông thuộc về « quyền lợi cốt lõi », bởi thế nước này hiểu được những quan ngại do mình gây ra cho các nước.

Một vài nước như Việt Nam hay Malaysia đã phản ứng bằng cách xích lại gần Mỹ và lao vào một hình thức chạy đua vũ trang. Tất cả đều lo ngại rằng căng thẳng khu vực sẽ có thể dẫn đến cuộc đối đầu Mỹ-Trung, bởi thế họ phải chọn cho mình chiến tuyến.
Le Monde nhận định, tại diễn đàn Shangri-la lần này, hai vị bộ trưởng Hoa Kỳ và Trung Quốc không chọn giải pháp gặp nhau để chỉ trích nhau, mà lần này họ chơi chiêu bài « tạm lắng », tức cho mọi người thấy mỹ ý muốn dàn xếp giữa hai cường quốc.

Diễn đàn Shangri-la diễn ra trong bối cảnh biển Đông lại vừa dậy sóng. Tàu Trung Quốc bị tố cáo hành xử hiếu chiến trong lĩnh vực thăm dò dầu khí, và xâm nhập vùng biển thuộc chủ quyền của Philippines và Việt Nam.

Không bỏ lở dịp này, ông Gates thấy cần thiết phải xác định « nguyên tắc ứng xử » và một « cấu trúc an ninh » trong khu vực, mà theo ông nếu không có, sẽ xảy ra xung đột trong tương lai. Tuy nhiên, lời lẽ của ông không mạnh bạo, và ông cũng nhẹ giọng bảo rằng "sự lớn mạnh của Trung Quốc không phải là quan ngại trước mắt".

Về phần mình, ông Lương Quang Liệt nương theo chiều gió : « Không phải vì kinh tế Trung Quốc phát triển mà Trung Quốc trở thành mối đe dọa. Chính sách quốc phòng của Trung Quốc chỉ đơn thuần mang tính tự vệ. Trung Quốc không bao giờ có ý bành trướng quân sự cả ». Ông này cũng « thẳng thắng » thừa nhận sự lạc hậu hàng thập kỷ của Trung Quốc đối với Hoa Kỳ trong lĩnh vực quân sự. Ông cũng hứa, Trung Quốc sẽ cố gắng hết sức để Bắc Triều Tiên không có hành động khiêu khích mới.

Theo Le Monde, lời nói của tướng Lương không hoàn toàn thuyết phục cử tọa, bởi điều mọi người muốn là Trung Quốc nên hành động thay vì cứ hứa suông. Nhiều đại diện các nước Đông Nam Á và cả ông Gates đã kêu gọi Trung Quốc minh bạch các kế hoạch quân sự của mình.

Le Monde nhận định, chính quyền Obama đang cố làm hạ nhiệt trong quan hệ với Bắc Kinh sau một năm 2010 đầy căng thẳng trong vấn đề Biển Đông. Chuyến thăm của chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đến Washington hồi tháng giêng rồi, và sự nối lại các cuộc tiếp xúc quân sự giữa hai nước đã làm bầu không khí bớt căng thẳng.

Việt Nam đối mặt với tham vọng bá quyền của Trung Quốc

Le Monde cũng dành phần điểm lại căng thẳng trên Biển Đông vừa qua. Đó là việc người Việt Nam xuống đường biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, là việc chính phủ Việt Nam tố cáo Trung Quốc xâm phạm chủ quyền sau vụ tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp tàu thăm dò khai thác dầu khí Bình Minh 2 của Việt Nam.

Đi sâu hơn vào các vụ căng thẳng này, nhật báo Liberation có bài phân tích mang tên « Việt Nam ưởn ngực đối đầu với tham vọng của Trung Quốc ». Tờ báo nhận định, ở một nước mà biểu tình luôn rất hiếm hoi, thì vụ biểu tình chống Trung Quốc hôm chủ nhật rồi tại Việt Nam là một sự kiện.

Tại sao các cuộc biểu tình lại diễn ra vào thời điểm này ? Liberation giải thích, hồi cuối tháng 5, Hà Nội tố cáo Bắc Kinh phá hoại thiết bị tàu thăm dò dầu hỏa Việt Nam. Mấy ngày qua, tàu Trung Quốc lại tấn công tàu đánh cả Việt Nam trên Biển Đông. Các cuộc biểu tình diễn ra khi tại Singapore đang diễn ra Diễn đàn an ninh khu vực Shangri-la.

Liên quan đến căng thẳng vừa rồi giữa Hà Nội và Bắc Kinh, Liberation nhận định, không kể giai đoạn Trung Quốc đô hộ Việt Nam suốt ngàn năm, thì lịch sử hiện đại trong quan hệ giữa hai nước láng giềng này vẫn luôn tiềm tàng xung đột. « Hai anh hem cộng sản ở thế thù địch này » tranh chấp chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nơi có nhiều dầu khí và là tuyến đường hàng hải quan trọng thế giới. Trung Quốc đã bắt đầu xâm chiếm nhóm đảo đầu tiên vào năm 1974. Năm 1988, hai nước đánh nhau trên biển, và trận này có đến

70 người Việt Nam thiệt mạng.

Bên cạnh đó, Liberation cũng nhắc lại việc Trung Quốc tham gia khai thác bauxite tại Lâm Đồng và Đắc Nông đã làm dấy lên làn sóng dân tộc chủ nghĩa trong dân Việt Nam do lo sợ về ảnh hưởng tại hại đến môi trường và an ninh quốc gia.

