Home Tin Tức Thời Sự 'Mong TQ thực hiện những gì đã tuyên bố'

'Mong TQ thực hiện những gì đã tuyên bố' PDF Print E-mail
Tác Giả: BBC   
Chúa Nhật, 05 Tháng 6 Năm 2011 22:04

Đây là lần đầu tiên Việt Nam có tiếng nói cứng rắn về Trung Quốc như vậy tại một diễn đàn quốc tế công khai.

Tại Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam và Philippines đã lên tiếng mạnh mẽ về các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông.

 

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đọc bài diễn văn khá ngắn gọn trong khuôn khổ tham luận chung với chủ đề 'Đối phó với các thách thức an ninh hàng hải mới' cùng bộ trưởng quốc phòng Malaysia và Philippines.

Bài phát biểu của ông Thanh chỉ sau bài diễn văn của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt chừng nửa tiếng, và trong khi ông đại tướng trình bày tới cử tọa quốc tế quan điểm của Việt Nam, thì tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, các cuộc tuần hành phản đối chính sách của Trung Quốc vẫn còn đang tiếp tục.

Bộ trưởng Lương, người từng dẫn đầu đoàn quân tiến vào quảng trường Thiên An Môn đúng 22 năm trước, nhấn mạnh trong phát biểu của mình về các nguyên tắc chỉ đạo chính sách quốc phòng Trung Quốc.

Nguyên tắc đầu tiên, theo ông Lương Quang Liệt, là bảo vệ 'lợi ích cốt lõi' của Trung Quốc, mà ông diễn giải là những gì liên quan tới chủ quyền lãnh thổ và ổn định chính trị của nước này.

Không coi trọng lợi ích cốt lõi của nhau, ông Lương cảnh báo, thì "cũng không thể có mức độ hòa bình tối thiểu".

Đã không chỉ một lần giới chức Trung Quốc đề cập tới vấn đề chủ quyền Biển Đông, nói đây là một trong các 'lợi ích cốt lõi' của Trung Quốc.

Bộ trưởng Lương Quang Liệt khẳng định Trung Quốc luôn cam kết giữ gìn an ninh ổn định ở Biển Đông, và "nhìn chung tình hình tại đây khá ổn định".

Hà Nội và Manila phản pháo

Sau khi ông Lương Quang Liệt rời diễn đài, bộ trưởng quốc phòng ba nước Asean là Malaysia, Việt Nam và Philippines đăng đàn.

Đại tướng Phùng Quang Thanh và Bộ trưởng Voltaire Gazmin của Philippines đều mạnh dạn đề cập tới các trường hợp mà họ gọi là "các vụ việc gây bất ổn trên Biển Đông".


Bộ trưởng Lương Quang Liệt nói Trung Quốc cam kết duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực

Bộ trưởng Thanh nói về vụ tàu hải giám gây hấn với tàu khảo sát Bình Minh 02 của Tập đoàn Dầu khí PetroVietnam. Sau đó trong phần trả lời câu hỏi, ông còn nhắc tới vụ việc hồi năm 2010, khi Việt Nam khảo sát để lập hồ sơ trình Liên Hiệp Quốc về thềm lục địa mở rộng, thì cũng bị tàu Trung Quốc cắt cáp thăm dò.

Về phần mình, Bộ trưởng Gazmin nhắc tới các sự kiện gần đây khi tàu của Philippines cũng bị tàu Trung Quốc uy hiếp, và đáng lo ngại nhất là vụ Trung Quốc dựng cột sắt và đổ vật liệu xây dựng xuống rặng Amy Douglas Bank của Philippines hôm 21/05-24/05.

Ông Gazmin nói các hành động trên khiến người dân Philippines 'hết sức lo ngại'.

Đại tướng Phùng Quang Thanh thì bày tỏ: "Chúng tôi mong muốn Trung Quốc thực hiện đúng những gì họ tuyên bố công khai với thế giới" và kêu gọi "hai bên phải hết sức kiềm chế, giải quyết các vấn đề một cách hòa bình".

Phần trả lời câu hỏi của ông bộ trưởng quốc phòng Việt Nam đã được cử tọa, bao gồm nhiều chuyên gia trong lĩnh vực quan hệ quốc tế, bình luận là "thẳng thắn và mạnh mẽ một cách hiếm thấy".

Thí dụ, ông nói về đàm phán lãnh thổ tại Biển Đông, và khẳng định quan điểm của Việt Nam là "chỗ nào liên quan hai nước thì đàm phán song phương, nhưng chỗ nào liên quan nhiều nước thì phải đàm phán đa phương".

"Quần đảo Trường Sa và đường yêu sách chín đoạn liên quan tới nhiều nước, thì phải đàm phán đa phương."

Ông Phùng Quang Thanh cũng đề cập tới lệnh cấm đánh bắt hàng năm mà Trung Quốc đưa ra, rằng lệnh này Trung Quốc tuyên bộ áp dụng cho cả những vùng biển của Việt Nam.

"Chúng tôi không đồng tình với việc này, và đã phản đối qua con đường ngoại giao. Các tuyên bố đưa ra cần thể theo luật pháp quốc tế."

Cảnh báo

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh thừa nhận đã có một số vụ ngư dân Việt Nam vi phạm vùng biển của nước ngoài, "nhưng cũng có những vụ ngư dân nước ngoài vi phạm vùng biển của Việt Nam".

"Để xử lý, chúng ta cần ứng xử bằng luật pháp quốc tế, một cách láng giềng, hữu nghị và nhân đạo, không xâm phạm thân thể và vật chất của ngư dân."

Trả lời câu hỏi về các động thái hiện đại hóa quốc phòng, đặc biệt là việc mua sáu tàu ngầm hạng Kilo của Nga, ông Thanh nói: "Đúng là chúng tôi đã ký hợp đồng mua sáu tàu ngầm Kilo 636 của Nga, và việc này hoàn toàn công khai minh bạch".

Ông khẳng định "đây là việc làm bình thường" phục vụ mục tiêu xây dựng và bảo vệ đất nước.

"Xây dựng quân đội mạnh để bảo vệ hòa bình, để ai đó có ý đồ xâm chiếm Việt Nam cần để ý tới yếu tố này."

Bình luận về các phát biểu của hai bộ trưởng Việt Nam và Philippines, giới quan sát nước ngoài cho rằng "các căng thẳng mới ở Biển Đông đã trào lên bàn hội nghị" Shangri-La.

Một nhà ngoại giao Nam Hàn, đề nghị giấu tên, nói "Việt Nam đã tỏ thái độ không khoan nhượng".

Tiến sỹ Ian Storey, chuyên gia về an ninh Biển Đông tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, nói độ nghiêm trọng của các vụ việc mới xảy ra đã khiến các nước như Philippines và Việt Nam không thể tiếp tục nhẹ giọng.

"Nếu quả những gì cáo buộc là sự thực, nhất là việc Trung Quốc được nói đã xây cất tại khu bãi cạn của Philippines, thì đây là các vi phạm nghiêm trọng Tuyên bố chung về cách ứng xử của các bên (DOC 2002) mà Asean đã ký với Trung Quốc."

"Nói cách khác, DOC đã thất bại không cứu vãn nổi."