Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 4 Tháng 6 Năm 2011

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 4 Tháng 6 Năm 2011 PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Phước   
Thứ Bảy, 04 Tháng 6 Năm 2011 09:14

Nhật Bản vất vả xử lý các núi rác sau thảm họa

 

Lực lượng tuần duyên Nhật Bản tìm kiếm các nạn nhân động đất và sóng thần ngày 11/3 tại các tòa nhà bị tàn phá ở thành phố Namie, Fukushima.
Reuters

Từ đây đến cuối tháng 8,Nhật phải dọn dẹp xong 500 cây số bờ biển Thái Bình Dương vừa hứng chịu thảm họa. Bên cạnh việc dọn rác ở các thành phố, còn phải làm sạch các con sông và những ruộng lúa hiện tại đang bị nhấn chìm dưới bùn, vỏ xe hơi và các mái nhà bị phá hủy. Tuy nhiên hai tháng sau thảm họa, người ta chỉ dọn được 14% trên tổng số khoảng 25 triệu tấn rác ở ba tỉnh bị tàn phá nặng nề nhất.

Vụ động đất ngày 11/3 tại Nhật Bản đã kéo theo sóng thần, rồi thảm họa hạt nhân. Le Monde hôm nay thông tin thêm một hậu quả nặng nề khác, đó là những núi rác, xà bần do cơ sở hạ tầng và nhà cửa bị tàn phá. Đến thời điểm hiện tại, công tác dọn dẹp vẫn còn nhiều khó khăn. Thông tin này được Le Monde phản ánh qua bài viết « Tại Nhật Bản, việc xử lý đống đổ nát của thảm họa 11/3 còn chậm và phức tạp ».

Theo kế hoạch của chính phủ Nhật, từ đây đến cuối tháng 8, phải dọn dẹp xong 500 cây số bờ biển Thái Bình Dương vừa hứng chịu thảm họa. Bên cạnh việc dọn rác ở các thành phố, còn phải làm sạch các con sông và những ruộng lúa hiện tại đang bị nhấn chìm dưới bùn, vỏ xe hơi và các mái nhà bị phá hủy. Tuy nhiên, tờ báo cho hay, đến ngày 11/5, tức hai tháng sau thảm họa, người ta chỉ dọn được 14% trên tổng số khoảng 25 triệu tấn rác ở ba tỉnh bị tàn phá nặng nề nhất là Iwate, Miyagi và Fukushima.

Trong nhiều thành phố, công việc dọn dẹp chỉ hoạt động cầm chừng. Như tại thành phố Ishinomaki (tỉnh Miyagi), đến nay chỉ dọn được 270.000 tấn rác trên tổng số 6 triệu tấn. Chính quyền địa phương cho biết sẽ không thể hoàn thành công việc trước tháng 3/2012. Chính phủ cho rằng, nguyên nhân chậm trễ là do phải tập trung thời gian tìm xác nạn nhân và do những khó khăn trong việc bố trí bãi rác. Một khó khăn khác là các địa phương thiếu phương tiện cần thiết, về vật chất lẫn nguồn nhân lực.

Sau khi dọn rác xong, phải tiến đến giai đoạn xử lý rác. Bộ Môi trường Nhật Bản hy vọng có thể hoàn tất việc này đến tháng 3/2014. Một phần gạch đá đổ nát sẽ được tái chế thành vật liệu xây dựng. Chính quyền địa phương còn tính đến nhiều phương án khác. Như ở tỉnh Iwate, gỗ chiếm đến 75% tổng số lượng rác, vì thế, tỉnh này muốn dùng gỗ để sản xuất điện và ván ép cho các khu nhà ở tạm thời.

 Tỉnh Miyagi muốn bán kim loại thu được cho các nhà máy luyện kim. Thành phố Iwanuma muốn sử dụng bê tông xây đập ngăn sóng thần. Các tập đoàn điện tử như Toshima đã cử nhân viên xuống hiện trường để tham gia phân loại rác.

 Công tác thu gom rác thải từ các xe hơi hư hỏng chưa tiến triển, do phải đợi sự cho phép của những người chủ của hàng trăm ngàn xe hơi bị phá hủy.