Không chỉ làm lo ngại cho Việt Nam, Trung Quốc còn làm hoang mang các nước láng giềng khác. Theo Liberation, tham vọng trên biển Đông của Trung Quốc đã làm quan ngại cho khoảng chục nước có quyền lợi ảnh hưởng liên quan.

Liberation nhấn mạnh, « chính Trung Quốc tạo ra các mối hiềm thù ». Không chỉ Việt Nam, mà Philippines cũng lo ngại về tham vọng của Trung Quốc. Trung Quốc đã tăng 12,7% ngân sách quốc phòng, trong đó một phần sẽ được dùng cho căn cứ tàu ngầm hạt nhân trên đảo Hải Nam. Bắc Kinh muốn bảo vệ cái họ cho là thuộc « vùng đặc quyền kinh tế » của họ, và khẳng định việc giao thương của tàu Hoa Kỳ trong khu vực « không phải là không có ý đồ».

Nhật Bản : rò rĩ phóng xạ cao gấp đôi mức dự báo

Cũng tại Châu Á, Les Echos nhìn về Nhật Bản sau ba tháng xảy ra thảm họa động đất và hạt nhân. Tờ báo dành ba trang cho chủ đề này với hai bài phân tích. Thế nhưng, đáng chú ý nhất là bài mang tựa « Fukushima : lượng phóng xạ thoát ra ngoài nhiều gấp hai lần mức thông báo ».

Ba tháng sau khi hệ thống làm lạnh của nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi bị hư hại, chính quyền Nhật Bản thừa nhận đã đánh giá thấp mức độ nghiêm trọng của thảm họa trong những ngày đầu. Hôm qua, Cơ quan an toàn hạt nhân Nhật Bản Nisa nói rõ : lượng phóng xạ thoát ra ngoài bầu khí quyển là ở mức 770 000 terabecquerels vào tuần sau 11/3. Trong khi đó, trong thông cáo ngày 12/4, con số này chỉ được cho là ở mức 370 000 terabecquerels.

Đánh giá mới này là kết quả đo lường trên thực địa của Nisa. Lần này, không phải đo lường trên máy tính, mà tiến hành trong lòng các lò phản ứng. Theo Nisa, phần lớn các rò rỉ phóng xạ đến từ vụ nổ trong hai lò phản ứng số 2 và 3.

Nisa cũng thừa nhận, các thanh nhiên liệu tại lò phản ứng hạt nhân số 1, 2 và 3 của nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 đã nóng chảy một phần ở thời điểm ngay sau động đất. Đây là lần đầu tiên NISA, cơ quan trực thuộc Bộ Kinh tế, thương mại và công nghiệp Nhật Bản (METI), thừa nhận tình trạng này. Đến tận tháng rồi, chính phủ Nhật vẫn còn phủ nhận kịch bản này. Hiện tại, đã có người nghi ngờ cho rằng, chính quyền cố tình đánh giá thấp thảm họa để tránh cho người dân bị hoang mang.

Cuộc chiến bảo vệ rừng còn lắm gian nan

Cuối cùng, trong lĩnh vực bảo vệ và khai thác rừng, La Croix đăng kết quả báo cáo của Tổ Chức Gỗ Nhiệt đới quốc tế (International Tropical Timber Organization (ITTO), tổ chức qui tụ 33 nước sở hữu chính các rừng nhiệt đới và chiếm 90 sản lượng gỗ nhiệt đới.
Theo báo cáo được công bố hôm qua của ITTO, diện tích rừng được qui hoạch đã tăng 30% trong vòng 5 năm qua, đạt mức 131 triệu héc ta. Kế hoạch bảo vệ rừng nhiệt đới dẫn đến kết quả trên gồm hai biện pháp chính : không chặt cây quá nhỏ và đảm bảo chu kỳ khai thác rừng. Các nước đi dầu trong công tác này là Braxin, Gabon, Malaysia và Perou.

Tuy nhiên, những tiến bộ này cũng không có gì lạc quan cho lắm, bởi phần diện tích vừa nêu chỉ chiếm một phần nhỏ bé khoảng 10%, trong khi 90% diện tích rừng nhiệt đới còn lại được quản lí không tốt, thậm chí còn không được quan tâm quản lí. Tệ hại hơn nữa là ngày càng có nhiều yếu tố tạo thuận lợi cho nạn phá rừng. Chẳng hạn như sự tăng giá thực phẩm và nhiên liệu sinh học sẽ kéo theo việc phá rừng.

Trang nhất các báo Pháp ngày 08/06/2011 :

Với hàng tựa « Syria : ông Assad đang đẩy đất nước vào hoảng loạn » trên trang nhất Le Figaro, và « Assad, kẻ sát nhân » trên trang nhất Liberation, hai tờ báo phản ánh tính hình xung đột giữa chính phủ và quân nổi dậy đang ngày càng leo thang tại Syria, và phản ứng ngày càng mạnh của cộng đồng quốc tế.

Nhật báo Les Echos dành trang nhất đăng hình ảnh những người lính Nhật Bản đang quét dọn trước đống đổ nát với hành tựa « Nhật Bản : Thời kỳ tái kiến thiết ». Tờ báo có bài phóng sự về tình hình Nhật Bản ba tháng sau thảm họa.

Le Monde dành ưu tiên cho nước Pháp với thông tin : quốc hội Pháp đã thảo luận dự án luật về việc bồi thường cho các nạn nhân của thuốc trị tiểu đường Mediator, một loại thuốc của hãng dược phẩm Servier bị cho là gây hậu quả phụ nghiêm trọng, dẫn đến tử vong.