Home Tin Tức Thời Sự Điểm báo Pháp Quốc ngày 02/06/2011

Điểm báo Pháp Quốc ngày 02/06/2011 PDF Print E-mail
Tác Giả: Mai Vân   
Thứ Năm, 02 Tháng 6 Năm 2011 21:49

Vụ xì căng đan sex DSK : Mỏ vàng của báo ‘'lá cải'’ New York

 

Các phóng viên chầu chực trước ngôi nhà số 71 Broadway, New York City,
nơi tạm trú của ông Dominique Strauss-Kahn sau khi ra nhà tù, 25/5/2011.
REUTERS/Mike Segar

Sau một thời gian rộ lên, vụ cựu lãnh đạo IMF Dominique Strauss-Kahn (DSK) bị truy tố tại Mỹ về các tai tiếng sex đã bớt được báo chí Pháp đề cập đến. Thế nhưng tại New York, nơi ông DSK bị quản chế chờ ngày ra tòa, tình hình lại khác. Nhật báo Le Figaro ghi nhận là hồ sơ vẫn nóng bỏng, và được các tờ báo phổ thông đại chúng, gọi nôm na là báo « lá cải » tiếp tục khai thác.

Theo Le Figaro, các tờ báo như Daily News hay New York Post vẫn thi nhau chạy những tít trang nhất rất giật gân, lôi cuốn. Phóng viên của họ vẫn chầu chực trước ngôi nhà nơi ông DSK bị quản thúc, rình rập nhất cử nhất động của bị cáo. Phóng viên báo Le Figaro tại New York cũng có mặt tại nơi đó và kể lại sự kiện một cách lý thú trong bài báo tựa đề : cuộc chạy đua giành tin độc (scoop) của báo lá cải New York, hàng tít lớn trang quốc tế .

Tác giả bài báo kể lại tỉ mỉ : hôm thứ 3, lúc 18 giờ, trước tòa nhà số 153 Franklin Street, cô Withney Evans, nhà báo trẻ tờ Daily News đã vội vã gọi điện thoại cho người chủ bút : cô vừa nói chuyện với đại diện một giáo phái Nhật Bản. Người này đã bỏ vào hộp thư của DSK hai tập sách. Đấy là một tin sốt dẻo mà đối thủ của Daily News là tờ New York Post sẽ không có được, vì phóng viên của New York Post đã rời khỏi nơi này nửa tiếng đồng hồ trước đó, sau khi mất 8 tiếng chầu chực.

Có thể là thoạt nghe qua, thông tin trên không có gì đáng lưu ý, nhưng đối với chủ bút một tờ báo lá cải, thì không thể bỏ qua, bất cứ tin gì cũng có thể được đưa lên và làm thành một bài báo gây sốc. Nhưng lần này thì tin của Evans rốt cuộc bị bỏ qua một bên, vì trong hồ sơ DSK, Daily News và New York Post chủ yếu dành những bài báo trong số ra ngày thứ 4, cho vấn đề sách nhiễu tình dục ở các khách sạn.

Theo Le Figaro, từ đầu vụ xì căn đan DSK, tờ New York Post, mà số phát hành lên đến 525.000 ấn bản mỗi ngày, đã đưa tin dồn dập, đặt cả phóng viên nhiếp ảnh trên nóc nhà. Không có gì qua được mắt họ, mọi chuyện đều được thông báo ngay, như việc có xe chở ô che nắng đến nhà DSK. Hôm thứ 3, thì tờ báo đã chạy tít về những người đàn ông làm bồi phòng của DSK, vì hôm thứ hai họ đã thấy có 2 người đàn ông đảm trách việc dọn dẹp.

Le Figaro trích dẫn giáo sư báo chí ở Đại học Quinniplac, ông Richard Hanley, cho là thật ra tờ New York Post không cần bịa chuyện, mà họ chỉ cần thổi phòng những tin rất vụn vặt, hay là những ý kiến mà họ nghe thấy. Vả lại tờ báo có thề lấy đầy đủ tin tức từ cảnh sát.

Một nguời trong ngành cho biết là phóng viên tờ báo này quen biết rất nhiều trong giới cảnh sát, họ được sự tín nhiệm và khi được bảo đảm là danh tánh người phát biểu không được nêu lên, cảnh sát sẵn sàng cho biết mọi thứ. Một nhà báo New York Post cho biết là tờ báo có 5 người ở trụ sở cảnh sát và cũng bấy nhiêu người ở toà án. Cho nên tờ báo biết tin rất sớm và đã là phương tiện truyền thông đầu tiên tiế lộ việc ông DSK bị bắt ngày 14 /05.