Một vấn đề khác nữa là hiện tượng rác bị nhiễm phóng xạ. Dự án xử lý rác thảm họa của tỉnh Fukushima tại thành phố Kawazaki đã dấy lên làn sóng phản đối từ trong dân, do lo ngại về nguy cơ phóng xạ.

Phong trào chống hạt nhân ở Nhật ngày càng lớn mạnh

Với bài viết « Nhật Bản tỉnh mộng hạt nhân », Le Figaro cho biết, mãi tới ngày xảy ra thảm họa 11/3, ngành hạt nhân vẫn còn là một ưu tiên quốc gia của Nhật Bản.

Hiện tại, ngành này đã bị tổn thương nghiêm trọng, khó bề được phục hồi, trong khi phong trào chống hạt nhân ở nước này đang lớn mạnh. Phong trào chống hạt nhân cũng lan rộng trong giới chủ. Như ông chủ tịch của tập đoàn Internet Softbank, sau khi chứng kiến thảm họa tại Fukushima, đã bắt đầu lao vào đấu tranh đòi chấm dứt khai thác hạt nhân trong trung hạn.

Tuy nhiên, theo Le Figaro, các cuộc đấu tranh vẫn còn manh mún. Ngành hạt nhân không chỉ được chính quyền ủng hộ, mà ngay cả người dân địa phương cũng hoan nghênh, do họ có thể kiếm được nhiều lợi ích từ chính quyền trung ương nếu họ tiếp nhận điện hạt nhân ở địa phương mình. Ngoài ra, nhà máy hạt nhân còn cung cấp công ăn việc làm cho người dân trong khu vực. Hơn nữa, cơ sở hạ tầng của nơi có nhà máy hạt nhân cũng được xây mới. Người dân thì được hưởng giá điện ưu tiên. Các công ty vừa và nhỏ thì được việc làm trong công trình bảo trì khu hạt nhân. Bởi thế, việc chính phủ cho đóng băng các dự án hạt nhân khó mà cầm lòng trước món lợi to lớn như vậy.

Ngành nông nghiệp Pháp phung phí nước

Libération dành trang nhất chạy tựa « Nước Pháp khô hạn », phản ánh tình hình thiếu nước tại Pháp, và nhận định nguyên nhân đến từ mô hình sản xuất nông nghiệp của Pháp còn nhiều hạn chế. Bộ Vận tải Pháp vào tối thứ sáu đã thành lập một văn phòng liên bộ đối phó với khủng hoảng. Văn phòng này sẽ vận hành từ ngày 20/6 để trả lời cho những nhà chăn nuôi gặp khó khăn trong việc tìm thức ăn cho gia súc. Cuộc khủng hoảng nêu trên chính là tình trạng hạn hán kỷ lục tại Pháp.

Nước Pháp đang đợi mưa. Thế nhưng, theo Libération, dẫu có mưa, thì tình hình cũng chẳng khá hơn nhiều.

 Pháp đang đối mặt với một mùa xuân nóng nhất kể từ năm 1900, và khô hạn nhất trong vòng 50 năm nay. Hậu quả là gần 3/4 lớp nước ngầm thấp dưới mức bình thường. Đất đai khô cằn. Việc sử dụng nước đã bị hạn chế ở 60 tỉnh. Tình hình chưa có dấu hiệu cải thiện. Đài khí tượng Pháp dự báo một mùa hè nóng bức, và cho biết khó dự báo được sẽ có mưa hay không.

Hạn hán đã gây hậu quả to lớn. Sản lượng điện tại các nhà máy thủy điện giảm 29%. Các nhà máy hạt nhân bị đe dọa.

Thế nhưng, tờ báo cho hay, bị tác động nặng nề nhất là nông dân. Đặc biệt đối với người chăn nuôi, họ vừa bị thiếu cỏ cho gia súc lại còn gặp cảnh giá ngũ cốc leo thang. Trong khi đó ngân sách nhà nước không đủ để hỗ trợ.

 Chẳng hạn như Quỹ chống thảm họa nông nghiệp quốc gia của Pháp chỉ có khoảng 100 triệu euro, trong khi công việc hỗ trợ nếu đầy đủ phải lên đến hàng trăm triệu euro. Chính phủ hiện tại cũng không dám chọn giải pháp thu thuế hạn hán như hồi năm 1976, vì sợ mất lòng dân trước thềm cuộc bầu cử tổng thống năm 2012.

Tìm hiểu nguyên nhân, theo Viện Nghiên cứu Nông học Quốc gia Inra, ở Pháp ngành nông nghiệp làm tiêu hao nhiều nước. Các nhà máy sản xuất năng lượng lấy nước rất nhiều, nhưng đa phần số nước này được tái chế, tức nó không được tiêu thụ. Trong khi đó, ngành nông nghiệp bề ngoài là lấy nước ít hơn, nhưng lại tiêu thụ đến 70% số nước được lấy, tức đa phần số nước được lấy bị tiêu hao.

Một chuyên gia thuộc Inra đề nghị nên chọn những loại cây trồng ít tốn nước hơn. Bà nhấn mạnh tầm quan trọng của công nghệ sinh học, đồng thời cũng cảnh báo không nên bỏ qua các kỹ thuật chọn giống cổ điển hay phương pháp lai tạo. Chẳng hạn như việc làm sao cho bắp ít tiêu nước hơn mà vẫn giữ được năng suất. Hay việc cải tiến năng suất cho cây bo bo, một loại cây ít tiêu tốn nước hơn bắp, nhưng thường thì năng suất thấp hơn.

Tuy nhiên, chuyên gia này kết luận : Nếu muốn năng suất thì lại còn tiêu tốn nước, đó là vòng lẩn quẩn chưa có lối thoát.

Hạn hán đe dọa an ninh lương thực thế giới

Cũng liên quan đến vấn này, Le Monde có cái nhìn tổng thể trên phạm vi thế giới. Tờ báo cho biết, hạn hán tại Bắc Âu không chỉ ảnh hưởng đến nông dân ở đây, mà còn gây tác động tiêu cực đến việc tiếp cận lương thực của các nước đang phát triển vốn lệ thuộc vào thị trường thế giới.

Theo tổ chức FAO, chỉ trong vòng 1 năm, giá lương thực đã tăng 71%. Trung Quốc hiện đang đối mặt với nạn thiếu mưa, và trong tương lai có thể phải nhập ngũ cốc. FAO đang theo dõi sát sao 70 nước có thu nhập thấp trong tình trạng thiếu lương thực, trong đó có đến 29 nước thuộc Châu Phi. Ở các nước như Yemen, Congo, Senegal, hay Syria tình hình lương thực là đáng lo, vì đây là những nước đi đầu trong việc nhập khẩu lương thực.

Thêm vào đó là hiện tượng nóng lên của địa cầu. Nếu nhiệt độ vượt 30°C, thì năng suất lúa, ngô sẽ bị ảnh hưởng, và việc trồng đậu cũng sẽ khó khăn. Nông dân châu Phi có thể sẽ đối mặt với tình trạng này từ đây cho đến năm 2050.

Trước thềm cuộc họp đầu tiên về nông nghiệp của G20, dự kiến vào ngày 22 và 23 tới tại Paris, đã rộ lên nhiều lời kêu gọi cải cách thị trường nông nghiệp thế giới. Theo FAO, gần 1 tỷ người đang bị đói và nhu cầu lương thực sẽ tăng 70% từ đây đến năm 2050.

 Tổ chức phi lợi nhuận Oxfam của Anh cũng yêu cầu có những giải pháp chống đầu cơ thực phẩm nông nghiệp, kêu gọi đầu tư ủng hộ nông nghiệp, và yêu cầu chấm dứt hỗ trợ việc sản xuất nhiên liệu sinh học ở các nước giàu. Tổ chức này nhắc lại, để làm đầy một bể chứa ethanol 4*4, cần đến 230 kg bắp, tức tương đương mức tiêu thụ một năm của một người Mêhicô.