Nhưng tại sao tờ New York Post lại bám sát và dữ dằn như thế đối với cựu Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế ? Le Figaro nhìn thấy 2 lý do : trước tiên là sự vụ rất là ‘‘béo bở’’, đối một tờ báo mà người dân New York đọc trong các tàu điện ngầm vì khía cạnh hấp dẫn, giựt gân của các thông tin, những chuyện phiếm trong giới tên tuổi ở trang 6 chẳng hạn hay tin thể thao. Thật ra theo le Figaro tờ New York Post bị các báo ‘‘đứng đắn’’ ở Mỹ xem thường.

Ngoài lý do nêu trên, Le Figaro nhìn thấy một lý do thứ 2, đó là chủ nhân tờ New York Post, nhà tỷ phủ người Úc, Rupert Murdoch, từ lâu không thích Pháp, bị ông xem là một nước đồi trụy.

Le Figaro trích nhận định của một giáo sư báo chí Đại Học New York, ông Mark Miller, giải thích rằng đó là do « vấn đề ý thức hệ và người Pháp là mục tiêu dễ tấn công do những hình ảnh sáo mòn sẵn có về họ. Vả lại, dù có tấn công, phỉ báng ông DSK đến đâu đi nữa, thì trên mặt pháp lý, ông Murdoch không bị phiền hà gì cả. Lý do là vì quyền tự do ngôn luận được Hiến Pháp Mỹ bảo vệ ».

Ấn Độ rất băn khoăn trong quan hệ với Pakistan

Theo báo Le Monde, New Delhi mong muốn thúc đẩy tiến trình hoà bình với người láng giềng, nhưng lại rất ngại các nhóm thánh chiến từ Pakistan và thái độ không rõ ràng của quân đội Pakistan.

Từ sau sự vụ Ben Laden, đã ẩn náu ở Pakistan từ nhiều năm qua, Ấn Độ càng lo ngại và tự hỏi về sự hỗ trợ, bao che của guồng máy Pakistan đối với lực lượng Al Qaeda và các tổ chức thánh chiến Hồi giáo. Nhưng mặt khác, New Delhi không muốn là tình hình bất ổn định ở Pakistan dẫn đến một cuộc chiến với Ấn Độ.

Theo Le Monde, các nhà ngoại giao Ấn hiện nay đang nỗ lực tránh không để sự kiện này xẩy ra, một con đường rất gian nan và phức tạp. Theo tờ báo, những tiết lộ về vai trò của Pakistan, cũng như mức độ cấu kết giữa quân đội, tình báo Pakistan đối với mạng lưới thánh chiến khủng bố, vừa là khó khăn lớn trong việc thúc đẩy tiến trình hòa bình vì sẽ bị chống đối trong nước Ấn, vừa là yếu tố mà New Delhi sẽ sử dụng để được quốc tế trợ giúp mạnh mẽ trong cuộc đối đầu với Islamabad.

Ngân hàng Singapore và Thụy Sĩ còn thiếu minh bạch

Ở trang kinh tế, báo Le Figaro đã chú ý đến vấn đề minh bạch ngân hàng. Tờ báo ghi nhận : trong số các quốc gia bị tổ chức OCDE chỉ trích là không thực hiện đầy đủ các quy định minh bạch của quốc tế, có Singapore bên cạnh Thụy Sĩ.

Trong danh sách bị chỉ trích có đến 9 quốc gia, có cả Hoa Kỳ và Pháp, nhưng Thụy Sĩ và Singapore là hai nơi nổi tiếng là thông tin được bịt rất kín, và rất khó biết được về những người trốn thuế, ký gởi tài sản tại đó.

Theo Le Figaro tổ chức OCDE duy trì sức ép trên Thụy Sĩ để quốc gia này minh bạch hơn, sửa đổi những quy định vế trao đổi thông tin đang gây trở ngại. Trong lúc đó thì OCDE lại nhẹ nhàng hơn đối với Singapore. Điều này càng làm Thụy Sĩ bực tức vì tiền ‘giấu’ ở Thụy Sĩ đã chạy sang ẩn náu ở Singapore từ hai năm nay.

Cả nước Nhật bước vào ‘'thời điểm ăn mặc thoải mái khi đi làm’'

Trong một bài báo ngắn, Le Figaro ghi nhận sự kiện là kể từ hôm qua, và cho đến cuối tháng 10, người Nhật đi làm không còn phải mặc áo vét, complê, thắt cà vạt nữa, mà chỉ cần mặc áo phong, quần jean, với điều kiện là quần jean không rách hay thủng lỗ, như mốt trong thời gian gần đây.