Tiếp tục hỗ trợ 65 tỷ euro cho Hy Lạp

Việc tiếp tục thả phao cứu Hy Lạp ra khỏi vòng khủng hoảng là một vấn đề đau đầu và gây chia rẽ các nước thuộc khu vực đồng euro. Câu hỏi đặt ra là cứu Hy Lạp hay không ? Le Figaro mang đến câu trả lời với bài « Hy Lạp : Khu vực đồng euro thông báo gói hỗ trợ mới ».

Hôm qua, tại Luxembourg, người đứng đầu nhóm các bộ trưởng tài chính Liên hiệp châu Âu, ông Jean-Claude Juncker đã tuyên bố sẽ hỗ trợ bổ sung cho Hy Lạp.

 Kế hoạch trợ giúp mới này ước tính từ 60 đến 65 tỷ euros, từ nguồn huy động từ khu vực đồng euro, IMF, Hy Lạp và các ngân hàng. Vê phần mình, đại diện của EU, IMF và ngân hàng thế giới đã bật đèn xanh cho việc giải ngân vào đầu tháng 7 khoản tín dụng 12 tỷ euro, trong gói 110 tỷ hứa vào năm ngoái. Tuy nhiên, kèm theo đó, bộ tam này yêu cầu Hy Lạp phải tăng cường cải cách ngân sách và cấu trúc.

Chi tiết của gói hỗ trợ bổ sung chưa được tiết lộ, nhưng trên tổng thể, phần lớn sẽ được khu vực đồng euro cho vay (20 tỷ), IMF cho vay 10 tỷ. Nước chủ nhà Hy Lạp phải tự chịu một phần tư. Phần còn lại thuộc về lĩnh vực tư nhân trên cơ sở tự nguyện. Phần mà lĩnh vực tư nhân chịu cũng không phải nhỏ, có thể lên đến 20 tỷ euro.

Ngay sau đó, thị trường đã chào đón tin tốt lành này. Chiều hôm qua, thị trường chứng khoán Athenes đạt mức kỷ lục (hơn 4,42%), đồng euro lên đến 1,46 cho 1 đô la Mỹ, tức mức cao nhất kể từ đầu năm. Để được sự hỗ trợ này, Hy Lạp phải chấp nhận một số điều kiện được cho là nghiêm ngặt. Nước này cam kết phải tiết kiệm 6,4 tỷ euro từ đây đến cuối năm. Việc này sẽ kéo theo các biện pháp giảm biên chế, hạ lương, tăng cường giám sát thu thuế, tăng thuế giá trị gia tăng từ 13% lên 23%.

Trong khi chính phủ Athenes thở phào nhẹ nhõm, thì người dân tiếp tục phản đối. Một quan chức công đoàn Hy Lạp nhận định, gói cho vay mới này có nghĩa là Hy Lạp sẽ bị nhiều ràng buộc hơn. Ông bức xúc : « Người ta bán tài sản quốc gia và hút máu người dân, đó là một tội ác ». Le Figaro cho biết, hàng ngàn người sẽ xuống đường biểu tình ở thủ đô Athenes vào ngày hôm nay.

Trị bệnh bằng hoa cỏ

La Croix hôm nay quan tâm đến chủ đề có vẻ rất gần gũi với y học cổ truyền phương đông, đó là tận dụng cây cỏ để trị bệnh. Trồng các loại cây vừa có công dụng trị bệnh, vừa làm thức ăn, vừa để giải trí mang đến cho con người nềm say mê vô tận.

Chẳng hạn như hoa sen cạn xinh xắn, có vị rất đặc trưng, trang điểm cho các món trộn, tăng hương vị cho các món súp và lại có công dụng sát trùng và kháng sinh. Một chút siro hoa màu gà sẽ làm cho cơn ho biến mất một cách thần diệu.

Các bà mẹ trẻ đang thời kỳ cho con bú không quên sử dụng cây thì là bẹ, vừa lợi sữa, vừa ngon với các món ăn mặn cũng như ngọt. Cây oải hương có công dụng lợi tiểu và kích thích. Có thể dùng nó để sắc ra uống, hay thế cho húng tây trong món ragu, hoặc để thêm hương cho các món tráng miệng. Còn cây Đan Sâm thì bổ dưỡng, chống ra mồ hôi, chống ôxy hóa. Cây húng tây thì có công dụng sát trùng, giảm ho, liền sẹo.