Tóm lại, cách ăn mặc sẽ vô cùng thoải mái. Trên đây là sáng kiến và cũng là chiến dịch mà bộ trưởng môi trường Nhật vừa phát động : ''Super cool biz'’ (đi làm vô cùng thoải mái). Theo le Figaro, chính vị bộ trưởng đã làm gương, chụp hình mặc sơ mi, trước một cửa hàng lớn ở Tokyo.

Mục tiêu chiến dịch này là gì ? Tiết kiệm điện. Tác giả bài báo nhắc lại vào năm 2005, Nhật đã có chiến dịch gọi là ‘cool biz’ mục tiêu là giảm việc dùng điện hầu giảm chất thải CO2. Nhưng chiến dịch bắt đầu kể từ hôm qua là để đối phó với nạn thiếu điện sau động đất và sóng thần.

Theo Le Figaro để bớt việc tiêu thụ điện, các văn phòng đã giảm việc sử dụng máy điều hoà. Các máy bán nước uống tự động trên đường phố, máy bán vé xe lửa không còn hoạt động 24/ 24 nữa và ở các nhà ga chỉ một thang máy trên 2 là hoạt động mà thôi.

Trong chiến dịch ăn mặc thoải mái đi làm hiện nay, tờ báo hóm hỉnh cho là có một người sẽ vô cùng hài lòng đó là thống đốc Okinawa, vì chiếc áo truyền thống của vùng này, áo Aloha, một loại sơ mi rộng, kiểu như ở Hawaii, sẽ trở thành rất mốt và được yêu chuộng để chứng tỏ mình là người năng động.

Người Đức không làm việc nhiều hơn là người Hy Lạp

Cũng trên vấn đề làm việc và năng động, báo Le Monde ở trang kinh tế có bài đánh giá tựa đề : « Không, người Đức không làm việc nhiều hơn là người Hy Lạp ».

Sự vụ là vào giữa tháng 5, thủ tướng Đức bà Angela Merkel đã chỉ trích các nước bị nợ nần chồng chất như Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, bị bà ví là những quốc gia du lịch của ‘Club Med’ : nghỉ ngơi nhiều, đi về hưu sớm, trong lúc mà nhũng người khác phải làm nhiều, nghỉ ít.

Theo Le Monde những lời chỉ trích này đã khiến kinh tế gia Patrick Artus, thuộc ngân hàng Pháp Natixis bực tức. Ông đã phản bác ý kiến trên trong bản nghiên cứu mới của ông ngày 30/05/2011. Ông Artus khẳng định, không người Đức không làm việc nhiều hơn người dân ở các quốc gia Nam Âu. Thậm chí họ (người Đức) làm việc ít hơn nhiều và cũng không cật lực bằng.

Ông Artus trích dẫn số liệu của tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế OCDE, cho thấy vào năm 2009, thời gian làm việc bình quân của một người tại Đức là 1390 giờ trong năm. Trong khi đó, ở Tây Ban Nha, thời lượng là 1654 tiếng, ở Bồ Đào Nha là 1719, ở Hy Lạp còn cao hơn nữa : 2119 giờ.

Còn về tuổi về hưu, nếu tính theo tuổi quy định chính thức, ở Đức là 65, sắp tới sẽ lên 67, nhưng tuổi thực thụ về hưu trung bình ở Đức là 62,2. Tại Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha tình hình cũng tương tự : 62,3 ; 62,6. Hy lạp 61,5. Chỉ có Pháp và Ý là thấp nhất : 60 tuổi, hay 60,1.

Về năng suất thì người lao động Đức không hơn trung bình của các quốc gia Nam Âu. Còn nếu tính năng suất theo giờ thì Đức còn thua Hy Lạp.

Theo ông Artus, nếu kinh tế Đức vững mạnh, đứng đầu Châu Âu và chỉ đứng sau Trung Quốc về xuất khẩu, đó là nhờ khả năng sáng tạo của Đức, đã giành 2,82% GDP cho việc nghiên cứu và phát triển, trong lúc Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha chỉ dành có 1,38%. Ông Artus còn nêu lênh hai thế mạnh khác của Đức : mức tiết kiệm cao của người dân và các xí nghiệp, kế đến là nhân công được đào tạo tốt.

Ông kết luận : bà Angela Merkel đã không nêu lên được những vấn đề thực sự của các quốc gia Nam Âu dùng đồng euro.

Báo Le Monde nhận định : nếu bản nghiên cứu của ông Artus trích dẫn các so sánh trên đến được tận Athens, thì chắc hẳn nhiều người Hy Lạp sẽ mở cờ trong bụng, vì như một bộ trưởng Hy Lạp từng khẳng định : ‘‘Vấn đề không phải là các quốc gia phương Bắc phải chi trả cho những kẻ lười biếng phương Nam, vì chúng tôi thực sự làm việc có thể nói là rất cực nhọc nữa là khác.’’

Mai Vân